Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em hay nói một cách dễ hiểu hơn, đây là hiện tượng các bé nôn trớ do trào ngược dạ dày sau khi bú, hoặc ăn quá no. Trên thực tế có thể khẳng định rằng đây là một tình trạng ở trẻ mà các mẹ rất hay gặp, và hầu như mẹ nào đã hoặc đang nuôi con nhỏ, chắc chắn đều gặp không nhiều thì ít.
Bạn đang đọc: Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em – Nguyên nhân và giải pháp cho mẹ
Vậy, các mẹ có thể phân biệt được trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em sẽ khác với việc nôn trớ sinh lý của các bé như thế nào hay không? Nếu mẹ vẫn chưa rõ lắm, thì hãy tham khảo những thông tin được chia sẻ trong bài viết này của Blogtretho.edu.vn nhé. Từ đây, mẹ có thể biết bé nhà mình rơi vào trường hợp nào, để khắc phục hoặc chữa trị cho bé kịp thời.
Contents
1. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em
Đúng như tên gọi của hiện tượng này, trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là vấn đề sữa hay thức ăn không được thuận lợi khi di chuyển theo chiều xuôi từ thực quản xuống dạ dày, mà nó lại bị “đẩy” ngược từ dạ dày lên lại thực quản của bé, khiến trẻ phải nôn mọi thứ ra ngoài. Để làm rõ vấn đề thì có thể kể đến một vài nguyên nhân cụ thể khiến bé bị trào ngược dạ dày thực quản đó là:
Hệ tiêu hóa của bé còn yếu ớt: Trẻ em dưới 1 tuổi thì hệ tiêu hóa của bé hoạt động chưa được “trơn tru” lại khá yếu ớt. Đặc biệt là dạ dày của bé còn rất nhỏ, không thể tiêu hóa một lượng lớn sữa hay thức ăn. Hơn nữa, cơ thắt thực quản dưới của bé cũng rất yếu cộng thêm việc dạ dày của bé nằm ngang và cao hơn so với người lớn nên sữa hay thức ăn trong dạ dày rất dễ trào ngược lên thực quản nếu mẹ đột ngột thay đổi tư thế bế bé.
Thay đổi tư thế cho bé sau khi bú không đúng lúc: Khi mẹ đang cho bé bú thì sẽ giữ tư thế của cơ thể con theo kiểu xuôi hơi dốc từ đầu xuống chân, nhưng đến khi cho con bú xong, mà đặc biệt là khi bé đã bú quá no thì mẹ lại nhanh chóng đặt bé nằm ngửa hẳn trong nôi hay trên giường. Chính điều này đã khiến cơ thắt thực quản dưới của bé không kịp đóng để giữ sữa vừa đi xuống dạ dày, và hậu quả là sữa bị trào ngược lên lại làm bé nôn ra.
2. Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em khác với nôn trớ sinh lý ở điểm nào?
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em giống với việc bé bị nôn trớ sinh lý ở chỗ các bé nôn sữa hay thức ăn ra ngoài sau khi được bú hay ăn no. Tuy nhiên, hai hiện tượng này vẫn khác nhau ở một vài điểm mà mẹ ít khi để ý, đó là:
Nôn trớ sinh lý là hiện tượng trẻ bị nôn trong lúc bú hoặc ngay sau khi bú do được bú quá no hoặc nuốt phải nhiều khí hơi. Tuy nhiên, bé sẽ không bị nôn thường xuyên và vẫn khỏe mạnh, chơi đùa bình thường.
Tìm hiểu thêm: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh chưa rụng rốn với 5 câu hỏi thường gặp nhất
Trong khi trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là hiện tượng bé nôn trớ ngay khi mẹ thay đổi tư thế cho bé đột ngột. Khi bị trào ngược dạ dày thì bé sẽ nôn nhiều hơn bình thường. Đồng thời, bé sẽ có dấu hiệu sợ bú, khóc lóc khi mẹ cho ăn hoặc bú và thường xuyên vặn người.
3. Cách hạn chế việc trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em
Thứ nhất, mẹ nên chia việc cho bé bú sữa hay ăn dặm thành nhiều cữ nhỏ để trẻ hấp thu một lượng sữa và thức ăn phù hợp với dạ dày của mình.
Thứ hai, khi bé vừa mới bú sữa hay ăn dặm xong, mẹ không nên đột ngột đặt con nằm ngửa trên giường mà hãy bế đứng bé một lúc để con được tiêu hóa bớt lượng sữa hay thức ăn. Ngoài ra, mẹ cũng có thể sẵn tiện giúp con ợ hơi bằng cách vỗ nhẹ lưng bé để trẻ không bị khó tiêu.
Thứ ba, trong thời kì ăn dặm của bé, mẹ cũng nên cho con ăn cháo/ bột đặc một chút để giảm đi tần suất nôn trớ của bé nhằm giúp con hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn và dễ tăng cân hơn.
Thứ tư, đối với những bé đang tập lật mình, tập trườn hay tập bò thì mẹ chỉ nên để con thực hiện những hoạt động này khi đói bụng chứ không được để bé mới bú/ ăn no mà lại làm điều này nhé.
Thứ năm, khi thấy bé bị nôn trớ mẹ không nên hoảng loạn mà hãy nghiêng đầu bé qua hẳn một bên để con được nôn ra hết nhằm tránh việc sữa lại bị trào ngược vô trong đột ngột khiến bé bị sặc.
Thứ sáu, nếu bé nhà mẹ có bú bình thì mẹ cũng nên chú ý lựa chọn núm vú giả phù hợp với bé, để con không nuốt phải khí dư do bú phải bình không thích hợp dẫn đến nôn trớ nhé
>>>>>Xem thêm: Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh tránh bị nhiễm trùng
Cuối cùng, mẹ nên lưu ý rằng, mẹ cần đặc biệt lưu tâm nếu đã thực hiện nhiều cách để con không nôn trớ nhưng bé vẫn bị trào ngược dạ dày thực quản thường xuyên. Thậm chí ngay cả khi không bú/ ăn no, mà bé vẫn bị và cộng thêm các triệu chứng đáng ngại như bé không tăng cân, sợ bú, chán ăn, khó thở, quấy khóc, da dẻ xanh xao…thì mẹ nên đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt, để bé được khám và chữa trị cho đúng bệnh nhé.
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là một hiện tượng có thể nguy hiểm hoặc không tùy thuộc vào thể trạng của mỗi bé. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp mẹ đều không nên chủ quan để tránh việc bé rơi vào tình trạng nguy hiểm. Chúc bé yêu của các mẹ sẽ mau chóng hết nôn trớ khi bú hay ăn, để được tăng cân đều đặn và khỏe mạnh nhé.
Hoàng Oanh tổng hợp