Mẹo cai sữa cho trẻ hay sẽ giúp mẹ cai sữa cho con dễ dàng hơn và giúp cho các bé không còn quá lệ thuộc vào mẹ. Cai sữa mẹ thành công, bé có thể tự uống sữa ngoài, ăn dặm để mẹ yên tâm đi làm, còn bé thì đi học ngoan không quấy trường hợp bé được gửi trẻ.
Bạn đang đọc: Mẹo cai sữa cho trẻ hay giúp mẹ và bé đi qua ngày sóng gió nhẹ nhàng
Chúng ta đều biết rằng, sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Nhưng tới khi trẻ được từ 6 tháng tuổi trở lên, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cao vọt, nguồn sữa mẹ không thể lúc nào cũng đáp ứng đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé. Từ thời điểm đó, chất lượng sữa mẹ cũng giảm dần đi, không thể tốt và nhiều như những tháng đầu. Bên cạnh đó, vì một số lý do khác như mẹ phải quay trở lại công việc, lúc này việc cai sữa cho trẻ là điều nhiều mẹ buộc phải thực hiện.
Cai sữa cho bé có nhiều cách khác nhau nhiều mẹo khác nhau tuy nhiên, việc cai sữa cho các bé còn phụ thuộc cụ thể vào độ tuổi của mỗi trẻ, tính cách trẻ.
Contents
1. Mẹo cai sữa cho trẻ dưới một năm tuổi
Thật không dễ dàng gì khi phải cai sữa cho bé trong thời điểm này. Nếu bé say mê sữa mẹ mà bạn lại phải dừng hẳn việc cho bú sữa để thực hiện chế độ ăn dặm, hoặc vì một số lý do khác, chắc chắn bé sẽ có những phản ứng mạnh mẽ khi phải rời ti mẹ và rời khỏi món ăn yêu thích của mình.
Khi cai sữa cho trẻ dưới 1 tuổi, mẹo hay là bạn có thể vắt sữa ra chai, rồi tập cho bé bú bình thay vì ti mẹ. Bạn có thể tập cho con dần dần, tránh gấp gáp vì có thể sẽ phản tác dụng.
Trong trường hợp bạn là người trực tiếp đút bình sữa vào miệng bé, bé sẽ “đánh hơi” thấy ti mẹ ở ngay cạnh mình nên có thể sẽ chê sữa trong bình để tìm được ti mẹ. Do vậy, tốt nhất, bạn nên nhờ những người thân trong gia đình giúp bạn cho bé bú bình , còn mẹ có thể tránh sang phòng khác để bé không thể “đánh hơi” thấy.
Làm theo cách trên, trong quá trình cai sữa ở giai đoạn đầu, bé vẫn được bú sữa mẹ. Điều này bảo đảm phần nào bé vẫn nhận được nguồn dinh dưỡng và đề kháng tốt từ sữa mẹ.
Sau thời gian bé đã quen uống sữa từ bình, chứ không phải trực tiếp từ ti mẹ, việc cai sữa sẽ trở nên đơn giản hơn. Bạn cần giảm dần thời gian cho bé bú bình và tăng dần thời gian ăn dặm của bé.
Bạn cũng lưu ý, cai sữa cho con có thể khiến cho ngực mẹ căng tức. Vì thế, trong quá trình vắt sữa ra bình, bạn không nên vắt toàn bộ lượng sữa, chỉ vắt vừa đủ để ngực bớt đau với số lượng ít dần. Cơ thể bạn từ đó sẽ tự điều chỉnh để quá trình tạo sữa ít đi. Còn về phía bé, con cần kết hợp với việc vừa bú bình, vừa cho bé ăn dặm để tiếp nhận đầy đủ chất dinh dưỡng trong quá trình cai sữa.
2. Hành trình cai sữa cho ngày và đêm
Quá trình cai sữa cho trẻ cần dựa vào một số “chiến thuật”, kể cả ngày lẫn đêm. Ngoài việc áp dụng cho bé dưới một tuổi nếu mẹ buộc phải cai sữa sớm cho bé, hành trình này cũng có thể được xem xét áp dụng cho các bé trên 1 tuổi.
2.1. Cai sữa ban ngày
Những phương pháp dưới đây khá hiệu quả cho quá trình cai sữa cho trẻ vào ban ngày
- Đừng mời chào : Mẹ cứ mạnh dạn cho con bú khi con có nhu cầu, nhưng đừng tự “mời chào” khi trẻ đã no hoặc không chủ động muốn bú ti mẹ. Kỹ thuật đơn giản này được hiểu là “đừng mời mọc, nhưng cũng đừng từ chối”. Mục đích của việc này là để đẩy nhanh quá trình cai sữa mẹ trong lúc bạn đang thực hiện song song những phương án cai sữa khác.
- Thay đổi thói quen hàng ngày : Thay vì về nhà ngay sau khi đón bé từ nhà trẻ, bạn có thể đưa bé cùng đi đến cửa hàng tạp hóa, siêu thị hoặc bất cứ địa điểm nào khác. Cố gắng tránh về nhà, hạn chế cho bé luẩn quẩn ở khu vực bé thường hay được bú mẹ càng nhiều càng tốt.
Tìm hiểu thêm: 7 cách nấu cháo ngon, đơn giản với yến mạch và trái cây cho bé
- Mẹ nên nhờ cậy sự trợ giúp từ các thành viên khác trong gia đình. Nếu bé thường đòi bú ngay sau khi bé thức dậy vào buổi sáng, mẹ phải căn giờ và thức dậy trước bé. Mẹ cần rời khỏi phòng, thoát khỏi tầm mắt của bé để bố (hoặc bất cứ ai khác) sẽ thay mẹ chăm sóc bé vào giờ bé hay đòi ti mẹ nhất.
- Mẹ có thể chuẩn bị sẵn một bữa ăn nhẹ hoặc đồ uống để bố cho bé ăn. Bữa ăn dặm này giúp bé quên đi cơn đói và cơn thèm ti mẹ. Bố có thể giúp mẹ cho bé ăn, hay cho con ra sân nhà, mục đích là để bé làm quen với không gian mới và quên dần đi “lịch ti mẹ” vào giờ giấc như thường ngày. Nếu vẫn ở trong phòng, trẻ vẫn quen với thời gian biểu cũ và sẽ khóc ngằn ngặt đòi ti mẹ cho mà xem. Vào các buổi bú mẹ khác, bố hoặc những người thân trong gia đình nên phối hợp giúp mẹ thực hiện việc đưa bé đi chơi loanh quanh, cốt là không ở nhà trong không gian quen thuộc. Một số cách giúp bé quên giờ bú mẹ có thể là đọc sách cho bé nghe, cho bé tập đạp xe đạp trẻ em, chơi một món đồ chơi mới…
2.2. Cai sữa giờ đi ngủ
Cai sữa vào trước giờ đi ngủ (ngủ trưa và ngủ tối) là giai đoạn khá khó khăn, đặc biệt là vào ban đêm. Vì vậy, việc cai sữa giờ đi ngủ không chỉ cần phải dùng đến mẹo, mà mẹ còn phải rất bình tĩnh, cương quyết và cứng rắn.
Trong thời gian cai sữa, mẹ không nên quá… khắc nghiệt với trẻ. Để kệ trẻ nằm một mình và khóc ngằn ngặt mà không được bú mẹ không phải là cách hay. Ở gần con trong lúc con ngủ giúp bạn có thể để mắt tới con dễ dàng hơn, phát hiện ngay được lúc nào bé thức đòi ăn để vỗ về trẻ, giúp trẻ trấn tĩnh và vượt qua “đêm không sữa mẹ” một cách nhẹ nhàng.
Một số lưu ý khác giúp mẹ cai sữa giờ đi ngủ cho con bớt nặng nề có thể áp dụng như:
- Trước khi lên giường ngủ, bạn có thể cho trẻ dùng bữa nhẹ để trẻ no bụng, không cảm thấy đói và muốn đòi bú thêm.
- Vào giờ bé thường xuyên được bú sữa ban đêm, mẹ có thể ôm trẻ, trấn an con mình, kể chuyện bé nghe hoặc hát cho con nghe để bé quên đi việc đòi bú ti mẹ.
- Đọc sách trước giờ đi ngủ giúp bé quên đi… ti mẹ
Mẹo cai sữa cho trẻ, đặc biệt vào buổi đêm khuyến khích người mẹ tập trung vào việc ru con đi ngủ, chứ không phải cho con bú sữa. Mẹ có thể chuẩn bị trước những cuốn truyện tranh để đọc cho bé trước giờ đi ngủ. Bé được phép dựa vào ngực mẹ để nghe mẹ kể chuyện thay vì đòi ti mẹ. Mẹ cũng có thể trò chuyện thật nhiều với bé vì trẻ vẫn có thể hiểu được những điều bạn nói…
3. Nếu trẻ chưa sẵn sàng cai sữa?
Khi hành trình cai sữa diễn ra quá nhanh với một đứa trẻ, bé sẽ để lộ cảm xúc của mình: Bé cáu giận, lo lắng, thường xuyên thức dậy ban đêm… Đây chính là những dấu hiệu để mẹ nhận ra mẹ đã thực hiện các phương pháp cai sữa quá vội vàng. Trong trường hợp bé mệt, ốm hoặc đang mọc răng, mẹ không nên chọn thời điểm này để cai sữa cho bé. Lúc này, bé cần được nghỉ ngơi và chăm sóc nhiều hơn. Mẹ hãy quay trở lại việc cai sữa khi con đã hoàn toàn khỏe khoắn.
Trong trường hợp trẻ cai sữa muộn, rất có thể trẻ đã đủ tuổi để hiểu được những gì bạn giải thích. Nhiều trẻ hiểu được khái niệm “ngừng bú mẹ”. Một số bà mẹ đã chọn ra một ngày và thông báo với bé là “ngày cai sữa”. Sau ngày này, bé sẽ không bú mẹ nữa. Và trong ngày trọng đại ấy, bé sẽ được mẹ và mọi người trong gia đình tặng cho những món quà đặc biệt, có thể là chiếc bát, chiếc thìa xinh xắn để sau này bé dùng để ăn các món ăn ngon, hoặc là những món đồ chơi đáng yêu để bé chơi cùng và quên dần việc bú sữa…
Thực tế không phải đứa trẻ nào cũng hồ hởi với những món quà và chấp nhận cai sữa. Có nhiều bé, thậm chí đã bị stress triền miên khi mẹ không muốn cho bé ti nữa. Trong trường hợp này, mẹ cần dành ra nhiều thời gian với trẻ, giải thích trò chuyện với con để bé hiểu được rằng mẹ luôn gần gũi và không bỏ rơi bé. Và việc cai sữa là việc phải diễn ra khi bé mỗi ngày một lớn thêm.
Có những trẻ có thể sẽ rất cáu giận hoặc khóc lóc vật vã cả ngày nếu mẹ không cho bú ti. Trường hợp này xảy ra khá phổ biến – một dấu hiệu rõ ràng cho việc con chưa sẵn sàng để cai sữa hoặc không chấp nhận sự thật này. Trong những trường hợp như thế bắt buộc mẹ phải xem xét lại quy trình cai sữa mà mình đã áp dụng để làm lại, chọn phương pháp khác, tìm hiểu và áp dụng các mẹo cai sữa khác phù hợp hơn với trẻ. Điều này nhằm thuyết phục trẻ chấp nhận việc cai sữa một cách “có hiểu biết” vấn đề.
>>>>>Xem thêm: Trẻ 9 tháng tuổi và những thay đổi có thể bạn chưa biết hết
Cai sữa có thể là một khoảng thời gian khó khăn cho cả mẹ và con. Bản thân người mẹ dù là người chủ động cũng xuất hiện những cảm xúc buồn bã, lo lắng, thương cảm, tuyệt vọng, đặc biệt là khi em bé chỉ nằng nặc đòi bú mẹ chứ không chịu ăn uống gì khác. Mẹo cai sữa cho trẻ dưới 1 tuổi nói riêng, các mẹo khác nói chung cũng có thể được xem là kho phương thức, giúp các bà mẹ tìm ra được, chọn ra được cách cai sữa phù hợp nhất cho con mình. Nhờ đó, những ngày cai sữa thực sự sẽ có kết quả, ít sóng gió và không trở thành những nỗi ám ảnh cho cả mẹ lẫn bé.
Nguồn tham khảo: Llli.org
Phương Linh tổng hợp