Bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh là bệnh rất phổ biến và thường gặp. Bệnh không hề khó chữa và có thể phòng tránh được, tuy nhiên, viêm da lại gây khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, việc ba mẹ thiếu kiến thức về bệnh viêm da và quá chủ quan trong quá trình chăm sóc, điều trị cũng có thể để lại những biến chứng không ngờ cho trẻ về mặt sức khỏe và thẩm mỹ. Để đảm bảo cho con yêu luôn khỏe mạnh và phát triển tốt nhất trong những tháng đầu đời, ba mẹ hãy cùng Blogtretho.edu.vn tìm hiểu về bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh để biết cách xử lý và phòng tránh cho con nhé!
Bạn đang đọc: Bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh – Ba mẹ không nên coi thường
Contents
- 1 1. Bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh là gì?
- 2 2. Dấu hiệu nhận biết chung các loại bệnh viêm da
- 3 3. Những biến chứng và hậu quả của căn bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh
- 4 4. Nguyên nhân gây ra các bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh
- 5 5. Cách xử lý và phòng tránh bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh
- 6 6. Các lưu ý ba mẹ nên ghi nhớ về bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh
- 7 7. Các loại bệnh viêm da thường gặp ở trẻ sơ sinh
1. Bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh là gì?
Viêm da ở trẻ sơ sinh là tình trạng da trẻ phản ứng lại với những tác nhân bên ngoài. Viêm da ở trẻ sơ sinh là một bệnh thường gặp, hầu hết là do cơ địa của trẻ hoặc do trẻ bị dị ứng. Những bệnh viêm da không quá nghiêm trọng nếu ba mẹ biết cách chăm sóc, xử lý kịp thời và trẻ được điều trị đúng cách. Tuy nhiên nếu quá chủ quan và không nhanh chóng đưa trẻ đi điều trị thì có thể khiến bệnh thêm nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho trẻ.
Trẻ sơ sinh khi bị viêm da sẽ hay ngứa ngáy, khó chịu, thậm chí đau rát, khiến trẻ thường quấy khóc và không có giấc ngủ ngon. Quá trình điều trị bệnh viêm da cũng cần thời gian, đòi hỏi ba mẹ phải thật kiên nhẫn và có đầy đủ kiến thức về căn bệnh này để phòng ngừa trẻ bị tái bệnh lại.
2. Dấu hiệu nhận biết chung các loại bệnh viêm da
Mỗi loại bệnh viêm da sẽ có những dấu hiệu nhận biết riêng, tuy nhiên hầu hết sẽ có những biểu hiện sau:
- Giai đoạn cấp tính : da trẻ bị đỏ, nổi mụn nước thành từng mảng, hơi sưng, cảm giác ngứa ngáy hoặc đau đớn, nếu ngửi kỹ sẽ có mùi hôi khó chịu.
- Giai đoạn bán cấp : da bắt đầu khô lại sau khi mụn nước vỡ, ít ngứa hơn.
- Giai đoạn mãn tính : da dày hơn, vảy bong ra, sần sùi và sậm màu, vẫn ngứa râm ran.
3. Những biến chứng và hậu quả của căn bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh
Bệnh viêm da vốn không khó trị, đa số là lành tính và sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều trường hợp bé không được xử lý, đưa đi chữa trị kịp thời hoặc không được chăm sóc đúng cách đã dẫn đến biến chứng nhiễm trùng da ở trẻ sơ sinh.
- Vùng da bị viêm của trẻ vốn đã đỏ và mỏng sẽ lan rộng hơn, chảy máu, chảy mủ rất nhiều. Nếu ba mẹ không vệ sinh kịp thời, vùng da này sẽ dần loét đỏ, càng lâu vết loét sẽ càng to hơn. Các bọng nước khi vỡ ra cần có môi trường sạch sẽ, thoáng mát để khô lại và nhanh đóng vảy, nên nếu để da trẻ ở môi trường ẩm ướt, nhiều vi khuẩn, vết thương sẽ không lành được và gây nhiễm trùng bội, nếu không được chữa trị sẽ rất nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng với trẻ.
- Sau khi bệnh khỏi có thể để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ cho làn da của trẻ .
- Trẻ sẽ gặp tình trạng sốt cao và biếng ăn, khó ngủ, gây sụt cân, khó phát triển chiều cao, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.
4. Nguyên nhân gây ra các bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh
Theo TS.BS Nguyễn Thị Như Lan, Trưởng khoa Laser Phẫu thuật tại Viện Da liễu Trung ương, có khoảng 90% trẻ từ sơ sinh đến 3 tuổi gặp phải tình trạng viêm da. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này ở trẻ sơ sinh.
- Nhiễm vi khuẩn từ bên ngoài : Do cấu tạo da của trẻ vô vùng non yếu, cộng thêm hệ miễn dịch của trẻ còn chưa hoàn thiện sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và tấn công da. Các vùng da thường xuyên bị mắc các bệnh viêm da là vùng quấn tã như là mông, hông, bẹn, bộ phận sinh dục,…
- Yếu tố di truyền : Đối với những trường hợp bị viêm da cơ địa, có thể yếu tố di truyền là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh. Đặc biệt là những gia đình có tiền sử mắc các bệnh về dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn, bị mề đay, hen suyễn,… thì trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ mắc các bệnh viêm da cao hơn.
- Vấn đề vệ sinh của trẻ : Bên cạnh đó, việc ba mẹ không vệ sinh cho trẻ đúng cách cũng khiến trẻ dễ bị viêm da như: tắm và vệ sinh cho trẻ không sạch, không thường xuyên thay quần áo cho trẻ khi trời nóng, cho trẻ mặc tã quá lâu. Việc không dọn phòng sạch sẽ hoặc cho trẻ chơi đồ chơi không an toàn, không đảm bảo vệ sinh cũng góp phần khiến trẻ bị bệnh về da.
- Bị dị ứng với các tác động bên ngoài : Môi trường bị ô nhiễm, khói bụi, nhiệt độ, thay đổi khí hậu,… là những tác động thường dễ khiến trẻ bị dị ứng. Ngoài ra còn những tác động khác như lông động vật, sữa mẹ , bụi vải,… cũng khiến trẻ dễ bị dị ứng nếu da quá nhạy cảm.
5. Cách xử lý và phòng tránh bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh
Nếu trẻ không may mắc phải bệnh viêm da thì ba mẹ cũng đừng quá bối rối và lo lắng, hãy bình tĩnh đưa con đi thăm khám và xử lý vùng da bị viêm của con một cách cẩn thận, con sẽ mau chóng khỏi bệnh thôi.
5.1. Cách xử lý bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh
- Luôn vệ sinh và tắm rửa sạch sẽ cho trẻ : Tắm rửa sạch sẽ hàng ngày sẽ khiến tình trạng bệnh của trẻ được cải thiện hơn. Tốt nhất nên tắm trẻ bằng nước hơi ấm, vì nước nóng quá sẽ khiến da trẻ bị khô nhiều hơn. Sử dụng xà phòng dịu nhẹ, loại chuyên dùng cho da bị viêm, da bị dị ứng. Thoa xà phòng theo đường vòng tròn nhỏ và tránh chà xát quá mạnh lên da trẻ. Sử dụng khăn mềm thấm khô người trẻ sau khi tắm xong. Giặt sạch quần áo của trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn. Dùng xà phòng không mùi và hạn chế dùng các loại nước xả tạo mùi thơm để tránh kích ứng làn da đang rất nhạy cảm của trẻ.
- Dưỡng ẩm cho da của trẻ : Ngay khi da trẻ còn hơi ẩm, thoa một lượng kem dưỡng ẩm hoặc chất làm mềm lên da trẻ.
- Giữ cho da trẻ thoáng mát : Cho trẻ mặc quần áo làm từ chất liệu mềm mại, thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt. Nhiệt độ nơi trẻ nằm không quá cao, nên cho trẻ ở phòng sạch sẽ, thoáng mát và đủ ẩm. Nên chọn nệm, vải lót cho trẻ loại mềm mại và thấm hút tốt.
- Chữa trị kịp thời : Khi thấy con có dấu hiệu bị viêm da, ba mẹ tốt nhất nên đưa con đến bác sĩ để thăm khám và chuẩn đoán chính xác bệnh cho con cũng như có được cách chữa trị an toàn và hiệu quả.
5.2. Cách phòng tránh bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh
- Chọn và thay tã cho trẻ : Thường xuyên thay tã cho trẻ, tốt nhất là 3 tiếng/lần, nếu tã có nhiều phân hoặc nước tiểu thì nên thay tã mới cho trẻ. Ba mẹ nên tìm hiểu và lựa chọn kỹ càng những loại tã, bỉm có chất lượng tốt và vừa với kích cỡ của con. Việc chọn tã có khả năng thấm hút tốt sẽ giúp da của trẻ luôn thoáng mát, khô ráo, hạn chế được các bệnh viêm da.
- Vệ sinh cho trẻ : Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ mỗi khi đi tiểu hoặc đại tiện xong, lau khô vùng bẹn, mông bằng khăn mềm để vùng mặc tã của trẻ luôn khô thoáng. Tắm cho trẻ mỗi ngày bằng các loại xà phòng diệt khuẩn và có độ pH phù hợp, dịu nhẹ với làn da của trẻ.
- Giữ ấm cho trẻ : Ba mẹ nên cho trẻ tắm nước ấm khi trời chuyển lạnh, đồng thời không để cơ thể trẻ bị nhiễm lạnh đột ngột vì sẽ dễ dẫn đến tình trạng viêm da ở trẻ.
- Hạn chế tác động xấu từ bên ngoài : Tránh để trẻ phải tiếp xúc với môi trường có nhiều hóa chất độc hại, nhiều khỏi bụi. Khi đưa trẻ ra ngoài, hãy đeo găng tay, đi giày và đội nón cho trẻ. Lựa chọn áo quần dài tay để trẻ không phải tiếp xúc quá nhiều với bụi bẩn mang vi khuẩn dễ gây dị ứng với da trẻ. Đặc biệt khi đi từ ngoài về nhà, hãy vệ sinh làn da của trẻ sạch sẽ để loại bỏ hết bụi bẩn, ngăn ngừa bệnh viêm da.
- Thực đơn ăn uống của mẹ : Dù khá bất ngờ, nhưng vì nguyên nhân khiến trẻ bị dị ứng da một phần là do sữa mẹ, nên việc mẹ ăn gì hay uống gì cũng ảnh hưởng rất lớn đến những trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ. Nếu trẻ bú sữa ngoài, hãy đảm bảo nguồn sữa không có những chất gây hại hay dễ khiến trẻ bị kích ứng.
6. Các lưu ý ba mẹ nên ghi nhớ về bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh
Tìm hiểu thêm: 3 cách nấu cháo yến mạch cho bé ăn dặm cơ bản nhất mẹ nào cũng nên biết
- Không nên để tình trạng viêm quá nặng mới đưa trẻ đi khám vì nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và có thể để lại hậu quả về mặt thẩm mỹ.
- Không nên tự ý tắm cho trẻ bằng các loại nước lá vì có thể trên lá còn sót lại hóa chất như thuốc bảo vệ thực vật gây viêm nhiễm nặng hơn.
- Ba mẹ nên tìm hiểu thật kỹ các loại thuốc bôi trước khi bôi lên da trẻ, tốt nhất nên mua thuốc theo toa của bác sĩ, có thể thử trước lên da mình trước khi bôi lên người trẻ. Đồng thời không tự ý tăng, giảm liều lượng thuốc hay thành phần trong đơn thuốc.
- Điều chỉnh thực đơn ăn uống của mẹ một cách phù hợp hơn nếu bé bú sữa mẹ. Hạn chế ăn những loại thức ăn dễ gây dị ứng cho trẻ như sữa bò, trứng, cá, đậu nành, đậu phộng,… Nếu bé bú sữa bình , hãy kiểm tra kỹ các thành phần trong sữa đảm bảo không gây kích ứng nào cho trẻ.
- Ba mẹ cố gắng hạn chế để con gãi hay tự chà xát lên vùng da bị viêm vì sẽ khiến tình hình bệnh thêm tệ hơn. Cắt móng tay cho bé gọn gàng và có thể đeo thêm găng tay nếu bé gãi quá nhiều.
7. Các loại bệnh viêm da thường gặp ở trẻ sơ sinh
Vì viêm da vốn chỉ là một từ ngữ để chỉ các loại bệnh viêm da nói chung, còn bên trong nó bao gồm rất nhiều loại viêm da ở trẻ sơ sinh khác nhau, và còn tùy thuộc vào từng độ tuổi mà lại chia thành những tên gọi, cấp độ khác nữa. Tuy nhiên, có những dạng bệnh viêm da mà trẻ sơ sinh hầu hết thường mắc phải, ba mẹ nên tìm hiểu để biết và chữa trị kịp thời cho trẻ.
7.1. Bệnh chàm sữa
7.1.1. Bệnh chàm sữa là gì?
Bệnh chàm sữa thuộc thể bệnh viêm da cơ địa, là một dạng tổn thương do viêm da cơ địa, tuy nhiên chàm sữa chỉ xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Chàm sữa hay còn gọi là lác sữa, là một dạng của Eczema. Bệnh thường bắt đầu phát khi trẻ được 2-3 tuần tuổi. Chàm sữa hình thành và tiến triển từng đợt, dễ tái phát và thành bệnh mãn tính. Tùy vào cơ địa của mỗi trẻ mà bệnh có thể nặng nhẹ khác nhau. Chàm sữa không phải bệnh truyền nhiễm, thường kéo dài hoặc mãn tính nhưng trong nhiều trường hợp, bệnh sẽ tự khỏi khi trẻ được 18-24 tháng tuổi. Chàm sữa thường xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, nhiều nhất là ở vùng mặt như má, cằm và trán, vùng da đầu.
7.1.2. Dấu hiệu nhận biết:
- Giai đoạn mới phát : da trẻ xuất hiện những mảng đỏ, bắt đầu nổi mụn nước nhỏ li ti, trẻ bị ngứa ngáy rất khó chịu. Ba mẹ sẽ thấy trẻ thường đưa tay lên dụi mặt hoặc chà mặt vào gối cho bớt ngứa. Khi trẻ gãi, các mụn nước vỡ ra và lan sang các vùng da xung quanh.
- Giai đoạn sau : Khi mụn nước vỡ sau một thời gian sẽ đọng lại trên da, hình thành nên một lớp vảy dày và cứng, lâu ngày vảy sẽ bong ra. Giai đoạn này nếu không để ý kỹ mà để bé sẽ tiếp tục gãi sẽ khiến cho vùng da chàm bị thương nặng hơn, rất lâu khỏi hẳn.
7.1.3. Nguyên nhân dẫn đến bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Bệnh chàm sữa đã được các chuyên gia nghiên cứu thường dễ bị mắc phải bởi những nguyên nhân sau:
- Những trẻ có cơ địa đặc biệt dễ bị dị ứng hoặc trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh như mề đay, hen suyễn hoặc dị ứng da do thời tiết.
- Bé bị dị ứng bởi nguồn thức ăn từ mẹ. Vì bé tiếp nhận trực tiếp nguồn sữa từ mẹ, nên ví dụ như nếu mẹ ăn các thức ăn tanh hoặc các loại hoải sản nhưng cơ thể bé không thích nghi được sẽ gây ra tình trạng bé dị ứng với sữa mẹ.
- Các yếu tố tác động từ môi trường và không gian sống lên trẻ cũng dễ khiến trẻ bị mắc bệnh chàm sữa như: không khí ô nhiễm, khói bụi, phòng không được vệ sinh kỹ, thay đổi thời tiết hoặc do lông của các loài động vật,…
7.2. Bệnh viêm da tiết bã
7.2.1. Bệnh viêm da tiết bã là gì?
Bệnh viêm da tiết bã, hay còn gọi là bệnh viêm da đầu, cực kỳ phổ biến ở trẻ. Bệnh này lành tính, thường xuất hiện trong hai tháng đầu sau sinh và có thể tự khỏi trong vòng vài tháng hoặc chỉ trong một tháng. Viêm da tiết bã trông khá giống với bệnh chàm ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên điểm khác biệt là viêm da tiết bã không gây ngứa, vùng da bị viêm thường là những vùng có nhiều chất nhờn tiết ra như da đầu, sau tai, dưới lông mày,…
7.2.2. Dấu hiệu nhận biết:
- Da trẻ xuất hiện nếp gấp, nếp nhăn, chủ yếu ở sau mang tai và cổ. Vùng da bị viêm sẽ đỏ lên và da trẻ khô hơn .
- Da có những vảy nhỏ màu vàng hoặc trắng tạo thành từng mảng, thường lớp vảy sẽ tập trung ở đỉnh đầu hoặc lan khắp cả da đầu, khô và bong ra.
7.2.3. Nguyên nhân của bệnh tiết bã
Nguyên nhân cụ thể gây viêm da tiết bã ở trẻ chưa được xác định, tuy nhiên các nhà khoa học cho biết bệnh không phải do bị lây nhiễm hoặc vấn đề vệ sinh kém mà xuất phát một phần do di truyền. Bên cạnh đó, một vài yếu tố khiến khả năng mắc bệnh cao hơn như:
- Tuyến mồ hôi của trẻ bị rối loạn gây nên tình trạng tiết bã nhờn quá nhiều.
- Do sự tồn tại của một loài nấm men là Malassezia trên da.
- Các yếu tố tác động từ bên ngoài như dị ứng thời tiết hoặc không phù hợp với sữa mẹ.
7.3. Bệnh viêm da mủ
7.3.1. Vài nét về bệnh viêm da mủ
Theo các thống kê gần đây về bệnh da liễu, tình trạng bị viêm da mủ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chiếm 90% và đang có dấu hiệu tăng cao. Bệnh viêm da mủ là bệnh thường gặp ở trẻ và có xu hướng phát triển mạnh hơn vào mùa hè, đây là thời điểm nắng nóng, trẻ dễ tiết mồ hôi nên tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Ba mẹ không nen xem nhẹ loại bệnh này vì nếu không sớm phát hiện và điều trị đúng cách có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Bệnh viêm da mủ được chia làm hai nhóm chính là viêm da mủ do tụ cầu khuẩn và viêm da mủ do liên cầu khuẩn.
7.3.2. Dấu hiệu nhận biết viêm da mủ do tụ cầu
- Dấu hiệu ban đầu : da trẻ hình thành các nhọt hoặc chốc .
- Giai đoạn khởi phát : trẻ sốt cao, đau họng, mệt mỏi, khó chịu, đau rát da vùng bị viêm.
- Sau 1-2 ngày : những bọng nước nông bị vỡ nhanh chóng tạo thành lớp vảy mỏng hơi nhăn, toàn thân trẻ có thể đỏ lên.
7.3.3. Dấu hiệu nhận biết viêm da mủ do liên cầu
- Da trẻ xuất hiện những dát đỏ từ 0.5-1 cm.
- Sau một thời gian, trên những dát đỏ sẽ xuất hiện bọng nước hơi nhăn nheo, có quầng đỏ viêm xung quanh bọng nước. Bọng nước này sẽ trở thành bọng mủ chỉ sau thời gian ngắn là khoảng vài tiếng.
- Khi bọng mủ bị vỡ sẽ tạo thành vảy. Khi vảy tự bong ra sẽ để lại lớp da mỏng đỏ.
7.3.4. Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm da mủ
- Do cấu tạo da của trẻ sơ sinh rất mỏng và yếu nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập.
- Do phòng ngủ của bé không được thông thoáng, quá bí bách hoặc không được vệ sinh sạch sẽ cùng khiến da trẻ dễ mắc bệnh.
- Bé được tắm và vệ sinh không kỹ hoặc không đúng cách.
- Quần áo của bé quá thô ráp gây chà sát mạnh lên da khiến da dễ bị viêm mủ.
- Ba mẹ đóng tã, bỉm cho trẻ quá lâu khiến vùng da đó bị ẩm ướt và gây hầm, bí da.
>>>>>Xem thêm: Chăm sóc trẻ sơ sinh đẻ mổ mẹ cần lưu ý gì?
Bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh, bên cạnh việc dễ phát hiện và có thể chữa khỏi, thì cũng rất dễ tái lại, mất thời gian lâu dài để điều trị. Những bệnh ở trẻ sơ sinh chẳng những khiến trẻ khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn khiến ba mẹ phải vất vả chăm sóc, lo lắng cho con ngày đêm. Chuyên mục Có con 0-12 tháng luôn hi vọng có thể chia sẻ những kiến thức bổ ích và cần thiết nhất cho những ba mẹ muốn tìm hiểu về cách bảo vệ sức khỏe cho con, hay những người có quan tâm đến trẻ nhỏ. Hãy là những bậc phụ huynh thương con và bảo vệ con theo cách thông minh, ba mẹ nhé!
Nguyễn Diệp tổng hợp