Thực đơn ăn dặm cho bé là vấn đề thường được các mẹ tìm hiểu và chuẩn bị khá kỹ, khi bé sắp bước qua tháng tuổi thứ sáu. Vì theo tâm lý của các bà mẹ nuôi con nhỏ, thì đây có thể được xem là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của con, và bất kỳ bà mẹ nào cũng muốn một khởi đầu thật thuận lợi. Đó là lý do các mẹ chú trọng đến các nhóm thực phẩm chính, mà ít khi hoặc thậm chí không nghĩ tới các loại thực phẩm phụ khác, tiêu biểu nhất là gia vị.
Bạn đang đọc: Thực đơn ăn dặm cho bé có sử dụng gia vị – tại sao không?
Có lẽ đối với các mẹ thì trẻ bắt đầu tập ăn chưa được ăn gia vị. Đây là lý do trong thực đơn ăn dặm cho bé, gia vị ít được quan tâm đúng, sử dụng đúng hoặc cả thảy đều rất băn khoăn hoặc ngạc nhiên, nếu được khuyên cho thêm gia vị nào đó. Không cho gia vị là đúng đối với đường, muối, bột ngọt, bột nêm hay nước mắm. Tuy nhiên có những loại gia vị tự nhiên (gia vị từ thực vật) mà bạn có thể cho bé thử, vì chúng sẽ có lợi cho sự phát triển cảm nhận về mùi vị của trẻ, cụ thể như gừng, quế hay đinh hương.
Để tìm hiểu rõ hơn về điều này, chúng ta hãy cùng xem lợi ích cụ thể của việc cho trẻ làm quen với gia vị có lợi từ khi ăn dặm, qua ý kiến của một số chuyên gia nhé.
Trước tiên chúng ta hãy cùng xem việc cho trẻ tập ăn dặm làm quen với gia vị mang lại lợi ích gì, cũng như điểm qua những loại gia vị nên và không nên cho trẻ thử trong thực đơn ăn dặm cho bé ra sao như dưới đây.
Contents
- 1 1. Lợi ích của việc cho trẻ làm quen với các món ăn dặm với gia vị từ sớm
- 2 2. Gia vị nên và không nên đưa vào thực đơn ăn dặm cho bé
- 3 3. Ý kiến của một số chuyên gia về việc cho trẻ ăn gia vị đặc biệt là gia vị cay
- 3.1 Theo Marilyn Tanner-Blasier – chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa tại Đại học Y Washington ở St. Louis và phát ngôn viên của Viện dinh dưỡng và Ăn kiêng:
- 3.2 Theo bác sĩ Anca Safta, bác sĩ khoa Tiêu hóa nhi, Giám đốc mảng nội soi và là trợ lý giáo sư tại Đại học Maryland:
- 3.3 Theo VanessaKane-Alves – chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng cho Chương trình Y tế dành cho tuổi vị thành niên/ Rối loạn ăn uống tại Bệnh viện Nhi Boston:
- 3.4 Theo Vandana Sheth – người phát ngôn của Viện dinh dưỡng và ăn kiêng:
- 3.5 Theo Tiến sĩ Stephen Borowitz, giáo sư nhi khoa tại Đại học Virginia:
1. Lợi ích của việc cho trẻ làm quen với các món ăn dặm với gia vị từ sớm
Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy những lợi ích mà các loại gia vị có thể mang lại cho sức khỏe của chúng ta, trong đó được đánh giá cao nhất là khả năng chống lại quá trình oxy hóa trong cơ thể. Ngoài ra là khả năng làm giảm triệu chứng hoặc góp phần cải thiện một số bệnh tật.
Tuy nhiên, riêng đối với trẻ ăn dặm thì giới thiệu gia vị nhằm mục đích cho trẻ trải nghiệm các loại thực phẩm và mùi vị khác nhau, hơn là tập trung vào vấn đề dinh dưỡng. Việc này sẽ rất có lợi vì nó có thể giúp trẻ:
- Dễ dàng chuyển sang ăn cùng thực đơn của gia đình
- Tạo cơ hội cho trẻ khám phá thực phẩm
- Giảm nguy cơ trẻ trở thành một người kén ăn (về lâu dài)
2. Gia vị nên và không nên đưa vào thực đơn ăn dặm cho bé
2.1. Những loại gia vị bạn có thể cho trẻ thử
Khi trẻ đã được 6 tháng tuổi và đã quen với thức ăn lỏng, bạn có thể cho con thử một số loại gia vị từ thực vật có hương thơm như quế, tỏi, hành, vani, nghệ, gừng, nhục đậu khấu, rau mùi, thì là. Và quá trình thử này cũng bắt đầu từng bước một, từng ít một và bắt đầu từ gia vị nhẹ nhất.
Cụ thể, bạn hãy bắt đầu với gia vị dạng bột hoặc nước cốt (lượng ít) để tránh tình trạng trẻ bị hóc. Việc cho trẻ ăn gia vị như thế nào có thể làm bạn bối rối nhưng đừng quá lo lắng hay phức tạp hóa vấn đề. Hãy áp dụng quy tắc bạn thường sử dụng đối với gia vị như: cho một chút bột cà ri hoặc thì là vào món đậu lăng nghiền hay cà ry, hoặc cho một ít bột quế và nhục đậu khấu vào món cháo yến mạch hay táo nghiền,…
2.2. Những gia vị bạn nên tránh cho trẻ thử khi ăn dặm
Dù việc giới thiệu gia vị sớm cho trẻ được khuyến khích nhưng không phải loại nào cũng có thể cho trẻ thử. Bạn nên tránh những loại khiến trẻ bị kích thích, dị ứng hay ngoài sức chịu đựng của trẻ. Để xác định được trẻ có mắc phải những tình trạng trên khi ăn gia vị không, bạn hãy sử dụng quy tắc như đối với tất cả các loại thực phẩm khác đó là thử một loại một lần, sau đó đợi một vài ngày để xem phản ứng của trẻ rồi mới chuyển sang loại khác. Việc thử, như đã đề cập, nên bắt đầu với lượng nhỏ.
3. Ý kiến của một số chuyên gia về việc cho trẻ ăn gia vị đặc biệt là gia vị cay
Gia vị thực vật cũng có khá nhiều gia vị cay đậm, nên câu hỏi được đặt ra là liệu có nên cho trẻ tập và thử gia vị cay hay không. Hay, gia vị cay có làm hại hệ tiêu hóa hoặc ảnh hưởng vị giác của các bé không,…Dưới đây là câu trả lời của một số chuyên gia cho các câu hỏi liên quan tựa như thế, chúng ta cùng tham khảo nhé.
Tìm hiểu thêm: Khi nào cho trẻ ăn dặm là phù hợp nhất mẹ đã thực sự nắm rõ?
Theo Marilyn Tanner-Blasier – chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa tại Đại học Y Washington ở St. Louis và phát ngôn viên của Viện dinh dưỡng và Ăn kiêng:
Hiện nay mọi thứ đã thay đổi, mọi người – đặc biệt là các bậc cha mẹ đã cởi mở hơn rất nhiều trong việc giới thiệu thức ăn cho trẻ khi bước vào gia đoạn bé ăn dặm . Nếu trong quá trình cho bé bú bạn ăn các loại gia vị hoặc ăn cay, thì chúng cũng có mặt trong sữa của bạn, và trẻ sẽ được trải nghiệm những mùi vị đó ngay từ khi bú mẹ. Việc trẻ thích chúng sau này có nhiều khả năng xảy ra.
Hãy lưu ý rằng, việc cho trẻ thử những thực phẩm hoặc gia vị quá mạnh theo “phiên bản” dành cho người lớn có thể quá sức của trẻ. Vì vậy, bạn hãy giới thiệu những mùi vị mới cho trẻ theo thực đơn mà bạn chuẩn bị cho gia đình hằng ngày, nhưng ở mức nhẹ, vừa phải. Nếu trẻ từ chối, hãy thử lại vào lần sau và chuẩn bị một cách đơn giản hơn.
Một điểm nữa bạn cần nhớ đó là hãy chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tốt nhất bạn nên cho trẻ thử mùi vị của các loại gia vị tươi, hơn là những loại khô được bày bán trên kệ siêu thị với “tuổi đời” có thể lên đến vài tháng hoặc vài năm.
Theo bác sĩ Anca Safta, bác sĩ khoa Tiêu hóa nhi, Giám đốc mảng nội soi và là trợ lý giáo sư tại Đại học Maryland:
Đối với việc cho trẻ tập ăn dặm vẫn còn rất nhiều tranh luận ngay cả trong giới các bác sĩ nhi khoa.
Có một sự khác biệt giữa các loại gia vị cay nóng và có mùi thơm. Trong khi việc giới thiệu quế, gừng, thì là, hành, nhục đậu khấu, tỏi, nghệ, rau mùi cho trẻ ăn dặm hoàn toàn được khuyến khích thì gia vị cay nóng lại khác. Những loại thực phẩm hoặc gia vị có mùi vị mạnh hoặc cay nóng có thể kích thích những tế bào vị giác ở lưỡi khiến chúng gửi tín hiệu đau lên não, tạo ra cảm giác nóng rát lưỡi, đau bụng hoặc đau quanh hậu môn khi đại tiện. Từ đó trẻ dễ bị ấn tượng xấu hoặc có ác cảm với loại mùi vị đó.
Mặc dù ở một số nền văn hóa như khu vực Nam Mỹ hay Châu Á, thực phẩm với gia vị cay nóng được giới thiệu cho trẻ từ khá sớm và được duy trì thường xuyên. Nhưng, nếu bạn có ý định cho trẻ thử gia vị cay nóng khi ăn dặm, bạn cần thận trọng để đảm bảo nó không quá sức chịu đựng của trẻ hoặc không gây ra phản ứng quá khích cho cơ thể trẻ.
Đối với các loại gia vị có hương thơm, điều duy nhất bạn cần lưu ý đó là hãy giới thiệu một loại gai vị mới cứ mỗi 4-5 ngày để bạn dễ dàng theo dõi xem trẻ có bất kỳ biểu hiện nào bất lợi hay không.
Theo VanessaKane-Alves – chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng cho Chương trình Y tế dành cho tuổi vị thành niên/ Rối loạn ăn uống tại Bệnh viện Nhi Boston:
Nếu bạn muốn ăn cay khi đang cho con bú, hãy cứ ăn cay, trẻ sẽ được “nếm” vị này qua sữa mẹ (vì sữa mẹ có thể thay đổi mùi vị theo chế độ ăn của mẹ) và có thể con sẽ bớt kén ăn hơn sau này.
Dù một số nền văn hóa khuyên các bà mẹ nên tránh một số loại thực phẩm cũng như gia vị khi cho con bú, nhưng một số nền văn hóa khác lại khuyên cho trẻ làm quen với những loại thực phẩm-gia vị đó.
Vì vậy, tốt nhất bạn nên cho trẻ ăn thực phẩm, gia vị theo thực đơn của gia đình (với kết cấu, mức độ phù hợp với độ tuổi ăn dặm của trẻ). Nếu trẻ có phản ứng với một loại gia vị nào đó như không dung nạp, quấy khóc, nổi mẩn ngứa,…thì nên tránh loại gia vị đó, chứ không có danh sách cụ thể các loại gia vị cần tránh.
Theo Vandana Sheth – người phát ngôn của Viện dinh dưỡng và ăn kiêng:
Việc giới thiệu gia vị cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một ý tưởng rất hay. Các loại gia vị không những làm cho món ăn của trẻ trở nên thơm ngon hơn, mà còn cung cấp chất chống ô xy hóa, cũng như giúp cắt giảm lượng đường, muối mà chúng ta thường phải sử dụng để làm cho món ăn được ngon hơn.
Trẻ được thử mùi vị phong phú của gia vị sẽ mở rộng được khẩu vị của mình, giúp chúng có thể tận hưởng được sự đa dạng của nền ẩm thực.
Bạn có thể bắt đầu với việc rắc quế vào món bột ngũ cốc cho trẻ, sau đó là hành tây, tỏi, vani,…Ở một số khu vực, trẻ còn được tiếp xúc với cả ớt, hạt tiêu trắng và hạt tiêu đen.
Bạn chỉ cần lưu ý một điều, đó là hãy giới thiệu đơn lẻ và đợi vài ngày cho mỗi loại gia vị, để bạn có thể theo dõi được nếu trẻ có phản ứng với loại gia vị đó.
Theo Tiến sĩ Stephen Borowitz, giáo sư nhi khoa tại Đại học Virginia:
“Tôi không chắc tôi sẽ nói nó (việc cho trẻ ăn dặm ăn gia vị) là tốt hay xấu, nhưng nó hoàn toàn hợp lý và phù hợp.
Nhiều nền văn hóa đã cho trẻ ăn thức ăn cay giống như người lớn trong một thời gian dài. Không có lý do gì để nghĩ rằng thứ gì đó cay sẽ gây hại cho trẻ sơ sinh nhiều hơn người lớn. Đối với hầu hết các gia vị cay, nó thực sự không gây ra thiệt hại nào mà chỉ kích thích rất nhiều dây thần kinh.
Tôi không nghĩ có bất kỳ sự chống chỉ định nào về gia vị khi bắt đầu cho trẻ ăn thức đặc, cay hay không, miễn là trẻ vẫn nhận được đủ dinh dưỡng qua đó; hay với trẻ sơ sinh là qua sữa.
>>>>>Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi mẹ nên lưu ý
Như vậy, thực đơn ăn dặm cho bé với việc bổ sung các loại gia vị tự nhiên rất được các chuyên gia khuyến khích, kể cả đối với gia vị cay nóng. Vì vấn đề quan trọng nhất là giúp trẻ được trải nghiệm những mùi vị khác nhau, để chúng có thể thích nghi dễ dàng với thực đơn của gia đình sau này. Bạn chỉ cần lưu ý nguyên tắc giới thiệu gia vị cho con cũng giống như các loại thực phẩm mới khác: mỗi lần một loại với một lượng và kết cấu phù hợp đừng quá sức của trẻ, theo dõi trẻ trong vài ngày, sau đó mới tiếp tục chuyển sang loại khác nhé.
Nguồn tham khảo: Globalnews.ca & Livecience
Lily Nguyễn tổng hợp và lược dịch