Tập cho bé ngủ xuyên đêm có lẽ là việc bất cứ bậc cha mẹ nào cũng muốn thực hiện càng sớm càng tốt, tuy nhiên không phải ai cũng làm được. Vì mỗi em bé đều có cá tính riêng khiến cha mẹ phải gặp khó khăn về mọi thứ trong giai đoạn đầu, bao gồm cả việc luyện ngủ cho con. Chúng ta hãy cùng xem các chuyên gia khuyên gì về vấn đề này nhé.
Bạn đang đọc: Tập cho bé ngủ xuyên đêm như thế nào để dễ thành công?
Contents
1. Về giấc ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh thường ngủ đến 16 tiếng mỗi ngày, nhưng là những giấc ngắn khoảng vài tiếng một lần. Mặc dù ở những tháng đầu, các cữ ngủ của trẻ có thể thất thường, một lịch trình ổn định hơn sẽ dần hình thành khi bé lớn hơn, bé sẽ ngủ lâu hơn giữa các bữa ăn.
Đến 3-4 tháng tuổi, nhiều bé ngủ ít nhất 5 tiếng một giấc. Tại một số thời điểm trong năm tuổi đầu tiên của trẻ (mỗi trẻ đều khác nhau), trẻ sẽ bắt đầu ngủ khoảng 10 tiếng mỗi đêm.
2. Vì sao bé hay thức dậy giữa đêm
Có rất nhiều lý do khiến em bé của bạn thức dậy giữa đêm: bé có thể đói bụng, bé cần sự vỗ về của bạn, con muốn một lịch trình dỗ đi ngủ khác hoặc đơn giản chỉ là con đang mọc răng.
Nếu trẻ thường xuyên thức dậy như vậy, giấc ngủ của bạn cũng sẽ bị cắt ngang. Tình trạng này kéo dài có thể khiến bạn mệt mỏi, căng thẳng do thời gian nghỉ ngơi không được chất lượng.
Tất nhiên, nhiều trẻ sẽ tiếp tục thức dở giấc nhiều tháng trời, kể cả khi bé không đói. Nếu bạn có sức chịu đựng được tình trạng này, bạn có thể đợi đến khi trẻ tự ngủ xuyên đêm theo đồng hồ sinh học của chính con. Nhưng nếu thiếu ngủ khiến cho việc chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng, thì đã đến lúc bạn nên thử cách khác rồi đấy.
3. Bạn nên cho trẻ ngủ cùng trong phòng mình
Lý tưởng nhất, bạn nên cho bé ngủ cùng phòng với mình nhưng trong cũi, nôi hay những dạng cấu trúc được thiết kế riêng cho trẻ sơ sinh. Thời gian bé ngủ cùng với bạn nên kéo dài ít nhất 6 tháng và nếu có thể thì đến 1 năm. Việc này sẽ làm giảm nguy cơ trẻ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh – Sudden infant death syndrome (SIDS).
Vì sao bạn nên cho trẻ ngủ chung phòng nhưng nằm riêng trong nôi, cũi,…? Vì giường ngủ của người lớn không an toàn cho bé. Một em bé có thể bị mắc kẹt và nghẹt thở giữa các thanh đầu giường, ở không gian giữa nệm và khung giường hay không gian giữa nệm và tường. Bé cũng có thể bị ngạt thở nếu cha mẹ vô tình lăn qua và chặn vào mũi hay miệng của con.
4. Tập cho trẻ ngủ xuyên đêm như thế nào để dễ thành công?
Trong những tháng đầu sau sinh, cữ ăn đêm thường sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Nhưng không bao giờ là quá sớm để bạn “huấn luyện” cho bé thành một “chuyên gia ngủ”. Bạn có thể tham khảo một số cách sau:
4.1. Tạo một thói quen đi ngủ ổn định nhẹ nhàng cho bé
Quá nhiều kích thích vào buổi tối sẽ khiến bé khó ngủ. Vì vậy, bạn hãy thử tắm, hát, vỗ về, đọc sách, mở nhạc nhẹ nhàng với một điểm kết thúc được xác định rõ ràng. Bạn hãy tắt tivi, giảm tiếng ồn,…khoảng nửa tiếng trước khi thực hiện những việc này. Nơi bé ngủ cũng nên là một căn phòng yên tĩnh và mọi thứ nên bắt đầu trước khi bé bị quá giấc.
Việc tạo thói quen cho giấc ngủ của bé có thể tiến hành khi bé được 3 tháng tuổi.
4.2. Bạn hãy đặt bé vào nôi khi bé buồn ngủ nhưng vẫn còn thức
Việc cho bé vào nôi khi buồn ngủ nhưng vẫn còn thức sẽ giúp bé liên kết giường, nôi với quá trình ngủ. Bạn có thể bắt đầu thực hiện điều này sớm nhất là khi bé được 6 tuần tuổi, lúc này, nhịp sinh học tự nhiên của con – hay chu kỳ ngủ thức giúp điều hòa giấc ngủ – bắt đầu phát triển. Nếu bạn vỗ về hay cho ăn tới khi bé ngủ thì con sẽ phụ thuộc vào đó thay vì quen dần với việc tự dỗ mình vào giấc ngủ.
Bạn lưu ý hãy cho bé ngủ ở tư thế nằm ngửa, đồng thời dọn sạch chỗ ngủ của bé, không đặt khăn, các vật mềm hay thú nhồi bông quanh bé.
Tìm hiểu thêm: Trẻ 11 tháng biết làm gì và sự phát triển ở giai đoạn này có điểm đáng lưu ý nào?
4.3. Bạn hãy cho bé thời gian để đi vào giấc ngủ
Em bé của bạn có thể sẽ quấy khóc một chút khi mới được đặt vào nôi, cho đến khi con tìm được một tư thế dễ chịu, thoải mái để ngủ. Nếu bé không ngưng khóc, bạn hãy thử kiểm tra và dỗ dành bé một chút, sau đó để bé tự đi vào giấc ngủ. Sự vỗ về của bạn có thể là tất cả những gì bé cần lúc này.
4.4. Xem xét cho bé dùng núm vú giả
Nếu bé vẫn khó ngủ, bạn có thể xem xét cho bé dùng núm vú giả. Một số nghiên cứu cho thấy dùng núm vú giả khi ngủ giúp giảm nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Tuy nhiên việc cho bé dùng ti giả chỉ nên giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định, vì nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển răng miệng của trẻ, đặc biệt là khi trẻ qua 6 tháng tuổi.
4.5. Bạn hãy nhẹ nhàng khi chăm sóc bé vào ban đêm
Bạn hãy làm cho cữ ăn ban ngày của bé thật vui vẻ và sống động. Khi bạn cần chăm sóc hay cho bé ăn vào ban đêm, hãy làm thật nhẹ nhàng, dưới ánh đèn sáng mờ. Điều này sẽ giúp bé phân biệt được ngày đêm và hiểu đây là giờ ngủ, không phải giờ chơi.
4.6. Bạn hãy tôn trọng trẻ
Nếu em bé của bạn thích thức khuya dậy sớm thì bạn cũng hãy tôn trọng trẻ. Có thể con có lịch trình riêng của mình. Và việc bạn điều chỉnh các hoạt động của mình để thích nghi với bé có vẻ sẽ dễ dàng hơn.
5. Bạn có thể thử phương pháp luyện ngủ nào đối với trẻ
Nếu bạn nghĩ em bé của mình đã sẵn sàng, bạn có thể thử phương pháp khóc có kiểm soát, có nghĩa là bạn để bé khóc vài phút rồi mới đến bên cạnh con. Bạn có thể bắt đầu với khoảng thời gian 2 phút, sau đó tăng dần khoảng cách giữa các lần bạn rời khỏi bé đến 10 phút.
Chắc chắn việc để bé khóc dù trong khoảng thời gian ngắn, sẽ rất khó khăn đối với bạn. Tuy nhiên bạn hãy yên tâm, vì nhiều nghiên cứu – về việc để bé khóc có kiểm soát và ảnh hưởng của nó đến trẻ sơ sinh – cho thấy rằng nó không gây hại cho bé, ngược lại có thể giúp bé hình thành thói quen ngủ tốt. Mặc dù vậy, bạn vẫn không nên để bé khóc quá lâu vào ban đêm.
Nếu phương pháp khóc có kiểm soát quá khó thực hiện đối với bạn, bạn có thể thử những phương pháp khác như:
- Ôm ấp và vỗ về bé nếu con ngủ cùng với bạn (ở nôi, cũi hoặc thiết kế riêng dành cho trẻ cạnh giường của bạn ít nhất đến khi con 6 tháng đến 1 tuổi). Bạn hãy nằm xuống dỗ bé trong khi giả vờ ngủ, kiên quyết cho bé thấy rằng đã đến giờ ngủ.
- Chia sẻ vai trò người dỗ con ngủ với bạn đời, để hai bạn đều có thể thực hiện việc này. Khi bé đã đủ lớn để không cần phải ăn cữ đêm, bé có thể học cách được “đối tác” của bạn dỗ ngủ. Con sẽ ngưng cần việc này khi nhận thức được sẽ không có cữ ăn nào đi kèm.
- Điều chỉnh theo nhu cầu của bé: khi bạn thấy bé thức dậy, hãy kiểm tra xem quần áo ngủ của con có thoải mái không, con có thể bị lạnh hay nóng không, tã của con có bị đầy không,…Nói chúng là tất cả mọi thứ mà bạn nghĩ có khả năng ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé.
>>>>>Xem thêm: Chụp ảnh cho bé gái như thế nào để có được những bức hình lung linh
Nếu bé vẫn tiếp tục thức dậy sau khi đã được ăn (nếu bé còn nhỏ), hoặc sau khi bạn đã thực hiện tất cả những việc cần thiết thì độ tuổi của bé có khả năng liên quan. Vì sự phát triển ở mỗi bé là khác nhau, và con có thể có mốc phát triển khác với những bé khác cùng độ tuổi. Lúc này, bạn hãy quan sát bé kĩ càng hơn để thích nghi và có cách tiếp cận phù hợp với giai đoạn phát triển của con.
Tập cho bé ngủ xuyên đêm dù rất có lợi cho cả bạn và bé, nhưng bạn hãy nhớ đó không phải là thước đo kỹ năng làm cha mẹ của bạn. Điều quan trọng là bạn dành thời gian để hiểu thói quen cũng như cách giao tiếp của bé nhằm giúp bé ngủ ngon hơn. Nếu bạn quá lo lắng về vấn đề này, hãy trao đổi với những bậc phụ huynh khác hay bác sĩ để được tư vấn thêm nhé.
Theo Mayo Clinic & Baby Centre
Lily Nguyễn lược dịch