Chăm sóc mẹ sau sinh mổ là một việc rất quan trọng vì đây là một trong những yếu tố quyết định mẹ có hồi phục nhanh chóng hay không. Bởi khi sinh mổ là mẹ trải qua một cuộc đại phẫu với hai vết thương lớn ở bụng và tử cung. Nên, sau khi sinh con, ngoài việc chăm sóc em bé, mẹ còn phải được chăm sóc kĩ càng hai vết thương này. Vậy làm thế nào để giúp mẹ mau hồi phục sau sinh mổ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Bạn đang đọc: Chăm sóc mẹ sau sinh mổ như thế nào để nhanh hồi phục
Contents
- 1 1. Những điều sẽ xảy ra sau khi bạn sinh mổ
- 2 2. Khả năng hồi phục của bạn sau khi sinh mổ
- 3 3. Chăm sóc mẹ sau sinh mổ như thế nào để đẩy nhanh thời gian và khả năng phục hồi
- 3.1 3.1. Bạn hãy nghỉ ngơi nhiều nhất có thể
- 3.2 3.2. Bạn hãy nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh
- 3.3 3.3. Bạn hãy xử lý cảm xúc của mình
- 3.4 3.4. Bạn hãy thường xuyên đi bộ
- 3.5 3.5. Bạn hãy kiểm soát cơn đau
- 3.6 3.6. Bạn hãy đề phòng tình trạng nhiễm trùng vết mổ
- 3.7 3.7. Bạn hãy “chiến đấu” với tình trạng táo bón
- 3.8 3.8. Bạn hãy yêu cầu sự hỗ trợ về vấn đề cho con bú
- 3.9 3.9. Bạn hãy tìm kiếm sự trợ giúp cho quá trình hồi phục lâu dài
- 4 4. Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ
1. Những điều sẽ xảy ra sau khi bạn sinh mổ
Nhiều hướng dẫn dành cho mẹ sau sinh chỉ ra mẹ có thể cần 4-6 tuần để hoàn toàn hồi phục sau phẫu thuật. Tuy nhiên trên thực tế, khoảng thời gian này lâu hơn nhiều. Một số nghiên cứu cho thấy rằng 60% phụ nữ vẫn cảm thấy đau ở vị trí mổ sau 24 tuần sinh.
1.1. Ngay sau khi bạn sinh mổ
Hầu hết phụ nữ sinh mổ đều phải chịu một mũi tiêm để gây tê màng cứng hoặc cột sống. Hình thức gây mê này làm tê liệt cơ thể nhưng vần cho phép thai phụ tỉnh táo.
Bạn sẽ mất khoảng vào giờ mới có lại cảm giác sau mũi tiêm này. Trong giai đoạn hậu phẫu ngay sau sinh, bạn sẽ không thể đi bộ hoặc sử dụng phòng vệ sinh mà không có sự trợ giúp. Hầu hết phụ nữ sẽ được dùng ống thông để giúp họ đi tiểu vài giờ sau sinh.
Nếu bạn cần được gây mê toàn thân, việc tỉnh dậy sẽ mất thời gian lâu hơn. Khi tỉnh lại, bạn có thể thấy lảo đảo, buồn nôn hoặc hoảng sợ khi thuốc gây mê hết tác dụng.
Đối với sinh mổ, điều mà các bậc cha mẹ lo lắng nhất đó là mẹ sẽ không được gặp con ngay sau khi sinh. Tuy nhiên hiện nay, nếu em bé đủ khỏe hoặc không quá nặng, bé sẽ được tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau khi các bác sĩ và y tá thực hiện xong các thủ thuật cần thiết cho con (như cân, đo chiều dài, lau người,…)
Nếu bạn lo lắng về việc gặp con sau sinh, hãy hỏi bác sĩ hoặc y tá phụ trách ca mổ của bạn trước khi sinh, họ sẽ cung cấp các thông tin và cách xử lý đối với những tình huống khác nhau có thể xảy ra sau khi bạn sinh.
1.2. 24 giờ đầu tiên sau khi bạn sinh mổ
24 giờ đầu tiên đối với mẹ sinh mổ sẽ bao gồm những thử thách tương tự như một ca sinh thường. Ví dụ như việc bạn phải thích nghi với vai trò làm mẹ, bạn phải tập cho bé bú mẹ, bạn phải tiếp đón các vị khách đến thăm,…Ngoài ra, nếu sinh mổ bạn còn phải chịu khá nhiều đau đớn khi thuốc gây tê đã hết tác dụng. Việc ngồi dậy, đi lại và đi vệ sinh đối với nhiều mẹ trở thành cơn ác mộng.
Chính vì khó khăn này mà hầu hết mẹ sinh mổ đều phải ở lại bệnh viện ít nhất 2-4 ngày.
Một số nguy cơ mẹ sinh mổ có thể phải đối mặt sau khi em bé chào đời đó là:
- Tình trạng huyết khối : một trong những rủi ro khá lớn của việc sinh mổ đó là tình trạng huyết khối ở chân. Nó thường thấy hơn ở những phụ nữ thừa cân hoặc ít vận động trong thời gian dài. Vì vậy, dù khó khăn nhưng bạn nên cố gắng đi lại nhẹ nhàng sau khi sinh càng sớm càng tốt.
- Tình trạng chuột rút : bên cạnh cảm giác đau do vết mổ mang lại, bạn có thể bị chuột rút khi tử cung co bóp. Cảm giác này giống như chuột rút khi bạn đến kì kinh, nhưng có thể dữ dội hơn.
- Nguy cơ nhiễm trùng vết mổ : bác sĩ hoặc y tá sẽ kiểm tra, chăm sóc và theo dõi vết mổ của bạn cẩn thận để đề phòng tình trạng nhiễm trùng. Họ cũng kiểm tra dịch hậu sản của bạn. Nhiều phụ nữ nghĩ rằng sinh mổ thì sẽ không có dịch này. Nhưng thực ra dù sinh mổ thì tử cung cũng vẫn cần tống ra ngoài tất cả những gì liên quan đến thai kì còn sót lại. Hiện tượng ra sản dịch sau sinh kéo dài từ 4-6 tuần tùy phụ nữ và thường ra nhiều nhất ngay sau khi sinh và những ngày đầu sau đó.
1.3. Tuần đầu tiên sau sinh mổ
- Nhiễm trùng vết mổ và bằng huyết là nguy cơ cao nhất bạn có thể gặp phải ở tuần đầu sau sinh.
- Bạn nên tránh quay trở lại các hoạt động và tập luyện bình thường cũng như lái xe trong vòng ít nhất 6-8 tuần.
- Vết mổ của bạn sẽ bị đau trong ít nhất 1-2 tuần (thậm chí lâu hơn nhiều). Vùng cơ xung quanh đó cũng sẽ bị yếu đi. Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau cho bạn, nhưng bạn nên hỏi ý kiến họ về sự an toàn khi cho con bú nếu dùng thuốc.
- Các triệu chứng khó chịu của bạn sẽ nhanh chóng được cải thiện khi vết thương lành và tử cung co lại.
- Trong hầu hết trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng chỉ tự hủy để khâu vết mổ và bạn se không cần phải thực hiện thủ thuật cắt chỉ. Tuy nhiên, chỉ không tự hủy có thể được sử dụng trong một số trường hợp khác và cần được cắt vài tuần sau sinh.
2. Khả năng hồi phục của bạn sau khi sinh mổ
Việc hồi phục sau sinh mổ trên thực tế có thể kéo dài hơn nhiều so với những gì bác sĩ hay y tá nói với bạn. Nhiều phụ nữ vẫn thấy đau cơ hoặc ở vị trí mổ trong nhiều tháng. Nhiều người khác lại trải qua tình trạng són tiểu do cơ sàn chậu bị suy yếu.
Dù rằng những khó khăn về thể lý bạn gặp phải sau khi sinh là rất phổ biến, nhưng bạn vẫn không nên chủ quan mà bỏ qua bất kì triệu chứng nào khiến bạn khó chịu. Bạn hãy báo cho bác sĩ biết để được tư vấn hoặc giới thiệu đến một bác sĩ chuyên khoa khác ví dụ như chuyên gia trị liệu về cơ sàn chậu. Việc này sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình phục hồi lâu dài của bạn.
3. Chăm sóc mẹ sau sinh mổ như thế nào để đẩy nhanh thời gian và khả năng phục hồi
Để đẩy nhanh thời gian và khả năng hồi phục hoàn toàn sau sinh mổ, bản thân bạn và những người chăm sóc khác trong gia đình có thể lưu ý những mẹo sau:
3.1. Bạn hãy nghỉ ngơi nhiều nhất có thể
Sự nghỉ ngơi rất cần thiết cho quá trình hồi phục của bạn sau khi sinh mổ. Mặc dù đây là việc khá khó thực hiện khi bạn cần chăm sóc em bé mới sinh – những “kẻ” có thời gian biểu không ổn định, và thường chỉ ngủ khoảng 1-2 tiếng một lần, cũng như cần ăn và đi vệ sinh nhiều lần trong ngày.
Chính vì vậy, bạn cần tranh thủ nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể (tốt nhất là khi em bé ngủ). Đừng nên cố gắng dậy rửa chén hay dọn dẹp nhà cửa vì đó không phải là ưu tiên của bạn. Việc từ bỏ thời gian nghỉ ngơi để làm việc nhà hoặc để đón tiếp khách thăm có thể để lại hậu quả tiêu cực cho sức khỏe của bạn.
Những người giúp chăm sóc mẹ sau sinh ở thời gian đầu nên giúp đỡ và tạo điều kiện tối đa để mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi nhất có thể.
3.2. Bạn hãy nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh
Trẻ sơ sinh là đối tượng đòi hỏi rất nhiều sự chăm sóc. Việc thực hiện toàn bộ điều này sau cuộc sinh mổ rất dễ khiến bạn kiệt sức và thực sự là bất khả thi. Vì vậy, đừng ngần ngại trong việc nhận sự trợ giúp của người chăm sóc và những người xung quanh như chồng, người thân hay bạn bè.
3.3. Bạn hãy xử lý cảm xúc của mình
Sinh con là một trải nghiệm cực kỳ đáng nhớ của mọi phụ nữ và những người liên quan.
Những phụ nữ phải trả qua một ca sinh nở khẩn cấp, sinh con bị chấn thương, cũng như sinh mổ (mà họ hy vọng tránh được), có thể gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý cảm xúc về quá trình sinh nở.
Những cảm giác mới này sẽ làm cho sự chuyển tiếp sang vai trò làm cha mẹ thực sự không được dễ dàng như những người khác. Đồng thời, nó có khả năng kích hoạt cảm giác tiêu cực như tội lỗi hay xấu hổ.
Tìm hiểu thêm: Bệnh zona là gì và những điều cần biết về bệnh zona
Vì vậy sau khi sinh, bạn nên nói chuyện nhiều với chồng, người thân, bạn bè về những cảm nhận của bản thân và sẵn sàng đón nhận sự chia sẻ về mọi mặt của họ và ngược lại. Việc này sẽ giúp mẹ giảm nguy cơ bị trầm cảm sau sinh , hoặc nếu có, bạn sẽ được điều trị nhanh hơn.
Bạn cũng nên cân nhắc tham gia các hội nhóm hỗ trợ sau sinh trực tiếp hoặc trực tuyến để được chia sẻ kinh nghiệm cũng như lời khuyên từ những bậc phụ huynh khác ở khắp nơi.
3.4. Bạn hãy thường xuyên đi bộ
Bạn không nên tập luyện những môn thể thao với cường độ cao hay đòi hỏi phải nâng nhấc nặng trong những tuần đầu sau sinh. Thay vào đó, hãy thường xuyên đi bộ nhẹ nhàng. Hoạt động này rất có lợi cho sức khỏe của bạn. Nó giúp làm giảm nguy cơ bị huyết khối cũng như các vấn đề tim mạch.
Bạn có thể cùng đi bộ với bạn bè, hàng xóm, hay nhóm cha mẹ mà bạn tham gia để có thêm thời gian trao đổi kinh nghiệm.
3.5. Bạn hãy kiểm soát cơn đau
Trong danh sách dài bất tận những việc cần làm với vai trò là cha mẹ mới, bạn không cần thiết phải chịu đựng sự đau đớn do ca mổ sinh mang lại (nếu nó vẫn còn tồn tại lâu sau khi em bé ra đời).
Bạn có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Và nếu cơn đau trở nên tồi tệ hơn, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám xem có vấn đề bất thường nào xảy ra hay không.
3.6. Bạn hãy đề phòng tình trạng nhiễm trùng vết mổ
Một số bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đo nhiệt độ cơ thể mỗi 24 giờ để đề phòng dấu hiệu nhiễm trùng. Bạn cũng hãy chú ý những triệu chứng có thể báo hiệu tình trạng viêm nhiễm như: cảm giác ớn lạnh, vết mổ sưng, đỏ hay đau dữ dội. Bạn nên liên lạc với bác sĩ hoặc đến thẳng phòng cấp cứu nếu cơ thể có những biểu hiện này.
3.7. Bạn hãy “chiến đấu” với tình trạng táo bón
Sự kết hợp của thay đổi hormone, cơ chậu yếu, và ít vận động sau sinh là nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón rất phổ biến đối với mẹ sinh mổ. Táo bón nặng có thể gây đau đớn và hoạt động rặn khi đi vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến vết mổ của bạn.
Vì vậy, bạn hãy phòng tránh táo bón bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ (như rau củ và trái cây), hoặc hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng những loại thuốc làm mềm phân.
3.8. Bạn hãy yêu cầu sự hỗ trợ về vấn đề cho con bú
Sinh mổ có thể làm việc cho con bú mẹ của bạn trở nên khó khăn hơn. Bạn có thể nhờ sự trợ giúp của các bác sĩ, chuyên gia về sữa mẹ. Dù bạn phải đối mặt với nhiều trở ngại như không được gặp con ngay sau khi sinh, họ vẫn có thể giúp đỡ bạn một cách phù hợp nhất.
Nếu bạn bị đau vùng vết thương khi cho con bú, hãy ngồi trên một chiếc ghế thật thoải mái và dùng đệm cho con bú, hoặc cho bé bú ở tư thế ngả ngửa người. Chúng sẽ giúp bạn cho bé bú dễ dàng hơn.
3.9. Bạn hãy tìm kiếm sự trợ giúp cho quá trình hồi phục lâu dài
Một số phụ nữ phải trải qua những cơn đau một thời gian dài sau khi sinh mổ. Bên cạnh đó là tình trạng cơ yếu, són tiểu hay trầm cảm. Đây là những vấn đề khá phổ biến và bạn không nên thấy xấu hổ nếu rơi vào trường hợp này. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn, giúp đỡ hay giới thiệu đến một chuyên gia khác. Bạn không cần phải chịu đựng mọi thứ trong im lặng.
4. Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ
Sau sinh mổ, nếu bạn trải qua những triệu chứng sau thì hãy đến gặp bác sĩ hoặc cơ sở y tế để được thăm khám:
- Bạn bị chuột rút tại khu vực tử cung, cơn chuột rút biến mất rồi quay trở lại
- Bạn bị khó tiểu
- Bạn bị đau đầu thường xuyên
- Bạn lo lắng hoặc bị trầm cảm
Bạn nên đến phòng cấp cứu nếu có những biểu hiện sau:
- Bạn bị ra máu thấm hơn một miếng băng vệ sinh hoặc tampon mỗi giờ trong hơn hai giờ
- Bạn bị chảy máu hoặc rỉ dịch tại vị trí vết mổ, dấu hiệu này cho thấy vết mổ của bạn có thể đã bị vỡ
- Bạn có ý nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé (hoặc người chăm sóc quan sát thấy biểu hiện này)
- Bạn bị đau bắp chân dữ dội đặc biệt là nếu kèm theo sưng hoặc tê ở bàn chân
- Bạn bị khó thở
>>>>>Xem thêm: Cho bé bú bình hoàn toàn mẹ phải lưu ý điều gì?
Chăm sóc mẹ sau sinh mổ là một quá trình cần sự nỗ lực của bản thân mẹ cũng như sự hỗ trợ của người chăm sóc và những người khác xung quanh. Dù những mẹo nhỏ ở trên luôn bắt đầu bằng “bạn hãy”, nhưng thực chất, tất cả những hoạt động ấy đều cần được người bên cạnh giúp đỡ, đặc biệt là trong thời gian đầu. Hãy cùng tạo điều kiện để mẹ được chăm sóc cả về mặt thể chất và tinh thần một cách tốt nhất, “đối tác”, người chăm sóc, người thân, bạn bè,…nhé. Vì mẹ rất xứng đáng được nhận những điều ấy cho trải nghiệm sinh tử của cuộc đời mình.
Theo Medical News Today
Lily Nguyễn lược dịch