Kế hoạch chi tiêu khi có con nhỏ với nhiều gia đình người Việt chúng ta thường là vấn đề bị “lơ là” nhất. Không ít các cha mẹ chỉ chú ý đến điều này khi thực tế cho thấy, bài toán chi tiêu lúc có con bắt đầu rơi vào tình trạng căng thẳng. Theo các chuyên gia tài chính, việc chi tiêu của gia định bạn phải được bàn đến cùng lúc với việc chuẩn bị có em bé. Hoặc muộn nhất là khi sinh em bé ra.
Bạn đang đọc: Kế hoạch chi tiêu khi có con nhỏ với 8 bước bạn nên thực hiện
Kế hoạch chi tiêu khi có con nhỏ được xem là một thách thức trong cuộc sống hiện đại. Vì điều kiện ngày nay đòi hỏi các cặp vợ chồng lên chức cha mẹ, hay có thêm con, khi gia tăng niềm hạnh phúc vì có thêm thành viên cũng đồng nghĩa với việc gia tăng trách nhiệm lo lắng cho cuộc sống của thành viên ấy. Cũng theo các chuyên gia, khi vợ chồng bạn có kế hoạch chi tiêu lúc con ra đời, hai bạn sẽ bớt đi được rất nhiều lo lắng và có thêm thời gian để yêu thương và chăm sóc con tốt hơn.
Vậy, để thực hiện được điều đó thật tốt, chúng ta nên làm gì? Dưới đây là 8 bước chính các chuyên gia về tài chính gợi ý cho bạn.
Contents
- 1 1. Lập ngân sách trong hoàn cảnh mới
- 2 2. Có kế hoạch tiết kiệm tài chính để dành cho con đi học các cấp
- 3 3. Lên kế hoạch chi tiêu khi có con nhỏ – bạn đừng quên tạo quỹ khẩn cấp
- 4 4. Tiết kiệm hàng tháng
- 5 5. Bổ sung tên thành viên nhí mới chào đời vào gói bảo hiểm của bạn
- 6 6. Mua bảo hiểm cho con
- 7 7. Rà soát lại khoản thuế thu nhập để có thể bổ sung khoản miễn trừ khi có con
- 8 8. Bổ sung tên con ở mục người thừa kế, thụ hưởng trong di chúc
1. Lập ngân sách trong hoàn cảnh mới
Khi em bé của bạn ra đời, việc chi tiêu của gia đình chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi. Vì thế, việc lập ngân sách chi tiêu trong chặng đường mới này là cực kỳ cần thiết. Đây cũng là bước đầu tiên bạn nên đề ra trong kế hoạch chi tiêu khi có con nhỏ và thực hiện nó theo kế hoạch đã thiết lập một cách rõ ràng.
Ngân sách chi tiêu khi có con nhỏ có thể chia ra thành:
- Ngân sách chi tiêu cho bé 1 năm đầu đời : Theo các chuyên gia tài chính, bạn có thể ước tính ngân sách chi cho việc nuôi nấng trẻ trong 1 năm đầu đời của con là bao nhiêu. Trong ngân sách này bạn có thể chia thành khoản chi định kỳ (bắt buộc) như tã lót, sữa, đồ chơi cho trẻ, chích ngừa…và khoản chi không định kỳ, chỉ chi hay “đầu tư” 1 lần như địu em bé, xe đẩy, xe tập đi,…Bên cạnh đó, nên có một khoản chi dự phòng hay khẩn cấp để dùng cho những tình trạng đột xuất như bé ốm chẳng hạn.
Thiết lập được ngân sách chi tiêu này, bạn sẽ thấy rõ hơn “bức tranh chi tiêu” khi có con ở năm đầu tiên. Như thế, bạn có thể chủ động hơn, dễ dàng linh động ứng phó hơn trong kế hoạch chi tiêu chung của cả gia đình hàng tháng, quý hoặc nửa năm đến hết năm đầu tiên kể từ khi bé ra đời.
- Ngân sách chi tiêu cho bé từ năm thứ 2 trở đi : Từ năm thứ 2 trở đi, ngân sách chi tiêu cho con cũng có thể dựa trên khung ngân sách của năm thứ nhất. Tuy nhiên, khi con lớn hơn và nhất là khi bạn hết thời gian nghỉ sản, thì hẳn sẽ có dự định gửi bé nhà trẻ để đi làm lại. Như vậy, trong ngân sách từ khoảng thời gian này trở đi, bạn hãy thêm mục chi phí con đi nhà trẻ, đi học,…và dự trù các chi phí liên quan ở mục này.
2. Có kế hoạch tiết kiệm tài chính để dành cho con đi học các cấp
Kế hoạch tiết kiệm cho chuyện học hành của bé các cấp nhất là tính đến cả khi con học đại học có lẽ với nhiều gia đình là chuyện….xa vời. Dù không phải là ưu tiên trước mắt, song nếu có thể, bạn cũng hãy nên bắt đầu thực hiện kế hoạch này ngay kể từ lúc này, cho các giai đoạn như tiểu học, trung học, đại học. Có thể bạn chưa tin nhưng với những người có kinh nghiệm thì việc chuẩn bị/ tiết kiệm tài chính cho con đi học bắt đầu từ khi con sinh ra – không bao giờ là sớm.
3. Lên kế hoạch chi tiêu khi có con nhỏ – bạn đừng quên tạo quỹ khẩn cấp
Quỹ khẩn cấp cũng cực kỳ cần thiết và quan trọng. Đặc điểm của quỹ này bạn có thể xây dựng cho 6 tháng – 1 năm. Quỹ khẩn cấp này có thể dùng để chi trả chi phí sinh hoạt gia đình và nuôi nấng bé ít nhất trong một giai đoạn nhất định, nếu gia đình bạn có những thay đổi bất ngờ về thu nhập.
Một ví dụ cụ thể, nếu bạn có thời gian nghỉ thai sản chỉ 4-6 tháng nhưng điều kiện thực tế lại có những yêu cầu khác hoặc phát sinh, khiến bạn phải nghỉ việc đến cả 1 năm. Trong thời gian này, bạn không có thu nhập nào khác nhưng vẫn phải chi đều đặn, thì quỹ khẩn cấp sẽ giúp bạn giảm nhẹ gánh nặng tài chính chi tiêu cho gia đình, tới khi bạn có thể kiếm thu nhập trở lại.
Quỹ khẩn cấp càng cần thiết hơn với các gia đình phụ thuộc vào thu nhập chỉ của một thành viên trong gia đình. Vì vậy, khi thu nhập của gia đình bạn đang ổn, thậm chí là đang rất phát triển, bạn vẫn cần lập quỹ khẩn cấp để chắc chắn, nếu có trường hợp nào đó xảy ra ảnh hưởng hay liên quan đến thu chi, bạn vẫn có đủ tài chính để lo cho em bé chu đáo và chi trả cho sinh hoạt phí của cả nhà ổn trong một thời gian.
4. Tiết kiệm hàng tháng
Cho dù mức chi tiêu của gia đình bạn trong tình trạng mới (có em bé) như thế nào, nhất định bạn cũng nên có mục tiết kiệm. Tích gió thành bão, tích tiểu thành đại là lời khuyên không bao giờ thừa cho chúng ta kể cả trong chi tiêu nói riêng, bài toán tài chính nói chung.
Tiết kiệm theo khả năng và tình trạng thực tế của gia đình bạn và đừng coi thường điều này, dù mỗi tháng khoản tiết kiệm của bạn là ít ỏi. Đến một lúc nào đó, khoản tiết kiệm này có thể sẽ rất hữu ích cho cá nhân bạn, hoặc đóng góp được cho những bài toán tài chính khác của con cái hay của cả gia đình, ở một thời điểm nào đó trong tương lai mà bạn không thể đoán biết hay tính trước được.
Hiện nay, với nhiều gia đình trẻ, việc tiết kiệm theo kế hoạch thường rất khó khăn. Nên, họ có dùng cách thức là, mọi khoản quà tặng bằng tiền, tiền lì xì cho các con,…họ đều bỏ heo cho bé. Khi bé lớn, con được khuyến khích làm việc, được trả công và với tiền được trả công ấy con tiếp tục tiết kiệm,…Sự tiết kiệm này không chỉ đơn giản là tiết kiệm một khoản nào đó, còn là một trong những hành động cụ thể mà cha mẹ có thể dạy con về quản lý tài chính, cách chi tiêu và tiết kiệm khá hữu ích.
Tìm hiểu thêm: Bé 9 tháng tuổi ăn gì và những lưu ý cho mẹ khi lên thực đơn dinh dưỡng cho con
5. Bổ sung tên thành viên nhí mới chào đời vào gói bảo hiểm của bạn
Các cặp vợ chồng trẻ ngày nay hầu như đều có mua một gói bảo hiểm sức khỏe nói riêng hay bảo hiểm nói chung theo mức nào đó. Thậm chí có những gia đình, bố và mẹ đều có bảo hiểm riêng.
Vậy khi chuẩn bị có con, nếu bạn chưa tính đến điều này trong thời gian mang thai hay sau sinh, thì khi sinh bé xong, lúc bạn lên kế hoạch chi tiêu khi có con, thì bạn cũng nên kiểm tra lại gói bảo hiểm của mình hay của gia đình, xem có thể bổ sung phần bảo hiểm cho em bé mới ra đời hay không.
Bạn nên chủ động liên hệ với đơn vị mà bạn đăng ký mua bảo hiểm và nêu rõ mong muốn hay tìm hiểu quyền lợi, hoặc những gì cần thiết liên quan đến gói bảo hiểm của mình khi có em bé nhé.
Tại sao bạn nên làm như vậy? – Đơn giản là vì bạn tham gia gói bảo hiểm để có tích lũy tài chính hay an tâm hơn về sức khỏe có sự hỗ trợ tài chính khi cần, thì việc em bé có bảo hiểm cũng giúp bạn giảm bớt được gánh nặng tài chính trong những trường hợp cần thiết.
6. Mua bảo hiểm cho con
Mua bảo hiểm cho con ở đây không chỉ đơn thuần về sức khỏe mà còn về dự định tích lũy tài chính cho bé trong tương lai. Hiện nay, có nhiều công ty bảo hiểm có các gói bảo hiểm tích lũy, giúp bố mẹ tích lũy tài chính cho cả sức khỏe lẫn việc học tập của bé.
Tùy theo mức đóng bảo hiểm mà bạn có thể thực hiện, bạn có thể tham gia mức gói phù hợp với điều kiện tài chính và kế hoạch tích lũy của mình cho con.
7. Rà soát lại khoản thuế thu nhập để có thể bổ sung khoản miễn trừ khi có con
Hầu hết các quốc gia đều có mức thuế thu nhập cá nhân và kèm theo là khoản miễn trừ khi bạn có con hoặc có thêm trách nhiệm lo cho người thân. Khi có con, bạn nên kiểm tra lại mức thu nhập của vợ chồng bạn và khoản miễn trừ như thế nào để trong trường hợp cần thiết thì bổ sung miễn trừ. Đây cũng là việc rất cần làm để bạn có thể tiết kiệm sớm nhất khoản được miễn trừ thuế.
8. Bổ sung tên con ở mục người thừa kế, thụ hưởng trong di chúc
Nói đến điều này có lẽ không ít cha mẹ sẽ rất “hoảng” tuy nhiên nó lại là một điều nên làm, nhất là với những gia đình có tài chính tốt và có nhiều tài sản. Bổ sung tên con vào mục thừa kế ngay khi con ra đời hoặc bổ sung người giám hộ cho bé là một phần quan trọng để đảm bảo quyền lợi cho bé. Điều này cũng đảm bảo bé được lo lắng chu đáo hoặc trong tương lai con lớn lên, bé được trao lại phần tài sản mà vợ chồng bạn muốn trao cho con, phòng khi có bất trắc.
>>>>>Xem thêm: Sự phát triển của bé 14 tháng tuổi và các mốc đáng chú ý
Kế hoạch chi tiêu khi có con nhỏ là một bài toán mà bất cứ gia đình nào cũng phải có sẵn một số đáp án phù hợp. Cho dù các đáp án này không thực sự chính xác 100%, thỏa 100 % tình hình thực tế nhưng một khi có chúng, cũng đồng nghĩa với việc, vợ chồng bạn đang có một cam kết nhất định trong vấn đề tài chính cho gia đình. Nhờ đó, vợ chồng bạn có thể giảm thiểu những khó khăn khi gia đình tăng thêm “quân số”. Và, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các bố mẹ có kế hoạch chi tiêu chi tiết khi có con, thường tiết kiệm gấp đôi so với những bố mẹ không có kế hoạch nào cả. Cũng theo các chuyên gia tài chính, khi có con, nếu bạn có kế hoạch tài chính tốt bao nhiêu, bạn càng có nhiều thời gian để chăm sóc con tốt và càng có nhiều niềm vui cùng con bấy nhiêu.
Nguồn tham khảo: Intuit, Parents & Forbes
Cát Lâm tổng hợp