Các món cháo cho bé 7 tháng tuổi có những món nào, dinh dưỡng cách nấu ra sao là vấn đề khá nhiều bà mẹ trẻ quan tâm. 7 tháng tuổi có thể được xem là giai đoạn thứ 2 từ tập làm quen đến quen hơn, trên hành trình ăn dặm của bé. Do đó việc thay đổi thực đơn phong phú hơn để con làm quen và phù hợp với sự phát triển là điều hoàn toàn cần thiết.
Bạn đang đọc: Các món cháo cho bé 7 tháng tuổi ăn dặm hiệu quả
Contents
1. Gợi ý các món cháo cho bé 7 tháng tuổi giàu dinh dưỡng và dễ nấu
Việc thiết lập thực đơn các món cháo cho bé 7 tháng tuổi sẽ giúp mẹ không giảm bớt thời gian loay hoay trong việc chọn lựa món ăn hằng ngày cho bé. Ở giai đoạn 6 tháng tuổi, trẻ đã tập ăn dặm với cháo trắng đơn giản cùng ít rau củ xay nhuyễn. Vì là giai đoạn làm quen nên thực đơn không quá đa dạng.
Tuy nhiên, bước sang tháng thứ 7, mẹ nên bổ sung thêm thịt cá, hải sản để kích thích vị giác, cho con làm quen đa dạng hơn, đồng thời bổ sung thêm nguồn dưỡng chất quan trọng cho hành trình phát triển của bé. Dưới đây, Blogtretho.edu.vn sẽ chia sẻ cùng mẹ các món cháo ngon cho bé 7 tháng tuổi ăn dặm, giàu dinh dưỡng nhưng không hề khó nấu. Các mẹ cùng tham khảo nhé.
1.1. Cháo cá rau cải cho các bé 7 tháng tuổi
Cháo cá rau cải được xếp vào danh sách các món cháo cho bé 7 tháng tuổi ăn dặm rất giàu dinh dưỡng. Nguyên liệu để nấu món này không quá phức tạp, mẹ có thể chọn cá hồi, cá quả hoặc bất cứ loại cá nào tùy thích, điều chú ý duy nhất là đảm bảo thịt cá mềm, ít xương. Thêm một ít rau cải xanh và gạo tẻ là bé đã có món chao ngon, kích thích vị giác và bổ sung một số dưỡng chất có lợi cho bé.
Vế cách làm, cá sau khi sơ chế, mẹ cho vào nồi hấp chín và gỡ bỏ hết xương, nghiền nát. Rau cải rửa với nước muối pha loãng cho sạch, luộc mềm, sau đó cắt khúc nhỏ và nghiền nhuyễn bằng rây. Gạo tẻ vo từ 2 đến 3 nước cho sạch rồi bắc lên bếp nấu nhừ. Đun lửa nhỏ cho đến khi hạt gạo nở to và nhừ lấy ra nghiền sơ qua rây để có độ nhuyễn phù hợp với thời điểm ăn của bé. Cho cháo vào nồi đun sôi lại, trút cá và rau vào khuấy đều, cháo lăn tăn là mẹ có thể tắt bếp, chờ nguội bớt rồi cho bé dùng. Mẹ có thể thêm vào một thìa cà phê dầu ăn cho bé .
1.2. Cháo cá hồi với đậu đỏ
Cá hồi là một trong những nguồn thực phẩm rất giàu omega 3, một thành phần có lợi cho sự phát triển trí não của trẻ, vì thế mà các món cháo cho bé 7 tháng tuổi không thể bỏ qua được nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng này.
Nguyên liệu chuẩn bị cho món cháo cá hồi đầu đỏ bao gồm 30 gram gạo, 50 gram phi lê cá hồi, 20 gram đậu đỏ, 5 ml dầu ăn cho bé.
Trước khi chế biến món cháo, mẹ nên đem đậu đỏ ngâm trong nước khoảng 3 tiếng. Mẹo này giúp đậu sạch và nhanh mềm khi nấu. Đủ thời gian, vớt đậu đỏ ra ngoài rửa sạch rồi cho vào cùng với gạo, bắc lên bếp nấu nhừ. Thỉnh thoảng khuấy đều để gạo và đậu đỏ không bị khê.
Trong thời gian ninh cháo, mẹ đem cá hồi rửa sạch với chanh và chút muối, rửa lại nhiều lần bằng nước sạch để cá giảm tanh, rồi mang đi hấp chín. Cá chín mẹ mang đi nghiền nhuyễn.
Mẹ lưu ý, cá hồi bạn chỉ nên hấp vừa chín, vì nếu để quá lâu sẽ làm giảm độ béo của chúng nhé. Cháo và đậu đỏ nhừ mẹ cũng lấy ra nghiền qua rây với độ thô phù hợp với bé. Tiếp theo cho cháo rây trở lại vào nồi, đun sôi thì cho cá hồi vào khuấy đều. Cháo lăn tăn mẹ tắt bếp, thêm ít dầu ăn cho bé. Múc cháo cá hồi ra chén, đợi cháo nguội bớt cho bé ăn.
1.3. Cháo lươn bí đỏ hạt sen
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, trong 100 gram thịt lươn có chứa đến 12, 7 gram chất đạm, 25, 6 gram chất béo cùng nhiều vitamin và khoáng chất khác. Trong đó đặc biệt phải nhắc đến axit amin histidine, một loại axit amin “tối cần thiết” cho trẻ.
Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món cháo lươn bí đỏ hạt sen gồm: 100 gram thịt lươn, 1 miếng bí đỏ, 10 hạt sen tươi, 20 gram gạo, 1 muỗng canh dầu olive. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, trước tiên bạn đem hạt sen và bí đỏ rửa sạch, hấp chín rồi nghiền nhuyễn. Kế đến vo gạo và bắc lên bếp nấu nhừ, nghiền qua rây. Thời gian chờ cháo chín, đem lươn làm sạch, hấp chín, rút bỏ xương và giã nhuyễn.
Cho cháo rây lượng vừa ăn vào nồi đun sôi, cho tất cả thịt lươn, hạt sen và bí đỏ đã nghiền nhuyễn vào, khuấy đều. Cháo sôi, mẹ đun thêm khoảng 3 phút thì tắt bếp, có thể thêm dầu ăn hoặc dầu olive cho bé. Múc cháo ra tô, đợi cháo nguội bớt rồi cho bé dùng.
Tìm hiểu thêm: Trẻ sơ sinh ra mồ hôi tay chân và các phương pháp điều trị mẹ nên ghi nhớ
1.4. Cháo óc heo với bồ ngót
Thêm một món cháo ngon nhiều dinh dưỡng trong thực đơn ăn dặm của bé 7 tháng tuổi là cháo óc heo bồ ngót. Nguyên liệu nấu bao gồm 1 bộ óc heo, 10 gram gạo, 20 gram rau bồ ngót, dầu ăn cho bé.
Mẹ lưu ý, óc heo nên chọn mua những bộ còn mới, không có mùi hôi hoặc bị chảy nước để an toàn cho bé nhé.
Sơ chế óc heo thật kỹ để loại bỏ mùi tanh bằng cách dùng tăm gỡ sạch các chỉ máu rồi đem ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 5 phút. Tiếp đến cho vào nồi hấp cách thủy. Rau ngót ngắt lấy lá, rửa sạch và băm nhuyễn
Gạo vo sạch, bắc lên bếp nấu nhừ. Khi hạt cháo nở, cho óc heo và rau bồ ngót vào nấu thêm 5-7 phút nữa hoặc đến khi óc heo cùng rau bồ ngót chín. Cháo chín mẹ tắt bếp có thể cho thêm một chút dầu ăn cho bé khuấy đều. Lấy cháo ra nghiền nhuyễn bằng thìa hoặc nghiền qua rây đều được để có độ nhuyễn phù hợp với khả năng ăn của bé. Cháo nguội bớt mẹ cho bé dùng.
1.5. Cháo gà cho các bé 7 tháng tuổi
Thịt gà là nguồn thực phẩm giàu protein, chất sắt cùng nhiều vitamin và khoáng chất khác. Do đó mà bổ sung thịt gà vào các món cháo cho bé 7 tháng tuổi là vô cùng cần thiết. Chúng không chỉ giúp tăng cơ, cải thiện hệ thống tuần hoàn mà còn giúp xương chắc khỏe, hỗ trợ não bộ phát triển tốt. Hơn nữa, chế biến thịt gà cũng rất dễ dàng lại không mất nhiều thời gian như chuẩn bị các nguyên liệu khác.
Với các món cháo ăn dặm cho bé, bạn nên chọn ức gà để chế biến, vì phần ức rất giàu protein đồng thời ít chất béo gây hại. Mẹ chuẩn bị thêm 1 nắm gạo tẻ, 1 củ cà rốt và ít hành lá.
Về cách làm, trước hết bạn đem gạo đi vo sạch, sau đó bắc lên bếp nấu thành cháo. Thời gian chờ gạo nhừ, đem gà sơ chế cho sạch, bỏ vào nồi luộc chín. Tiếp đến vớt gà ra ngoài, xé thịt nhỏ ra xay nhuyễn với chút nước dùng hoặc băm nhuyễn đều được. Cà rốt cạo vỏ, rửa sạch băm nhỏ. Hành lá cũng nhặt sạch băm nhỏ.
Khi cháo được, bạn cho thịt gà và cà rốt băm nhỏ vào. Cà rốt chín mềm, cho tiếp hành lá rồi tắt bếp, có thể thêm một chút dầu ăn cho bé. Lấy cháo ra nghiền qua rây, thử độ ấm vừa thì cho bé dùng.
1.6. Cháo thịt heo bằm rau củ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt heo là nguồn thực phẩm cung cấp đa dạng các thành phần dinh dưỡng cho cơ thể như: đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. Thông thường, trong 100 gram thịt nửa nạc nửa mỡ chứa đến 16,5 gram protein, 21,5 gram mỡ, 9 mg canxi, 170 mg phốt pho, 1,5 mg sắt, 285 mg kali, 55 mg natri,…
Nguyên liệu chuẩn bị cho món cháo thịt bằm rau củ gồm 30 gram gạo tẻ, 100 gram thịt lợn nạc, 1 củ cải hoặc bí đỏ, 1 quả cà chua, ít dầu ăn cho bé. Lưu ý, thịt heo mẹ nên chọn mua những miếng có màng ngoài khô, không bị ướt, thịt màu hồng tươi và có độ đàn hồi cao.
Đem thịt rửa sạch, băm nhỏ và cho lên bếp xào chín. Cà chua, củ cải rửa sạch, băm nhuyễn. Gạo vo sạch đem nấu nhừ, trút thịt và hỗn hợp cà chua củ cải vào. Đun lửa nhỏ khoảng 7 đến 10 phút để củ cải mềm thì tắt bếp, thêm một chút dầu ăn cho bé vào. Lấy cháo ra, mẹ nghiền qua rây, cháo còn ấm thì cho bé dùng.
2. Lưu ý khi nấu các món cháo cho bé 7 tháng tuổi
- Giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuổi là giai đoạn mà hệ tiêu hóa của bé còn non nớt và kĩ năng nhai thức ăn cũng đang dần được hình thành, do đó việc nghiền nhuyễn các loại thức ăn và tăng dần độ thô phù hợp là điều mẹ cần lưu tâm.
- Trong các bữa ăn dặm, mẹ luôn phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm dinh dưỡng quan trọng như: đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và chất xơ.
- Mặc dù bé đã bước vào giai đoạn ăn dặm nhưng mẹ không nên ngừng hoặc hạn chế cho con bú, vì ăn dặm chỉ thời gian này vẫn chỉ là bữa phụ, còn sữa mẹ mới là nguồn dinh dưỡng thiết yếu nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
- Không ép bé ăn.
- Không nêm gia vị mặn chưa phù hợp với độ tuổi của bé.
- Kiên nhẫn tập cho con làm quen với nhiều loại thực phẩm một cách phù hợp.
>>>>>Xem thêm: Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng mẹ nên biết!
Ăn dặm là giai đoạn cực kỳ quan trọng, không chỉ giúp trẻ có thêm dưỡng chất mà còn khiến bé hứng thú hơn với việc luyện kỹ năng nhai, nghiền thức ăn. Điều này vừa giúp bé thuần thục kỹ năng cần thiết của mình, vừa làm quen được đa dạng thức ăn, vừa giảm thiểu được nguy cơ chán ăn về sau. Chuyên mục Bé ăn dặm cũng mong rằng, các món cháo cho bé 7 tháng tuổi tiêu biểu như trên đây sẽ góp phần giúp mẹ xây dựng được thực đơn ăn dặm khoa học, hiệu quả, bé ăn ngon và nhận được các dưỡng chất phong phú từ thực phẩm mà con tiếp nhận.
Mỹ Lệ tổng hợp