Wonder weeks là gì – hẳn rất nhiều phụ huynh đã từng nghe qua. Cũng có nhiều cha mẹ tưởng rằng, mình thực sự hiểu về điều này nhưng thực tế có thể là không hoàn toàn như thế. Vậy wonder weeks chính xác ra sao, xuất hiện ở những thời điểm nào? Blogtretho.edu.vn mời ba mẹ cùng tìm hiểu kỹ hơn qua chia sẻ dưới đây nhé.
Bạn đang đọc: Wonder week là gì, ba mẹ thực sự đã hiểu rõ?
Contents
1. Wonder weeks là gì?
Khái niệm wonder weeks ra đời từ cách đây khoảng 40 năm và khoảng từ năm 1992 bắt đầu trở nên phổ biến, được đề cập rộng rãi. Wonder weeks chỉ về những giai đoạn phát triển mạnh mẽ của trẻ. Các giai đoạn này được báo hiệu bởi những khó chịu và bướng bỉnh của bé.
Sự quấy khóc, sự lo lắng và sợ sự chia ly có thể là dấu hiệu cho thấy, bé sắp bước vào một bước nhảy vọt trong sự phát triển của mình.
Wonder weeks còn được đề cập với tên khác như fussy weeks hay stormy weeks. Các tên gọi bản thân cũng đã thể hiện phần nào sự rắc rối của trẻ. Một mặt có thể khiến chúng ta cũng cảm thấy khó khăn khi đối phó sự khó chịu của bé. Mặt khác, theo các chuyên gia, đây lại là một dấu hiệu khá hữu ích, giúp cha mẹ nhận biết bé đang trải qua một thời gian “khó ở”, cũng như hiểu rõ hơn tại sao trẻ lại đột nhiên trở nên như thế.
2. Sự phát triển của trẻ và bước nhảy vọt liên quan đến wonder weeks là gì?
2.1. Sự phát triển của trẻ
Trẻ sẽ trải qua quá trình phát triển rất nhanh cả về thể chất và tinh thần. Trẻ tiến bộ thông qua hàng loạt các kỹ năng như con học ngồi, sau đó bé học bò, rồi tập đứng và kế đến là trẻ tập đi .
Mặc dù mỗi bé là một cá thể riêng biệt, đặc biệt và độc đáo nhưng các con đều trải qua một mô hình phát triển có trật tự tương tự nhau, trong sự phá triển của mình.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những thay đổi lớn về hệ thần kinh xảy ra trong não của trẻ dưới 20 tháng tuổi. Sau những thay đổi này, sẽ có nhiều thay đổi khác nữa trong sự phát triển tinh thần và phát triển của trẻ. Tuy nhiên, về cơ bản, bộ não của bé cần phải lớn hơn và phát triển hơn trước khi con có khả năng làm những việc “trưởng thành” hơn.
2.2. Bước nhảy vọt về tinh thần
Bước nhảy vọt về tinh thần hay sự phát triển liên quan đến tinh thần của trẻ được các bác sỹ phát hiện ra là, trẻ sẽ qua 10 giai đoạn có thể dự đoán được. Các giai đoạn nhảy vọt này gắn liền độ tuổi của bé, bắt đầu từ khi trẻ sơ sinh được 5 tuần tuổi, cho đến khi được 17-20 tháng tuổi.
Mỗi giai đoạn đại diện cho những thay đổi trong quá trình phát triển và nhận thức về thế giới của trẻ. Em bé chỉ có khả năng phát triển các kỹ năng sau khi não của bé đã trưởng thành đủ. Khi lớn lên, não thay đổi và trẻ trở nên thông minh hơn.
Cách thức hoạt động của các bước nhảy vọt này là: các bé có một tuần đầy nắng (Sunny week), sau đó là một tuần đầy bão tố (Wonder weeks), thời gian bão tố này có thể kéo dài từ 1 đến 4 tuần.
2.3. Sunny weeks
Chúng ta cũng thấy rõ Wonder weeks là gì, vậy còn Sunny weeks – tuần có nắng này thì sao?
Sunny weeks cụ hể là những tuần sau khi một em bé tiến bộ qua Wonder weeks và một giai đoạn phát triển hoàn toàn mới. Trẻ sẽ vui vẻ hạnh phúc hơn nhiều trong tuần này.
Sau wonder weeks, bé lại chăm chỉ học các kỹ năng mới và trẻ muốn cho thế giới thấy con thông minh như thế nào.
Trong các tuần “đầy nắng”, trẻ thường ngủ và bú tốt hơn, ăn tốt hơn. Con sẵn sàng khám phá thế giới quanh mình và ít bám víu mẹ hơn. Bé thường tỏ ra rất dễ chịu và dễ thương hơn khi ta ở gần bé.
3. Vậy khi nào thì diễn ra wonder weeks và sunny weeks
3.1. Các tuần wonder week
Thời điểm diễn ra wonder weeks sẽ không giống nhau ở mọi trẻ. Wonder weeks xuất hiện phụ thuộc vào từng bé. Tuy nhiên, thông thường nhất, wonder weeks sẽ xuất hiện ở các độ tuổi dưới đây:
- 5 tuần tuổi
- 8 tuần tuổi
- 12 tuần tuổi
- 17 tuần tuổi
- 26 tuần tuổi
- 36 tuần tuổi
- 44 tuần tuổi
- 53 tuần tuổi
Tìm hiểu thêm: Trẻ 7 tháng tuổi bị táo bón và những điều mẹ cần biết
3.2. Các tuần sunny week
Cũng như wonder weeks, sunny weeks thay đổi tùy theo từng bé. Sunny weeks xuất hiện ở giữa những tuần khó khăn và bất ổn hơn khi trẻ trải qua sự phát triển nhanh chóng. Sunny weeks thường rơi vào các tuần:
- 6 tuần tuổi
- 10 tuần tuổi
- 13 tuần tuổi
- 21 tuần tuổi
- 31 tuần tuổi
- 39 tuần tuổi
- 49 tuần tuổi
- 58 tuần tuổi
4. Ba mẹ nên làm gì khi con trải qua những tuần khó chịu?
- Hiểu trạng thái này không phải là vĩnh viễn : Cha mẹ cần hiểu rõ và chấp nhận rằng, con sẽ phải trải qua những khoảng thời gian khó chịu như thế. Mặc dù thời gian khó chịu, trẻ quấy khóc không chỉ diễn ra một lần nhưng nó cũng không phải là một trạng thái vĩnh viễn của một đứa trẻ. Do đó, hãy nhắc nhở bản thân, rằng đây chỉ là khó khăn ngắn hạn, trẻ sẽ tiến bộ và phát triển hơn, dễ chịu hơn sau đó. Hãy tâm niệm “sau cơn mưa trời lại sáng” vậy.
- Ôm ấp và trấn an bé : Mặc dù chúng ta sẽ rất mệt mỏi khi phải đối phó hoặc chịu đựng sự khó chịu của trẻ. Trẻ sẽ rất bám chúng ta nhất là mẹ của bé. Nhưng đây là dấu hiệu cho thấy con cảm thấy không an toàn, sợ chia ly. Vì thế, bạn hãy ôm ấp và trấn an em bé của mình, con sẽ cảm thấy tốt hơn và được xoa dịu.
- Chăm sóc và đừng quá lo lắng : Có thể trẻ sẽ khó chịu trong cả việc ăn uống hay giấc ngủ. Con bỗng lười khám phá và chỉ thích bám lấy mẹ. Hoặc con không có biểu hiện phát triển điều gì mới mẻ. Bạn cũng đừng lo lắng về việc thay đổi thói quen ăn của con. Hãy cố gắng chăm sóc trẻ ân cần và chu đáo nhất. Ở bên trẻ, ru ngủ trẻ và thường xuyên âu yếm để con cảm thấy an toàn hơn, dễ chịu hơn.
- Ghi nhớ 3 đặc điểm chính của wonder weeks : Cáu kỉnh, khóc lóc và bám víu là 3 dấu hiệu “kinh điển” mà các bé thể hiện khi trải qua tuần khó chịu. Lúc này, bạn hãy bình tĩnh và kiên nhẫn, hỗ trợ, vỗ về, an ủi, xoa dịu và hướng dẫn bé, để con dịu bớt đi.
5. Các nguyên nhân khác cũng có thể gây ra sự quấy khóc
Mặc dù khóc lóc ầm ĩ, cáu và bám là dấu hiệu điển hình của wonder weeks, song cũng có thể là dấu hiệu xuất hiện bởi các nguyên nhân khác. Đây là điều mà khá nhiều phụ huynh bị nhầm lẫn. Do vậy, khi ba mẹ quan sát các biểu hiện khó chịu đặc trưng có thể liên quan đến wonder weeks của bé, cũng cần phải chú ý các biểu hiện khác kèm theo của trẻ nếu có để phân biệt.
Trẻ quấy khóc cũng có thể do:
- Con thực sự không khỏe, muốn ốm : Biểu hiện kèm khó chịu có thể là thân nhiệt tăng, bỏ ăn hoặc ăn rất ít, mệt mỏi.
- Thay đổi môi trường : Chuyển nhà, thay đổi người chăm sóc, hoặc thậm chí những căng thẳng trong gia đình cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ khó chịu dẫn đến thay đổi hành vi.
- Mọc răng : Có thể kèm theo sốt nhẹ, con hay chảy nước miếng, nghiến lợi, nhai cắn những món đồ mình cầm trên tay, bé biếng ăn , ăn ít, nướu sưng.
- Thay đổi liên quan đến giấc ngủ : Trẻ được chuyển từ cũi sang ngủ giường, không gian ngủ không thoải mái, dẫn đến giấc ngủ không chất lượng làm trẻ không ngủ đủ hoặc ngủ không ngon.
- Bé quá nhạy cảm : Có những bé thường nhạy cảm hơn các bé khác nên con thường cần được vỗ về an ủi để có cảm giác an toàn, yên tâm hơn.
>>>>>Xem thêm: 5 loại sữa cho trẻ sơ sinh chậm tăng cân mẹ nên biết
Đến đây, hẳn ba mẹ có thể nhìn nhận rõ và cụ thể hơn về wonder weeks là gì. Nếu con trở nên khó chịu, cáu bẳn, làm gì cũng không chịu và ba mẹ không thể hiểu được bé (đương nhiên bé không kèm theo các dấu hiệu bất thường khác) thì hẳn con đang trải qua tuần khó chịu của mình. Cũng như trẻ, ba mẹ chắc chắn thất sẽ rất mệt mỏi khi đối diện thời gian wonder weeks của con. Nhưng, sau cơn mưa trời lại sáng và nắng – chắc chắn là như thế. Rồi ba mẹ lại thấy em bé của mình dễ thương, đáng yêu và tiến bộ biết chừng nào. Khó chịu mệt mỏi đến mấy, cũng rất đáng để chúng ta cùng chịu đựng và đi qua, phải không nhỉ!
Theo Kidspot & Today’s Parents
Cát Lâm tổng hợp