Trẻ 12 tháng tuổi là một mốc thời gian quan trọng đối với cả trẻ và ba mẹ. Đây là thời điểm đánh dấu trẻ đã trải qua tròn 1 năm đầu đời với khá nhiều thay đổi. Chúng ta hãy cùng xem trẻ có sự phát triển đặc biệt nào vào sinh nhật một tuổi không nhé.
Bạn đang đọc: Trẻ 12 tháng tuổi – cột mốc quan trọng với cả con lẫn ba mẹ
Contents
- 1 1. Trẻ 12 tháng tuổi có thể làm những gì
- 2 2. Trẻ sẽ thích những loại hoạt động nào
- 3 3. Trẻ thường khá “nhặng xị” trước khi ngủ – làm thế nào để các giấc ngủ ngắn và giờ đi ngủ của trẻ trở nên dễ dàng hơn?
- 4 4. Làm thế nào để giúp trẻ hiểu và sử dụng từ ngữ
- 5 5. Bạn có thể làm gì nếu trẻ vẫn chưa bước đi
- 6 6. Bạn lo lắng liệu trẻ có phát triển bình thường hay không
1. Trẻ 12 tháng tuổi có thể làm những gì
Ở độ tuổi 12 tháng, trẻ đã có thể bước đi, nếu chưa thì trẻ sẽ đi sớm thôi, bạn không cần quá sốt ruột. Khi trẻ đã có thể di chuyển nhiều, mối quan tâm của con về các hoạt động ồn ào náo nhiệt sẽ tăng lên. Ít nhất trẻ sẽ được “tập thể dục” khá nhiều đấy.
Việc giao tiếp hàng ngày của trẻ sẽ có xu hướng 2 chiều nhiều hơn và trẻ thích những cuộc trò chuyện này. Nếu bạn hỏi trẻ “mũi con đâu”, trẻ có thể chỉ vào nó. Khi trẻ đã bắt đầu hiểu nhiều hơn, bạn có thể dạy trẻ cách cư xử ví dụ như nói “xin vui lòng” hay “cảm ơn”. Bạn cũng có thể thuyết phục trẻ tự dọn dẹp đồ chơi của mình.
2. Trẻ sẽ thích những loại hoạt động nào
Vào gần cuối năm tuổi đầu tiên cách chơi của trẻ có thể thay đổi. Lúc này trẻ đã có thể nhặt đồ và điều khiển những vật nhỏ bằng tay một cách thành thạo, trẻ sẽ quan tâm đến các hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để tăng cường sức mạnh của tay và chân.
Trẻ vẫn có thể giải trí bằng những hoạt động yên tĩnh trong vài phút nhưng các trò chơi yêu thích của con giờ đây đã trở nên ồn ào hơn trước.
Trẻ sẽ thấy việc đẩy, ném, gõ mọi thứ rất vui. Con sẽ đưa cho bạn một món đồ gì đó đồng thời cũng lấy lại một thứ. Các bé 12 tháng tuổi thường thích những trò chơi bỏ vật vào thùng và lấy ra. Con có thể đặt những vật nhỏ vào trong vật lớn và thích thú khi nghe thấy âm thanh do hai vật va chạm vào nhau.
Bạn có thể cất những hộp nhựa và xoong nồi nhẹ trong một ngăn bếp. Trẻ sẽ thích việc được tự do mở tủ và chơi với những vật dụng được cất trong đó.
3. Trẻ thường khá “nhặng xị” trước khi ngủ – làm thế nào để các giấc ngủ ngắn và giờ đi ngủ của trẻ trở nên dễ dàng hơn?
Thời gian nghỉ trưa sẽ giúp bạn nghỉ ngơi và lấy lại năng lượng cho các hoạt động vào buổi chiều. Nhưng khi sắp đến sinh nhật đầu tiên, trẻ có thể bắt đầu phản đối việc ngủ trưa. Sự độc lập ngày càng tăng của trẻ cũng có thể nghĩa là trẻ sẽ làm “nhặng xị” trước khi ngủ.
Để giúp trẻ ngủ dễ hơn, bạn hãy thiết lập các thói quen của giờ đi ngủ như tắm, mát xa hát, chơi đàn hay đọc sách. Việc này có thể giúp trẻ học cách tự ngủ mà không cần bạn dỗ dành.
Dù bạn làm gì thì hãy biến nó thành một lịch trình hàng ngày và làm sao để trẻ thấy dễ chịu, thoải mái. Bạn cũng nên dành những khoảng thời gian để vỗ về âu yếm trẻ để giúp con thư giãn.
Tìm hiểu thêm: Mấy tháng bé biết lật và mẹ có cần hỗ trợ để bé biết lật nhanh không?
4. Làm thế nào để giúp trẻ hiểu và sử dụng từ ngữ
Để trẻ hiểu và biết sử dụng từ ngữ đúng ngữ cảnh, bạn hãy giúp con kết nối giữa đồ vật và tên của chúng. Bạn càng làm việc này nhiều thì vốn từ vựng của trẻ càng tăng lên nhanh hơn. Vì vậy bạn hãy thường xuyên trò chuyện với trẻ và chỉ cho bé tên của những thứ, những vật mà bé thấy. Bé nghe 1 từ càng nhiều lần thì sẽ càng nhớ từ đó nhanh hơn.
Ví dụ: bạn có thể đếm bậc cầu thang khi dẫn trẻ lên, hoặc chỉ ra tên hay màu sắc của các loại rau củ, trái cây khi bạn cùng trẻ đi siêu thị. Bạn cũng có thể đọc cho bé nghe một cuốn sách hình và yêu cầu bé chỉ ra vào hoặc gọi tên những đồ vật quen thuộc. Thỉnh thoảng, bạn cũng hãy cho trẻ lựa chọn ví dụ trẻ muốn đi vớ xanh hay đỏ, trẻ thích chơi các khối hình hay xếp vòng vào cột…Cho trẻ lựa chọn sẽ giúp tăng cường vốn từ vựng và sự hiểu biết ý nghĩa của từ ngữ. Trẻ có thể không trả lời câu hỏi của bạn, nhưng bạn sẽ thấy ngạc nhiên và thú vị vì những gì trẻ làm đấy.
Bạn cũng hãy dạy bé cách cư xử. Cho bé ăn cùng gia đình là một cách tuyệt vời vì bé sẽ thấy bạn nói “xin vui lòng” hay “cảm ơn”, và thậm chí bé có thể cố gắng tham gia cùng mọi người.
5. Bạn có thể làm gì nếu trẻ vẫn chưa bước đi
Việc bước đi là một cột mốc quan trọng và trẻ hầu như sẽ thực hiện được nó khi trẻ 1 tuổi . Chỉ trong vòng tháng này hoặc tháng sau trẻ sẽ tự bước được vài bước. Tuy nhiên nếu trẻ vẫn chưa bước đi trong vòng một vài tháng nữa, bạn cũng đừng quá lo lắng, vì mỗi trẻ sẽ có khung thời gian riêng của mình.
Khi mới tập đi, mũi chân và bàn chân trẻ thường hướng ra ngoài. Khi trẻ đã tự tin và bước vững hơn, con sẽ bắt đầu đi bộ một cách cân bằng hơn.
Trong thời gian bé tập đi , con có thể chưa vững vàng và dễ té ngã, vì vậy bạn hãy để mắt đến trẻ và sẵn sàng đón con bằng một cái ôm và hôn để động viên khi trẻ ngã nhé.
6. Bạn lo lắng liệu trẻ có phát triển bình thường hay không
Mỗi đứa trẻ đều có tốc độ phát triển riêng của con. Con sẽ chạm tới những cột mốc về thể chất cũng như não bộ theo tốc độ này. Trong trường hợp con chưa đạt được các cột mốc đó ngay, mẹ cũng đừng lo lắng thái quá vì trẻ cũng sẽ đạt cột mốc đó sớm thôi.
Đối với trường hợp trẻ sinh non, trẻ sẽ cần nhiều thời gian hơn để làm được những việc tương tự như những đứa trẻ đồng trang lứa. Đó là lý do tại sao trẻ sinh non thường được xác định 2 loại tuổi:
- Tuổi theo thời gian: được tính theo ngày sinh của trẻ
- Độ tuổi chính xác: được tính dựa vào ngày dự sinh của trẻ
Bạn nên đo lường sự phát triển của trẻ sinh non dựa vào độ tuổi chính xác của trẻ hơn là tuổi theo ngày sinh. Bác sỹ sẽ là người đưa ra sự đánh giá chính xác nhất về sự phát triển của con.
>>>>>Xem thêm: Trầm cảm sau sinh – bạn không hề lẻ loi trong cuộc chiến
Trẻ 12 tháng tuổi sẽ là khoảng thời gian khá bận rộn đối với ba mẹ vì sẽ có rất nhiều việc cần làm để chuẩn bị mừng sinh nhật con yêu. Tuy nhiên đừng vì thế mà bạn bỏ lỡ những “thành tựu” của bé nhé. Hãy luôn để mắt đến con khi giữ trẻ và bạn sẽ thấy được việc dành thời gian với trẻ thật thú vị và đáng giá.
Theo Baby Centre
Lily Nguyễn lược dịch