Sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi là một điểm nhấn quan trọng, trong 6 tháng đầu đời, mà các cha mẹ rất nên lưu ý. Vì, 4 tháng tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu trở nên năng động hơn nhiều so với những tháng trước đó. Bên cạnh việc tận hưởng thời gian ở cùng con, bạn hãy quan sát kỹ để thấy được bé đang dần hình thành và xây dựng những kỹ năng cần thiết, quan trọng như ngồi hay lật. Chúng ta hãy cùng xem chi tiết hơn những cột mốc đáng chú ý và giúp con hoàn thiện, trong sự phát triển của mình ở thời điểm này như thế nào nhé.
Bạn đang đọc: Sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi và những cột mốc mẹ cần lưu ý
Contents
- 1 1. Những cột mốc phát triển trong sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi
- 1.1 1.1. Sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi về thể lý: trẻ đã cứng cáp và mạnh mẽ hơn
- 1.2 1.2. Sự phát triển của trẻ 4 tháng về giác quan: tầm nhìn xa hơn
- 1.3 1.3. Khả năng vận động của trẻ: hầu như đã lật được
- 1.4 1.4. Một số cột mốc đáng nhớ về vận động mà trẻ 4 tháng tuổi đạt được
- 1.5 1.5. Sự phát triển tính cách của trẻ
- 2 2. Bạn làm thế nào để hỗ trợ quá trình phát triển của bé
- 3 3. Cho bé ăn như thế nào
- 4 4. Bé 4 tháng tuổi ngủ bao nhiêu
- 5 5. Lịch trình hàng ngày của bé 4 tháng tuổi
- 6 6. Sức khỏe của bé: một số loại nhiễm trùng thường gặp
- 7 7. Một số câu hỏi thường gặp về trẻ 4 tháng tuổi
1. Những cột mốc phát triển trong sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi
Đến thời điểm này thì em bé của bạn đã cứng cáp hơn rất nhiều. Từ 4 tháng trở đi đến vài tháng tiếp theo, bé sẽ khá “bận rộn” “tập luyện” những kỹ năng vận động mới của mình đặc biệt là ngồi thẳng và lật. Đối với bạn thì mọi thứ chưa thay đổi nhiều, bạn vẫn tiếp tục phải “dính” với bé hầu hết thời gian trong ngày.
1.1. Sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi về thể lý: trẻ đã cứng cáp và mạnh mẽ hơn
Em bé 4 tháng tuổi của bạn có thể đang tiếp tục tốc độ tăng trưởng nhanh (khoảng 400-500g mỗi tháng), nhưng bạn hãy nhớ là sự tăng trưởng ổn định quan trọng hơn bất kỳ mức tăng nhanh về cân nặng hay chiều cao nào. Bạn hãy sử dụng loại biểu đồ thường được bác sỹ hoặc các cơ sở y tế cung cấp để theo dõi sự phát triển của bé một cách dễ dàng và chính xác hơn.
Ngoài việc nặng lên và dài ra, nhiều sự thay đổi về nhận thức và thể chất khác cũng đang diễn ra trong cơ thể bé. Bạn có lẽ sắp thấy những hành động có chủ ý hơn từ bé khi con bắt đầu học các khái niệm về nguyên nhân và kết quả.
1.2. Sự phát triển của trẻ 4 tháng về giác quan: tầm nhìn xa hơn
Thế giới xung quanh em bé 4 tháng tuổi của bạn đang trở nên tập trung hơn (theo nghĩa đen) vì lúc này tầm nhìn của bé đang dần được cải thiện. Trẻ đã bắt đầu nhận ra bạn và một số khuôn mặt quen thuộc từ một khoảng cách nhất định. Đồng thời con cũng dễ dàng theo dõi các vật thể chuyển động từ bên này qua bên kia. Khả năng phân biệt màu sắc của trẻ cũng được cải thiện, vì vậy bạn có thể thấy trẻ có vẻ thích màu đỏ và màu xanh dương. Lúc này, một chiếc kính không bể sẽ là món đồ chơi tuyệt vời giúp kích thích sự phát triển thị giác của con. Vì qua gương con có thể nhìn thấy các màu sắc, hình dạng khác nhau cũng như sự phản chiếu các hành động của chính mình.
Ngoài giác quan, thì kỹ năng ngôn ngữ của trẻ cũng đang phát triển nhờ vào sự cải thiện khả năng nghe và nhận thức. Trẻ đã có thể bắt chước một số nhịp điệu, âm điệu và khẩu hình của một số từ bạn nói với trẻ. Tiếng khóc của trẻ 4 tháng tuổi cũng khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của trẻ. Mặc dầu chúng ta thấy trẻ chỉ bập bẹ nhưng thực ra đó là sự khởi đầu của một nền tảng vững chắc mà trẻ 4 tháng tuổi đang xây dựng cho kỹ năng ngôn ngữ của mình sau này.
1.3. Khả năng vận động của trẻ: hầu như đã lật được
Sự vận động của trẻ 4 tháng tuổi chủ yếu là kiểm soát cơ bắp và phối hợp tay mắt. Nếu bạn để ý thì sẽ thấy ngày càng có nhiều món đồ chơi “tiến đến” gần miệng bé hơn. Đó là vì tầm nhìn của trẻ đã cải thiện, kết hợp với khả năng vận động nên trẻ sẽ thành công dễ dàng hơn trong việc với đồ vật. Trẻ đã có thể với lấy đồ chơi, lắc lục lạc và sẽ sớm chuyền đồ vật từ tay này qua tay kia. Lúc này bạn hãy cẩn thận với những món đồ trong tầm tay của con.
Trẻ vẫn đang “siêng năng” tập luyện để tăng cường cơ bắp ở lưng và ngực cũng như cố gắng ngẩng cao đầu khi nằm sấp . Chẳng bao lâu nữa, con sẽ đủ sức để lật và lăn từ bên này sang bên kia.
1.4. Một số cột mốc đáng nhớ về vận động mà trẻ 4 tháng tuổi đạt được
Trẻ 4 tháng tuổi đã có thể đạt được những cột mốc sau:
- Tự giữ thẳng cổ mà không cần hỗ trợ.
- Đưa tay lên miệng.
- Ngồi có hỗ trợ.
- Với hoặc cầm nắm món đồ mà trẻ thích.
1.5. Sự phát triển tính cách của trẻ
Khi được 4 tháng tuổi, khả năng nhận thức và vận động của bé đã tăng lên nhiều khiến bé càng tò mò hơn về thế giới xung quanh. Bé cũng trở nên nhạy cảm hơn với giọng nói của bạn: giọng nói nhẹ nhàng dịu dàng của bạn sẽ trấn an bé, ngược lại giọng điệu gay gắt hoặc giận dữ cho bé biết là có chuyện gì đó không ổn. Trẻ cũng có khả năng bắt chước giọng điệu của bạn cũng như một số âm thanh và âm tiết nhất định bằng tiếng cười và bập bẹ của mình rất lâu trước khi con có thể nói được một từ hoàn chỉnh.
Nhưng liệu có vấn đề gì không nếu trẻ ở độ tuổi này dường như không cởi mở hoặc tò mò? Câu trả lời là không. Vì mỗi trẻ có một tính cách riêng biệt và là duy nhất nên biểu hiện của chúng cũng khác nhau ở từng giai đoạn. Một số bé có thể nhút nhát và cần nhiều sự quan tâm hơn từ bạn và những người gần gũi. Nếu em bé của bạn rơi vào trường hợp này, hãy theo dõi và cho bé thời gian để thích nghi cũng như thấy thoải mái hơn với bất kỳ khuôn mặt hoặc hoạt động nào mới trong cuộc sống thường ngày.
2. Bạn làm thế nào để hỗ trợ quá trình phát triển của bé
Khi bạn đã nắm được những đặc điểm chung ở độ tuổi 4 tháng của bé, thì điều tiếp theo bạn nghĩ đến có lẽ là làm sao để tạo điều kiện tốt nhất cho bé phát triển. Bạn hãy xem mình có thể làm gì để giúp con nhé.
2.1. Giúp trẻ phát triển về tầm nhìn
Để giúp trẻ phát triển về tầm nhìn, bạn có thể thực hiện một số cách sau:
- Bạn hãy treo những món đồ chơi nhiều màu sắc quanh nôi của bé, hãy đảm bảo rằng chúng an toàn và nằm ngoài tầm với của con.
- Bạn hãy để trẻ soi gương và tự “thắc mắc” về hình ảnh cũng như những chuyển động của mình được phản chiếu trong gương.
- Bạn hãy chơi trò ú òa với trẻ, bé sẽ rất thích được nhìn thấy khuôn mặt bạn lúc ẩn lúc hiện.
2.2. Giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động
Dưới đây là những việc có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động, bạn có thể áp dụng:
- Cho bé nằm bụng : khi trẻ vui vẻ và không quá no hay quá đói, bạn hãy cho trẻ nằm bụng và giúp trẻ nâng đầu và ngực. Việc nằm bụng sẽ giúp con rèn luyện cơ cho hoạt động lật và ngồi. Bạn lưu ý là luôn bên cạnh trẻ trong thời gian nằm bụng.
- Cho bé tập ngồi : bạn có thể cho bé tập ngồi trong lòng bạn hoặc có hỗ trợ bằng gối kê xung quanh, như vậy bé sẽ với được xa hơn để lấy đồ chơi hoặc những vật mà bé thích.
- Cho bé tập đứng : khi bạn bế bé, hãy bế bé đứng lên trên đùi hoặc giường, ghế,… để bé có thể rèn luyện cơ chân.
2.3.Giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ
Giúp bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ là phần không thể thiếu mà bạn cần thực hiện dù trẻ mới chỉ 4 tháng tuổi. Bạn hãy thực hiện những việc sau:
- Đọc và hát cho bé nghe.
- Bắt chước âm thanh bé tạo ra.
- Hãy phản hồi một cách tích cực khi bé bắt chước những âm thanh của bạn.
Tìm hiểu thêm: Cách chế biến bột ăn dặm cho bé thơm ngon mẹ nào cũng nên biết
3. Cho bé ăn như thế nào
Trẻ 4 tháng tuổi vẫn nhận toàn bộ chất dinh dưỡng cần thiết qua sữa mẹ, sữa công thức hoặc kết hợp cả hai.
Cách tốt nhất để bạn biết được đã đến lúc cho bé ăn là hãy quan sát biểu hiện của bé khi đói bao gồm: bé chép miệng, liếm môi, quấy khóc, hay tự nút miệng. Thông thường, bé sẽ cần được ăn khoảng 120-180 ml sữa mỗi 3-5 giờ (tùy mỗi bé). Bạn cũng có thể kiểm tra tã của bé, thông qua lượng tã ướt do đi tè, ị, bạn sẽ xác định được bé có đủ no hay không. Ngoài ra, tại các cuộc kiểm tra sức khỏe, bác sỹ sẽ dựa vào các chỉ số về chiều cao cân nặng của bé và sẽ cho bạn biết bé tăng trưởng bình thường hay có vấn đề gì không.
4. Bé 4 tháng tuổi ngủ bao nhiêu
Trung bình, bé 4 tháng tuổi ngủ khoảng 12-16 giờ mỗi ngày. Trong đó bao gồm 2 giấc ngủ ngắn vào buổi sáng và chiều, và một giấc ngủ dài vào ban đêm.
Do hiện tại em bé của bạn đã khá năng động nên việc đi vào giấc ngủ vào buổi tối có vẻ khó khăn hơn. Vì vậy bạn nên thiết lập thói quen ngủ cho bé có thể bằng những hoạt động báo hiệu đến giờ đi ngủ như: tắm, đọc sách, vỗ về hay cho bé ăn.
5. Lịch trình hàng ngày của bé 4 tháng tuổi
Để dễ dàng theo dõi hoạt động của bé, bạn có thể lưu ý bảng tóm tắt lịch trình hàng ngày của bé như sau:
Giấc ngủ của bé
- Ít nhất 2 giấc ngủ ngắn mỗi ngày, mỗi giấc khoảng 3-4 tiếng.
- Một giấc ngủ dài vào ban đêm
Việc ăn uống của bé
- Bé vẫn ăn hoàn toàn sữa mẹ/ sữa công thức hoặc kết hợp cả hai.
- Trong 1 hoặc 2 tháng tới, phản xạ đẩy lưỡi của bé sẽ biến mất.
Việc đi vệ sinh của bé
- Phân của bé vẫn mềm.
- Bé đi tè nhiều lần một ngày.
- Bé có thể đi ị hàng ngày hoặc vài ngày một lần.
- Bé có thể cần mặc tã lớn hơn.
Trò chơi phù hợp với bé
- Soi gương.
- Nằm bụng.
- Trò ú òa.
Việc tắm của bé
- Bé không cần phải được tắm hàng ngày, 3 lần mỗi tuần là đủ.
- Bạn có thể đưa hoạt động tắm rửa vào lịch trình ngủ buổi tối của bé.
Lưu ý dành cho bạn
Bé đang rèn luyện sự phối hợp giữa tay và mắt, và hoạt động yêu thích của bé là đưa đồ vật vào miệng. Vì vậy bạn hãy cẩn thận với những món đồ chơi bạn đưa cho trẻ hoặc trong tầm với của trẻ.
6. Sức khỏe của bé: một số loại nhiễm trùng thường gặp
Bạn sẽ muốn biết được một số tình trạng nhiễm trùng thường gặp ở độ tuổi của trẻ để nếu trẻ ho hay có một số triệu chứng khác ví dụ như sốt kèm theo, bạn có thể tăng cường sự giám sát và đưa con đến cơ sở y tế kịp thời. Những tình trạng đó bao gồm:
6.1. Sốt
Sốt thường là biểu hiện vủa việc trẻ bị bệnh. Ở trẻ sơ sinh, nhiệt độ trực tràng ở 100,4 độ F (38 độ C) và cao hơn được gọi là sốt, và có thể có nghĩa là em bé của bạn đang phải chiến đấu với một loại nhiễm trùng nào đó. Sốt có thể là dấu hiệu của nhiều loại nhiễm trùng khác nhau từa cảm lạnh, cảm cúm, đến nhiễm trùng tai hoặc thậm chí viêm phổi . Vì vậy nếu bé bị sốt bạn nên đưa đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế để được theo dõi các triệu chứng bệnh khác.
Để đo nhiệt độ cho bé một cách chính xác, bạn hãy dùng nhiệt kế kỹ thuật số và đo trong trực tràng của bé. Bạn hãy chèn thiết bị thật nhẹ nhàng vào hậu môn của bé không quá 1,3-2,6 cm và đợi cho đến khi thiết bị phát ra tiếng bíp hoặc đèn sáng để bạn đọc kết quả được chính xác.
6.2. Cảm lạnh
Là một loại nhiễm trùng do virus, còn được gọi là nhiễm trùng đường hô hấp trên. Cảm lạnh rất phổ biến (hầu hết trẻ em sẽ bị khoảng 8-10 lần trong 2 năm đầu đời) và rất dễ lây. Bạn nên thận trọng nếu em bé của bạn được gửi trẻ, hoặc bé có anh chị lớn hơn đang tuổi đi học. Có thể bạn đã quen với các dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ, ho, kém ăn và đau họng, nhưng hãy liên hệ với bác sỹ hoặc cơ sở y tế ngay nếu bé có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Môi hoặc đầu ngón tay tái xanh.
- Ho dai dẳng (kéo dài hơn 1 tuần).
- Ngủ quá nhiều.
- Quấy khóc.
- Sốt trên 102 độ F (38,9 độ C)
6.3. Viêm phế quản
Viêm phế quản (nhiễm trùng ống thở của phổi) là một loại bệnh do virus phổ biến khác. Đây là căn bểnh rất dễ lây lan, vì vậy bạn hãy đặc biệt thận trọng trong việc giữ gìn vệ sinh vào những tháng mua thu, đông – thời điểm viêm phế quản dễ lây nhất. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào sau đây, hãy đưa trẻ đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế.
- Trẻ khò khè khi thở.
- Trẻ không thể uống nước.
- Môi hoặc đầu ngón tay trẻ bị tái xanh.
- Trẻ có biểu hiện của sự mất nước.
7. Một số câu hỏi thường gặp về trẻ 4 tháng tuổi
7.1. Tôi có thể cho bé ăn thức ăn không?
Bạn không cho bé 4 tháng tuổi ăn bất kỳ loại thức ăn nào khác ngoại trừ sữa mẹ hoặc sữa công thức (trừ khi bác sỹ chỉ định bạn làm khác). Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên đợi ít nhất đến khi trẻ 6 tháng tuổi mới cho bé làm quen với thức ăn. Lúc này bé đã có hứng thú với những gì bạn ăn và cơ thể bé cũng đã cứng cáp phù hợp cho việc ăn dặm.
7.2. Tôi có thể cho bé 4 tháng tuổi chơi đồ chơi gì?
Những món đồ chơi phù hợp với trẻ 4 tháng tuổi gồm:
- Gương không bể.
- Những món đồ chơi có thể tạo ra âm thanh như lục lạc hoặc trống đồ chơi.
- Những món đồ chơi vừa tay trẻ để kích thích khả năng cầm, nắm, nhặt đồ vật của trẻ.
- Những món đồ chơi có kết cấu khác nhau để kích thích sự phát triển giác quan của trẻ.
7.3. Khi nào thì bé mới ngủ xuyên đêm mà không cần ăn?
Khi được 4 tháng tuổi, một số bé đã có thể ngủ xuyên đêm mà không cần thức dậy để ăn. Tuy nhiên những bé bú mẹ thì cần được bú đêm bất cứ lúc nào bé đói.
7.4. Triệu chứng của việc mất nước ở trẻ là gì?
Nhìn chung, đối với trẻ sơ sinh, ít hơn 6 lần ướt tã mỗi ngày có thể được xem là mất nước (ít hơn nữa là mất nước nghiêm trọng). Bạn nên chú ý thêm một số điểm như trẻ khóc ít nước mắt hơn bình thường, mắt và thóp trũng sâu. Nếu trẻ mất nước do tiêu chảy hay nôn, bạn sẽ thấy trẻ đi ị ít hơn bình thường.
>>>>>Xem thêm: Tại sao phụ nữ Pháp không bị chứng són tiểu sau sinh hay mất kiểm soát bàng quang – cùng học hỏi kinh nghiệm hay nào các mẹ ơi!
7.5. Làm thế nào để biết được bé sắp mọc răng?
Mỗi em bé đều có thời gian và triệu chứng khi bắt đầu mọc răng khác nhau. Những chiếc răng đầu tiên có thể xuất hiện sớm nhất vào tháng thứ 4 và có thể kèm theo sốt nhẹ, chảy nhiều nước miếng, khó chịu và sưng/ đau nướu.
Sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi bao gồm rất nhiều sự tiến triển có thể khiến bạn bất ngờ. Bạn hãy theo sát trẻ để hỗ trợ cho trẻ cũng như can thiệp khi cần thiết, đặc biệt là về vấn đề sức khỏe của trẻ. Một điều quan trọng bạn cần ghi nhớ không chỉ liên quan đến sự phát triển ở trẻ 4 tháng tuổi mà cũng như các độ tuổi khác đó là, mỗi trẻ đều khác biệt và là duy nhất. Vì vậy, bạn hãy nhìn vào trẻ và dựa vào những tình huống cụ thể mà bạn gặp khi chăm sóc con để có cách xử lý phù hợp, bạn nhé.
Theo Pampers
Lily Nguyễn lược dịch