Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 32 sẽ diễn ra rất mạnh mẽ, từ kích thước đến hoàn thiện tất cả các bộ phận trong cơ thể con. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các mẹ bầu phải chuẩn bị tinh thần cho “cuộc cách mạng” thay đổi của bản thân, sẵn sàng chờ ngày sinh nở từ lúc này.
Bạn đang đọc: Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 32 và lưu ý quan trọng dành cho mẹ
Contents
1. Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 32 như thế nào
Bước vào tuần thứ 32 là lúc thai nhi đã phát triển các bộ phận trong cơ thể gần như hoàn thiện. Ở những tuần còn lại, thai nhi sẽ tiếp tục đẩy nhanh phát triển toàn diện chuẩn bị cho lúc chào đời.
- Dựa vào bảng cân nặng chuẩn của thai nhi qua các tuần tuổi, ở tuần 32 thai nhi sẽ nặng 1,8 kg, chiều dài cơ thể khoảng 41 cm, kích thước bé khoảng bằng quả bí ngô tròn. Thai nhi sẽ có hệ thống khung xương cứng cáp và da căng hơn rất nhiều. Đồng thời, khi bé lớn dần cũng đồng nghĩa không gian trong bụng mẹ chật hẹp hơn, bé sẽ khó chuyển động mạnh. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn có thể cảm nhận được những cựa quậy nhẹ nhàng của bé.
- Đồng thời, vào thời đểm này thai nhi đã có thể nhấp nháy mở mắt, chớp mắt. Khi gặp những luồng ánh sáng chiếu thẳng vào bụng mẹ, đồng tử sẽ chủ động điều tiết, bé sẽ biết nhắm mắt, quay đầu hướng ngược lại để có thể tránh được ánh sáng chiếu vào mắt.
- Ở tuần thứ 32 não bộ thai nhi cũng đã phát triển dần hoàn thiện, bằng 1/4 trọng lượng não của người trưởng thành. Lúc này bé sẽ biết nhiều biểu cảm như nhăn mặt, thè lưỡi, cười, ngáp,…thông qua máy siêu âm mẹ có thể thấy được điều này.
- Bên cạnh đó, lượng nước ối bao quanh bé lúc này cũng giảm dần, điều này có tác dụng hỗ trợ bé di chuyển từ từ xuống đáy tử cung, chuẩn bị cho ngày mẹ đón bé đến với cuộc đời.
2. Thay đổi ở mẹ
2.1. Những thay đổi trong cơ thể
- Ở tuần thứ 32, thai nhi sẽ phát triển nhanh về kích thước, chiếm nhiều không gian trong bụng dẫn đến nhiều thay đổi cho cơ thể mẹ. Một trong những thay đổi điển hình là dáng đi, nếu trước đó mẹ đi đứng nhẹ nhàng thì thời điểm hiện tại mẹ có thể đi lạch bạch, khó khăn. Đồng thời, mẹ bầu sẽ khó tìm được tư thế ngồi, ngủ thoải mái như lúc trước.
- Lúc này, một số triệu chứng quen thuộc sẽ bắt đầu xuất hiện mà mẹ để ý sẽ thấy như vùng da dưới bụng ngức ngáy nhẹ, khô và hơi rát do nó phải căng giãn khi thai nhi phát triển. Bên cạnh đó, ở một số bộ phận như chân, bàn chân, mắc cá, tay, mặt sẽ bị phù nhẹ do lượng chất dịch tăng lên nhiều hơn trong cơ thể.
- Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối thai kỳ phù nề có thể trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là thời điểm mùa hè. Phù nề nặng sẽ gây các biểu hiện như ngứa nhiều, tê kèm theo đau nhức chạy dọc theo phía sau đùi hoặc hai bên hông người. Nguyên nhân dẫn tới biểu hiện này có thể là do tử cung phát triển chèn ép lên các dây thần kinh tọa được gọi là đau thần kinh tọa.
- Triệu chứng đau vùng bụng dưới, đau lưng cũng là những biểu hiện thường gặp khi thai nhi ngày càng phát triển về trọng lượng. Bên cạnh đó, tử cung của mẹ bầu giãn lớn sẽ tạo áp lực lên dạ dày, gây ra một số biểu hiện như ợ nóng, đầy bụng, khó tiêu,…để cải thiện tình trạng này mẹ có thể chia nhỏ khẩu phần ăn để hỗ trợ dạ dày co bóp tốt hơn, giảm thiểu áp lực cho hệ tiêu hóa.
- Thai nhi bước vào tuần 32, nội tiết tố trong cơ thể mẹ cũng sẽ tiếp tục thay đổi, điều này có thể khiến dây chằng và các khớp xương bị nới lỏng, dẫn đến đau nhức, tê khớp bàn tay, cổ tay, ngón tay, chân, đau cơ…ở mẹ bầu khi đi đứng, ngồi, nằm thời gian lâu.
- Giai đoạn này, lượng dịch tiết ra từ âm đạo cũng sẽ tăng, do đó mẹ bầu nên vệ sinh sạch sẽ. Nếu nhận thấy ngứa âm đạo kèm theo dịch có mùi hôi có thể mẹ đã bị viêm âm đạo. Gia đình hãy đưa mẹ bầu đến bác sĩ thăm khám kịp thời, tránh nguy cơ sinh non do viêm âm đạo gây ra.
- Ngoài ra, khi thai nhi phát triển nhanh sẽ lấy lượng lớn dinh dưỡng và máu từ cơ thể mẹ dẫn đến tình trạng thiếu máu. Đồng thời, khi thai nhi phát triển lớn ép lên dạ dày gây ảnh hưởng đến phổi và cơ hoành dẫn đến tình trạng khó thở trong thời kỳ mang thai .
2.2. Những thay đổi tâm lý, cảm xúc
- Bước vào tuần thai 32, cũng đồng nghĩa với việc chỉ còn hai tháng cuối mẹ và bé phải đối diện với “cuộc chiến cam go” để đón con chào đời. Xen lẫn sự háo hức sẽ là lo lắng, nhất là đối với các chị em lần đầu làm mẹ.
- Đây là thời điểm nước rút, áp lực dành cho mẹ bầu sẽ ngày càng lớn vì tâm lý chung ai cũng muốn con khỏe mạnh khi chào đời. Áp lực có thể đến từ những lời bình phẩm như bụng to khó sinh, bụng nhỏ bé em bé sinh ra sẽ yếu ớt, hoặc chị em có thể nghĩ ngợi lung tung không biết thai nhi có vấn đề gì không. Tất cả những điều này thậm chí dễ làm cho mẹ bầu càng thêm bất an, nhạy cảm với mọi thứ xung quanh và trở nên cáu gắt. Để loại bỏ sự căng thẳng này, mẹ hãy học cách điều tiết cảm xúc, đừng để nỗi lo áp đảo mà hãy suy nghĩ tích cực, chuẩn bị mọi thứ chu toàn, tập trung cho việc đón con chào đời nhé, mọi việc sẽ ổn thôi.
- Bên cạnh đó, khi nghĩ đến việc con sắp chào đời cũng có không ít mẹ sẽ tranh thủ nhồi nhét dinh dưỡng thật nhiều để con khỏe mạnh. Tích cực bổ sung dinh dưỡng là điều cần làm, tuy nhiên phải ăn với liều lượng vừa đủ, khoa học để tránh tình trạng bội thực, khó tiêu khi mẹ ăn quá nhiều.
- Giai đoạn này mẹ bầu cần nhạy cảm để lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của con. Đồng thời, mẹ nên tạo điều kiện trò chuyện, cho thai nhi nghe nhạc vừa giúp mẹ giảm áp lực vừa giúp thai nhi cảm nhận được sự tương tác của mẹ. Ngoài ra, mẹ bầu có thể tham khảo thai nhi tuần 32 có đặc điểm gì đặc biệt để có thể trang bị thêm nhiều thông tin bổ ích.
3. Bà bầu cần chuẩn bị gì ở giai đoạn này
3.1. Bổ sung dinh dưỡng cho thai nhi
Bên cạnh kiến thức về sự phát triển của bé, thay đổi ở mẹ thì việc cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi là phần đặc biệt quan trọng ở tuần thứ 32. Mẹ cần quan tâm bổ sung dinh dưỡng thiết yếu, đây sẽ là nguồn năng lượng giúp mẹ và bé tăng cường sức khỏe cho những tháng còn lại.
Những loại thực phẩm chứa chất dinh dưỡng cần thiết cho mẹ bầu như:
- Sắt: Nguy cơ bé nhẹ cân hoặc sinh non có thể xảy ra nếu cơ thể mẹ thiếu sắt. Việc bổ sung chất sắt sẽ giúp cơ thể mẹ bầu sinh ra nhiều máu để cung cấp cho thai nhi, do đó chất dinh dưỡng này rất cần thiết cho thai nhi tuần 32, cũng như toàn bộ quá trình thai kỳ. Một số loại thực phẩm chứa lượng chất sắt dồi dào giúp mẹ dập tắt nỗi lo thiếu máu như gan, thịt đỏ, rau muống, tim, trứng,…
- Protein (đạm): Đây là chất dinh dưỡng quan trọng trong việc giúp thai nhi tăng 200g trong bụng mẹ mỗi tuần. Những nguồn thực phẩm giàu đạm mà mẹ có thể sử dụng như cá, các loại đậu, quả hạch, sữa, trứng, thịt, bơ,…
Tìm hiểu thêm: Cách nấu chim bồ câu hầm hạt sen cực ngon cho bà bầu bồi bổ sức khỏe
- Chất béo: Bà bầu nên bổ sung thêm các loại axit béo có lợi cho sức khỏe như cá thu, cá hồi,…giúp bé phát triển, thông minh. Lượng lớn chất omega 3 trong cá hồi còn giúp trẻ sáng mắt, tăng cường thị lực.
- Canxi: Canxi có tác dụng giúp trẻ phát triển hoàn thiện khung xương, giúp mẹ ngăn ngừa loãng xương, rụng răng và tránh các bệnh về xương khớp sau này. Mẹ bầu có thể bổ sung canxi qua thực phẩm: trứng, sữa, các chế phẩm từ sữa, hải sản như tôm, cua, cá, mực,…
- Nước: để hạn chế sự mất nước làm chậm quá trình trao đổi chất, mẹ nên uống nhiều nước. Đặc biệt, nếu sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ mẹ có thể uống nhiều nước vào ban ngày, nên uống khoảng 2 – 3 lít nước mỗi ngày.
- Vitamin C, khoáng chất: Ở tuần thứ 32, trong chế độ dinh dưỡng của bà bầu thì vitamin C và khoáng chất là chất rất cần thiết bổ sung. Hàng ngày mẹ có thể ăn khoảng 75mg vitamin C và khoáng chất từ các loại trái cây như bưởi, cam, chanh, quýt, xoài, táo, kiwi,…
- Chất xơ: Đây là chất dinh dưỡng và là liều thuốc lý tưởng giúp mẹ bầu phòng ngừa, chữa trị táo bón hiệu quả. Các loại rau củ cung cấp chất xơ dồi dào như bông cải xanh, cải bó xôi, cần tây, bắp, các loại đậu, bánh mì, gạo lứt,…
3.2. Vận động
Vận động cũng là một trong những phương pháp đơn giản bảo vệ sức khỏe, giúp cơ thể dẻo dai cho thai nhi ở tuần thứ 32. Các bài luyện tập, vận động nhẹ nhàng thích hợp cho mẹ và thai nhi thời điểm này:
- Đi bộ, sẽ là lựa chọn tuyệt vời giúp mẹ bầu giảm được tình trạng phù nề, đau lưng hoặc chuột rút ở chân. Đồng thời, đi bộ hít thở không khí trong lành còn giúp mẹ có tinh thần thoải mái, vui vẻ. Mẹ nên chọn địa điểm đi bộ thích hợp như quanh nhà, công viên, nơi có nhiều cây xanh, thời tiết thoáng mát để có hiệu quả tốt nhất.
- Bơi lội là môn thể thao hiệu quả giúp mẹ giảm được các triệu chứng khó chịu như phù nề, đau thần kinh tọa.
- Các bài tập thể dục nhẹ nhàng, yoga dành cho phụ nữ mang thai cũng là biện pháp tốt giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh. Bài tập có tác dụng điều hòa lưu thông máu, cơ thể khỏe khoắn, thư giãn tinh thần và tâm trạng thoải mái cho mẹ và bé.
3.3. Mốc khám thai tuần 32
Thai nhi tuần thứ 32, là lúc cơ thể mẹ có nhiều thay đổi, bé sẽ phát triển nhanh trọng lượng và hoàn thiện tất cả các bộ phận. Đây sẽ là cột mốc khám thai quan trọng trong suốt 40 tuần thai , để tránh các vấn đề phát sinh và chăm sóc thai nhi tốt hơn mẹ cần được khám đầy đủ:
- Khám thông thường: Đo nhịp tim, huyết áp, kiểm tra cân nặng, đo chiều cao dáy tử cung, triệu chứng phù nề, kiểm tra vị trí và kích thước thai nhi bằng cách sờ, nắn bên ngoài bụng, …
- Xét nghiệm máu: nhằm mục đích kiểm soát lượng điện giải, đường huyết, men gan,…
- Siêu âm thai: Kiểm tra, tầm soát dị tật cho thai nhi ở mốc cuối
- Xét nghiệm nước tiểu: kiểm tra lượng đạm, đường, phân tích 10 thông số dựa vào đó để đánh giá mức độ ổn định của sức khỏe mẹ và thai nhi.
Bên cạnh đó, việc khám thai lần này mẹ sẽ được bác sĩ hướng dẫn và tư vấn cách chăm sóc tốt cho sức khỏe ở giai đoạn cuối thai kỳ.
4. Một số điều cần lưu ý cho mẹ ở tuần thai 32
- Nguy cơ sinh non
Ở giai đoạn này, sinh non cũng là một trong những trường hợp đáng lo. Bởi, nó sẽ dẫn đến nhiều ảnh hưởng về sức khỏe cũng như dinh dưỡng ở bé. Vì vậy, mẹ nên cảnh giác, nhạy cảm với một số biểu hiện của nguy cơ sinh non trong tuần thứ 32 như:
Âm đạo tiết dịch bất thường như ra dịch lỏng có thể là nước ối, chảy máu. Đồng thời kèm theo đó có cảm giác vùng bụng trước căng thành cơn, đau bụng.
Ngoài ra, nếu mẹ bầu xuất hiện các dấu hiệu như sốt, đau đầu, khó thở, mệt mỏi, ngất, đau ngực,…có thể là những biểu hiện nguy hiểm, cần được thăm khám ngay.
Đặc biệt lưu ý, nếu chỉ trong vòng 1 giờ mà mẹ nhận thấy có hơn 6 cơn co thắt, thời gian mỗi cơn khoảng 30 – 45 giây kèm theo đau bụng hoặc chảy máu âm đạo. Gia đình hãy lập tức đưa sản phụ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám vì có khả năng bé sinh non rất cao.
- Đi đứng
Thời điểm này, bụng mẹ bầu đã to, có thể trong tư thế đứng nhìn xuống mặt đất mẹ đã không nhìn thấy chân mình. Do đó mẹ nên đi đứng từ tốn, khoan thai, cố gắng giữ cân bằng, quan sát kỹ xung quanh để tránh vấp ngã, va đập sẽ nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.
- Lên kế hoạch cho công việc
Nếu như lúc này mẹ còn đang làm việc, hãy hoàn thành chúng và bàn giao lại cho người khác. Đồng thời, chuyên tâm chăm sóc bản thân và mua sắm vật dụng cần thiết chuẩn bị chu toàn cho kỳ sinh nở sắp tới. Luôn giữ tinh thần thoải mái, tâm thế sẵn sàng cho công cuộc làm mẹ ngày càng đến gần nhé.
- Thư giãn
Mẹ có thể dùng cuối tuần rảnh rỗi cùng gia đình tổ chức vui chơi, dã ngoại thay đổi không khí. Đây hứa hẹn sẽ là giây phút bên nhau ngọt ngào, ghi những những kỷ niệm hạnh phúc của gia đình trong thời kỳ mang thai. Điều này sẽ tạo tinh thần thoải mái, động lực để mẹ mạnh mẽ bước lên bàn sinh đón con chào đời.
- Theo dõi chuyển động của bé
Mỗi thai nhi sẽ có mức độ chuyển động khác nhau và không có tiêu chuẩn chung cho tất cả. Tuy nhiên, mẹ nên theo dõi thường xuyên các cử động của con, đảm bảo con vẫn hoạt động ở mức độ bình thường như đạp, đá, ngọ nguậy, chứng tỏ bé vẫn khỏe mạnh và an toàn.
>>>>>Xem thêm: Con rạ thường sinh sớm hay muộn so với ngày dự sinh?
Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 32 là thời điểm nước rút để mẹ bầu tập trung toàn lực chăm sóc sức khỏe cho mình và đảm bảo cho sự phát triển toàn diện cho bé. Có thể nói đây là giai đoạn lấy đà quan trọng, bước dự trữ năng lượng để mẹ và bé vượt cạn thành công.
Ngọc Hân tổng hợp