Sinh non là tình trạng không mong muốn nhưng đều có khả năng xảy ra với bất cứ mẹ bầu nào. Vậy trường hợp sinh non cụ thể ra sao, nguyên nhân do đâu, em bé sinh non bị ảnh hưởng thế nào, bầu có thể phòng tránh hay không…Tất cả các câu hỏi liên quan này đều được giải đáp ngay dưới đây, các bầu hãy tham khảo nhé.
Bạn đang đọc: Sinh non và 4 điều cơ bản mẹ bầu nào cũng phải nắm rõ
Contents
1. Sinh non và nguyên nhân dẫn đến sinh non là gì?
Sinh non là tình trạng mẹ bầu sinh em bé trước tuần 37 của thai kỳ, thường là trong khoảng từ tuần 20 đến tuần 37. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh non thường gặp được liệt kê như dưới đây:
- Mẹ bầu có cổ tử cung ngắn
- Khoảng thời gian giữa 2 lần mang thai ngắn
- Có tiền sử sinh non
- Mẹ bầu từng thực hiện phẫu thuật ở tử cung hoặc cổ tử cung trước đó
- Mang đa thai
- Chảy máu âm đạo trong thai kỳ
- Nhiễm trùng âm đạo
- Thiếu dinh dưỡng do ăn uống không được, không đủ chất hoặc quá cân
- Mẹ bầu thường xuyên căng thẳng
- Lạm dụng các chất gây nghiện trong thai kỳ như hút thuốc, uống rượu
- Thai bị chấn động do té ngã hoặc do mẹ bầu mang vác nặng, làm việc nặng
- Biến chứng thai kỳ như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật , huyết áp cao
- Mẹ bầu bị bệnh tim
Nguyên nhân dẫn đến sinh non có thể là chủ quan hoặc khách quan. Nếu mẹ bầu nằm trong số các rường hợp như đề cập, hãy luôn giữ bình tĩnh, hợp tác chặt chẽ với bác sỹ chuyên khoa để luôn bảo đảm tình trạng ổn định và an toàn nhất cho thai kỳ của mình.
2. Trẻ sinh non có thể đối mặt với những nguy cơ nào?
Trẻ sinh non chắc chắn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe sau này cụ thể như:
- Trẻ không thể tự điều hòa thân nhiệt khi sinh ra do cơ thể con chưa đủ chất béo
- Trẻ dễ bị vàng da và thiếu máu
- Hệ miễn dịch của trẻ yếu
- Trẻ dễ gặp phải bệnh lý võng mạc
- Trẻ dễ gặp các bệnh lý về đường ruột
- Trẻ thấp bé nhẹ cân
- Trẻ dễ bị còi xương suy dinh dưỡng
- Trẻ đối mặt nguy cơ suy hô hấp do phổi chưa phát triển thực sự hoàn thiện. Trong tương lai, trẻ dễ gặp các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi,…
- Trẻ dễ mắc các dị tật bẩm sinh điểm hình như bệnh tim bẩm sinh . Trong tương lai, trẻ có khả năng đối mặt với các di chứng về thần kinh tiềm tàng hoặc rõ rệt. Nguy cơ bại não và chậm phát triển cao.
Có thể thấy, rủi ro mà trẻ phải đối mặt nếu sinh non là khá nhiều và rất nghiêm trọng. Vì thế, mẹ bầu cần lưu ý sức khỏe của mình và mọi bất thường để giữ con lâu nhất có thể cho đến ngày sinh.
Tìm hiểu thêm: Hạ kali máu ở bà bầu: Dễ gây biến chứng nhưng cũng dễ đề phòng
3. Dấu hiệu dọa sinh non mẹ bầu nên biết
Dấu hiệu dọa sinh non mẹ bầu có thể nhận biết qua cảm nhận và bất thường của cơ thể như:
- Tăng dịch tiết âm đạo bất thường
- Dịch tiết âm đạo thay đổi bất thường như dịch tiết lỏng hơn, nhầy hơn hoặc có dính máu
- Đau lưng dưới âm ỉ kéo dài
- Chuột rút ở bụng
- Cảm thấy vùng chậu hoặc vùng bụng dưới nặng nề
- Đau bụng như khi hành kinh hoặc đau kèm cơn co thắt thật
- Vỡ ối sớm hoặc rỉ ối
Nếu mẹ bầu thấy xuất hiện những dấu hiệu trên, cần phải nhập viện ngay lập tức để các bác sỹ chuyên khoa có cách ứng phó kịp thời.
4. Mẹ bầu có thể phòng tránh sinh non hay không?
Mẹ bầu hoàn toàn có thể phòng tránh, giảm nguy cơ sinh non qua các việc sau:
- Chăm sóc sức khỏe thai kỳ cẩn thận và khoa học, nhất là về chế độ dinh dưỡng cần cân bằng đủ chất, chế độ nghỉ ngơi hợp lý, nói không với stress.
- Tuân thủ lịch khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe mẹ và em bé được sát nhất.
- Quan tâm chăm sóc sức khỏe răng miệng. Vì các bệnh lý về răng miệng cũng có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ rất lớn.
- Uống đủ nước hàng ngày, ngủ đủ giấc và nhất là phải ngủ trưa 30 phút mỗi ngày.
- Cần vận động, tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp với tình trạng thai kỳ của mình. Tuy nhiên, cần tránh làm việc nặng, tập các bài tập quá sức.
- Chú ý quan hệ vợ chồng nhẹ nhàng an toàn, tránh kích thích quá mạnh có khả năng làm xuất hiện những cơn co thắt tử cung dễ dẫn đến tình trạng dọa chuyển dạ sớm.
Trường hợp bạn nằm trong các nguy cơ cao dễ dẫn đến sinh non , cần theo dõi sức khỏe cơ thể thật chặt chẽ, tuân thủ những yêu cầu của bác sỹ sản khoa và trong mọi trường hợp đều cần phải thông báo với bác sỹ để nhận thêm những hướng dẫn cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe, sự an tòan cho cả hai mẹ con.
>>>>>Xem thêm: Bác sĩ sản khoa giải thích từ A-Z về quá trình sinh mổ
Các bầu cũng thấy đấy, sinh non khiến hầu hết chúng ta phải lo lắng vì có quá nhiều rủi ro mà em bé sẽ phải đối mặt sau khi ra đời, thậm chí cho đến khi trưởng thành. May thay, phòng tránh và hạn chế sinh non là hoàn toàn có thể. Vì thế, bầu hãy chăm sóc bản thân thật kỹ lưỡng. Cho dù gặp phải bất cứ vấn đề gì, bầu hãy ghi nhớ rằng, mình chỉ có 9 tháng 10 ngày để chuẩn bị cho con một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh khi gặp thế giới này, bầu nhé.
Cát Lâm tổng hợp