Nước ối là một phần quan trọng trong hệ thống hỗ trợ sự sống của thai nhi. Nó bảo vệ em bé và hỗ trợ sự phát triển cơ bắp, chân tay, phổi và hệ tiêu hóa của bé. Nước ối được tạo ra ngay sau khi túi ối hình thành (khoảng 12 ngày sau khi trứng được thụ tinh). Ban đầu nước ối do cơ thể mẹ cung cấp nhưng sau đó, khoảng từ tuần thứ 20 thì nước tiểu của em bé trở thành thành phần chính.
Bạn đang đọc: Nước ối trong thai kỳ
Trong quá trình phát triển, môi trường nước ối sẽ giúp em bé sẽ di chuyển và nhào lộn trong bụng mẹ. Vào tam cá nguyệt thứ hai, bé sẽ bắt đầu thở và nuốt nước ối. Trong một số trường hợp, lượng nước ối có thể ở mức quá thấp hay quá cao, lượng nước ối thấp được gọi là thiểu ối – oligohydramnios, lượng nước ối quá cao gọi là đa ối – polyhydramnios. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về hai tình trạng này xem nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục như thế nào nhé.
1. Tình trạng thiểu ối
1.1 Thiểu ối là gì
Thiểu ối là tình trạng có quá ít nước ối. Các bác sỹ có thể đo lượng nước ối bằng nhiều cách khác nhau, trong đó phổ biến nhất là thông qua chỉ số nước ối AFI hay đo độ sâu của khoang túi ối. Nếu chỉ số AFI dưới 5cm hoặc chiều sâu ở khoang ối lớn nhất dưới 3cm, hoặc thể tích nước ối ở tuần 32-36 dưới 500ml có thể được xem là thiểu ối.
Khoảng 8% phụ nữ nữ mang thai có lượng nước ối thấp, trong đó có 4% được chẩn đoán là thiểu ối. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ nhưng phổ biến nhất là ở tam cá nguyệt thứ 3. Nếu thai phụ đã quá ngày dự sinh khoảng 2 tuần hoặc hơn, thì nguy cơ nước ối thấp là rất cao, vì một khi tới ngưỡng 42 tuần thai thì lượng nước ối có thể giảm đi một nửa. Tình trạng thiểu ối có thể gây ra biến chứng cho khoảng 12% trường hợp thai phụ đã qua 41 tuần thai.
1.2 Nguyên nhân gây ra tình trạng thiểu ối
- Dị tật bẩm sinh ở thai nhi : Do các bất thường về thận hay hệ tiết niệu gây ra tình trạng sản xuất ít nước tiểu dẫn đến thiếu ối.
- Các vấn đề về nhau thai : Nếu nhau thai không cung cấp đủ máu và dưỡng chất cho thai nhi, thì em bé có thể ngưng tái sản xuất chất lỏng.
- Sự rỉ ối hay vỡ ối : Màng ối bị rách dẫn đến sự rò rỉ nước ối từ từ hoặc đột ngột, hay vỡ ối sớm cũng có thể dẫn đến thiểu ối.
- Thai quá ngày sinh : Một thai kỳ quá 42 tuần cũng có thể xảy ra tình trạng thiếu ối mà nguyên nhân là do sự suy giảm chức năng nhau thai.
- Các biến chứng từ mẹ : Các yếu tố từ mẹ như mất nước, cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường và thiếu oxy mạn tính có thể ảnh hưởng đến lượng nước ối.
1.3 Các nguy cơ đối với tình trạng thiểu ối
Các nguy cơ của tình trạng thiểu ối thường phụ thuộc vào tuổi thai. Do nước ối là môi trường giúp bé phát triển cơ bắp, phổi và hệ thống tiêu hóa và từ tam cá nguyệt thứ hai bé bắt đầu tập thở và nuốt nước ối để giúp phổi phát triển, do đó tình trạng thiểu ối ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình này.
• Nếu thiểu ối xảy ra ở nửa đầu thai kỳ thì các biến chứng có thể nghiêm trọng hơn, bao gồm:
– Sự tăng áp lực lên các cơ quan nội tạng của bé dẫn đến dị tật bẩm sinh.
– Tăng nguy cơ sảy thai hoặc thai chết lưu.
• Nếu thiểu ối xảy ra ở nửa sau thai kỳ, có thể dẫn đến các biến chứng:
– Hội chứng chậm phát triển của thai nhi.
– Sinh non
– Các biến chứng khi chuyển dạ như: tăng áp lực lên tủy, ngộ độc phân su và tăng nguy cơ phải mổ lấy thai.
1.4 Hướng điều trị đối với tình trạng thiểu ối
Phương pháp điều trị tình trạng thiểu ối phụ thuộc vào tuổi thai. Nếu thai phụ chưa đủ tháng để có thể sinh thì sẽ được theo dõi chặt chẽ lượng nước ối, đồng thời tiến hành các xét nghiệm để kiểm tra sự phát triển của thai nhi, nhằm can thiệp kịp thời nếu xuất hiện dấu hiệu bất thưởng. Nếu bé đã đủ tháng thì bác sỹ sẽ đề nghị thai phụ tiến hành kích thích chuyển dạ để sinh.
Một số phương pháp điều trị khác có thể được sử dụng như:
- Truyền dịch nhỏ giọt trong quá trình chuyển dạ qua một ống thông trong tử cung. Chất dịch lỏng bổ sung này sẽ giúp tăng cường lớp đệm quanh dây rốn và có thể làm giảm nguy cơ phải sinh mổ.
- Đưa dịch vào tử cung thông qua thủ thuật chọc ối. Thông thường lượng nước ối sẽ trở lại mức bình thường sau 1 tuần can thiệp, tuy nhiên khoảng thời gian đó sẽ giúp các bác sỹ có thể quan sát tình trạng thai nhi, và đưa ra các chẩn đoán cũng như can thiệp kịp thời, để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
- Việc bổ sung nước qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch cho thấy có thể giúp tăng lượng nước ối.
2. Tình trạng đa ối
Đa ối – Polyhydramnios hay thường được gọi là Poly, là một tình trạng khá hiếm gặp, thường chỉ xuất hiện ở khoảng 1% trong số phụ nữ mang thai.
2.1 Đa ối là gì
Ở tam cá nguyệt thứ ba nếu chỉ số AFI của mẹ trên 25 thì được coi là đa ối. Thông thường đa ối là vô hại, nhưng nó cũng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho mẹ và bé.
2.2 Triệu chứng của đa ối
Một trường hợp đa ối nhẹ có thể không có bất kỳ triệu chứng nào, điều này thực tế không đáng lo ngại vì thông thường, đa ối nhẹ không gây biến chứng thai kỳ nào.
Đa ối mức độ trung bình đến nặng sẽ có các triệu chứng sau:
- Khó thở
- Sưng chân
- Sưng âm hộ
- Giảm sản xuất nước tiểu
- Táo bón
- Ợ nóng
- Khó chịu ở vùng bụng
Tìm hiểu thêm: Bà bầu nằm nghiêng bên phải có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Các triệu chứng trên xuất hiện là do tử cung quá to gây áp lực lên các cơ quan khác.
Bác sỹ có thể xác định được các triệu chứng của tình trạng đa ối mà bạn không nhận ra. Nếu tử cung của bạn lớn hơn bình thường (tử cung lớn hơn 2-3 tuần so với tuổi thai) hoặc nếu bác sỹ khó kiểm tra được nhịp tim, hay cử động của thai nhi, thì có thể bạn đang bị đa ối.
Đa ối có thể xảy ra từ tuần thứ 16 của thai kỳ nhưng hầu hết các trường hợp không xảy ra cho đến giai đoạn sau của thai kỳ. Sự xuất hiện quá sớm của tình trạng đa ối báo hiệu nguy cơ cao của những biến chứng thai kỳ.
2.3 Nguyên nhân của tình trạng đa ối
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân của đa ối là không xác định được. Tình trạng đa ối nhẹ có thể chỉ do sự tích tụ nước ối dần dần trong quá trình mang thai.
Đa ối mức độ trung bình và nặng có thể do các nguyên nhân sau:
- Khuyết tật bẩm sinh của thai nhi : thai nhi có thể mắc dị tật bẩm sinh làm giảm khả năng nuốt, từ đó ảnh hưởng đến lượng nước ối nuốt vào và lượng nước tiểu thải ra, làm cho nước ối bị tích tụ lại.
- Bệnh tiểu đường thai kỳ : Nếu mẹ bị tiểu đường trước khi mang thai hoặc trong 3 tháng cuối thai kỳ, mức đường huyết cao có thể dẫn tới sự tích tụ nước ối quá mức.
- Hội chứng truyền máu song thai (Twin to twin transfusion syndrome – TTTS): là hội chứng gặp ở các trường hợp mang thai đôi khi một em bé nhận được nhiều máu và bé còn lại nhận được ít, khi đó sẽ có sự chênh lệch lượng nước ối quanh hai bé.
- Sự bất tương hợp yếu tố nhóm máu : Khi máu của mẹ có yếu tố Rh(-) và bé có yếu tố Rh(+) có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu phôi thai và một trong những biến chứng có thể gặp đó là đa ối.
- Thai nhi gặp vấn đề về tim mạch : bao gồm rối loạn nhịp tim, đau tim hay khuyết tật tim bẩm sinh.
2.4 Những biến chứng có thể gặp khi bị đa ối
Như đã đề cập ở trên, đa ối nhẹ thường không gây ra biến chứng nhưng những trường hợp nặng thì các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra như:
- Chuyển dạ sớm
- Sinh non
- Sự tăng trưởng quá mức của thai nhi
- Bong nhau non (nhau thai tách khỏi thành tử cung trước khi sinh)
- Xuất huyêt sau sinh
- Sa dây rốn (dây rốn ra khỏi âm đạo trước em bé)
- Thai nhi có ngôi bất thường
- Thai chết lưu
2.5 Các xét nghiệm đối với tình trạng đa ối
Nếu các bác sỹ nghi ngờ bạn bị đa ối dựa trên các triệu chứng của bạn hoặc kết quả siêu âm, họ sẽ tiến hành siêu âm với mức độ phân giải cao hơn, để xác định lượng nước ối trong tử cung của bạn. Nếu bạn ở ngưỡng bị đa ối, các xét nghiệm sau có thể được chỉ định:
- Xét nghiệm dung nạp đường để xác định bạn có bị tiểu đường hay không
- Xét nghiệm chọc ối (lấy mẫu nước ối để kiểm tra bất thường về di truyền ở em bé)
- Kiểm tra những bất thường đối với nhịp tim của em bé
- Siêu âm Doppler (kỹ thuật siêu âm giúp bác sỹ quan sát được hệ thống tuần hoàn của bé)
2.6 Hướng điều trị đối với tình trạng đa ối
Hướng điều trị đa ối phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra tình trạng này. Những trường hợp bị đa ối nhẹ thường không cần điều trị. Bác sỹ vẫn có thể yêu cầu bạn kiểm tra thêm để đảm bảo mọi thứ không tiến triển nghiêm trọng, tuy nhiên, bạn vẫn có thể sinh bé một cách khỏe mạnh, không có biến chứng.
Trong trường hợp đa ối nặng, cách điều trị sẽ tập trung vào nguyên nhân cơ bản. Ví dụ nếu bác sỹ xác định nguyên nhân của tình trạng đa ối là do em bé bị rối loạn nhịp tim, thì họ sẽ cho bạn dùng thuốc để điều chỉnh nhịp tim của em bé, từ đó cũng điều chỉnh được tình trạng đa ối.
Đa ối cũng có thể được can thiệp bằng thủ thuật dùng kim lớn để rút nước ối. Tuy nhiên thủ thuật này có thể gây ra nhiều biến chứng, do đó bác sỹ sẽ cân nhắc và chỉ thực hiện khi nguy cơ tiếp tục thai kỳ, với tình trạng đa ối không được điều trị cao hơn nguy cơ có thể xảy ra, khi thực hiện thủ thuật tiêu dịch.
>>>>>Xem thêm: Các tư thế ngủ phù hợp đối với mẹ bầu trong suốt thai kỳ
Tình trạng đa ối cũng có thể được điều trị bằng một loại thuốc làm giảm sự sản xuất nước tiểu của thai nhi. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể làm ảnh hưởng tới tim của bé, vì vậy cần theo dõi rất chặt chẽ.
Trong một số trường hợp đa ối nặng, bác sỹ có thể phải chỉ định sinh sớm ở 37 tuần hoặc thậm chí sớm hơn.
Đối với những trường hợp đa ối ở mức độ trung bình ở giai đoạn muộn của thai kỳ, có thể điều trị bằng cách nghỉ ngơi trên giường. Nằm nghiêng và nghỉ ngơi được khuyến cáo để trì hoãn sự chuyển dạ sớm càng lâu càng tốt. Nhiều phụ nữ cảm thấy khó di chuyển hoặc đi lại và mô tả họ cảm thấy như có gì sắp bị vỡ. Điều này có thể đúng vì bạn có thể vỡ ối sớm do áp lực của lượng nước ối.
Điều quan trọng là bạn cần phải làm theo chỉ định của bác sỹ, để đảm bảo bạn sẽ có một cuộc sinh an toàn nhất có thể.
Theo Americanpregnancy
Lily Nguyễn lược dịch