Đau rốn khi mang thai là một tình trạng khá nhiều phụ nữ gặp phải trong thai kỳ. Mặc dù rốn chỉ là một dấu tích còn lại từ khi chúng ta được sinh ra và không liên quan đến bất cứ bộ phận nào trong khoang bụng, nhưng nó lại được xem là một huyệt vị đặc biệt.
Bạn đang đọc: Đau rốn khi mang thai – một tình trạng thường gặp các mẹ bầu nên quan tâm
Thông thường, đau ở vị trí rốn khi mang thai không gây hại và sẽ biến mất sau khi sinh bé. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đau vùng rốn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe mẹ và bé. Vậy các mẹ bầu hãy cùng Blogtretho.edu.vn tìm hiểu về những nguyên nhân gây ra tình trạng đau rốn khi mang thai, cũng như cách chăm sóc vùng này đúng cách để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe nhé. Và ngay dưới đây là một số nguyên nhân gây đau rốn cho mẹ bầu trong thai kỳ:
Contents
1. Áp lực của tử cung lên vùng rốn
Khi thai nhi phát triển, tử cung cũng lớn dần, quá trình này gây áp lực lên vùng bụng bao gồm cả khu vực rốn. Càng về cuối thai kỳ, bụng của mẹ bầu càng lớn theo tốc độ phát triển của thai nhi và tử cung. Lúc này áp lực lên vùng bụng và rốn cũng tăng lên, có thể làm cho vùng này bị đau, ngứa hay khó chịu.
2. Sự căng da
Sự tăng cân và sự chèn ép của tử cung lên các cơ quan nội tạng khi thai nhi lớn dần sẽ làm căng da và vùng cơ quanh bụng. Nếu mẹ bầu tăng cân nhanh và nhiều, da bị kéo căng quá mức sẽ dẫn đến tình trạng nứt, đau và ngứa đặc biệt là vùng rốn.
3. Tình trạng rốn lồi
Một số mẹ bầu bị lồi rốn – một tình trạng rất phổ biến khi mang thai mà nguyên nhân cũng do sự tăng cân và áp lực của tử cung lên vùng bụng. Khi rốn nhô lên so với bề mặt da, nó sẽ trở nên nhạy cảm hơn và việc cọ xát với quần áo thường xuyên sẽ dễ khiến mẹ bầu bị đau.
4. Thoát vị rốn
Mặc dù thoát vị rốn nghe có vẻ nguy hiểm nhưng thực chất nó ít khi gây hại cho phụ nữ có thai hay thai nhi. Đây là tình trạng khi tăng cân nhiều vào cuối thai kỳ, áp lực của tử cung làm ruột bị đẩy vào lỗ rốn và bị kẹt ở đó, bị viêm và gây đau cho mẹ bầu. Nếu mẹ rơi vào trường hợp này, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi.
5. Đau rốn do các loại khuyên đeo
Nếu mẹ bầu có đeo khuyên rốn, mẹ cần tháo bỏ khi mang thai, vì việc loại bỏ khuyên khi da đã bị căng sẽ dễ dẫn đến tình trạng bị rách da. Vùng da rốn khá mỏng và nhạy cảm, nếu bị rách sẽ dễ bị nhiễm trùng.
Nếu mẹ đeo khuyên rốn chưa quá 1 năm, khi tháo khuyên da vẫn có thể tự lành. Vì vậy, mẹ nên nói chuyện với bác sỹ để được xử lý càng sớm càng tốt.
Tìm hiểu thêm: Những bản nhạc hay giúp thai nhi phát triển não bộ mẹ nên nghe thường xuyên
Ngoài các nguyên nhân trên, mẹ cũng có thể bị đau rốn khi vệ sinh không đúng cách. Thông thường khi bụng lớn dần, phần rốn sẽ căng ra và mẹ dễ dàng thấy được những nếp gấp da bên trong. Khu vực da rốn này do bị gấp sâu trong thời gian dài nên có thể chứa nhiều bụi bẩn, các mẹ bầu thường không bỏ qua cơ hội làm sạch “điểm đen” đáng ghét đó. Tuy nhiên, nếu dùng tay để cạy các chất bẩn, mẹ sẽ làm trầy vùng da mỏng manh này và khả năng bị nhiểm khuẩn sẽ rất cao. Bên cạnh đó việc tác dụng lực lên vùng bụng khi mang thai ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi.
Vậy nếu cảm thấy khó chịu và muốn vệ sinh vùng rốn để không gây đau rốn khi mang thai , mẹ nên làm thế nào? Tốt nhất mẹ chỉ nên dùng tăm bông nhúng nước để làm ẩm vùng da rốn sau đó lau một cách nhẹ nhàng để loại bỏ chất bẩn. Mẹ cũng có thể dùng khăn chườm ấm hoặc lạnh hoặc bôi gel lô hội để làm dịu da vùng rốn. Mẹ tuyệt đối không nên chà xát mạnh hoặc dùng móng tay cạy lên vùng da này nhé. Nếu tình trạng đau không thuyên giảm mà tăng lên đột ngột, và rốn bị sưng, đỏ mẹ nên đến cơ sở ý tế để kiểm tra ngay.
>>>>>Xem thêm: Vì sao có hiện tượng sinh đôi cùng trứng và khác trứng?
Đau rốn khi mang thai tưởng chừng rất đơn giản nhưng cũng có khá nhiều nguyên nhân gây ra. Mặc dù không nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và thai nhi nhưng tình trạng này cũng có thể gây khó chịu cho mẹ bầu. Vì vậy mẹ không nên chủ quan mà hãy chăm sóc điểm trung tâm của vùng bụng này một cách cẩn thận, để vừa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, vừa đảm bảo sức khỏe mẹ nhé.
Theo Medical News Today
Lily Nguyễn lược dịch