Đau bụng khi mang thai hoặc đu tức bụng là triệu chứng mà hầu hết thai phụ đều phải trải qua. Tuy nhiên, các cơn đau không phải lúc nào cũng giống nhau. Hiện tượng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân và tiềm ẩn những nguy hiểm khác nhau. Vì vậy, thai phụ cần hết sức cẩn trọng và hãy trang bị cho mình nhiều kiến thức để kiểm soát thai kỳ một cách tốt nhất. Để làm được điều này, mẹ hãy cùng Blogtretho.edu.vn tìm hiểu các dấu hiệu cụ thể qua bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Đau bụng khi mang thai – những trường hợp mẹ cần đặc biệt chú ý
Contents
1. Đau lâm râm vùng bụng dưới
Theo bác sĩ vào tháng đầu của thai kỳ, hiện tượng đau bụng lâm râm khi mang thai là hoàn toàn bình thường. Lúc này, trứng đã được thụ tinh và đang tìm cách đào sâu vào lớp niêm mạc tử cung để làm tổ, nên sẽ gây ra cảm giác tưng tức vùng bụng dưới. Ngoài ra đau tức bụng còn do tình trạng ốm nghén trong kỳ tam cá nguyệt thứ nhất.
Thông thường, tình trạng đau tức bụng sẽ kéo dài trong vòng từ 2-3 ngày, sau đó cảm giác đau sẽ có xu hướng giảm đi. Có khoảng 90% thai phụ gặp phải tình trạng này. Bước vào những tháng sau, khi thai nhi càng ngày càng lớn, gây sức ép lên các cơ làm giãn cơ và dây chằng nâng đỡ bụng cũng khiến cho mẹ có cảm giác đau bụng. Với nguyên nhân này mẹ sẽ cảm thấy đau bụng khi ho, hắt hơi, ngồi xổm hay những lúc đứng dậy.
2. Đau quặn bụng dưới
Nếu các cơn đau không chỉ dừng lại ở việc đau bụng lâm râm mà chuyển hẳn qua các cơn co thắt, đau quặn khu vực bụng dưới và tử cung, kèm theo đó là những triệu chứng như buồn nôn, xuất huyết âm đạo,… Thì mẹ cần hết sức lưu ý, vì đây có thể là dấu hiệu của một số biến chứng nguy hiểm như sảy thai (xảy ra trước tuần 20), sinh non (từ tuần thứ 20 đến 36), thai ngoài tử cung, tiền sản giật,…Những biến chứng này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ lẫn bé.
3. Đau tức một bên bụng dưới
Khi mẹ xuất hiện các cơn đau một bên bụng dưới (có thể xảy ra ở bên trái hay bên phải) nhiều lần, cơn đau có thể tự giảm dần nhưng cũng có lúc lại đau dữ dội, hay quặn đau kéo dài, đồng thời kèm theo tình trạng buồn nôn hoặc nôn mửa. Những triệu chứng này báo hiệu mẹ có thể đang gặp các biến chứng như mang thai kèm theo khối u (chứng đảo ngược cuống u nang buồng trứng, đảo ngược u cơ dưới tử cung…) hay bị viêm ruột thừa cấp tính.
Tìm hiểu thêm: Tiêm vắc xin trong thai kỳ: Những điều mẹ cần biết
4. Đau tức bụng dưới
Nếu có dấu hiệu đau tức vùng bụng dưới thì có thể mẹ đang gặp phải một số vấn đề về tiêu hóa như ăn không tiêu hay bị táo bón. Nguyên nhân chính là do sự thay đổi hormone trong cơ thể, làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn và chế độ ăn uống thiếu chất xơ. Bên cạnh đó, sự gia tăng kích thước của tử cung khiến trực tràng bị chèn ép và hoạt động thiếu hiệu quả, dẫn đến việc thai phụ dễ bị đầy bụng, khó tiêu thậm chí còn gây táo bón. Với nguyên nhân này, mẹ không nên quá lo lắng, tuy nhiên nếu để tình trạng này kéo dài sẽ khiến mẹ luôn mệt mỏi, khó chịu và có nguy cơ phát triển thành bệnh trĩ.
Ngoài ra, đau tức bụng dưới còn do sự gia tăng kích thước tử cung làm dây chằng căng dãn và dày lên, khiến mẹ luôn trong tình trạng đau tức khó chịu, nhất là trong những tháng giữa và cuối của thai kỳ.
5. Đau buốt bụng dưới
Một số thai phụ gặp phải tình trạng đau buốt bụng dưới, nhất là khi đi tiểu, số lần đi tiểu cũng tăng lên về đêm, đau rát khi tiểu, nước tiểu có mùi chua, vẩn đục hay lẫn với máu… Với các trường hợp này, thì mẹ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Khi có những dấu hiệu này, mẹ cần đi khám ngay, bởi nhiễm trùng đường tiểu có khả năng dẫn tới nhiễm trùng bàng quang, nặng hơn nữa là gây viêm thận, bể thận dẫn đến suy thai, sinh non.
6. Những lưu ý khi mẹ bị đau bụng hoặc đau tức bụng trong thai kỳ
- Khi bị đau bụng mẹ tuyệt đối không được sử dụng bất kì loại thuốc nào nếu chưa có sự cho phép của bác sĩ.
- Mẹ nên hạn chế tối đa việc quan hệ tình dục để tránh hiện tượng đau tức bụng.
- Bên cạnh đó, mẹ cũng cần có chế độ ăn uống khoa học, uống nhiều nước, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý và tuân thủ chặt chẽ lịch khám thai định kì.
- Nếu cảm thấy bất thường, mẹ cần tìm gặp bác sỹ để tư vấn, hoặc đến ngay bệnh viện để được kiểm tra tìm hiểu nguyên nhân.
>>>>>Xem thêm: Khó thở khi mang thai tháng cuối – nguyên nhân và giải pháp bằng mẹo hay cho mẹ
Trên đây là những thông tin về tình trạng đau bụng khi mang thai hoặc đau tức bụng, hay một số trường hợp đau bụng điển hình khác. Hy vọng, điều này giúp mẹ dễ dàng ghi nhớ, theo dõi sức khỏe của cơ thể tốt hơn, sớm nhận biết những dấu hiệu bất thường của các cơn đau nếu có và có cách phòng tránh hiệu quả. Chúc mẹ có một thai kỳ thật khỏe mạnh mẹ nhé.
Bùi Phường tổng hợp