Chứng lồng ruột ở trẻ là một tình trạng bệnh lý thường gặp ở trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi. Đây là một căn bệnh khá nguy hiểm vì khả năng biến chứng rất nhanh, nếu không được phát hiện kịp thời có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ, thậm chí là tử vong.
Bạn đang đọc: Chứng lồng ruột ở trẻ – một tình trạng bệnh lý nguy hiểm các mẹ cần biết
Có thể từ trước đến nay chúng ta không để ý nhiều đến chứng lồng ruột ở trẻ, do phần lớn chúng ta chưa biết rõ về tình trạng nguy hiểm của bệnh lý này. Việc biết bệnh, triệu chứng bệnh để cấp cứu can thiệp kịp thời là rất quan trọng, vì vậy, chúng ta hãy dành thời gian cùng tìm hiểu nhé.
Contents
1. Lồng ruột là gì
Đây là tình trạng khi một đoạn ruột vì một nguyên nhân nào đó bị lồng vào một đoạn ruột khác. Nó có thể xảy ra ở ruột kết, ruột non hoặc giữa ruột non và ruột già. Lồng ruột làm cho thức ăn không đi qua được khiến đoạn ruột bị lồng bị giãn to. Đồng thời, các mạch máu nuôi dưỡng đoạn ruột đó cũng bị tắc nghẽn làm đoạn ruột bị thiếu máu, từ đó gây viêm nhiễm, xuất huyết và có thể dẫn tới hoại tử. Tình trạng này được phát hiện càng muộn thì khả năng hoại tử ruột càng cao (sau 72 giờ, tỷ lệ hoại tử ruột lên tới 80%). Nếu không được can thiệp kịp thời, trẻ có thể bị nhiễm độc, sốc nhiễm khuẩn, thủng ruột và có thể tử vong.
2. Nguyên nhân dẫn tới lồng ruột ở trẻ
Phần lớn các trường hợp trẻ bị lồng ruột là không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, lồng ruột có thể xảy ra ở trẻ có họ hàng đã từng bị tình trạng này.
Ngoài ra, trẻ ở những trường hợp sau có tỷ lệ mắc lồng ruột cao hơn những trẻ khác:
- Trẻ có khối u ở bụng hoặc ruột
- Trẻ bị viêm ruột thừa
- Trẻ bị nhiễm Rotavirus
- Trẻ bị viêm nhiễm ở ruột
3. Chứng lồng ruột có phổ biến ở trẻ không?
- Lồng ruột hiếm khi xảy ra ở trẻ sơ sinh, mà thường gặp hơn ở trẻ từ 5-9 tháng tuổi. Mặc dù hầu hết các trường hợp trẻ bị lồng ruột có độ tuổi dưới 3, nhưng tình trạng này cũng có thể xảy ra ở trẻ lớn hơn, thiếu niên và cả người lớn.
- Bệnh lý này cũng thường gặp ở bé trai hơn bé gái.
Tìm hiểu thêm: Thể dục sau sinh tập khi nào và tập ra sao cho an toàn hiệu quả
4. Vì sao chứng lồng ruột lại đáng quan tâm
Vì chứng bệnh này có thể ảnh hưởng tới mạng sống của trẻ. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, lồng ruột có thể gây nhiễm trùng, thủng ruột, làm trẻ bị nhiễm độc và có thể tử vong.
Triệu chứng của lồng ruột là gì? – Trẻ bị lồng ruột thường có những biểu hiện rất dễ nhận thấy như:
- Trẻ khóc thét và đột ngột vì bị đau bụng
- Trẻ cáu kỉnh và mệt mỏi
- Trẻ bị nôn mửa
- Trẻ đi đại tiện ra máu lẫn nhầy, có thể toàn máu tươi
Các triệu chứng sẽ nhanh chóng trở nên nặng hơn: trẻ tiếp tục khóc thét, sốt cao, lờ đờ, nôn ra mật, tiêu chảy, mất nước, trướng bụng và có thể hôn mê.
Mặc dù các triệu chứng trên có thể là của một tình trạng bệnh lý nào khác, tuy nhiên khi nhận thấy những biểu hiện bất thường này ở trẻ, bạn cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và can thiệp kịp thời.
5. Điều trị bệnh lồng ruột như thế nào?
Khi được đưa đến cơ sở y tế, trẻ nghi ngờ bị lồng ruột sẽ được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết (xét nghiệm máu, phân, siêu âm ổ bụng, chụp X quang). Nếu chắc chắn trẻ bị lồng ruột, các bác sỹ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cho trẻ. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố sau:
- Mức độ lồng ruột và tổn thương bên trong của trẻ
- Tình trạng sức khỏe của trẻ
- Ý kiến của nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe của trẻ
- Ý kiến của bạn
Nếu trẻ bị lồng ruột ở mức độ nhẹ, bác sỹ có thể tháo khối lồng bằng cách bơm hơi hoặc barium. Đồng thời, cho trẻ dùng thêm kháng sinh, bù thêm dịch, đặt ống thông dạ dày để bụng đỡ trướng…
Nếu trẻ bị nặng và đã xuất hiện biến chứng, bác sỹ có thể phải dùng phẫu thuật để can thiệp.
5.1 Phẫu thuật để gỡ đoạn ruột bị lồng
Khi tình trạng lồng ruột đã gây ra biến chứng, bác sỹ sẽ phẫu thuật mở ổ bụng để tháo đoạn ruột bị lồng. Đồng thời, họ sẽ kiểm tra mức độ nhiễm trùng của ruột và cắt bỏ đoạn ruột bị hư hại nếu cần thiết. Thông thường, sau khi đoạn ruột nhiễm trùng bị loại bỏ, 2 đầu ruột khỏe mạnh sẽ được nối lại. Tuy nhiên đối với một số trường hợp khá hiếm gặp, khi đoạn ruột bị cắt bỏ quá nhiều, thủ thuật mở thông hồi tràng sẽ được thực hiện để đưa hai đầu ruột khỏe mạnh ra các lỗ mở ở bụng, phân sẽ đi qua đó và đi vào các túi thu. Tình trạng này có thể là tạm thời hoặc được duy trì vĩnh viễn tùy thuộc vào lượng ruột đã cắt bỏ.
>>>>>Xem thêm: Nạo phá thai có gây vô sinh hay không?
5.2 Tiên lượng bệnh lồng ruột như thế nào
Nếu được phát hiện sớm và điều trị trọng vòng 24 giờ, trẻ bị lồng ruột có thể hồi phục hoàn toàn.
Đối với trẻ đã bị biến chứng, ruột bị tổn thương hoặc bị cắt bỏ, chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng gây tác động lâu dài đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ để có phương pháp chăm sóc phù hợp đối với trẻ.
Bạn có thể thấy chứng lồng ruột là một căn bệnh khá nguy hiểm. Nếu không được can thiệp sớm, bệnh có thể để lại những hậu quả nặng nề và lâu dài tới sức khỏe của trẻ. Bên cạnh đó, do chưa xác định được nguyên nhân nên cũng chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu. Vì vậy, các cha mẹ hãy lưu ý đến những biểu hiện bất thường của trẻ và đưa con đến cơ sở y tế sớm nhất có thể. Chỉ như vậy mới hạn chế được tối đa những tổn thương có thể xảy ra cho con.
Theo Stanford Children’s Health
Lily Nguyễn lược dịch