Nhiều bố mẹ khi thấy con bắt đầu vịn đứng, chập chững tập đi, đa phần đều có thắc mắc nên cho bé ngồi xe tập đi ở thời điểm này hay không. Vì, suy nghĩ phổ biến của các bố mẹ là việc cho bé ngồi xe tập đi, sẽ hỗ trợ tốt nhất cho việc tập đi của bé. Vậy điều này có đúng và nên dùng xe tập đi khi nào là phù hợp? Blogtretho.edu.vn mời bố mẹ cùng tìm hiểu chi tiết hơn qua nội dung chia sẻ dưới đây nhé.
Bạn đang đọc: Cho bé ngồi xe tập đi khi nào là thích hợp?
1. Nên cho bé ngồi xe tập đi khi nào?
Để giải đáp thắc mắc nên cho bé ngồi xe tập đi khi nào, theo các bác sĩ nhi khoa, không có một thời điểm cố định cho việc ngồi xe tập đi ở bé sơ sinh. Vì, việc này phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm tập đi của bé. Tuy nhiên, nếu cha mẹ muốn cho con ngồi xe tập đi thì nên chọn thời điểm sau khi trẻ sơ sinh đã được 10 tháng tuổi là an toàn hơn cả. Nhưng bố mẹ cũng cần phải lưu ý, đến 10 tháng tuổi, nếu bé chưa muốn tập đi thì bố mẹ cũng không nên “ép” bé, nên để bé vận động theo khả năng tự nhiên của mình.
Bên cạnh đó, các bác sĩ nhi khoa cũng khuyến cáo về việc cho bé ngồi xe tập đi sớm là không nên. Việc cho bé ngồi xe tập đi sớm thường là “lợi bất cập hại”. Vì, hệ xương của trẻ sơ sinh còn rất yếu, chưa thật sự cứng cáp, nếu “ép” bé ngồi loại xe này sớm, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cột sống, sụn đầu xương và các cơ của con.
2. Những lưu ý khi cho bé ngồi xe tập đi
Theo các bác sĩ nghiên cứu về trẻ em ở bệnh viện Nhi Đồng, trên thực tế, nếu không cho bé sử dụng xe tập đi, bé vẫn có thể đi bình thường, khi hệ xương bé đã vững chắc, cứng cáp. Rất nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một đứa bé tự vận động và tập đi sẽ thông minh hơn đứa bé chỉ biết đi thụ động nhờ xe tập đi. Ngoài ra, khả năng vận động của chúng cũng sẽ nhanh nhẹn hơn nếu bố mẹ loại bỏ xe tập đi trong thời thơ ấu của con.
Tìm hiểu thêm: Trẻ 9 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg và chế độ dinh dưỡng thế nào?
Tuy nhiên, nếu bố mẹ vẫn muốn chọn thời điểm cho bé ngồi xe tập đi và băn khoăn khi nào là thích hợp, ngoài việc không nóng lòng cho bé ngồi xe tập đi sớm , thì bố mẹ nên lưu ý một số điều sau để tránh những tai nạn khi tập đi và di chứng đáng tiếc về sau, đối với hệ xương cũng như sự phát triển bình thường của bé:
- Trước khi cho bé tập đi, mẹ nên tạo điều kiện giúp bé tập đứng, việc làm này giúp cho cơ chân bé săn chắc, hệ xương chân phát triển vững chãi sẽ làm tiền đề cho việc tập đi sau này.
- Khi tập đi cho bé, bố mẹ tuyệt đối không kéo bé đi theo mình vì có thể làm bé trật xương vai hoặc cổ tay. Cách tập đi cho bé tốt nhất là bố mẹ nên nâng đỡ và dìu con đi từng bước một, không đẩy bé đi về phía trước.
- Khi cho bé ngồi xe tập đi, vì bánh xe tập đi có nhiều bánh và lúc chuyển động có hiện tượng xoay nên bố mẹ cần đặc biệt giám sát bé cẩn thận, ngăn chặn các trường hợp xe có thể lao ra ngoài, lao xuống cầu thang hoặc những tình huống nguy hiểm khác. Việc cho bé ngồi xe tập đi, bố mẹ cũng nên hạn chế và cần kết hợp các bài tập giúp bé tập đi khác xen kẽ, để con vừa nhanh biết đi, đi tốt, vừa ít phụ thuộc vào xe tập đi, giảm thiểu những tác động không tốt của xe tập đi có thể gây ra cho bé.
- Lúc tập đi cho bé, nên cho bé đi chân trần khi tập trong nhà để bé cảm nhận được từng bước đi và sớm biết đi nhanh hơn. Nhằm giảm thiểu những va chạm gây tổn thương cho bé lúc bé tập đi, bố mẹ có thể lót miếng xốp lên sàn nhà để tránh bé bị ngã đau khi tập.
>>>>>Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi và cách chăm sóc mẹ nên biết
Ngoài ra, trong quá trình cho bé ngồi xe tập đi, nếu bố mẹ phát hiện bé có những bất thường về dáng đi như chân của con bị cong, bàn chân của bé xoay trong, bé gặp khó khăn khi ngồi khoanh chân hay dễ vấp ngã khi đi,… thì bố mẹ nên cho bé đến bệnh viện thăm khám sớm để được điều trị kịp thời.
Có thể tạm kết luận rằng, không có một thời điểm chính xác cho câu hỏi cho bé ngồi xe tập đi khi nào là thích hợp nhất. Tuy nhiên, nếu cho bé ngồi xe tập đi, bố mẹ phải chú ý rất nhiều về quá trình phát triển của con, thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần lưu ý dáng ngồi, kiểu ngồi xe của bé, cần phối hợp các bài tập đi cho con như thế nào, mà không phụ thuộc nhiều vào xe tập đi, để tránh những ảnh hưởng không tốt lên hệ xương hay quá trình tập đi của con. Chúc bé nhà bạn sớm biết đi và thật khỏe mạnh nhé.
Ngọc Hoài tổng hợp