Cho bé bú khi mẹ đi làm là một vấn đề khiến nhiều mẹ sau sinh quan tâm lo lắng. Đặc biệt đối với những mẹ sinh con lần đầu và có công việc đòi hỏi áp lực cao. Việc sắp xếp hợp lý để bé vừa được bú mẹ, và mẹ vừa hoàn thành được công việc không phải là dễ dàng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này xem các chuyên gia có lời khuyên như thế nào nhé.
Bạn đang đọc: Cho bé bú khi mẹ đi làm như thế nào là tốt nhất?
Contents
- 1 1. Bạn nên sắp xếp việc cho bé bú mẹ như thế nào khi đi làm trở lại
- 2 2. Những điều bạn cần lưu ý khi cho bé bú trong thời gian đi làm
- 3 3. Bạn nên vắt sữa bao lâu một lần
- 4 4. Bạn nên dự trữ bao nhiêu sữa cho nhu cầu một ngày của bé
- 5 5. Vắt/ hút và bảo quản sữa mẹ như thế nào
- 6 6. Bạn nên làm gì nếu có nhân viên là phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ
1. Bạn nên sắp xếp việc cho bé bú mẹ như thế nào khi đi làm trở lại
Việc cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời đồng nghĩa với một số mẹ phải cho con bú khi đã đi làm trở lại (do thời gian nghỉ thai sản ở mỗi khu vực là khác nhau). Có một số lựa chọn có thể phù hợp với bạn lúc này, gồm:
- Sắp xếp gửi trẻ gần nơi bạn làm việc hoặc học tập (trong trường hợp bạn không có người thân giúp chăm sóc bé tại nhà). Như vậy bạn có thể tranh thủ cho bé bú trong giờ nghỉ, trước và sau giờ làm. Cữ ăn buổi tối sẽ là một khoảng thời gian tuyệt vời để bạn cùng thư giãn với bé.
- Vắt sữa và bảo quản trong tủ lạnh để người khác có thể cho bé ăn khi bạn không có nhà. Đây là lựa chọn phổ biến của rất nhiều mẹ hiện nay.
- Trao đổi với nhà quản lý hoặc nơi bạn học tập về mong muốn cho con bú càng lâu càng tốt của bạn. Bạn hãy cho họ biết bạn cần sự hỗ trợ và cách thực hiện hiệu quả nhất. Từ đó bạn có thể thu xếp giờ làm việc linh động xung quanh khoảng thời gian bạn dự định cho bé bú.
- Kết hợp cho bé bú bình và sữa mẹ.
- Bạn hãy suy nghĩ sớm về vấn đề này trước khi đi làm lại. Hãy trao đổi trước với cấp trên hoặc giáo viên của bạn về việc bạn đang cho con bú mẹ.
- Bạn cũng có thể liên hệ trước với bộ phận nhân sự của công ty để được giúp đỡ, ví dụ như được sắp xếp một căn phòng hay khu vực riêng tư để bạn cho con bú hoặc vắt sữa.
2. Những điều bạn cần lưu ý khi cho bé bú trong thời gian đi làm
Có một số điều bạn hãy lưu ý khi cho bé bú trong thời gian đi làm, đó là:
- Hãy ghi chú ngày vắt sữa lên túi trữ sữa để người chăm sóc trẻ biết nên dùng loại nào trước
- Hãy cùng với người chăm trẻ thử việc phối hợp chăm sóc và cho con bú trước khi bạn đi làm lại. Bạn hãy giúp bé thích nghi với việc dùng bình hoặc cốc. Ban đầu, bạn có thể để người khác giới thiệu bình/ cốc với bé. Bạn nên đợi ít nhất 1 tháng sau khi sinh nếu muốn cho bé làm quen với bình sữa. Đối với uống bằng ly, cốc, có thể bắt đầu khi bé được 3-4 tháng tuổi. Việc này sẽ giúp bạn cũng như em bé thích nghi từ từ và điều chỉnh được nếu có vấn đề khó khăn nào xảy ra.
- Nếu bạn cho trẻ bú sữa trong vòng 4-5 ngày kể từ ngày vắt sữa ra, thì tốt hơn bạn nên bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh hơn là tủ đông. Điều này có nghĩa là nếu bạn vắt sữa vào ngày thứ sáu khi làm việc, bạn có thể mang về nhà và giữ trong tủ lạnh để sử dụng vào thứ hai tuần tiếp theo.
3. Bạn nên vắt sữa bao lâu một lần
Khi đã đi làm, bạn cần vắt/ hút sữa vào khoảng thời gian bạn thường cho bé bú nếu ở nhà. Theo nguyên tắc chung, trong vài tháng đầu đời, trẻ sơ sinh sẽ cần bú mẹ 8-12 lần trong vòng 24 giờ. Khi bé lớn hơn thì số lần cho ăn có thể giảm xuống.
Việc vắt/ hút sữa mất khoảng 10-15 phút hoặc lâu hơn tùy thuộc mỗi người.
Bạn có thể vắt/ hút sữa trong giờ nghỉ giải lao, nghỉ trưa, sớm trước giờ làm hoặc sau giờ tan làm.
4. Bạn nên dự trữ bao nhiêu sữa cho nhu cầu một ngày của bé
Bạn có thể cần vắt/ hút sữa 2-3 lần một ngày tại nơi làm việc để cung cấp đủ sữa cho trẻ.
Nghiên cứu cho thấy trẻ bú mẹ từ 1-6 tháng tuổi bú khoảng 60-90 ml sữa (2-3 ounce) một lần ăn. Khi bé lớn hơn, sữa mẹ sẽ thay đổi để đáp ứng nhu cầu của bé. Vì vậy, bé sẽ nhận được dinh dưỡng cần thiết phù hợp với nhu cầu khi 9 tháng tuổi từ cùng một lượng sữa với lúc 3 tháng tuổi.
Một số bé ăn ít hơn vào ban ngày khi xa mẹ và ăn nhiều, thường xuyên hơn khi được bú mẹ vào ban đêm. Điều này được gọi là “ngược vòng”. Hoặc bé có thể ăn vào ban ngày và bú nhiều vào ban đêm. Điều này xảy ra có thể là do nhu cầu cần được gần gũi mẹ của bé. Nếu em bé của bạn thuộc trường hợp này, bạn có thể thấy rằng bạn không cần vắt/ hút nhiều sữa cho con vào ban ngày.
5. Vắt/ hút và bảo quản sữa mẹ như thế nào
5.1. Vắt/ hút sữa
Nếu bạn không thể cho bé bú trực tiếp, hãy đảm bảo vắt/ hút sữa trong khoảng thời gian là cữ ăn của bé. Việc này sẽ giúp kích thích tuyến sữa của bạn sản xuất sữa như bình thường.
Trước khi tiến hành vắt/ hút sữa, bạn hãy rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, hoặc dùng chất khử trùng tay chứa ít nhất 60% cồn. Bạn cũng nên đảm bảo khu vực thực hiện vắt/ hút sữa thật vệ sinh và các dụng cụ cần thiết được khử trùng. Bạn không cần phải rửa ngực và đầu vú trước khi vắt/ hút sữa.
Nếu bạn cần giúp đỡ để sữa chảy ra mà không có em bé, hãy thử một số cách sau:
- Nghĩ về những điều đáng yêu ở em bé, mang theo một bức ảnh, một tấm chăn hoặc một vật dụng, quần áo có mùi hương của con
- Áp một miếng vải ẩm và ấm lên ngực
- Nhẹ nhàng xoa bóp ngực
- Nhẹ nhàng chà xát núm vú
- Hình dung sữa chảy xuống
- Ngồi yên lặng và nghĩ về một khung cảnh thư giãn
5.2. Cách vắt/ hút sữa
5.2.1. Cách vắt sữa vắt sữa bằng tay
- Cách làm : Bạn dùng tay ấn và vắt sữa
- Lưu ý :
+ Yêu cầu thực hành, kỹ năng và khả năng phối hợp
+ Khi thành thạo và đúng kỹ thuật, có thể hiệu quả như hút sữa
+ Phù hợp nếu bạn không thường xuyên xa bé, hoặc bạn cần một lựa chọn luôn ở bên cạnh. Nhưng tất cả các mẹ nên học cách vắt sữa bằng tay để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp
- Giá cả : Không tốn phí
5.2.2. Hút sữa bằng máy hút sữa bằng tay
- Cách làm : Bạn dùng tay và cổ tay để vận hành một thiết bị cầm tay để hút sữa
- Lưu ý :
+ Yêu cầu thực hành, kỹ năng và khả năng phối hợp
+ Hữu ích khi bạn ít khi xa bé
+ Có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng vú
- Giá cả : máy hút sữa bằng tay khoảng 30$ đến 50$
5.2.3. Hút sữa bằng máy
- Cách làm : Bạn bật công tắc máy (nếu máy dùng pin) hoặc cắm điện (nếu máy dùng điện) để hút sữa
- Lưu ý :
+ Có thể dễ dàng hơn cho một số mẹ
+ Có thể hút 1 bên hoặc cả hai bên ngực 1 lần
+ Bơm đôi (cả hai ngực cùng lúc) có thể thu được nhiều sữa hơn. Điều này rất hữu ích nếu bạn đi làm lại hoặc đi học toàn thời gian
+ Cần một nơi làm sạch và lưu trữ thiết bị giữa các lần sử dụng
- Giá cả : Máy hút sữa bằng điện , cần pin có giá khoảng từ 150$ đến hơn 250$
Bạn có thể thuê một chiếc máy hút sữa từ bệnh viện địa phương hoặc một tổ chức chuyên về cho con bú. Bạn hãy tìm hiểu về vấn đề này tại bệnh viện bạn dự định sinh con. Ngoài ra bạn hãy trao đổi với công ty bảo hiểm của bạn để tìm hiểu chính sách cụ thể của họ về máy hút sữa.
Tìm hiểu thêm: Trẻ sơ sinh bị táo bón phải làm sao?
5.3. Bảo quản sữa
Sau khi vắt/ hút sữa, bạn có thể:
- Giữ sữa ở nhiệt độ phòng (khoảng 25 độ C hay 77 độ F)tối đa 4 giờ sau khi vắt/ hút
- Nếu sữa sẽ được dùng trong vòng 4-5 ngày sau khi vắt/ hút ra, bạn có thể giữ ở ngăn lạnh của tủ lạnh. Nếu không, bạn nên trữ đông ngay sau khi vắt/ hút sữa
- Bạn có thể cho sữa mới vắt vào túi làm mát hoặc túi giữ nhiệt (với đá lạnh) trong vòng 24 giờ sau khi vắt/ hút sữa. Sau 24 giờ sữa nên được cất vào tủ lạnh hoặc trữ đông
- Để lưu trữ sữa mẹ, bạn hãy sử dụng túi trữ sữa chuyên dụng, chai thủy tinh sạch hoặc chai nhựa có nắp đậy kín và không chứa BPA. Bạn không sử dụng bao bì có số tái chế 7 vì có thể chứa BPA, cũng như không sử dụng các loại bao bì dùng một lần khác
Bạn có thể làm theo hướng dẫn như dưới đây:
5.3.1. Nơi bảo quản trên bàn hoặc quầy
- Nhiệt độ : Nhiệt độ phòng 25 độ C (hay 77 độ F)
- Thời hạn : Tối đa 4 giờ
- Lưu ý :
+ Vật chứa phải được đậy nắp và giữ mát nhất có thể. Đậy vật chứa bằng khăn mát, sạch có thể giữ sữa lạnh hơn
+ Bỏ lượng sữa thừa trong vòng 2 giờ sau khi bé bú
5.3.2. Bảo quản trong tủ lạnh
- Nhiệt độ : 4 độ C (hay 40 độ F)
- Thời hạn : Tối đa 4 ngày
- Lưu ý:
+ Lưu trữ sữa sâu gần phần lưng tủ lạnh
+ Nếu ở chỗ làm, bạn có thể giữ sữa trong tủ lạnh chung nhưng hãy ghi nhãn lên túi trữ cẩn thận
5.3.3. Bảo quản trong tủ đông/ ngăn đông tủ lạnh
- Nhiệt độ : -18 độ C (hay 0 độ F) hoặc lạnh hơn
- Thời hạn :
+ Sử dụng trong vòng 6 tháng là tốt nhất
+ Tối đa 12 tháng là chấp nhận được
- Lưu ý :
+ Lưu trữ sữa sâu gần phần lưng của tủ đông, nơi nhiệt độ ổn định nhất
+ Sữa được bảo quản ở -18 độ C (hay 0 độ F) hoặc lạnh hơn là an toàn nhưng chất lượng sữa có thể giảm xuống
5.4. Mẹo khi trữ lạnh sữa
Bạn có thể áp dụng một số mẹo sau khi trữ đông sữa:
- Ghi nhãn trên bao bì trữ sữa thật rõ ràng, bao gồm ngày vắt/ hút sữa và cả tên của trẻ nếu bạn gửi trẻ
- Trữ đông với lượng sữa nhỏ trong mỗi bao bì đựng, khoảng 60-120 ml (2-4 ounces) hoặc ¼ – ½ cốc để sau này bạn cho bé ăn được thuận tiện hơn
- Bạn chừa lại khoảng 2.5 cm (1 inch) tính từ sữa đến miệng bao bì vì thể tích của sữa sẽ lớn hơn khi đông lạnh
- Hãy để sữa đông lại hoàn toàn
- Hãy trữ sữa ở phía sâu gần lưng của tủ đông hoặc ngăn đông, không giữ sữa trên kệ ở cửa tủ để tránh sữa bị tan ra
5.5. Mẹo để rã đông và làm ấm sữa
Khi bạn rã đông hay làm ấm sữa cho trẻ bú, hãy lưu ý những mẹo sau:
- Rã đông phần sữa đã được trữ lâu nhất trước
- Bạn không cần hâm nóng sữa mà chỉ cần sữa đạt nhiệt độ phòng là được. Thậm chí một số mẹ có thể cho bé bú sữa hơi lạnh
- Hãy rã đông sữa bằng cách để sữa ở ngăn mát tủ lạnh qua đêm
Nếu bạn muốn hâm nóng sữa thì cần lưu ý:
- Giữ túi sữa kín trong khi hâm, đặt túi dưới vòi nước ấm hoặc trong nước ấm (không nóng)
- Không bao giờ hâm nóng sữa bằng lò vi sóng vì nó có thể tạo ra những điểm nóng khiến bé bị bỏng, và làm hỏng sữa
- Kiểm tra nhiệt độ sữa trước khi cho bé ăn bằng cách nhỏ một ít lên mặt trong cổ tay của bạn. Sữa chỉ nên hơi ấm, không nên nóng
- Hãy lắc tròn, nhẹ bình sữa để trộn chất béo có thể đã bị tách ra khi bị đông, không lắc mạnh bình sữa theo chiều thẳng đứng
- Sử dụng sữa mẹ trong vòng 24 giờ sau khi rã đông trong tủ lạnh (nghĩa là 24 giờ sau khi sữa không còn ở trạng thái đông lạnh)
- Nếu sữa được làm tan đến nhiệt độ phòng hoặc đã được hâm nóng, bạn nên sử dụng trong vòng 2 giờ, và phần sữa thừa sau khi trẻ bú nên được bỏ đi trong vòng 2 giờ
- Không trữ đông sữa trở lại khi nó đã được rã đông
6. Bạn nên làm gì nếu có nhân viên là phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ
Nếu bạn có một (hay nhiều) nhân viên là phụ nữ đang cho con bú mẹ, bạn nên tạo điều kiện cho họ vì việc này không những tạo thuận lợi cho nhân viên của bạn, mà nó còn mang lại lợi ích nhất định cho chính bạn, đó là:
- Giảm thời gian nhân viên của bạn vắng mặt để chăm con bị ốm vì trẻ bú mẹ thường khỏe mạnh và ít bệnh vặt hơn
- Tăng tinh thần và lòng trung thành của nhân viên đối với bạn
- Giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới
- Khuyến khích nhân viên cống hiến cho công ty
Bạn có thể hỗ trợ các bà mẹ bằng cách:
- Trợ cấp bằng thời gian nghỉ để họ có thể vắt/ hút sữa hoặc cho con bú
- Cung cấp một phòng riêng, sạch sẽ, ấm áp (không phải phòng vệ sinh) để đảm bảo sự riêng tư khi họ vắt/ hút sữa hoặc cho con bú
- Cung cấp một tủ lạnh an toàn, sạch sẽ để họ trữ sữa mẹ
- Tạo khung giờ làm việc linh động cho họ
- Cho họ biết chính sách của bạn trước khi họ nghỉ thai sản
>>>>>Xem thêm: Vòng tránh thai và những thông tin chị em phải nắm rõ
Cho bé bú khi mẹ đi làm là một việc đòi hỏi sự sắp xếp một cách khoa học của mẹ cũng như sự hỗ trợ của mọi người xung quanh, từ gia đình, người chăm sóc trẻ, cấp trên và đồng nghiệp tại nơi làm việc. Trong thời đại ngày nay, những phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ luôn được cộng đồng hỗ trợ và tạo điều kiện ở một mức độ nhất định. Vì vậy, tất cả những gì bạn cần làm là hãy đề xuất ý kiến để nhận được sự giúp đỡ thích hợp nhất.
Theo NHS & Women’s Health
Lily Nguyễn tổng hợp