Chăm sóc răng miệng sau sinh là một trong những việc cần thiết các mẹ không nên lơ là. Vì sức khỏe răng miệng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe chung. Và nó còn có tác động về mặt tâm lý khi tạo ra sự tự tin trong giao tiếp hằng ngày. Bên cạnh đó, việc chăm sóc, gần gũi và trò chuyện với em bé hàng ngày cũng là một lý do quan trọng bạn cần chú ý đến vấn đề răng miệng của mình. Vậy bạn cần lưu ý những gì về việc này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Bạn đang đọc: Chăm sóc răng miệng sau sinh rất cần thiết mẹ không nên lơ là
Contents
1. Vì sao bạn không nên lơ là việc chăm sóc răng miệng sau sinh
Chúng ta biết rằng khi mang thai, cơ thể người phụ nữ phải chịu rất nhiều áp lực cả về thể chất lẫn tinh thần. Sự ảnh hưởng này còn kéo dài đến khi cô ấy sinh con, và có thể một khoảng thời gian nhất định sau đó nữa.
Từ khi mang thai đến sau khi sinh, trong số các khu vực của cơ thể, thì răng miệng là vùng chịu khá nhiều sự tác động của tình trạng thay đổi hormone. Điều này biểu hiện qua các triệu chứng chảy máu chân răng, viêm nướu,…
Có lẽ chính vì các biểu hiện nhạy cảm này mà phụ nữ sau sinh thường được khuyên không nên đánh răng. Đặc biệt điều này càng được các chị em tuân thủ khi thuộc cộng đồng ở các khu vực có truyền thống coi trọng kinh nghiệm sống của những người đi trước. Việc đánh răng khi mới sinh con được cho rằng sẽ làm răng yếu đi, nướu dễ tổn thương và răng sẽ bị hỏng sớm khi phụ nữ có tuổi.
Tuy nhiên trên thực tế, không giữ vệ sinh răng miệng là việc đem lại hại nhiều hơn lợi. Vì khoang miệng là nơi tiếp nhận thức ăn, đồ uống hàng ngày. Nếu khu vực này không được vệ sinh sạch sẽ có thể dẫn đến nảy sinh hàng ngàn loại vi trùng, vi khuẩn có hại. Hậu quả là các bệnh răng miệng hoặc tình trạng đau răng, nướu có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn uống và sức khỏe của mẹ.
Trong quá trình chăm con, mẹ không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi, đuối sức. Và thêm sự khó chịu do bệnh răng miệng đem lại là hoàn toàn không cần thiết. Vì đây là việc bạn có thể chủ động phòng tránh và ngăn ngừa được.
2. Mẹ nên chăm sóc răng miệng sau sinh như thế nào
Chăm sóc răng miệng sau sinh là rất cần thiết. Nhưng để việc này đem lại hiệu quả, bạn nên chú trọng thực hiện ngay trong thai kỳ. Điều này có nghĩa là bạn không nên bỏ qua các buổi hẹn với nha sĩ khi mang thai . Thậm chí, bạn cũng nên xem nhẹ sức khỏe răng miệng khi chưa có thai.
Như vậy, khám răng là việc nên nằm trong kế hoạch mang thai và sinh con của bạn ngay từ khi bạn dự định có em bé. Bởi kiểm tra răng miệng trước thai kỳ giúp tránh nguy cơ sinh non .
2.1. Chăm sóc răng miệng trong thai kỳ
Giữ gìn răng, nướu khỏe mạnh trong thai kỳ là việc rất quan trọng. Cách tốt nhất để bạn phòng tránh các vấn đề về răng miệng có thể xảy ra là thực hiện vệ sinh khu vực này đúng cách. Cụ thể bạn nên:
- Chải răng ngày 2 lần, mỗi lần ít nhất 2 phút với kem đánh răng chứa flouride. Bạn có thể hỏi ý kiến nha sĩ về cách thức loại bỏ mảng bám phù hợp.
- Dùng chỉ nha khoa ngày 1 lần để loại bỏ thức ăn thừa ở kẽ răng. Đây là cách hiệu quả để chống hình thành mảng bám răng.
- Dùng bàn chải đầu nhỏ với lông mềm và tay cầm thoải mái để chải răng.
- Tránh sử dụng đồ ăn, thức uống nhiều đường quá thường xuyên. Hãy cố gắng dùng chúng vào bữa ăn chính hoặc phụ.
- Nếu bạn thấy đói bụng giữa các bữa ăn, hãy ưu tiên rau củ, sữa chua hay trái cây làm đồ ăn nhẹ. Tránh các loại thức ăn nhiều đường hay có tính axit.
- Tránh sử dụng nước súc miệng chứa cồn.
- Ngừng hút thuốc vì nó làm cho bệnh răng miệng trầm trọng thêm.
- Súc miệng bằng nước muối ngày 1 lần (dùng 1 muỗng cà phê muối pha với nước ấm) sẽ giúp bạn giảm nguy cơ vị viêm nướu.
Tìm hiểu thêm: Bệnh suyễn ở trẻ em và những điều cha mẹ cần lưu ý
Nếu bạn bị nôn (do ốm nghén ), hãy súc miệng bằng nước sạch sau mỗi lần nôn. Việc này sẽ hạn chế axit làm hư hại răng của bạn. Bạn chỉ nên súc miệng mà không nên đánh răng ngay sau khi bị nôn vì việc này có thể làm mòn men răng của bạn. Nếu vẫn muốn đánh răng, bạn nên đợi khoảng 30 phút đến 1 giờ sau khi nôn.
Bạn vẫn nên khám răng định kì khi có thai và nên cung cấp thông tin mình mang thai cho nha sĩ. Như vậy, họ sẽ áp dụng các phương pháp chăm sóc hay điều trị răng một cách phù hợp.
2.2. Chăm sóc răng miệng sau sinh
Sau khi sinh, đặc thù của việc chăm con có thể khiến lịch trình và thói quen ăn uống của bạn thay đổi. Điều này có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh nếu bạn thực hiện việc chăm sóc răng miệng sau sinh không đúng và đủ.
Sức khỏe răng miệng tốt từ trong thai kỳ sẽ là nền tảng cho việc chăm sóc răng miệng sau sinh. Ở giai đoạn này, bạn nên chú ý các vấn đề sau:
- Vẫn duy trì việc chải răng, dùng chỉ nha khoa và súc miệng bằng nước ấm như khi bạn mang thai.
- Hạn chế ăn đồ ngọt hoặc nhiều tinh bột.
- Đến nha sĩ định kì để được kiểm tra răng miệng và lấy mảng bám.
- Không nên ăn đồ ăn thức uống quá nóng, lạnh hoặc chua, cay. Chúng có thể gây kích ứng chân răng làm tăng cảm giác ê buốt và khó chịu. Chúng cũng có hại cho men răng của bạn.
- Bổ sung các thực phẩm giàu canxi vào chế độ ăn. Ví dụ như hải sản, sữa và các chế phẩm sữa, rau lá xanh đậm, các loại đậu,…
>>>>>Xem thêm: Cách cúng đầy tháng cho bé gái đơn giản và đầy đủ nghi thức mâm lễ
Chăm sóc răng miệng sau sinh là một phần quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe. Đây là việc các mẹ nên quan tâm thực hiện không kém bất cứ vấn đề nào khác liên quan đến sức khỏe nói chung. Những điều bạn có thể chủ động làm hoàn toàn nằm trong khả năng của bạn. Vì vậy, bạn hãy cố gắng thực hiện và duy trì những thói quen lành mạnh này. Một sức khỏe răng miệng tốt sẽ góp phần củng cố sức khỏe thể chất của bạn. Đồng thời, nó cũng đem đến cho bạn cảm giác thoải mái, tự tin khi chăm con cũng như trong cuộc sống.
Theo Medland Dental, NHS & Healthy Children
Lily Nguyễn tổng hợp và lược dịch