Bé tập đi là một giai đoạn mà hầu như các bậc cha mẹ đều rất quan tâm và mong đợi. Những bước đi đầu đời của bé không những đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của con, mà còn là một trong những cột mốc cảm xúc lớn của cha mẹ. Vậy quá trình tập đi của bé diễn ra như thế nào, chúng ta hãy cùng theo dõi những thông tin thú vị liên quan nhé.
Bạn đang đọc: Bé tập đi và những cột mốc mẹ cần lưu ý
Contents
1. Mấy tháng tuổi thì bé bắt đầu tập đi
Hầu hết các bé bắt đầu bước những bước đầu tiên vào khoảng 9 – 12 tháng tuổi và đi vững khi được khoảng 14 – 15 tháng tuổi. Tuy nhiên bạn cũng đừng lo lắng quá nếu bé lâu biết đi hơn. Một số bé chưa đi đến tận khi 16 – 17 tháng. Trong năm đầu đời, bé tập trung phát triển các kỹ năng phối hợp và hệ cơ xương. Bé sẽ tập ngồi, lẫy, và bò trước khi tập đứng vào khoảng 9 tháng tuổi.
Kể từ thời điểm đó, việc học cách giữ thăng bằng và tự tin bước đi là vấn đề quan trọng cần đạt được đối với bé. Đến một ngày, bạn sẽ thấy bé vịn ghế đứng rồi vịn đi – và tiếp theo có thể là bé sẽ chập chững bước tới vòng tay của bạn. Sau đó bé có thể chạy và rất nhanh, bỏ lại thời thơ ấu phía sau. Những bước đi đầu tiên là bước tiến lớn và cực kỳ quan trọng của bé hướng tới sự độc lập.
2. Bé tập đi như thế nào
Đôi chân của trẻ sơ sinh chưa đủ khỏe và cứng cáp để đỡ toàn bộ cơ thể của bé, nhưng nếu bạn bế bé ở tư thế đứng, bé sẽ đạp xuống mặt phẳng dưới chân như thể đang đi. Đây là một phản xạ tự nhiên và sẽ chỉ diễn ra trong vài tháng.
Khi được khoảng 6 tháng tuổi, bé sẽ nhún lên xuống nếu bạn bế bé đứng trên đùi mình. Đây sẽ là hoạt động ưa thích của bé trong vài tháng tiếp theo, vì cơ chân của bé đang tiếp tục phát triển trong khi bé đã thành thạo các kỹ năng lẫy, ngồi và bò.
Khi được khoảng 9 tháng tuổi, bé có thể sẽ cố vịn đứng (vì vậy bạn nên đảm bảo những đồ vật đặt xung quanh đủ chắc chắn để hỗ trợ bé). Nếu bạn đặt bé cạnh ghế sofa, bé sẽ bám rất chặt.
Ở khoảng 9-10 tháng tuổi bé sẽ học cách gập đầu gối để ngồi sau khi đứng – việc này đối với bé khó hơn bạn nghĩ nhiều đấy.
Sau khi đã đứng được vững, khoảng 12 tháng tuổi bé sẽ bắt đầu di chuyển, có thể vịn từ đồ vật này sang đồ vật khác, bé cũng có thể thả tay và đứng mà không cần hỗ trợ.
Cũng trong khoảng thời gian này, bé có thể cúi xuống và ngồi xổm và khi đó, bé có thể nhặt được đồ chơi ở vị trí đang đứng hoặc bước đi nếu được dắt tay. Tuy nhiên, bé sẽ chưa tự bước đi ít nhất trong vài tuần nữa. Hầu hết các bé thường bắt đầu bước đi trên đầu ngón chân của mình và bàn chân thì hướng ra ngoài.
Khi được khoảng 12 tháng tuổi, nhiều bé đã chập chững bước đi được nhưng chưa vững. Nếu em bé của bạn chưa tự đi, nghĩa là bé sẽ mất thêm một ít thời gian nữa để làm điều đó, bạn đừng quá lo lắng.
3. Giúp bé tập đi như thế nào
Khi bé tập đứng, bé có thể cần sự trợ giúp để ngồi xuống lại. Nếu bé bị mắc kẹt khi không biết cách để làm điều đó và khóc tìm bạn, bạn đừng chỉ đỡ bé lên hoặc đặt bé xuống, mà hãy chỉ cho bé cách gập đầu gối để ngồi xuống mà không bị ngã, và hãy để bé tự thử một mình.
Bạn có thể khuyến khích bé tự đi bằng cách đứng hoặc quỳ trước mặt bé với hai tay dang rộng. Hoặc bạn có thể đứng đối diện, nắm hai tay bé và giúp bé đi phía trước bạn. Bé cũng có thể sẽ thích thú khi được vịn đi bằng một số loại công cụ hỗ trợ như xe vịn đi bằng gỗ không có bánh xe.
Khi bé tập đi , bạn hãy luôn đảm bảo không gian xung quanh bé được an toàn để bé có thể phát triển và củng cố các kỹ năng mới của mình. Đồng thời, hãy luôn để mắt đến bé trong giai đoạn này.
4. Có nên dùng xe tập đi cho bé
Học viện nhi khoa Hoa Kỳ (APP) khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên dùng xe tập đi cho bé , đặc biệt là các loại có bánh xe. Vì loại dụng cụ này hạn chế sự phát triển hệ cơ xương của chân bé. Đồng thời, khi được đặt vào xe tập đi, bé sẽ dễ dàng di chuyển xung quanh và có thể chạm, với tới những đồ vật nóng hoặc độc hại, như vậy sẽ rất nguy hiểm.
Tìm hiểu thêm: Trẻ biếng ăn, nguyên nhân và giải pháp hợp lý
5. Khi nào nên mang giày cho bé
Bạn hãy khoan mang giày cho bé đến khi bé đi vững trên những mặt phẳng cứng và lạnh. Việc đi chân trần sẽ giúp bé phát triển kỹ năng phối hợp và giữ thăng bằng tốt hơn.
6. Phải làm gì nếu bé không tự đi
Bạn đừng quá lo lắng vì có thể em bé của bạn cần thêm thời gian để tập đi. Tuy nhiên nếu bé chưa thể đứng (có hỗ trợ) ở 12 tháng tuổi, chưa thể tự đi vào 18 tháng tuổi và chưa thể đi vững khi được 2 tuổi thì bạn cần đưa bé đi gặp bác sỹ ngay.
Bạn hãy luôn nhớ rằng trẻ sơ sinh có thời gian biểu khác nhau, và trẻ sinh non thường đạt được các mốc quan trọng chậm hơn so với các trẻ khác. Nếu bé sinh non, bạn nên đánh dấu các mốc đó tính từ thời điểm dự sinh.
7. Sau khi biết đi, bé sẽ có những bước tiến tiếp theo như thế nào
Sau những bước đi thần kỳ đầu tiên để tiến tới sự độc lập, bé sẽ dần dần nắm vững những kỹ năng khác:
- Đứng: khi được 14 tháng tuổi, bé đã có thể tự đứng vững một mình. Bé cũng tự ngồi xuống và đứng dậy được, và có thể còn đi giật lùi được.
- Đi vững: ở khoảng 15 tháng tuổi, bé đã đi khá vững tuy nhiên khi bước đi hai chân bé còn dạng ra nhiều và hai bàn chân hướng ra ngoài, như vậy bé sẽ giữ được thăng bằng tốt hơn.
- Leo cầu thang: 16 tháng tuổi, bé bắt đầu hào hứng trong việc leo lên xuống cầu thang – tuy nhiên bé sẽ không tự thực hiện nếu không có sự giúp đỡ của bạn.
>>>>>Xem thêm: Đặt tên cho con theo ngũ hành như thế nào là tốt nhất
- Leo trèo và đá: gần như em bé của bạn đã bước đi khá thành thạo ở 18 tháng tuổi. Bé có thể sẽ thích leo trèo lên bàn ghế thấp trong nhà, bé cũng có thể leo lên cầu thang, nhưng để trèo xuống trở lại bé sẽ cần hỗ trợ trong ít nhất vài tháng nữa. Bé có thể thử đá vào một quả bóng nhưng không phải lúc nào cũng trúng đích, và đặc biệt, bé có thể thích nhảy theo nhạc.
- Nhảy: ở khoảng 25 – 26 tháng tuổi , bé đã bước đi khá ổn định, và có thể đi trên mặt phẳng dốc một cách nhịp nhàng, bé cũng có thể nhảy tốt hơn.
- Giai đoạn năng động: vào khoảng sinh nhật thứ ba, các kỹ năng cơ bản có thể xem là bản năng thứ hai của bé. Bé đã có thể lên xuống bậc thang với từng chân đặt trên mỗi bậc. Bé cũng không cần tập trung năng lượng vào việc đi, đứng, chạy hay nhảy mặc dù đối với một số hoạt động khác như đứng trên đầu ngón chân hay đứng trên một chân, bé vẫn cần phải tập trung và nỗ lực.
Theo Baby Center
Lily Nguyễn lược dịch