Ăn dặm là thời kỳ mà trẻ bắt đầu tiếp xúc với những món ăn đầu tiên ngoài sữa mẹ. Điều này vô cùng quan trọng đối với sự phát triển cũng như sức khỏe nói chung của trẻ. Nếu cho con ăn dặm sai cách, không những các mẹ không thể giúp cho con tăng cân, mà thậm chí còn khiến trẻ sợ hãi, biếng ăn, dẫn đến thiếu chất, suy dinh dưỡng.
Bạn đang đọc: Ăn dặm cho bé – thực đơn và các cách nấu món ăn dặm cho bé
Việc ăn dặm sẽ giúp bé bổ sung nguồn dinh dưỡng cần thiết, nhưng các mẹ hãy lưu ý rằng không phải bất cứ thức ăn nào bổ dưỡng bé cũng có thể dễ dàng hấp thu được. Vấn đề là thức ăn dặm có phù hợp với nhu cầu, sở thích của bé, hay có được chế biến an toàn không. Vậy, bố mẹ hãy cùng Blogtretho.edu.vn tìm hiểu về vấn đề này, để có thể cho bé yêu nhà mình ăn dặm đúng chuẩn nhé!
Contents
1. Ăn dặm cho bé và một số điều cần lưu ý
1.1 Lựa chọn thời điểm ăn dặm hợp lý
Theo như khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì thời điểm ăn dặm thích hợp cho bé là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi. Lúc này, hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển tương đối hoàn chỉnh, có thể hấp thu một số loại thức ăn phức tạp hơn so với sữa mẹ.
Trên thực tế, nguồn sữa mẹ sau 6 tháng đã không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng (chỉ có thể cung cấp khoảng 450 kcal/ngày), trong khi đó trẻ cần khoảng 700 kcal/ngày cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản và sự phát triển của cơ thể. Vì thế, việc bắt đầu cho bé ăn dặm để bổ sung thức ăn cần thiết là điều tất yếu.
1.2 Dấu hiệu chứng tỏ bé muốn ăn dặm
Khi phát hiện bé yêu nhà mình có những dấu hiệu sau đây, bố mẹ đã có thể tập cho bé yêu ăn dặm rồi đấy:
- Cân nặng của con đã tăng lên gấp đôi so với cân nặng khi chào đời.
- Trẻ đã bắt đầu giữ đầu thẳng, đồng thời có thể tự ngồi để mẹ đút thức ăn dễ dàng cho trẻ.
- Khi mẹ đưa thìa đựng thức ăn đến gần, trẻ biết đưa môi nhận thức ăn hoặc thể hiện sự thích thú đối với các món ăn mà bố mẹ đút cho mình.
- Trẻ có biểu hiện từ chối một số món ăn mà mình không thích, chẳng hạn như: ngoảnh đầu đi nơi khác, lắc đầu, ngậm miệng lại.
- Lưỡi trẻ không còn phản xạ tự động đẩy vật lạ (lúc trước, bất cứ vật gì khi vào miệng, trẻ đều có phản xạ tự động đẩy ra, trừ núm vú).
2. Thực đơn ăn dặm cho bé
2.1 Nguyên tắc xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé
- Nguyên tắc “từ ngọt đến mặn” : Khi cho trẻ tập ăn dặm, mẹ chỉ nên cho bé ăn những món gần giống với sữa mẹ hoặc giống với sữa công thức để bé dễ làm quen. Thông thường, các loại bột vị ngọt sẽ là lựa chọn đầu tiên khi trẻ bắt đầu ăn dặm vì mùi vị gần giống với sữa mẹ. Sau một thời gian, khi trẻ đã thích nghi với việc ăn dặm, mẹ có thể thay thế từ từ bằng bột mặn.
- Nguyên tắc “từ ít đến nhiều” : Để đảm bảo cho việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn được dễ dàng, các mẹ nên cho trẻ ăn với lượng ít rồi tăng dần lên. Ban đầu, mẹ có thể cho trẻ ăn khoảng 1 – 2 muỗng bột, sau đó tăng lên 1/3 chén, rồi 1/2 chén…
- Nguyên tắc “từ loãng đến đặc” : Do trẻ chỉ mới tập làm quen với những thức ăn lạ, nên việc cho trẻ ăn từ loãng đến đặc sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa, không bị “phản ứng” với thức ăn dặm.
- Nguyên tắc “cân bằng dinh dưỡng” : Thức ăn dặm cho trẻ phải đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm quan trọng sau:
– Nhóm bột đường: gạo, bột mỳ, bánh mỳ, bún, phở, ngô, khoai…
– Nhóm đạm: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, đậu nành, các sản phẩm từ đậu nành và các loại đậu khác…
– Nhóm chất béo: dầu, mỡ, bơ, pho mát và các loại hạt có dầu.
– Nhóm vitamin và khoáng chất: rau củ và các loại trái cây tươi.
- Nguyên tắc “không ép trẻ ăn” : Trong trường hợp trẻ có biểu hiện không muốn ăn nữa hoặc tỏ ra phản đối việc ăn dặm, bố mẹ hãy tạm ngưng việc ăn dặm của trẻ một thời gian khoảng chừng 5 – 7 ngày rồi sau đó hãy tập cho trẻ ăn dặm trở lại, tránh để trẻ sợ hãi, căng thẳng trong việc ăn dặm.
- Nguyên tắc “không nêm gia vị” : Trong thức ăn dặm của trẻ, mẹ không nên cho thêm gia vị vào, nhất là mắm, muối vì như thế sẽ ảnh hưởng xấu đến thận cũng như sức khỏe của trẻ.
2.2 Các cột mốc ăn dặm của bé
Thời kỳ ăn dặm của bé được chia thành hai mốc quan trọng:
- Giai đoạn ăn bột : Giai đoạn này thường bắt đầu từ lúc trẻ 6 – 9 tháng tuổi. Bố mẹ có thể cho trẻ ăn dặm bằng các loại bột dinh dưỡng đóng hộp của những hãng sản xuất uy tín, chất lượng vì loại bột này có chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ. Nếu là loại bột tự chế biến, mẹ cần đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, chế biến khoa học và đầy đủ dinh dưỡng.
- Giai đoạn ăn cháo : Bắt đầu từ khi trẻ được khoảng 9 tháng tuổi. Lúc này, bố mẹ hãy nấu cháo cho bé ăn, nhưng nhớ là hãy xay nhuyễn hỗn hợp cháo và các loại thịt, cá, rau củ để trẻ dễ nuốt. Mẹ phải cho con ăn đầy đủ cả nước và xác, như thế mới đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Sau khi bé đã ăn cháo xay nhuyễn thành thạo, mẹ mới tập dần cho bé ăn dặm cháo loãng không xay nhỏ, rồi cháo lợn cợn, đến cháo hột nhừ và không xay.
Hiểu được từng giai đoạn phát triển của bé, bố mẹ sẽ có thể xây dựng, lựa chọn cho con mình những thực đơn ăn dặm phù hợp nhất.
3. Cách nấu món ăn dặm cho bé
3.1 Hướng dẫn cách chế biến các món ăn dặm
Một món ăn dặm có ngon, có đầy đủ dinh dưỡng hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách chế biến. Dưới đây là những hướng dẫn cụ thể về cách chế biến các thực phẩm ăn dặm cho bé:
- Tinh bột từ các loại khoai : Mẹ gọt vỏ, ngâm qua nước cho hết nhựa rồi đem hấp cơm hoặc luộc. Khi khoai chín mềm, mẹ lấy ra nghiền nát, rồi trộn với cháo, hoặc có thể cắt nhỏ và nấu chung với cháo cho bé.
- Đạm từ thịt và cá : Thịt là nguồn cung cấp protein chính cho bé trong giai đoạn này. Mẹ có thể chọn các loại thịt ăn dặm như: thịt lợn (nạc vai hoặc thăn), thịt gà (thịt ức), thịt bò (thăn bò), hải sản (cá hồi, cá thu, tôm, lươn đồng)…, nhưng nhớ là phải lựa chọn thực phẩm tươi ngon, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồng thời phải xay nhỏ để bé ăn dặm được dễ dàng. Đối với một số loại cá mềm như cá thu, cá hồi hay lươn…, mẹ có thể nấu nhanh cùng nước dùng, lọc bỏ xương cá rồi trộn đều phần thịt cá với cháo khi cho bé ăn.
- Vitamin và khoáng chất : Việc tập cho bé làm quen với rau củ ngay từ những bữa ăn dặm đầu tiên sẽ rất tốt cho sự phát triển cân đối của trẻ. Nhiều bố mẹ cho rằng: cứ cho con ăn nhiều thịt cá, hải sản mới là tốt, rau củ không có nhiều dinh dưỡng, nên không cần thiết phải cho bé ăn. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bố mẹ không nên cho con ăn quá nhiều đạm mà lại thiếu rau xanh, củ quả. Rau củ quả sẽ cung cấp cho trẻ các vitamin và khoáng chất, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Vì thế, bố mẹ hãy bổ sung vào thực đơn ăn dặm của con các loại rau củ cần thiết, nhưng nhớ là phải chọn lựa kỹ lưỡng để tránh gây hại cho đường tiêu hóa của bé. Lời khuyên cho mẹ là nên nấu chín rau củ quả, rồi đem xay nhuyễn cùng với cháo để đảm bảo trẻ hấp thụ thức ăn dễ dàng.
- Chất béo : Dầu ăn có tác dụng làm tăng khả năng hấp thu vitamin và khoáng chất của bé. Vì thế, trước khi cho trẻ ăn dặm, mẹ nên cho thêm 1/2 – 1 muỗng cà phê dầu ăn vào chén bột dặm hoặc cháo dặm của bé, nhưng nhớ là chỉ nên sử dụng các loại dầu ăn chuyên dành cho bé ăn dặm như dầu ô liu, dầu mè omega 3…
Tìm hiểu thêm: Trẻ 2 tháng tuổi và việc chăm sóc bé đúng cách trên nhiều phương diện
3.2 Cách nấu một số món ăn dặm phổ biến, thơm ngon, bổ dưỡng
3.2.1 Bột ăn dặm cho bé:
- Bột ăn dặm tôm khoai mỡ
– Nguyên liệu: Tôm, khoai mỡ, bột gạo, dầu ăn
– Chế biến:
+) Khoai mỡ gọt vỏ, rửa sạch, nấu chín mềm rồi tán nhuyễn
+) Bột gạo hòa tan với 1 ít nước
+) Tôm lột vỏ, rửa sạch, rút chỉ đen rồi băm thật nhuyễn, sau đó đem nấu chín với 1 ít nước
+) Cho khoai mỡ, bột vào vào nồi khuấy đều đến khi bột chín
+) Trút ra bát, để nguội, cho thêm 1/2 thìa cà phê dầu ăn rồi cho bé dùng.
- Bột ăn dặm thịt gà khoai lang
– Nguyên liệu: Thịt gà, khoai lang, bột gạo, dầu ăn
– Chế biến:
+) Khoai lang làm sạch, đem hấp chín rồi tán nhuyễn
+) Thịt gà rửa sạch, băm thật nhỏ, cho thêm 1 ít nước rồi đem nấu chín
+) Cho khoai lang, bột gạo vào trộn đều đến khi bột chín
+) Trút ra, trộn thêm 1/2 thìa dầu ăn, để nguội rồi cho bé dùng.
3.2.2 Cháo ăn dặm cho bé
- Cháo ăn dặm bí đỏ nấu tôm
– Nguyên liệu: Gạo, bí đỏ, tôm
– Chế biến:
+) Bí ngô gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành từng miếng nhỏ.
+) Tôm lột vỏ, rút chỉ đen, rửa sạch, băm nhuyễn
+) Lấy 1 nhúm gạo nhỏ nấu cháo, rồi cho bí ngô vào tôm vào nấu cùng đến khi cháo sôi trở lại
+) Dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn hỗn hợp cháo rồi để nguội, cho thêm 1/2 thìa dầu ăn vào, cho bé dùng.
- Cháo ăn dặm thịt bò súp lơ
– Nguyên liệu: Gạo, thịt bò, súp lơ, dầu ăn
– Chế biến:
+) Thịt bò làm sạch, thái mỏng
+) Súp lơ hấp chín rồi tán nhuyễn
+) Nấu cháo trắng, rồi cho thịt bò, súp lơ vào khuấy đều
+) Dùng máy sinh tố xay nhuyễn hỗn hợp cháo, để nguội, cho thêm 1/2 thìa dầu ăn vào rồi cho bé dùng.
>>>>>Xem thêm: Cách nấu bột cho trẻ ăn dặm như thế nào mẹ có biết?
Ăn dặm khoa học, đủ chất sẽ giúp bé phát triển khỏe mạnh. Vì thế, mẹ cần tìm hiểu những thông tin cần thiết để có thể xây dựng thực đơn phong phú, cũng như chế biến các món ăn phù hợp nhất cho trẻ. Bố mẹ nên tạo cho trẻ cảm nhận được niềm vui khi ăn dặm, xem việc ăn dặm như là sự khám phá, là một điều thú vị – “vừa ăn vừa chơi” mà thôi. Nào, hãy cùng bắt tay ngay vào quá trình tập ăn dặm cho con thật chuẩn từ hôm nay mẹ nhé!
Mỹ Tiên tổng hợp