Nếu bé của bạn có thể tự ngủ mà không cần sự giúp đỡ của bạn, thì đó được gọi là giấc ngủ độc lập ở trẻ hay không phụ thuộc. Khi bé học được cách ngủ độc lập trong 3-4 tháng đầu đời, điều này sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều vấn đề về việc sắp xếp, thiết lập thói quen thức, ngủ của bé sau này.
Bạn đang đọc: Giấc ngủ độc lập ở trẻ và những chiến lược hay dành cho cha mẹ
Contents
1. Về giấc ngủ độc lập
Giấc ngủ độc lập ở trẻ là khi bé có thể ngủ từ 6-8 tiếng xuyên đêm. Một em bé có giấc ngủ không phụ thuộc có thể tự mình ngủ lại mà không khóc hay cần sự giúp đỡ của ba mẹ sau khi thức dậy vào giữa đêm.
Khoảng 60% các bé có thể làm được điều này khi được 6 tháng tuổi. Khi bé đã được ba mẹ chăm sóc chu đáo và dành nhiều thời gian quan tâm vào ban ngày thì không có bằng chứng nào cho thấy rằng ngủ độc lập vào ban đêm là không tốt cho bé.
Có một số thứ đơn giản mà bạn có thể làm để giúp bé có thể trở thành một em bé ngủ độc lập – khi bé đã phát triển đủ mức để có thể thực hiện.
2. Giấc ngủ độc lập: có phải là điều đúng đắn đối với bé và gia đình?
Đồng hồ sinh học của bé được lập trình để bé thức dậy giữa đêm. Điều này sẽ đảm bảo bé được cung cấp đủ lượng thức ăn để tăng trưởng và phát triển. Như vậy có nghĩa là bé sẽ cần bạn cho ăn giữa đêm trong vòng ít nhất 3-4 tháng đầu đời.
Có một số gia đình muốn những em bé lớn hơn của họ (6-12 tháng tuổi) có thể nhanh chóng được tập để quen với việc ngủ xuyên đêm, mà không cần sự trợ giúp để bé ngủ lại nếu bé có thức dậy giữ đêm. Một số gia đình thì lại muốn dỗ dành để giúp bé ngủ lại sau khi thức dậy trong đêm.
Ở đây không có cách làm đúng hay sai mà nó phụ thuộc vào điều gì là tốt nhất cho bé và cho gia đình bạn. Và điều đó chỉ có thể do bạn quyết định mà thôi.
3. 3 chiến lược chìa khóa cho giấc ngủ độc lập
Có 3 điều mà bạn có thể bắt đầu thực hiện trong 3-4 tháng đầu đời để giúp bé sẵn sàng cho giấc ngủ độc lập:
- Nhấn mạnh để giúp bé phân biệt sự khác nhau giữa ngày và đêm
- Hãy đặt bé vào giường khi bé buồn ngủ nhưng vẫn còn thức
- Thiết lập chuỗi hoạt động theo thứ tự cho ăn, chơi, ngủ
Khuôn mẫu và nhịp điệu giấc ngủ của trẻ sơ sinh sẽ được thiết lập nhanh chóng trong vòng 3-4 tháng đầu đời. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu 3 chiến lược chìa khóa trên. Tuy nhiên, sự linh động cũng rất quan trọng trong khoảng thời gian này. Sẽ vẫn ổn nếu thỉnh thoảng bé ngủ trong khi ăn. Hoặc nếu bé khó chịu thì cũng không có vấn đề gì nếu bạn dỗ dành hoặc vuốt ve bé.
3.1 Chiến lược 1: nhấn mạnh sự khác nhau giữa ngày và đêm
Bé không hiểu được ban ngày và ban đêm khác nhau như thế nào. Tình trạng chung là bé có thể thức dậy giữa đêm và ngủ vào ban ngày.
Dưới đây là một số cách để giúp bé điều chỉnh và ngủ nhiều hơn vào ban đêm:
- Vào ban đêm, hãy giữ cho phòng của bé càng tối và càng yên lặng càng tốt (mặc dù bé không cần không gian tối hoặc yên lặng mới có thể ngủ)
- Sử dụng ánh sáng mờ khi bạn chăm bé vào đêm – cố gắng không bật điện sáng trên cao
- Ban đêm, hãy đáp lại tiếng khóc của bé một cách nhanh chóng, dỗ bé hoặc cho bé ăn càng nhanh càng tốt. Bạn có thể cho bé ăn trong phòng của bé – điều này sẽ làm cho cữ ăn gọn gàng và khác với cữ ăn ban ngày
- Khi dỗ dành bé vào ban đêm, bạn hãy làm một cách nhẹ nhàng và yên lặng. Hãy cố gắng chơi với bé vào ban ngày.
- Kể từ 3 tháng tuổi trở đi, hãy cố gắng giữ không gian ngủ ban ngày của bé tối và yên lặng. Bé dễ bị giật mình và tỉnh giấc khi lớn hơn, vì vậy trong không gian ồn ào và sáng (như phòng khách, phòng chung của gia đình) bé sẽ khó ngủ hơn.
3.2 Chiến lược 2: đặt bé vào giường khi bé đã buồn ngủ nhưng còn thức
Hãy cố gắng đặt bé vào giường khi bé buồn ngủ nhưng vẫn còn thức. Điều này sẽ giúp bé phát triển được sự kết nối giấc ngủ mà không phụ thuộc vào sự dỗ dành của bạn vào ban đêm.
Nếu bạn đặt bé vào chỗ ngủ khi đã buồn ngủ nhưng vẫn còn thức, bé sẽ kết nối với việc nằm cũi, nôi để đi ngủ (hơn là sự có mặt của bạn). Vì vậy ban đêm khi bé không muốn bú thêm, bé sẽ không cần sự trợ giúp của bạn để ngủ lại sau khi thức dậy.
Tuy nhiên nếu bé thường được dỗ ngủ trên tay bạn hoặc dỗ ngủ bằng cách cho ăn, thì bé sẽ mong đợi điều đó khi thức dậy giữa đêm. Và như vậy bé có thể thức dậy mỗi 40 phút một lần.
Hoặc khi bé bắt đầu được ngủ ở căn phòng chung của gia đình nhưng khi tỉnh dậy lại đang nằm trong nôi hoặc cũi, bé sẽ tự hỏi làm thế nào mà chuyện này xảy ra được – và sự ngạc nhiên sẽ làm bé khó chịu và có thể khóc để tìm bạn.
Tìm hiểu thêm: Băng huyết sau sinh và những điều liên quan mẹ cần biết
Hãy dạy bé cách tự dỗ mình ngủ
Tự dỗ mình là khi bé có thể tự bình tĩnh và thư giãn để tự ngủ lại trong giường, cũi của mình. Các bé có thể tự dỗ mình sẽ có chu kỳ ngủ dài hơn và tổng thời gian ngủ vào ban đêm cũng dài hơn.
Việc tốt nhất bạn có thể làm để dạy bé tự dỗ mình là hãy đặt bé vào giường, cũi, nôi khi thấy bé buồn ngủ nhưng vẫn còn thức. Việc này sẽ tạo cơ hội cho bé có sự kết nối giữa nơi ngủ và giấc ngủ sẽ học được cách tự dỗ mình.
Nếu bạn tạo thói quen cho ăn, vuốt ve bé, đi tới đi lui cho đến khi bé ngủ nghĩa là bạn đã đang thực hiện việc đưa bé vào giấc ngủ và bé sẽ không cần phải học để tự làm việc này nữa.
Hãy giúp bé ổn định trong cũi
Một số gợi ý sau có thể giúp bé ổn định trong cũi:
– Hãy cho bé một khoảng thời gian để ổn định và tự dỗ mình trong cũi. Tránh bế bé lên ngay khi nghe tiếng bé khóc hay ọ ọe vì điều này là bình thường khi bạn mới đặt bé vào cũi.
– Khi bé lớn hơn hãy cho bé thời gian để tự dỗ mình nếu bé ọ ẹ khi tỉnh dậy giữa đêm – bé có thể tự ổn định lại mà không cần sự trợ giúp của bạn. Nếu bạn thấy bé khóc thực sự thì bạn có thể phải giúp bé.
– Hãy thử kỹ thuật vỗ về để dỗ dành bé. Ưu điểm của kỹ thuật này là bé vẫn đi vào giấc ngủ khi ở trong nôi, cũi. Một cách lý tưởng là, bạn ngưng vỗ về bé ngay trước khi bé ngủ.
3.3 Chiến lược 3: thiết lập chuỗi hoạt động ăn, chơi, ngủ để tạo thói quen cho bé
Khi bạn thấy thoải mái, hãy bắt đầu thực hiện các hoạt động theo thứ tự cho ăn, chơi, ngủ – tương tự như vậy mỗi ngày. Một lịch trình nhất quán như vậy sẽ giúp bé hình thành nên thói quen ngủ .
Vậy khi bé thức dậy, lịch trình có thể là:
- Cho bé ăn
- Thay tã
- Dành thời gian để nói chuyện và chơi
- Cho bé ngủ lại khi bé tỏ ra mệt mỏi
Đối với trẻ sơ sinh, nên linh động giữa việc cho bé ăn và ngủ, tuy nhiên một lịch trình với thứ tự tương tự như trên vẫn rất hữu ích.
4. Một số gợi ý khác để khuyến khích việc ngủ độc lập
4.1 Thiết lập thời gian ngủ ban ngày
Các em bé cần ngủ cả vào ban ngày vì các bé sẽ thấy mệt sau khoảng 10-20 phút chơi hoặc hoạt động. Bé sẽ thể hiện sự mệt mỏi và cần nghỉ ngơi của mình, bạn có thể nhận ra các dấu hiệu đó dễ dàng.
Để tập cho bé thói quen ngủ xuyên đêm, hãy tránh để bé ngủ giấc dài quá 4 tiếng vào ban ngày. Tuy nhiên việc giới hạn thời gian ngủ ngày của bé nhiều quá có thể khiến bé bị quá mệt, và một đứa trẻ mệt mỏi thì sẽ rất khó ngủ.
>>>>>Xem thêm: Cho bé uống nước như thế nào nhất định mẹ cần nắm rõ
4.2 Việc cho ăn và giấc ngủ
Nói chung, trẻ sơ sinh cần được cho ăn mỗi 2-4 tiếng một lần. Bé sẽ ngủ ngon hơn sau khi được ăn no.
Nếu bé đã được cho ăn trong vòng 2 tiếng và vẫn không ngủ, bạn hãy cho bé một khoảng thời gian để tự ổn định. Nếu sau đó bé vẫn chưa ngủ thì bạn có thể vỗ về bé một chút rồi đặt bé vào nôi lại. Bạn cũng có thể cho bé ăn nhẹ thêm một chút.
Một số bậc cha mẹ nhận thấy cữ ăn muộn vào khoảng giữa 10:00pm đến nửa đêm – sẽ giúp bé ngủ lâu hơn có thể đến sáng.
4.3 Giảm dần các cữ ăn đêm
Từ 6 tháng tuổi trở lên, nếu bé phát triển tốt, bạn có thể nghĩ tới việc giảm hoặc ngưng cho bé bú đêm. Mặt khác, nếu bạn vẫn thấy thoải mái với việc cho bé bú đêm thì không cần phải vội vàng nghĩ tới việc giảm hoặc ngưng lại.
5. Bạn có thể chọn lựa cách nào tốt nhất cho bạn và bé
Nếu bạn quyết định tiếp tục cho bé bú đêm, bạn vẫn có thể thực hiện việc đặt bé khi bé buồn ngủ nhưng vẫn còn thức, và duy trì mức tương tác ban đêm với bé ở mức độ vừa phải, âu yếm, ấm áp nhưng không quá sôi nổi và ồn ào. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều khi bạn muốn cai bú đêm cho bé vào thời điểm thích hợp.
Theo Raising Children
Lily Nguyễn lược dịch