Tập cho bé ăn dặm một cách khoa học mẹ cần phải biết

Rate this post

Giai đoạn tập cho bé ăn dặm luôn là một trong những cột mốc quan trọng nhất, trong quá trình nuôi dưỡng một đứa trẻ. Bởi vì, ăn dặm là bữa ăn đầu tiên mà bé bắt đầu hấp thụ các nguồn dưỡng chất khác ngoài sữa mẹ hay sữa công thức, để phục vụ cho nhu cầu lớn lên khỏe mạnh của con.

Bạn đang đọc: Tập cho bé ăn dặm một cách khoa học mẹ cần phải biết

Liên quan đến chủ đề này, câu hỏi sẽ được đặt ra đầu tiên là làm thế nào để tập cho bé ăn dặm một cách khoa học? Thực tế cho thấy không phải mọi bà mẹ đều cho con ăn dặm khoa học hay đã có sự chuẩn bị đúng ngay từ đầu, để lộ trình ăn dặm của con diễn ra suôn sẻ, cũng như đạt kết quả như mong đợi. 

1. Tập cho bé ăn dặm bắt đầu từ khi nào là phù hợp?

Đây là điều đầu tiên chúng ta nên quan tâm, khi bàn về việc tập cho bé ăn dặm. Thông thường sẽ tùy theo nhu cầu và sự phát triển của bé, mà mẹ có thể lựa chọn thời điểm để tập cho bé ăn dặm, vì có những bé chỉ mới 4 tháng tuổi, nhu cầu của con đã tăng, nguồn sữa của mẹ không đủ, và có nhiều dấu hiệu liên quan khiến mẹ hiểu rằng, cho con ăn dặm đã là thích hợp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, các mẹ không nên cho bé ăn dặm quá sớm mà nên tập cho bé ăn dặm ở tháng thứ 6 là phù hợp nhất. Vì lúc này, lượng sắt dự trữ trong cơ thể bé đã bắt đầu giảm sút, bé cần phải bổ sung đủ sắt từ một nguồn thức ăn khác để không mắc bệnh thiếu máu.

Đồng thời, khi bé được 6 tháng tuổi, sữa mẹ không còn đáp ứng được nhu cầu năng lượng mỗi ngày của bé nữa. Cụ thể, bé 6 tháng tuổi cần đến 700 kcal/ngày để hoạt động trong khi sữa mẹ chỉ cung cấp cho bé có 450 kcal/ngày mà thôi. Vì vậy, tập cho bé ăn dặm lúc này là rất quan trọng vì ăn dặm sẽ giúp bé nhận bù được phần năng lượng đã bị thiếu hụt.

Hơn nữa, thời điểm từ 6 tháng trở đi hệ tiêu hóa của con mới hoàn thiện hơn để dễ dàng tiếp nhận dần các nguồn thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Đấy cũng là một trong những lý do khiến việc lựa chọn thời điểm ăn dặm khi con 6 tháng trở lên, được xem là phù hợp hơn cả. 

Tập cho bé ăn dặm một cách khoa học mẹ cần phải biết

2. Tập cho bé ăn dặm một cách khoa học

2.1 Chế biến thức ăn dặm (bột, cháo) cho bé từ loãng đến đặc, từ ngọt đến mặn

Đối với bất cứ sự chuyển đổi nào trong quá trình bé lớn lên, mẹ cũng phải luôn tập cho bé thay đổi từ từ, không được nóng vội vì như vậy, sẽ tạo cảm giác sợ hãi và muốn bài xích ở bé. Khi tập cho bé ăn dặm cũng vậy, mẹ cũng nên giúp bé ăn dặm thức ăn từ loãng đến đặc và từ ngọt đến mặn, từ ít đến nhiều, từ nhuyễn mịn đến nhuyễn và tăng dần độ thô.

Điều tập tành này cân tuân thủ lộ trình như vậy đơn giản vì, trước thời điểm bé được 6 tháng tuổi thì bé đã quen với việc bú sữa, một loại “thức ăn” vừa loãng vừa ngọt, nếu lần đầu tiên cho bé ăn dặm mà mẹ cho bé ăn bột/cháo đặc và mặn thì chắc chắn bé không thể tiếp nhận dễ dàng, có thể dẫn đến tình trạng sợ hãi, biếng ăn trong tương lai.

Thêm vào đó, hệ tiêu hóa của bé cũng cần được thích nghi dần với thực phẩm ngoài sữa mẹ. Chẳng hạn sữa mẹ lỏng, nhưng mẹ đột ngột chuyển sang cho con ăn thức ăn đặc và thô, hẳn nhiên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa của bé ít nhiều.

Do đó, hãy luôn ghi nhớ trẻ cần thời gian và các bước chuyển biến nhẹ nhàng để thích ứng nhịp nhàng. Hãy bắt đầu với việc chế biến món ăn dặm loãng và có pha chút sữa trong những lần đầu tập cho bé ăn, mẹ sẽ thấy ngay bé dễ đón nhận hơn.

Tập cho bé ăn dặm một cách khoa học mẹ cần phải biết

Sau một thời gian tập cho bé ăn dặm, bé đã quen, thì mẹ mới bắt đầu cho con ăn đặc hơn một chút, cộng thêm sự kết hợp đa dạng hơn về những thực phẩm bổ sung dưỡng chất phù hợp dần từ thịt cá trắng, thịt gà, các loại thực phẩm giàu đạm có độ tanh,….Chắc chắn việc tiếp nhận của con diễn ra cũng nhẹ nhàng “êm đẹp” như chính cách mẹ cho con tập làm quen từ từ vậy. 

2.2 Cho trẻ ăn dặm với tần suất từ ít đến nhiều

Trong vài tháng đầu tiên mẹ tập cho bé ăn dặm thì vẫn nên kết hợp song song với việc cho bé bú sữa. Vì thực chất, đối với trẻ 6 đến 12 tháng tuổi thì sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng và thiết yếu nhất cho sự phát triển của bé. Ăn dặm trong giai đoạn này chỉ là cách mẹ giúp bé bổ sung vi chất và năng lượng bị thiếu mà thôi. Ở 6 tháng tuổi hoặc ít nhất là trong 2-3 tuần đầu tiên của tháng đầu tập ăn dặm, mẹ chỉ cần tập cho bé ăn dặm 1 bữa/ngày là được, các bữa còn lại vẫn bú sữa là chính.

Sau tháng đầu tiên thì mẹ hãy tăng dần số lần ăn dặm lên 2 bữa/ngày, cho đến khi bé gần 1 tuổi mẹ mới cần tăng lên tần suất dày hơn là cho bé ăn dặm 3-4 bữa/ ngày. Theo tuần suất thì lượng thức ăn cũng cần phải phân chia phù hợp để con tiếp nhận đủ. Mẹ nên tránh cho bé ăn quá no, cho dù bé có muốn ăn nữa cũng không được. Vì, lúc này dạ dày bé vẫn còn rất non nớt, nếu bé ăn quá no rất dễ bị khó tiêu, đầy hơi hoặc rối loạn tiêu hóa.

Tìm hiểu thêm: Cách chăm sóc trẻ mới sinh vào mùa hè – Những bí quyết mẹ nên bỏ túi

Tập cho bé ăn dặm một cách khoa học mẹ cần phải biết

2.3 Tập cho bé ăn dặm với từng loại thức ăn khác nhau

Tập cho bé ăn dặm cũng chính là quá trình mẹ khám phá “khẩu vị” của con, để xem bé thích ăn thức ăn có mùi vị như thế nào, hay con có thể bị dị ứng với nhóm thực phẩm nào hay không. Vì vậy, nên bắt đầu từ các thực phẩm riêng lẻ, rồi mới đến các món hỗn hợp. Và cứ cách 3-5 ngày thì mẹ hãy đổi món ăn cho con. Điều này có thể giúp bé làm quen với nhiều nhóm thực phẩm và tìm ra các món ăn dặm mình yêu thích, cũng như tránh được các thực phẩm bé dị ứng, cùng các “món” mà bé bị có khả năng bị dị ứng cao. 

2.4 Thay thế và kết hợp luân phiên giữa 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn dặm của bé

Có 4 nhóm thực phẩm chính mà mẹ cần tập cho bé làm quen khi ăn dặm, đó là:

  • Nhóm tinh bột: gồm có gạo, bột mì, yến mạch, ngũ cốc, khoai, bắp..
  • Nhóm chất đạm có 2 loại là đạm động vật và đạm thực vật. Đạm động vật gồm có các loại thịt, cá, trứng, sữa, hải sản..; Đạm thực vật gồm có các loại đậu đỗ như đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ và một số loại trái cây rau củ như bơ, bông cải (súp lơ)…
  • Nhóm vitamin: những rau củ và trái cây nói chung, có thể kể đến một số loại bổ dưỡng cho bé như: bông cải xanh, cà rốt, cà chua, chuối, kiwi, xoài, dâu,.v.v.
  • Nhóm chất béo: gồm có dầu, mỡ, bơ, các hạt có dầu…

Đối với 4 nhóm thực phẩm trên, mẹ hãy dựa vào tình trạng sức khỏe của con mình, để biết cần tăng nhóm nào hoặc giảm nhóm nào trong mỗi bữa ăn dặm, giúp bé có thể “thu nạp” các dưỡng chất vào cơ thể một cách hợp lý nhằm đạt được sự phát triển tốt nhất. 

Tập cho bé ăn dặm một cách khoa học mẹ cần phải biết

>>>>>Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi an toàn khoa học và đầy đủ nhất

Chẳng hạn, nếu bé nhà bạn có dấu hiệu thừa cân thì bạn nên giảm các chất béo trong bữa ăn dặm của bé. Thay vào đó, hãy bổ sung nhiều chất xơ từ rau củ và trái cây. Hoặc ngược lại, bé của bạn hơi nhẹ cân so với chuẩn chung, thì bạn nên nấu bữa ăn dặm cho bé giàu chất đạm và chất béo.

Quan trọng hơn nữa khi tập cho bé ăn dặm là vấn đề an toàn thực phẩm, mẹ nên chú ý bảo quản thực phẩm (thịt, cá, trứng, rau củ..) thật tốt, không được để xảy ra sơ sót là dùng nguyên liệu bẩn, ôi thiu để chế biến bữa ăn dặm cho bé nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. 

Như vậy, tập cho bé ăn dặm có thể là khó nếu như chúng ta bỏ qua một số nguyên tắc cơ bản cần chú ý, tiêu biểu như đã được đề cập như trên. Một khi đã ghi nhớ tương đối những nguyên tắc này, chắc chắn việc cho bé ăn dặm khoa học không còn là bài toàn khó với bất cứ ai đang chăm bé đến tuổi ăn dặm nữa. 

Hoàng Oanh tổng hợp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *