Bà bầu có nên ăn trứng ngỗng hay không? Trứng ngỗng có giúp cho con thông minh như quan niệm dân gian mà ông bà ngày xưa đã truyền? Bài viết dưới đây sẽ đưa ra cái nhìn đầy đủ hơn về việc ăn trứng ngỗng khi mang thai, giá trị dinh dưỡng của trứng ngỗng so với trứng gà, cũng như những lưu ý để mẹ bầu ăn trứng ngỗng sao cho đúng cách. Các chị em hãy cùng tham khảo nhé.
Bạn đang đọc: Bà bầu có nên ăn trứng ngỗng để con thông minh khi sinh ra không?
Contents
1. Bà bầu có nên ăn trứng ngỗng vì trứng ngỗng giúp con thông minh?
Bà bầu có nên ăn trứng ngỗng không là thắc mắc của rất nhiều chị em, bởi theo kinh nghiệm dân gian thì mẹ ăn trứng ngỗng con sẽ thông minh. Trên thực tế, trứng ngỗng chỉ hiếm chứ không quý và kém trứng gà về giá trị dinh dưỡng. Cho đến nay trên thế giới chưa có một công trình nghiên cứu hoặc một tài liệu nào ghi chép khi mang thai ăn trứng ngỗng sẽ sinh con khỏe mạnh, thông minh.
Theo các nhà khoa học, sự nhanh nhẹn, lanh lợi của một đứa trẻ tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, như là gen di truyền, cấu trúc não, bản tính, môi trường sống, sự giáo dục và học hỏi… Muốn con thông minh, bạn cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng khác nhau trong từng giai đoạn của thai kỳ.
Sở dĩ dân gian khuyên thai phụ ăn trứng ngỗng vì một lý do mà các nhà khoa học nhận định là có căn cứ. Chính là vì ngày xưa thực phẩm còn ít, thai phụ thường không được bồi dưỡng đầy đủ. Quan niệm cho thai phụ ăn trứng ngỗng lúc mang thai là tốt vì có thể bổ sung một lượng chất dinh dưỡng dồi dào cho thai nhi, chứ ăn chung với cả gia đình thì chắc là thai phụ lẫn thai nhi đều suy dinh dưỡng mất. Nghe cũng khá thú vị và hợp lý phải không các mẹ?
Ai cũng muốn con mình sinh ra được khỏe mạnh và thông minh, vì thế nhiều phụ nữ có thai muốn ăn trứng ngỗng và cố gắng ăn thật nhiều trứng ngỗng để em bé được thông minh, học giỏi thì chưa hẳn đã tốt.
2. Ăn trứng ngỗng có tốt hơn trứng gà?
Vì những quan niệm chưa có căn cứ khoa học như: ăn nhiều trứng ngỗng con sẽ thông minh, khỏe mạnh, trứng ngỗng tốt và nhiều dinh dưỡng, ăn 7 trứng ngỗng sinh con trai, ăn 9 trứng ngỗng sinh con gái… mà nhiều mẹ bầu dù không thích cái vị ngang ngang khó ăn của trứng ngỗng nhưng vẫn cố ăn. Và mặc dù giá thành trứng ngỗng không hề rẻ thì nhiều mẹ vẫn săn lùng trứng ngỗng để ăn cho bằng được.
Xét về giá trị dinh dưỡng, trứng ngỗng thua xa trứng gà dù nó to và nặng gấp 4 lần so với trứng gà. Cụ thể, trứng ngỗng có 13,5% chất protein, 13,2% chất béo, 0,33mg% vitamin A, 0,10mg% vitamin B1, 0,30mg% vitamin B2, 0,1mg% vitamin PP… Trong khi đó, trứng gà có đến 14,8% đạm, 11,6% chất béo và 1,6% chất khoáng lại ít có nguy cơ nhiễm khuẩn hơn so với trứng ngỗng vì được đẻ ở nơi khô ráo. Chính vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến cáo mẹ bầu nên bỏ qua lời đồn thổi trong dân gian về tác dụng kỳ diệu của trứng ngỗng để thay vào đó bằng nguồn thực phẩm tương tự nhưng lợi ích hơn, đó chính là trứng gà.
Tìm hiểu thêm: Đơn xin nghỉ chế độ thai sản: thời điểm nộp và các mẫu đơn gợi ý cho cả mẹ và bố
Mỗi loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khác nhau, không có loại thực phẩm nào là hoàn thiện đủ các chất dinh dưỡng. Chính vì vậy nếu muốn ăn trứng gà hay trứng ngỗng, trứng vịt, thì trước tiên, mẹ nên nắm các thành phần và tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong mỗi loại để bổ sung hợp lý trong từng giai đoạn của thai kỳ. Nhất là khi chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai luôn đòi hỏi sự cân bằng hợp lý trong từng loại thực phẩm.
3. Bà bầu có nên ăn trứng ngỗng và ăn bao nhiêu là đủ?
Bà bầu nên ăn trứng ngỗng hay không thì tùy thuộc vào lựa chọn của các chị em, nhưng ăn thế nào và ăn bao nhiêu trứng ngỗng là đủ mới thực sự là vấn đề mà bạn cần phải biết rõ.
Nếu các mẹ vẫn muốn ăn trứng ngỗng như kinh nghiệm dân gian thì bạn nên ăn 3 quả trứng ngỗng, cách 3 tháng/lần.
Bạn nên coi trứng ngỗng là thực phẩm giàu protein, ăn để bồi dưỡng và nên chia làm 2 – 3 lần ăn 1 quả. Không nên ăn hết trong một lần, vì ăn nhiều protein một lúc sẽ không tiêu hóa hết gây ngán và ứ dạ dày gây chướng bụng. Nếu ăn quá nhiều trứng ngỗng sẽ dẫn tới thừa cân cho mẹ vì trứng ngỗng chứa nhiều cholesterol. Cholesterol cũng là thủ phạm gây ra những bệnh lý như tim mạch, huyết áp, tắc nghẽn động mạch, nhồi máu cơ tim… không hề tốt cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Dân gian cho rằng, khi có thai con trai nên ăn 7 quả trứng ngỗng và con gái nên ăn 9 quả trứng ngỗng để con sinh ra thông minh khỏe mạnh. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn vô căn cứ. Do đó, nếu muốn ăn trứng ngỗng đúng cách để đảm bảo không ảnh hưởng đến thai kỳ, mẹ nên ăn với lượng vừa phải và cần ăn kèm với các loại thức ăn khác để đa dạng các loại thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng cho thai nhi trong bữa ăn hàng ngày.
Bà bầu nên ăn trứng ngỗng vào thời điểm nào của thai kỳ? Chỉ có chính bạn mới biết chính xác thời gian nào là thích hợp nhất để ăn trứng ngỗng. Tùy theo nhu cầu của cơ thể, khi các mẹ đã sẵn sàng và dễ ăn uống hơn để có thể dung nạp loại thực phẩm mới như trứng ngỗng. Tuy nhiên, tốt nhất, bà bầu nên đợi tam cá nguyệt đầu tiên qua đi khi mà cơn ốm nghén đã hết hoặc bớt và thai nhi đã đủ khỏe mạnh thì hãy ăn trứng ngỗng.
Ăn trứng ngỗng như thế nào? Vì trứng ngỗng to gấp 4 lần trứng gà ăn rất dễ ngán, lại có vị ngang ngang nên khó ăn. Mẹ bầu có thể luộc trứng ngỗng rồi chia nhỏ ra ăn từ từ. Ngoài luộc, các mẹ cũng có thể chiên, hấp, hoặc làm salad trứng… để có thể thưởng thức món trứng ngỗng dễ dàng hơn. Hãy nhớ là chế biến trứng ngỗng cho chín kỹ, vì ăn trứng lòng đào thì thật không tốt chút nào khi bạn đang bầu bí.
>>>>>Xem thêm: Làm rõ 9 tin đồn về đau đẻ giúp bà bầu bớt hoang mang, lo lắng
Thực chất, việc bà bầu có nên ăn trứng ngỗng hay không thì còn tùy thuộc vào các mẹ. Với quan niệm có ăn có lành, ăn vẫn tốt hơn không ăn hay ăn vì sở thích thì các mẹ cứ ăn. Nhưng hãy ăn cho thật đúng cách và hợp lý, để luôn đảm bảo sức khỏe thai kỳ nhé.
Nguyễn Vũ Thường tổng hợp