Dấu hiệu đau đẻ với phụ nữ đang trong thời gian chuẩn bị lâm bồn là rất quan trọng. Vì, các dấu hiệu này được xem là “manh mối” cho chúng ta hay, thời gian mẹ phải vượt cạn cận kề thế nào, và đến lúc cả nhà sắp được gặp em bé rồi. Liên quan đến các manh mối này, có ít nhất 10 dấu hiệu xuất hiện kèm theo, được gọi là khá điển hình như dưới đây. Các bầu cùng tham khảo và theo dõi thêm một số lưu ý quan trọng khác nữa nhé.
Bạn đang đọc: 10 dấu hiệu đau đẻ điển hình và lưu ý dành cho các mẹ bầu
Contents
- 1 1. Về việc đau đẻ
- 2 2. 10 dấu hiệu đau đẻ điển hình
- 2.1 2.1 Bụng bầu tụt xuống
- 2.2 2.2 Cổ tử cung giãn và mở ra
- 2.3 2.3 Bà bầu bị chuột rút và mức độ đau lưng tăng
- 2.4 2.4 Cảm thấy các khớp lỏng lẻo
- 2.5 2.5 Mẹ bầu bị tiêu chảy
- 2.6 2.6 Ngừng tăng cân
- 2.7 2.7 Sự mệt mỏi gia tăng hoặc bị thôi thúc “làm tổ”
- 2.8 2.8 Bong nút dịch nhầy và dịch âm đạo thay đổi màu sắc cũng như kết cấu
- 2.9 2.9 Các cơn co thắt xuất hiện mạnh và thường xuyên hơn
- 2.10 2.10 Vỡ ối
- 3 3. Một số lưu ý quan trọng dành cho mẹ bầu liên quan đến dấu hiệu đau đẻ
1. Về việc đau đẻ
Đau đẻ hay chuyển dạ là quá trình chuyển dạ/ sinh nở. Quá trình này sẽ bắt đầu bằng các cơn co bóp tử cung mà mẹ bầu sẽ phải trải qua (giai đoạn 1), em bé sẽ rời khỏi tử cung (giai đoạn 2) và kết thúc bằng việc sinh em bé cùng bánh nhau ra ngoài (giai đoạn 3).
Đau đẻ không chỉ là một tình trạng xuất hiện đơn lẻ mà nó là cả một quá trình. Trong quá trình đó, còn có những dấu hiệu liên quan khác nữa.
Điều quan trọng là, làm sao để các bầu biết rằng mình đang trong quá trình chuyển dạ, vì thực tế có những mẹ không biết mình đã đang bắt đầu quá trình chuyển dạ rồi. Hay có mẹ, chỉ gọi lúc cơn co thắt dồn dập mới là đau đẻ. Hoặc, cũng có những mẹ, một chút thay đổi trong cơ thể giai đoạn cuối thai kỳ, vì lo lắng quá mà nhầm tưởng rằng mình đang chuyển dạ nhưng thực tế lại chưa đến lúc.
Để giúp các bầu biết rõ hơn về việc đau đẻ, 10 dấu hiệu điển hình sau đây liên quan đến quá trình này, sẽ giúp mẹ xác định rõ ràng hơn, để bản thân bình tĩnh, chuẩn bị cho cuộc vượt cạn một cách suôn sẻ nhất nhé.
2. 10 dấu hiệu đau đẻ điển hình
2.1 Bụng bầu tụt xuống
Với các chị em mang thai lần đầu , khoảng 2 đến 4 tuần trước khi chuyển dạ, em bé bắt đầu quay đầu xuống vùng xương chậu. Em bé vào vị trí này để sẵn sàng ra ngoài. Các mẹ bầu lúc này sẽ cảm thấy mình có vẻ như “lạch bạch” hơn thường ngày. Mẹ bầu cũng đi tiểu nhiều hơn, do đầu em bé tạo thêm áp lực cho bàng quang. Dù vậy, mặt tích cực là mẹ bầu cảm thấy dễ thở hơn, do em bé di chuyển xa dần vùng phổi.
Dấu hiệu bụng bầu tụt xuống được xem là dễ nhận biết với các mẹ bầu lần đầu mang thai. Với các mẹ mang thai lần 2,3 thì dấu hiệu này không rõ ràng lắm.
2.2 Cổ tử cung giãn và mở ra
Gần đến ngày sinh, cổ tử cung của mẹ bầu sẽ giãn và mỏng ra dần chuẩn bị mở để sinh em bé ra. Tình trạng này kéo dài từ vài tuần và trong vài ngày trước khi sinh.
Bác sỹ sản khoa sẽ theo dõi kỹ điều này ở các bầu, càng về cuối những ngày cận sinh để nắm bắt được tình trạng giãn nở của cổ tử cung. Tùy vào cơ địa mà độ giãn của tử cung có thể diễn ra nhanh hoặc chậm.
Trước thời điểm chuyển dạ, cổ tử cung của mẹ bầu mở khoảng 3.5 đến 4cm và đến khi giãn hoàn toàn (mở hoàn toàn) để sinh con , nó sẽ mở khoảng 10cm.
2.3 Bà bầu bị chuột rút và mức độ đau lưng tăng
Bị chuột rút, đau lưng phần dưới và háng khi ngày chuyển dạ gần kề – đây là tình trạng khá phổ biến mà đa số các bà bầu đều trải qua. Vì, các cơ và khớp của bầu đang căng ra chuẩn bị cho quá trình sinh nở.
2.4 Cảm thấy các khớp lỏng lẻo
Trong thai kỳ, hormone relaxin làm cho dây chằng của các bầu lỏng ra một chút. Nó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến những cơn khó chịu tiềm tàng trong các tháng mang thai. Và trước khi chuyển dạ, bầu sẽ cảm thấy dường như các cơ khớp trong cơ thể hơi căng, trở nên giãn ra thêm. Đây là một tiến trình tự nhiên, các xương chậu nới lỏng dần, để em bé bé nhỏ của chúng ta có thể lọt ra ngoài.
2.5 Mẹ bầu bị tiêu chảy
Khi chuẩn bị sinh, các cơ trong tử cung giãn ra để chuẩn bị cho việc sinh nở, thì các cơ khác trong cơ thể mẹ bầu cũng vậy, trong đó gồm các cơ trong trực tràng. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc mẹ bầu bị tiêu chảy. Mặc dù không dễ chịu nhưng đây cũng là hiện tượng bình thường. Để bảo đảm cho sức khỏe, thì mẹ bầu nhớ bổ sung nước để cơ thể không bị thiếu nước nếu gặp tiêu chảy nhé.
2.6 Ngừng tăng cân
Vào cuối thai kỳ, mức độ tăng cân của các bầu sẽ giảm, thậm chí một số người còn sụt một vài cân. Việc ngừng tăng cân hay giảm cân một chút ở giai đoạn cuối thai kỳ cũng không phải là điều bất thường và không ảnh hưởng đến em bé.
2.7 Sự mệt mỏi gia tăng hoặc bị thôi thúc “làm tổ”
Trong những tuần cuối của thai kỳ của hành trình mang thai , đa phần các mẹ bầu đều rất mệt mỏi vì kích cỡ bụng bầu đã to quá thể, lại còn tụt xuống nữa. Việc đi tiểu nhiều cũng sẽ góp phần phá hỏng giấc ngủ của mẹ.
Ngược lại, có mẹ sẽ không cảm thấy mệt mà còn cảm thấy như có nguồn năng lượng bùng nổ. Nguồn năng lượng này khiến mẹ cực kỳ hăng hái, lo dọn dẹp, sắp xếp mọi thứ trong tầm mắt của mình để chuẩn bị đón em bé ra đời. Nên sẽ không lạ khi có mẹ bầu vừa vác cái bụng nặng nề vừa lúi húi thu dọn lại phòng em bé, sắp xếp đồ đi sinh hay quần áo em bé cả ngày mà không mệt,…
Tùy từng mẹ, mà có thể mẹ sẽ trải qua sự mệt mỏi hay hăng hái tới lui dọn dẹp. Nên, nếu như bạn trải qua những giờ mệt mỏi và mất ngủ thì hãy tranh thủ chợp mắt vào giờ trưa hoặc trong ngày bất cứ lúc nào có thể. Còn nếu bạn có nguồn năng lượng cho việc”làm tổ” thì hãy bảo đảm là mình hoạt động vừa phải không quá sức nhé.
2.8 Bong nút dịch nhầy và dịch âm đạo thay đổi màu sắc cũng như kết cấu
Khi mang thai, thai nhi được bảo vệ bởi một nút dịch nhầy nơi cổ tử cung. Và, lúc gần sinh, nút dịch nhầy này sẽ bong ra. Các bầu không khó để nhận ra dấu hiệu này.
Dù vậy, cũng có mẹ bầu sẽ không nhận ra việc nút dịch nhầy bị bong nhưng có thể sẽ thấy dịch tiết âm đạo ra nhiều.
Và, thời điểm gần sinh, mẹ bầu sẽ thấy xuất hiệu chất dịch màu hồng mà trong dân gian gọi là huyết hồng. Cũng có chị em sẽ thấy xuất hiện chảy đốm máu – đây là dấu hiệu cho biết bạn đã rất gần thời gian vượt cạn. Tuy nhiên, nếu chưa thấy các cơn co thắt tử cung, hoặc tử cung chưa giãn đến khoảng 4cm thì cũng hãy còn vài ngày nữa, việc chuyển dạ mới đến.
2.9 Các cơn co thắt xuất hiện mạnh và thường xuyên hơn
Nhiều tuần hoặc hoặc thậm chí cả 1-2 tháng trước sinh, có thể chị em sẽ trải qua các cơn co thắt giả Braxton Hicks. Tuy nhiên ở thời điểm gần sinh, các cơn co thắt thật sẽ diễn ra mạnh, thường xuyên hơn, đau đớn và không có dấu hiệu giảm. Chúng cho thấy đây là dấu hiệu chuyển dạ tích cực.
Việc co bóp này là một phần quan trọng để giúp đẩy em bé ra ngoài. Và các cơn co bóp sẽ kéo dài khoảng 30-70 giây, cách nhau khoảng 5-10 phút. Chúng sẽ mạnh hơn và khoảng cách gần hơn.
Tìm hiểu thêm: Xét nghiệm máu trong thai kỳ: 10 điều tiết lộ về sức khỏe mẹ và bé
2.10 Vỡ ối
Hầu như bà bầu cũng nghĩ rằng, khi họ sắp sinh, họ sẽ vỡ ối và nước ối chảy lênh láng, rồi sau đó họ sinh em bé – tất cả sẽ như họ thấy trên phim ảnh vậy. Thực tế thú vị là, vỡ ối là một trong các dấu hiệu chuyển dạ cuối cùng mà bầu nào cũng trải qua, song nó không phải dấu hiệu duy nhất, cũng như, việc vỡ ối không tự dưng đột ngột xảy ra khi bạn đang hẹn hò lãng mạn bữa tối với chồng, hay đang đi dạo ngoài công viên…Tình trạng vỡ ối xảy ra khi bạn đang ở đâu đó mà không phải ở nhà thường rất hi hữu. Và, người ta thống kê tình trạng như vậy chỉ xảy ra khoảng 15% trong số các ca chuyển dạ mà thôi.
Như thế, mẹ bầu nên ghi nhớ rằng, vỡ ối là một trong các dấu hiệu đau đẻ sẽ xảy ra với các mẹ bầu. Nó không xuất hiện đơn lẻ hay đột ngột và nó cũng không phải là dấu hiệu duy nhất báo cho mẹ bầu biết rằng mình sắp sinh.
3. Một số lưu ý quan trọng dành cho mẹ bầu liên quan đến dấu hiệu đau đẻ
3.1 Lưu ý chung
- Kiểm tra danh sách những thứ cần thiết : Càng về những ngày gần thời điểm dự sinh mẹ bầu hãy thường xuyên kiểm tra danh sách những thứ mình đã chuẩn bị, và dặn dò những người hỗ trợ mình chi tiết những điều cần thiết nhé.
- Hãy bình tĩnh : Dẫu tất cả chúng ta đều biết rằng, ai có thể bình tĩnh nổi khi một bà bầu đau đẻ. Tuy nhiên, sự mất bình tĩnh thường khiến chúng ta cả thảy đều rối rắm và làm cho sự việc chung quanh trở nên thêm phần lộn xộn. Vì vậy, ngay từ khi tỉnh táo, các bầu và cả nhà hãy chuẩn bị tâm lý thật tốt, sẵn sàng mọi thứ và hít thở sâu khi quá trình đau đẻ diễn ra. Điều này sẽ giúp tất cả chúng ta sớm trấn tĩnh để sắp xếp một cách tốt nhất, cho hành trình vượt cạn của mẹ bầu.
3.2 Nếu bạn nghĩ rằng mình đang đau đẻ
Hãy theo dõi cơn co bóp tử cung có diễn ra đều đặn, khoảng cách cơn đau cách 5 phút và diễn ra trong 1 giờ hay không, mức độ đau có tăng lên hay không. Cơn đau có phải ở khoảng 30-70 giây hay không. Nếu tình trạng diễn ra như vậy, thì đã đến lúc bạn cần phải nhập viện, vì thời gian sinh đã cận kề.
3.3 Nếu bạn không chắc chắn về dấu hiệu đau đẻ của mình
Nếu như bạn nhận thấy có các dấu hiệu liên quan đến quá trình đau đẻ nhưng không chắc chắn lắm, hãy gọi cho bác sỹ sản khoa hoặc nữ hộ sinh. Cho dù là ngoài giờ thì bạn cũng nên liên lạc và không nên cảm thấy ngại. Vì một khi các bác sỹ sản khoa và nữ hộ sinh hay các nhân viên y tế trực khoa sản hoạt động trong lĩnh vực này, tất cả họ đều hiểu cơ bản là các bà bầu cần đến họ bất cứ giờ nào, hoặc em bé có thể ra đời bất cứ lúc nào mà chẳng cần quan tâm về chuyện giờ giấc.
3.4 Bạn bắt buộc phải gọi cho bác sỹ hoặc phải nhập viện
Bắt buộc bạn phải gọi cho bác sỹ hoặc phải nhập viện trong các trường hợp:
- Bạn gặp tình trạng chảy máu đỏ tươi mà không phải màu hồng.
- Vỡ ối và nước ối có màu xanh hoặc nâu. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy có phân su của em bé, sẽ rất nguy hiểm nếu em bé nuốt phải trong khi sinh.
- Bạn cảm thấy hoa mắt, mắt mờ, nhức đầu dữ dội hoặc nhức đầu bất thường đột ngột. Vì, đây có thể là triệu chứng của tiền sản giật , huyết áp cao, cần phải được chăm sóc y tế càng nhanh càng tốt.
3.5 Không xuất hiện hoặc xuất hiện thưa thớt các dấu hiệu đau đẻ dù đã đến hoặc quá ngày dự sinh
Nếu sức khỏe của mẹ và bé bình thường, có xuất hiện một vài dấu hiệu nào đó, bạn có thể áp dụng một số cách kích thích chuyển dạ tự nhiên như đi bộ, quan hệ tình dục, châm cứu, dùng một số thực phẩm kích thích chuyển dạ,…Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý, nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi áp dụng các cách kích thích tự nhiên này, để đảm bảo an toàn cho những ngày gần về đích này thực sự an toàn nhé.
3.6 Sinh non
Bàn về dấu hiệu đau đẻ, không thể không nói đến khả năng sinh non có thể xảy ra ở mẹ bầu. Và, các mẹ bầu đều cần phải lưu ý về khả năng này.
Sinh non là tình trạng chuyển dạ sớm trước 37 tuần. Trẻ sinh non trước 37 tuần có thể gặp các vấn đề sức khỏe khi sinh cũng như sau khi con ra đời. Do đó, nếu bạn đang ở tuần thai trước 37 mà có các dấu hiệu hoặc triệu chứng đau đẻ, thì cần đến bệnh viện ngay để nhận trợ giúp nhanh nhất và tốt nhất có thể.
>>>>>Xem thêm: 5 bài tập thiền tốt cho sức khỏe mẹ bầu và quá trình chuyển dạ
Đến đây, các bầu cũng có thể thấy khá rõ rằng, dấu hiệu đau đẻ không chỉ đơn thuần báo hiệu các cơn đau co thắt tử cung bầu sắp trải qua để sinh em bé. Trước khi cơn đau diễn ra, các dấu hiệu liên quan khác cũng có thể xuất hiện, cho thấy việc cơ thể chuẩn bị cho quá trình sinh nở diễn ra rất nhịp nhàng và kỳ diệu. Cũng chính những dấu hiệu này như từ đầu bài chia sẻ đã đề cập, sẽ là các manh mối, báo hiệu giúp mẹ “hít thở” thật sâu, sẵn sàng trong tâm thế bình tĩnh nhất có thể, trước khi bước vào cuộc vượt cạn dù ngắn ngủi nhưng rất cam go, để đón em bé bước ra ngoài thế giới đầy màu sắc này.
Nguồn tham khảo: What to Expect, March of Dimes & Today’s Parent
Cát Lâm tổng hợp và lược dịch