Vàng da bệnh lý là một tình trạng rất dễ gây biến chứng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh nếu không được can thiệp kịp thời. Chúng ta có thể gặp các trường hợp vàng da khá phổ biến ở trẻ và thường không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến sức khỏe của con nhưng đó thường là vàng da ở mức độ nhẹ hay vàng da sinh lý.
Bạn đang đọc: Vàng da bệnh lý và vàng da sinh lý khác nhau thế nào
Đối với vàng da bệnh lý, trẻ cần được điều trị sớm để tránh để lại hậu quả đến cuộc sống của con sau này. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vàng da bệnh lý và các dấu hiệu giúp nhận biết sự khác biệt so với vàng da sinh lý nhé.
Contents
1. Vàng da bệnh lý và vàng da sinh lý khác nhau như thế nào
Tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh xảy ra do sự tích tụ bilirubin trong máu (bilirubin là một chất màu vàng được giải phóng khi tế bào hồng cầu bị phá vỡ để thay thế bằng tế bào hồng cầu mới). Nồng độ bilirubin khác nhau sẽ dẫn tới các biểu hiện và ảnh hưởng khác nhau khiến tình trạng vàng da được xem là sinh lý hay bệnh lý.
Chúng ta hãy cùng xem các điểm khác nhau nhé:
1.1. Vàng da bệnh lý
1.1.1. Thời điểm xuất hiện
Trong vòng 48 giờ sau sinh, thường sớm trước 24 giờ tuổi.
1.1.2. Thời gian tồn tại
Kéo dài hơn 1 tuần đến 10 ngày ở trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần ở trẻ sinh non.
1.1.3. Biểu hiện
- Vàng da toàn thân, kể cả lòng bàn tay, bàn chân và kết mạc mắt
- Mệt mỏi, khó đánh thức
- Bỏ bú
- Quấy khóc
1.1.4. Nguyên nhân
- Sự tích tụ bilirubin ở mức độ cao trên 19.5mg/dL và tốc độ tăng nhanh trên 0.5mg/dL một giờ hoặc 5mg/dL trong 24 giờ
- Bị các tình trạng bệnh lý khác như: xuất huyết trong quá trình sinh, nhiễm trùng máu, nhiễm virus hoặc vi khuẩn khác, tăng sản xuất bilirubin (1), giảm chức năng chuyển hóa bilirubin (2), tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột (3), bệnh lý về gan, sữa mẹ (4).
(1) Tăng sản xuất bilirubin do bệnh lý tan máu như tan máu miễn dịch, tan máu mắc phải hay bệnh lý tại hồng cầu.
(2) Giảm chức năng chuyển hóa bilirubin do trẻ mắc một số hội chứng như Crigler – Naajar, hội chứng Gilbert, bệnh lý chuyển hóa di truyền, hay mẹ bị tiểu đường.
(3) Tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột do các tình trạng hẹp môn vị, tắc ruột non, tắc ruột do phân su,…
(4) Sữa mẹ ở một số bà mẹ chứa một loại chất gây ức chế men Glucororyl Transferase ở gan, ngăn cản sự kết hợp bilirubin thành dạng có thể đào thải ra ngoài qua gan và thận.
1.2. Vàng da sinh lý
1.2.1. Thời điểm xuất hiện
Sau 24 giờ tuổi
1.2.2. Thời gian tồn tại
Biến mất sau 1 tuần ở trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần ở trẻ sinh non.
1.2.3. Biểu hiện
- Vàng da vùng mặt, cổ, ngực và phần bụng phía trên rốn
- Không kèm theo triệu chứng khác
1.2.4. Nguyên nhân
- Sự tích tụ bilirubin trong máu với nồng độ không quá 12mg/dL đối với trẻ đủ tháng, 14mg/dL đối với trẻ sinh non. Tốc độ tăng không quá 5mg/dL trong 24 giờ.
- Chức năng gan chưa hoàn thiện để loại bỏ bilirubin nhưng sẽ tự khắc phục sau 1-2 tuần.
2. Biến chứng của vàng da bệnh lý
Chất bilirubin gây độc cho tế bào não. Do vậy vàng da bệnh lý với nồng độ bilirubin trong máu cao có thể nhiễm vào não gây ra bệnh não cấp tính do bilirubin với các biểu hiện ở trẻ như:
- Lờ đờ
- Khó thức dậy
- Khóc thét
- Sốt
- Ưỡn cổ và thân
Một biến chứng thể nặng của nhiễm độc thần kinh do bilirubin là tình trạng vàng da nhân gồm các biểu hiện như:
- Bại não (các cử động không tự nguyện và không kiểm soát được)
- Ánh mắt hướng lên vĩnh viễn (mắt nhìn trần)
- Mất thính lực
- Rối loạn phát triển men răng (loạn sản răng)
Tìm hiểu thêm: Tắm trẻ sơ sinh tại nhà – cách tắm đơn giản mẹ nào cũng có thể áp dụng ngay
3. Nhận biết vàng da bệnh lý ở trẻ
Bạn có thể nhận biết tình trạng vàng da bệnh lý ở trẻ bằng cách:
- Quan sát da trẻ dưới ánh sáng ban ngày hoặc ánh sáng điện.
- Đối với trẻ có màu da đỏ hồng hoặc đen khiến việc quan sát da trực tiếp để nhận biết trẻ có bị vàng da hay không, bạn có thể ấn vào một vùng da của trẻ. Nếu trẻ bị vàng da, vùng bị ấn xuống sẽ có màu vàng rất rõ.
Nếu da trẻ vàng kèm theo các biểu hiện bất thường khác như bỏ bú, quấy khóc, mệt mỏi,…thì bạn nên đưa con đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám.
4. Đối tượng có nguy cơ cao bị vàng da bệnh lý
Một số đối tượng trẻ có nguy cơ cao bị vàng da bệnh lý bao gồm:
- Trẻ sinh non : trẻ sinh trước 38 tuần thai thì khả năng đào thải bilirubin sẽ không được nhanh như trẻ sinh đủ ngày. Vì lượng ăn và đi tiêu của trẻ thường ít hơn, dẫn đến lượng bilirubin thải qua phân cũng ít.
- Trẻ bị xuất huyết trong quá trình sinh : xuất huyết là tình trạng hồng cầu bị vỡ dẫn đến bilirubin được giải phóng. Tình trạng xuất huyết càng nghiêm trọng thì lượng bilirubin được phóng thích và tích tụ trong máu trẻ càng cao.
- Nhóm máu của trẻ : nếu trẻ có nhóm máu không tương thích với nhóm máu của mẹ (bất đồng nhóm máu mẹ con hệ ABO hoặc Rh), trẻ sẽ nhận được kháng thể qua nhau thai gây ra sự phá vỡ tế bào hồng cầu nhanh hơn bình thường, từ đó giải phóng lượng bilirubin cao vào máu.
- Trẻ bú mẹ : trẻ gặp khó khăn về bú mẹ hoặc không nhận đủ dinh dưỡng thông qua việc bú mẹ. Mất nước và lượng calories nhận được thấp có thể góp phần vào sự khởi đầu của tình trạng vàng da. Tuy nhiên, vì lợi ích của việc cho con bú mẹ mà các chuyên gia vẫn khuyên các bà mẹ nên áp dụng. Điều quan trọng là bạn đảm bảo trẻ được cung cấp đủ dưỡng chất và chất lỏng.
5. Điều trị vàng da bệnh lý ở trẻ như thế nào
Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho trẻ bị vàng da bệnh lý là liệu pháp quang (hay chiếu đèn). Nó được áp dụng cho bất kỳ trẻ sơ sinh nào có tồng lượng bilirubin trong máu lớn hơn 21mg/ dL. Đây là phương pháp khá an toàn và hiệu quả khi dùng ánh sáng xanh chiếu trực tiếp lên da trẻ để biến bilirubin gián tiếp (độc cho não của trẻ) thành dạng bilirubin tan được trong nước, không độc và thải được qua gan (qua mật) và thận (qua nước tiểu).
Quang trị liệu thường được sử dụng để điều trị cho trẻ sau 24 giờ tuổi và chưa bị nhiễm độc thần kinh. Hoặc điều trị dự phòng đối với trẻ sinh non, có bươu huyết thanh, hay bị bệnh tan máu,…
Trong trường hợp trẻ có lượng bilirubin trong máu cao trên 25mg/dL với triệu chứng nhiễm độc thần kinh, phương pháp thay máu sẽ được áp dụng để điều trị cho trẻ.
Đối với trẻ bị vàng da do bệnh lý về gan như teo hoặc giãn đường mật bẩm sinh thì tùy vào tình trạng bệnh mà phương pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định.
6. Phòng ngừa vàng da bệnh lý cho trẻ
Để hạn chế nguy cơ trẻ sinh ra bị vàng da bệnh lý, bạn có thể thực hiện những việc sau:
- Đảm bảo sức khỏe khi mang thai và khám thai định kỳ đầy đủ. Việc này sẽ giúp bạn giảm nguy cơ sinh non, đồng thời có thể phát hiện được các tình trạng bất thường trong thai kỳ, đặc biệt là nhiễm trùng để được xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
- Cho trẻ bú thường xuyên:
+ Đối với trẻ bú mẹ : bạn nên cho trẻ ăn 8-12 lần một ngày trong những ngày đầu mới sinh.
+ Đối với trẻ bú sữa công thức : trẻ nên được bú 30-60ml sữa mỗi 2-3 giờ trong suốt tuần đầu sau sinh.
>>>>>Xem thêm: Bé lười bú phải làm sao – cùng mẹ đi tìm nguyên nhân và cách khắc phục
Vàng da bệnh lý như những thông tin ở trên – là một căn bệnh rất nguy hiểm đối với trẻ. Tuy nhiên mức độ nghiêm trọng và hậu quả của nó có thể giảm đi nếu trẻ được can thiệp và điều trị kịp thời. Vì vậy, trong những giờ đầu và ngày đầu sau sinh, bạn hãy theo dõi màu da của bé thật cẩn thận để có thể phát hiện sớm bất kì biểu hiện bất thường nào nhé.
Theo Mayo Clinic & Wikipedia
Lily Nguyễn tổng hợp