Trẻ khóc đêm là một chủ đề đầy đau khổ với không ít phụ huynh nếu có dịp bàn đến. Có thể khi chuẩn bị làm bố mẹ, bạn đã được giới thiệu sơ qua về việc khóc dạ đề của trẻ sơ sinh. Song, hầu như ít ai nói cho bạn biết rằng, bạn còn có khả năng phải đối mặt với tình trạng trẻ khóc đêm từ mức “quấy rối” cho đến kiểu “khóc hờn” và nặng hơn là dữ dội, kéo dài cho đến độ tuổi lên 7.
Bạn đang đọc: Trẻ khóc đêm – nỗi sợ hãi ban đêm không chỉ của con mà với cả cha mẹ
Contents
1. Trẻ khóc đêm có phải là một tình trạng bất thường?
Trẻ khóc đêm là một phần tự nhiên trong tiến trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên, tình trạng khóc đêm của trẻ cũng như nhiều tình trạng khác liên quan đến sức khỏe, vấn đề thể chất hay tâm lý,…có thể là bình thường nhưng cũng có thể là bất thường.
Cho đến khi con lớn khôn có thể chia sẻ với cha mẹ bằng ngôn ngữ, thì tiếng khóc vẫn là một phương tiện mà mọi trẻ sử dụng để biểu thị tình trạng của bản thân từ mệt, đói, khó chịu, bực bội, đau, bất an, giận dữ….Do vậy, khi trẻ khóc đêm, chúng ta cũng cần xem xét nhiều góc độ khác nhau, mới có thể xác định chính xác vấn đề khóc đêm này có bình thường trong sự phát triển của trẻ, hay, trẻ đang gặp hoặc đối mặt với một vấn đề nào đó cần phải được giải quyết, can thiệp.
2. Những lý do có thể khiến trẻ khóc đêm
Cũng như trẻ sơ sinh, trẻ qua tuổi sơ sinh khóc đêm cũng có thể bởi những lý do thông thường như:
- Khó chịu trong người
- Tiêu hóa đang có vấn đề như con thấy trướng bụng, khó tiêu hoặc có thể là đói
- Mọc răng
- Cảm thấy mệt
- Có dấu hiệu muốn ốm
- Con bị côn trùng đốt, rôm sảy ngứa ngáy,…
Nhưng, với trẻ ở độ tuổi này, con còn dùng tiếng khóc để:
- Đối phó với những cảm xúc mới
- Đối phó với sự khó khăn nào đó của mình
- Thể hiện cảm giác thất vọng
- Thể hiện sự bối rối
- Thể hiện sự bực bội, tức giận
- Thể hiện sự ghen tuông.
Bên cạnh đó, con khóc đêm cũng có thể do đang gặp chứng sợ hãi ban đêm hoặc nặng hơn là ác mộng.
3. Trẻ khóc đêm – nỗi sợ hãi ban đêm và ác mộng
3.1. Nỗi sợ hãi ban đêm của trẻ
Theo các chuyên gia, có khoảng 3% trẻ em đối diện với nỗi sợ hãi ban đêm. Đây là tình trạng trẻ bị kích động trong giấc ngủ và có thể xảy ra trong độ tuổi từ 18 tháng cho đến 6 tuổi hoặc 7 tuổi, nhưng cũng có thể xảy ta tiếp tục đến khi con dậy thì.
Tình trạng sợ hãi ban đêm có thể xuất hiện sau 1-2 tiếng kể từ khi trẻ đi ngủ. Khi trẻ khóc đêm trong tình trạng này, trẻ không tỉnh hẳn nhưng cũng không phải là mơ. Trẻ có thể nói chuyện, ngồi dậy thậm chí là đi lại nhưng sau khi con bình tĩnh, con sẽ ngủ lại và sáng hôm sau gần như không nhớ về tình trạng của đêm qua.
Thời gian trẻ khóc đêm hay quấy/ gây sự về đêm này có thể kéo dài 15 – 30 phút.
Người ta chưa xác định được nguyên nhân chính xác của chứng sợ hãi ban đêm của trẻ nhưng thường, nếu trong gia đình có bố mẹ từng trải qua điều này, thì trẻ cũng có thể gặp phải.
Chứng sợ hãi ban đêm có thể xuất hiện khi trẻ căng thẳng, gặp những cảm xúc mới, hay khi con không khỏe, hoặc không ngủ đủ. Nhưng, đôi khi chứng sợ hãi này cũng xuất hiện ngay cả khi trẻ không gặp căng thẳng nào.
Nỗi sợ hãi ban đêm theo các chuyên gia không liên quan đến vấn đề tâm lý sau này của trẻ, nó được xem chỉ như một giai đoạn tạm thời trẻ trải qua mà thôi.
Tìm hiểu thêm: Bệnh lác mắt ở trẻ em và các dấu hiệu cha mẹ cần biết
3.2. Ác mộng
Cũng như chúng ta, khi trẻ gặp ác mộng con có thể vã mồ hôi và tỉnh dậy khóc lóc. Con chỉ ngưng các phản ứng này khi bạn xuất hiện an ủi vỗ về trẻ.
Những cơn ác mộng đều là giấc mơ đáng sợ đánh thức trẻ dậy, khiến chúng sợ hãi, buồn bã lo âu thật sự, sợ có điều gì đó khủng khiếp xảy ra hay sắp xảy ra.
Cơn ác mộng thường xảy ra trong giấc ngủ “mơ màng” của trẻ, vào nửa sau của đêm. Khi tỉnh dậy con có thể nhớ cơn ác mộng đó và có thể kể cho bạn biết điều gì khiến con sợ hãi.
4. Bạn làm gì để giúp con khi trẻ khóc đêm
- Trước tiên, bạn cần xác định con có đang gặp vấn đề gì về sức khỏe hay không chẳng hạn con có đang mọc răng, có bị tình trạng khó chịu nào khác như bị côn trùng cắn, rôm sảy ngứa ngáy khó chịu, đầy bụng khó tiêu, muốn sốt hay một tình trạng nào khác.
- Nếu như sức khỏe thể chất của con bình thường, thì bắt đầu xem xét đến trạng thái tâm lý và cảm xúc của trẻ.
- Bạn có thể hỏi trẻ lý do tại sao con khó chịu và khóc lóc, con cần gì. Nếu trẻ khóc đêm quá mức và khó khăn để dừng lại, bạn đừng bực mình hay nóng giận, hãy cho trẻ chút thời gian để con có thể bình tĩnh lại.
- Hãy hỏi con và lắng nghe trẻ, để biết rõ điều gì đã xảy ra với con.
- Hãy an ủi, trấn an và xoa dịu trẻ để trẻ thực sự nguôi dần, từ đó cùng con tìm ra giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất tại thời điểm đó. Khi con đã dịu đi, bạn có thể vỗ về để trẻ ngủ lại.
- Không nên bỏ mặc trẻ một mình khi trẻ khóc vì có thể sau khi cơn khóc này qua đi, nỗi ám ảnh bị bỏ lại một mình sẽ lại trở thành điều khiến con căng thẳng, sự việc như thế sẽ lại tái diễn. Có thể việc giúp trẻ nín khóc là điều cực kỳ khó và khiến bạn bối rối cáu giận hoặc không biết phải làm gì. Trong trường hợp như thế vẫn hãy ở bên con và cố gắng chịu đựng lắng nghe tiếng trẻ khóc trong ít phút.
5. Giải pháp dành cho bạn
Giữ trẻ là một việc khó khăn, giữ một đứa trẻ khóc đêm thường xuyên còn khó khăn hơn gấp bội. Do đó, chính bạn cũng cần có những giải pháp cụ thể cho bản thân, để có thể cùng trẻ đi qua được những khoảnh khắc đầy thử thách này. Các giải pháp dành cho bạn là:
- Hãy trò chuyện nhiều hơn với con vào ban ngày, theo dõi sức khỏe thể chất của trẻ , sinh hoạt của con vào ban ngày, để ban đêm khi trẻ khóc, ít nhất bạn có một số cơ sở để tìm ra cách xoa dịu cơn khóc của trẻ. Điều này cũng giúp bạn giảm bớt sự bối rối, cáu giận của bản thân.
- Thể hiện cảm xúc của chính bạn với con như buồn, giận và hạnh phúc nhưng ở mức độ có kiểm soát. Hãy nhớ rằng, con bạn cũng luôn dõi theo bạn và sự thể hiện của bạn giúp con nhận ra, bạn cũng là người rất tình cảm có thể khiến trẻ tin cậy trong mọi trường hợp, cũng như có thể chia sẻ với bạn trong mọi tình huống.
Mặc dầu vậy, bạn cũng cần ghi nhớ, sự thái quá hoặc không kiểm soát cảm xúc của chính bạn cũng có thể khiến trẻ bị căng thẳng, nhất là với những đứa trẻ khá tinh tế và nhạy cảm. Vô tình, điều này có thể sẽ khiến bạn và con lại rơi vào vòng luẩn quẩn và khó tìm được cách để giảm đi những cơn khóc đêm khó chịu.
- Bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân hoặc các chuyên gia để có những cách hay hơn, trong việc giải quyết những vấn đề của trẻ.
- Nếu bạn quá căng thẳng vì trẻ khóc đêm , cảm thấy bị quá tải và đang có dấu hiệu muốn trầm cảm, có khả năng sẽ dẫn đến việc làm tổn thương con thì đã đến lúc bạn cần sự giúp đỡ ngay lập tức, đừng trì hoãn. Sự giúp đỡ này có thể đến từ người thân hoặc các chuyên gia chăm sóc bà mẹ trẻ em, nhằm giúp bạn tránh rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng hơn hay trầm cảm. Vì các tình trạng này đều rất không tốt cho cuộc sống của chính bạn và con.
>>>>>Xem thêm: Phòng bệnh mùa lạnh cho trẻ với những căn bệnh thường gặp nhất
Đối phó hay chăm sóc trẻ khóc đêm là một nhiệm vụ chưa khi nào là dễ dàng. Tuy nhiên, bất cứ điều gì diễn ra cũng đều có lý do của nó, điều quan trọng là bạn phải tin rằng mình sẽ tìm được nguyên do để cải thiện và khắc phục. Muốn con bạn lớn lên hàng ngày một cách tích cực và có những giấc ngủ chất lượng không tiếng khóc đêm, chắc chắn điều này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng, bình tĩnh và tinh tế của bạn rất nhiều. Nhờ đó, bạn có thể thực sự thấu hiểu tiếng khóc của trẻ nhằm có cách giải quyết tốt nhất. Nếu thể chất của con khỏe mạnh, thì bạn hoàn toàn có thể tin rằng, vấn đề khóc đêm của trẻ rồi cũng sẽ chấm dứt sớm ngay thôi.
Nguồn tham khảo: CYH, Raising Children và WebMd
Cát Lâm tổng hợp