Trẻ ít ngủ phải làm sao có lẽ là câu hỏi mà những bậc cha mẹ có con trong tình trạng này rất muốn tìm thấy câu trả lời ngay. Chúng ta đều biết giấc ngủ rất quan trọng, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Nó giúp trẻ có thể phát triển hoàn thiện và khỏe mạnh hơn. Chính vì vậy khi trẻ ít ngủ, phụ huynh lo lắng là chuyện tất yếu. Vậy thực tế thì người lớn có thể làm gì trong trường hợp này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Bạn đang đọc: Trẻ ít ngủ phải làm sao, mẹ đã có hướng giải quyết?
Contents
1. Trẻ ngủ bao nhiêu là đủ
Có lẽ chúng ta đều biết trẻ em cần ngủ nhiều hơn người lớn và chất lượng ngủ cũng cần cao hơn. Vì đây là yếu tố quyết định sự phát triển của trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, cụ thể trẻ cần ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày thì không phải cha mẹ nào cũng nắm rõ.
Dù mỗi trẻ em đều khác nhau và có tốc độ phát triển riêng. Nhưng nhìn chung, trẻ sẽ cần có đủ thời gian ngủ theo độ tuổi như sau:
- Trẻ sơ sinh 0 – 3 tháng tuổi: 14 – 17 giờ một ngày, không ít hơn 11 giờ hoặc nhiều hơn 19 giờ.
- Trẻ sơ sinh 4 – 11 tháng tuổi: 12 – 15 giờ một ngày, không ít hơn 10 giờ hoặc nhiều hơn 18 giờ.
- Trẻ tập đi 1 – 2 tuổi: 11 – 14 giờ một ngày, không ít hơn 9 giờ hoặc nhiều hơn 16 giờ.
- Trẻ mầm non 3 – 5 tuổi: 10 – 13 giờ một ngày, không ít hơn 8 giờ hoặc nhiều hơn 14 giờ.
- Trẻ tiểu học 6 – 13 tuổi: 9 – 11 giờ một ngày, không ít hơn 7 giờ hoặc nhiều hơn 12 giờ.
- Trẻ vị thành niên 14 – 17 tuổi: 8 – 10 giờ một ngày, không ít hơn 7 giờ hoặc nhiều hơn 11 giờ.
- Trẻ trưởng thành 18 – 25 tuổi: 7 – 9 giờ một ngày, không ít hơn 6 giờ hoặc nhiều hơn 11 giờ.
Trẻ nên ngủ đủ theo độ tuổi của mình. Ảnh: Uchicago Medicine
2. Tác hại của việc trẻ ít ngủ
Ngủ là khoảng thời gian quan trọng để cơ thể trẻ:
- Sản xuất hormone tăng trưởng.
- Thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện hệ miễn dịch.
- Điều chỉnh và tăng mức năng lượng cho não bộ giúp quá trình học tập và ghi nhớ.
Vì vậy, khi ngủ không đủ thời gian cần thiết đối với độ tuổi, trẻ có thể gặp phải nhiều vấn đề về cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Cụ thể như:
- Sức khỏe thể chất : khi trẻ ít ngủ, hệ miễn dịch có thể bị suy yếu dẫn đến cơ thể dễ bị nhiễm bệnh hơn. Bên cạnh đó, trẻ cũng có nguy cơ cao gặp những vấn đề về sức khỏe như: bệnh béo phì , huyết áp cao, bệnh tim, đột quỵ, nhịp tim không đều và tiểu đường, kém phát triển chiều cao,..
- Sức khỏe tinh thần : trẻ ít ngủ dễ dàng bị mất tập trung, chức năng bộ nhớ bị giảm, khả năng ra quyết định cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, trẻ cũng thường lo lắng hơn, dễ gặp ác mộng, mộng du và trẻ đái dầm.
- Ảnh hưởng về mặt xã hội : những đứa trẻ ít ngủ có khả năng gặp nhiều vấn đề về học tập, hành vi, và quan hệ xã hội. Nguy hiểm nhất là trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi tâm trạng dẫn đến xu hướng làm hại bản thân.
3. Ảnh hưởng của khía cạnh truyền thông đến giấc ngủ của trẻ
Hầu hết chúng ta ngày nay đều ít nhiều chịu tác động bởi các phương tiện truyền thông xã hội. Và trẻ em cũng không nằm ngoài phạm vi này.
Thời gian trên các loại màn hình không những làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ mà còn gây ra những rủi ro độc nhất vì ảnh hưởng đến một số khu vực của não bộ.
Khi xem các nội dung trên các phương tiện này, não trẻ sẽ tiết ra các chất hóa học như norepineephrine và dopamine. Đây là những hóa chất kích thích các trung tâm thức tỉnh của não, khiến trẻ khó ngủ hơn.
Các phương tiện truyền thông xã hội cũng khiến tuyến thượng thận tiết ra adrenaline và các hormone gây căng thẳng như cortisol. Chúng sẽ khiến trẻ khó ngủ cũng như ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.
Tìm hiểu thêm: 10 tuổi dùng sữa rửa mặt được không và nên dùng loại nào an toàn?
4. Trẻ ít ngủ phải làm sao
Khi bạn lo lắng trẻ ít ngủ phải làm sao, hãy thử áp dụng một số cách sau để cải thiện thời gian và chất lượng giấc ngủ của trẻ:
- Nắm được thời gian ngủ cần thiết theo độ tuổi của trẻ. Từ đó bạn giúp trẻ phân bố thời gian ngủ trong ngày cho hợp lý.
- Tạo cho trẻ thói quen ngủ lành mạnh. Trẻ nên được rèn vào khuôn nếp về giờ ngủ và giờ dậy cố định mỗi ngày. Như vậy đồng hồ sinh học của trẻ sẽ tuân theo một lập trình nhất quán. Đồng thời, thực hiện những việc thư giãn trước giờ ngủ như đọc sách, kể chuyện, tắm nước ấm,…Điều này sẽ giúp nhắc nhở trẻ sắp đến giờ ngủ.
- Tạo môi trường phù hợp cho giấc ngủ của trẻ. Bạn nên hạn chế sử dụng hoặc cho trẻ sử dụng các loại màn hình, thiết bị thông minh trong phòng ngủ, đặc biệt trước giờ trẻ đi ngủ. Không gian ngủ nên yên tĩnh, hạn chế ánh sáng, thông thoáng và gọn gàng.
- Đảm bảo trẻ được ăn no, đủ chất, đúng thời gian. Không cho trẻ ăn vặt sát giờ đi ngủ, đặc biệt là thức ăn, thức uống ngọt hoặc chứa chất kích thích như sô cô la. Chúng sẽ khiến trẻ khó ngủ hơn.
- Không bao giờ dùng khái niệm “bắt đi ngủ sớm” để phạt trẻ, hay “thức khuya” làm phần thưởng. Và bạn cũng nên tránh sử dụng phòng ngủ để làm không gian phạt “timeouts” (phạt suy gẫm một mình). Điều này sẽ khiến trẻ trở nên sợ phải đi ngủ.
- Bạn nên nhắc trẻ giờ đi ngủ một cách nhẹ nhàng. Thay vì nói “con phải đi ngủ”, hãy nói “chúng ta đi ngủ thôi”. Bạn cũng có thể thỏa thuận với trẻ về việc đặt giờ đồng hồ để nhắc giờ đi ngủ. Trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ và không bị ép buộc. Từ đó sẽ tự nguyện đi vào giường ngủ hơn.
- Không nên để trẻ lớn ngủ ngày quá nhiều. Vì như vậy trẻ có thể khó ngủ vào ban đêm.
>>>>>Xem thêm: Chỉ ra 5 nỗi lo không cần thiết nhưng mẹ nào cũng mắc phải khi chăm con
Trẻ ít ngủ phải làm sao với những bí quyết trên hy vọng sẽ hữu ích cho bạn trong việc rèn trẻ ngủ đủ và đúng. Dù rằng đặc điểm sinh học ở mỗi trẻ đều khác nhau. Một trẻ có thể ngủ ít hơn trẻ khác cùng tuổi. Nhưng điều quan trọng là trẻ cần ngủ đủ khung giờ tối thiểu đối với độ tuổi của mình. Bạn có thể dần điều chỉnh nếp sinh hoạt để cải thiện tình trạng đối với trẻ thiếu ngủ. Tuy nhiên, nếu trẻ ngủ quá ít, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và đưa trẻ đi khám nếu bác sĩ cho rằng điều đó là cần thiết. Vì có thể một vấn đề nào đó về sức khỏe hoặc tinh thần ảnh hưởng đến giấc ngủ của con. Trong những trường hợp như vậy, trẻ có thể cần được can thiệp hoặc điều trị (về thể chất hoặc tinh thần). Việc này nhằm đảm bảo quá trình phát triển của trẻ không bị ảnh hưởng về lâu dài.
Theo Healthline & Sleep Foundation
Lily Nguyễn lược dịch