Trẻ ăn dặm là một chủ đề khá quen thuộc của những mẹ đang có con nhỏ, thậm chí cả những mẹ đang mang thai hay những phụ nữ chỉ mới lập gia đình. Vì, việc tập cho con làm quen với thực phẩm ngoài sữa là rất quan trọng. Nó sẽ quyết định đến sở thích và thái độ đối với vấn đề ăn uống của con sau này. Vậy mẹ đã thực sự nắm rõ việc cho trẻ ăn dặm đúng cách theo độ tuổi, chúng ta hãy cùng điểm lại xem sao nhé.
Bạn đang đọc: Trẻ ăn dặm theo độ tuổi như thế nào mẹ thực sự đã nắm rõ?
Contents
1. Trẻ 6-8 tháng tuổi – trẻ bắt đầu ăn dặm
6 tháng là độ tuổi bạn có thể bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Bạn có thể cho bé tập ăn bắt đầu với những món ăn đơn giản từ gạo, yến mạch, ngũ cốc, sữa, trái cây hay rau củ,…
Tuy nhiên, không phải bé nào cũng muốn làm quen với thực phẩm ngoài sữa khi đến độ tuổi này. Vì vậy, điều quan trọng là bạn hãy dựa vào những dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng bước qua một giai đoạn mới trong ăn uống.
1.1. Dấu hiệu cho thấy trẻ 6 tháng tuổi đã sẵn sàng tập ăn
Những dấu hiệu cho thấy trẻ 6 tháng tuổi đã sẵn sàng tập ăn bao gồm:
- Trẻ có thể giữ đầu cổ vững cũng như ngồi vững
- Trẻ có cân nặng gấp đôi trọng lượng lúc sinh, ít nhất là 6kg
- Trẻ có thể ngậm thìa vào miệng
- Trẻ có thể chuyển thức ăn vào miệng để nuốt
1.2. Bạn nên cho trẻ tập ăn những gì
Bạn lưu ý rằng ở giai đoạn đầu của quá trình tập ăn, thì sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn thức ăn chính của trẻ. Vì vậy, ngoài sữa, bạn có thể cho trẻ làm quen với một số loại thực phẩm sau:
- Trái cây xay hoặc trái cây nghiền (chuối, bơ, lê, đào, táo)
- Rau xay hoặc nghiền (cà rốt, bí, khoai lang)
- Thịt xay (thịt heo, gà, bò)
- Đậu phụ xay hoặc nghiền
- Một chút sữa chua không đường (không cho trẻ uống sữa bò tươi cho đến khi ít nhất 1 tuổi)
- Các loại đậu xay hoặc nghiền (đậu đen, đậu gà, đậu lăng, đậu thận,…)
- Ngũ cốc tăng cường sắt (yến mạch, lúa mạch)
1.3. Bạn nên cho trẻ ăn dặm bao nhiêu
Vì mục đích của thời gian đầu tập ăn dặm là giúp trẻ làm quen với thực phẩm ngoài sữa, nên bạn chỉ cần cho trẻ thử một lượng ít thức ăn là được:
- 1 muỗng cà phê trái cây một lần ăn và tăng dần lên
- 1 muỗng cà phê rau một lần ăn và tăng dần
- 3 muỗng canh ngũ cốc một lần ăn và tăng dần lên
1.4. Lưu ý khi bắt đầu cho trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm
Khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm và kể cả khi trẻ đã làm quen được một số lượng nhất định các loại thực phẩm, bạn hãy lưu ý và tiếp tục áp dụng một số điểm sau:
- Bạn hãy dựa vào phản ứng của trẻ đối với thức ăn để tăng đến lượng phù hợp
- Bạn hãy giới thiệu một loại thực phẩm một lần, và cho bé ăn dặm khoảng 2-3 ngày rồi mới chuyển sang loại khác, đặc biệt trong gia đình bạn có người có tiền sử bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó. Vì nếu trẻ có bất kì phản ứng dị ứng nào, bạn sẽ xác định được nguyên nhân gây ra chúng một cách dễ dàng hơn.
- Thứ tự các loại thực phẩm bạn giới thiệu cho trẻ không thực sự quan trọng. Bạn chỉ cần chú ý đến kết cấu phù hợp với trẻ.
- Bạn không nên ép trẻ ăn hết lượng thức ăn mình chuẩn bị, hãy để trẻ quyết định con muốn ăn bao nhiêu.
2. Trẻ ăn dặm ở độ tuổi 8-10 tháng tuổi
Trẻ 8-10 tháng tuổi đã có thể ăn các loại thực phẩm với kết cấu đa dạng hơn. Bên cạnh những dấu hiệu sẵn sàng cho việc tập ăn như ở trẻ 6-8 tháng tuổi, một số biểu hiện dưới đây chứng tỏ trẻ đã sẵn sàng thử thức ăn dạng ngón tay:
2.1.Dấu hiệu cho thấy trẻ 8-10 đã sẵn sàng ăn thức ăn dạng ngón tay
- Trẻ có thể nhặt đồ bằng ngón cái và ngón trỏ
- Trẻ có thể chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia
- Trẻ cho mọi thứ nhặt được vào miệng
- Trẻ thực hiện chuyển động hàm như động tác nhai
2.2. Bạn nên cho trẻ 8-10 tháng tuổi ăn những gì
Ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức và các món ăn như giai đoạn 6-8 tháng tuổi, lúc này bạn có thể cho trẻ ăn cùng các loại nguyên liệu trên nhưng dưới dạng thức ăn ngón tay, hoặc thức ăn có thể định hình, bao gồm:
- Trứng bác, thanh khoai tây (nấu mềm), mì ống nấu mềm, bánh quy giòn, bánh mì tròn nhỏ
- Thịt heo, thịt gia cầm cắt miếng nhỏ và nấu mềm, cá bỏ xương, đậu hũ, các loại đậu nấu nhừ như đậu đen, đậu lăng,…
- Các loại ngũ cốc nấu mềm
Tìm hiểu thêm: Chăm sóc trẻ mùa nắng nóng với 7 lưu ý quan trọng dành cho phụ huynh
2.3. Bạn nên cho trẻ 8-10 ăn bao nhiêu
Bạn có thể cho trẻ 8-10 tháng tuổi ăn lượng thức ăn trong một ngày như sau:
- 1/4 đến 1/3 chén chế phẩm từ sữa
- 1/4 đến 1/2 chén ngũ cốc tăng cường sắt
- 3/4 đến 1 chén trái cây
- 3/4 đến 1 chén rau
- 3-4 muỗng canh thực phẩm giàu protein
3. Trẻ 10-12 tháng tuổi
3.1. Dấu hiệu cho thấy trẻ 10-12 tháng tuổi đã sẵn sàng làm quen với các loại thực phẩm khác
Bên cạnh các dấu hiệu tương tự như trẻ 8-10 tháng tuổi, những biểu hiện dưới đây cho thấy trẻ 10-12 tháng tuổi đã sẵn sàng làm quen với các loại thực phẩm đa dạng hơn, bao gồm:
- Trẻ nuốt thức ăn dễ dàng hơn
- Trẻ mọc nhiều răng hơn
- Trẻ không còn dùng lưỡi đẩy thức ăn ra ngoài
- Trẻ cố gắng và muốn sử dụng muỗng để tự xúc ăn
3.2. Bạn nên cho trẻ 10-12 tháng tuổi ăn gì
Ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức và các món ăn bạn đã giới thiệu cho trẻ ở những tháng trước, bạn có thể cho trẻ thử thêm những loại thực phẩm sau:
- Phô mai tiệt trùng (loại không có muối)
- Trái cây mềm cắt miếng nhỏ hoặc cắt thành thanh dài
- Rau củ nấu mềm cắt miếng vừa tay trẻ
- Thực phẩm giàu protein, nấu nhừ cắt miếng nhỏ hoặc miếng vừa tay trẻ
- Món ăn sử dụng nhiều nguyên liệu như món hầm, nướng (không sử dụng gia vị như đường, muối, nước mắm, bột ngọt, chỉ nên sử dụng gia vị tự nhiên như hành, tỏi, gừng, nghệ,…và các loại tương tự)
3.3. Bạn nên cho trẻ 10-12 tháng tuổi ăn bao nhiêu
Lượng thức ăn trong một ngày bạn có thể cho trẻ 10-12 tháng ăn như sau:
- 1/3 chén chế phẩm sữa
- 1/4 đến 1/2 chén ngũ cốc tăng cường
- 3/4 đến 1 chén trái cây
- 3/4 đến 1 chén rau
- 1/8 đến 1/4 món ăn kết hợp nhiều nguyên liệu
- 3-4 muỗng canh thực phẩm giàu protein
Trẻ ăn dặm là việc khá quan trọng đối với các bậc phụ huynh. Dù chúng ta có thời điểm chung được khuyến cáo bắt đầu cho trẻ tập ăn dặm . Nhưng các cha mẹ nên lưu ý rằng, mỗi trẻ đều khác nhau và có thể trẻ nhà bạn có mốc phát triển khác với các bạn khác, do đó, dấu hiệu sẵn sàng cho việc tập ăn của con cũng sẽ khác. Ngoài ra, tùy vào cá tính mỗi trẻ mà con có thể thích, không thích, chấp nhận hay từ chối một loại thực phẩm nào đó.
>>>>>Xem thêm: Bé 9 tháng chưa biết bò có ảnh hưởng đến sự phát triển không?
Cho trẻ ăn dặm bạn đừng thất vọng hay nản chí, mà hãy kiên nhẫn giới thiệu cho con nhiều lần để con quen dần. Đồng thời, bạn cần luôn nhớ rằng mục đích chính của việc tập ăn dặm là giúp trẻ làm quen với thực phầm ngoài sữa, nên bạn đừng ép trẻ ăn, hãy để con tự quyết định lượng thức ăn mình muốn. Chúc các cha mẹ sẽ cùng với trẻ trải qua giai đoạn ăn dặm một cách vui vẻ và hiệu quả nhé.
Theo Baby Center
Lily Nguyễn lược dịch