Trầm cảm sau sinh là nỗi ám ảnh chung không chỉ riêng với chị em phụ nữ mà với cả gia đình. Vì, trầm cảm sau sinh như chúng ta thường thấy, có thể gây ra nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến đời sống của mẹ sau sinh, lẫn sự kết nối với em bé và cả thế giới xung quanh. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này, để biết rõ về nó, cũng như có cách phòng tránh và xử lý kịp thời chị em nhé.
Bạn đang đọc: Trầm cảm sau sinh – mức độ, triệu chứng, điều trị và cách phòng tránh chị em nên biết
Contents
- 1 1. Về vấn đề trầm cảm sau sinh
- 2 2. 3 trạng thái của trầm cảm sau sinh
- 3 3. Tại sao xuất hiện chứng trầm cảm sau sinh
- 4 4. Nguy cơ mắc chứng trầm cảm hoặc trầm cảm trở nên nghiêm trọng ở phụ nữ sau sinh
- 5 5. Triệu chứng cụ thể của trầm cảm sau sinh
- 6 6. Điều trị trầm cảm sau sinh như thế nào
- 7 7. Phòng tránh trầm cảm sau sinh ra sao
1. Về vấn đề trầm cảm sau sinh
Có thể chúng ta đã từng nghe rất nhiều trường hợp liên quan đến trầm cảm sau sinh. Hậu quả để lại là việc mẹ bỏ rơi con, hoặc chính bản thân mẹ rơi vào tình trạng bất ổn tâm lý triền miên khiến cuộc sống bị xáo trộn. Thậm chí, có những trường hợp mẹ sau sinh trầm cảm làm hại em bé lẫn chính bản thân mình.
Theo các chuyên gia, trầm cảm sau sinh được xác định không phải là một căn bệnh, hay một khiếm khuyết của cơ thể mà là một biến chứng sau sinh. Hay nói cách khác đây là tình trạng được xếp vào dạng rối loạn tâm thần sau sinh.
Thông thường, mẹ sau sinh sẽ gặp hội chứng “baby bluses” được hiểu nôm na là chứng rối loạn tinh thần/ thay đổi trạng thái tâm lý sau sinh ở mức độ nhẹ, diễn ra 1-2 ngày hay kéo dài 1-2 tuần sau khi sinh em bé. Tuy nhiên, tình trạng này có thể kéo dài, trở nên nghiêm trọng thành trầm cảm sau sinh, có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của mẹ, em bé và cả gia đình. Và mức độ nặng nhất của trầm cảm sau sinh là bệnh về tâm thần, có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng không thể sửa chữa hay khắc phục. Để hiểu rõ hơn về mức độ của chứng trầm cảm sau sinh này, chúng ta hãy cùng xem xét cụ thể hơn 3 trạng thái của trầm cảm sau sinh ngay sau đây nhé.
2. 3 trạng thái của trầm cảm sau sinh
Nói về trầm cảm sau sinh một cách chung chung thì chúng ta khó hình dung được tác hại của nó có thể gây ra như thế nào. Cũng như, không phải cứ nói đến trầm cảm sau sinh sẽ đều là những trường hợp rất nghiêm trọng và có thể gây gại. Thực tế, liên quan đến vấn đề trầm cảm sau sinh, người ta chia sự thay đổi trạng thái của mẹ sau sinh thành 3 mức:
2.1 Hội chứng Baby Blues – trầm cảm nhẹ
Baby bluses hay chứng rối loạn tâm thần nhẹ là tình trạng xảy ra với hầu hết các mẹ sau sinh. Nhiều người cho rằng hội chứng Baby Blues có thể xem là trầm cảm nhẹ không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đây mới chỉ là trạng thái thay đổi tâm lý rất bình thường của các mẹ sau khi sinh con mà thôi.
Ở trường hợp này, các mẹ có thể thay đổi tâm trạng một cách rất đột ngột từ vui vẻ đó, lập tức buồn bã ngay sau đó. Mẹ cũng có thể khóc mà chẳng có lý do nào cụ thể hay chính đáng. Đôi lúc mẹ rất cáu kỉnh, cảm thấy bồn chồn mặc dù không có điều gì để phải lo lắng.
Tình trạng Baby Blues diễn ra vài giờ sau sinh, có thể diễn ra 2-3 ngày sau sinh nhưng cũng có thể kéo dài 1-2 tuần. Với tình trạng Baby Blues, mẹ sẽ tự hết sau thời gian trên. Sau khi có tiếp xúc với thế giới xung quanh hay việc nói chuyện với các bà mẹ khác, thì triệu chứng này sẽ tự hết mà không cần bất cứ can thiệp nào khác.
2.2 Trầm cảm sau sinh – mức độ trung bình
Triệu chứng của trầm cảm sau sinh mức trung bình gần tương tự như Baby Blues vậy. Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ kéo dài và trở nên nặng hơn. Kéo theo đó là việc mẹ không chăm sóc em bé được chu đáo, hoặc tâm trạng chán chường, khủng hoảng, lo âu,…ảnh hưởng nặng nề khiến mẹ không thể hoàn thành các công việc thường nhật.
Khác với Baby Blues sẽ tự hết, trầm cảm sau sinh không thể tự tiêu biến mà mẹ cần phải được giúp đỡ, có cách phù hợp để vượt qua, được gia đình hỗ trợ, được các bác sỹ hoặc chuyên gia tâm lý điều trị bằng cách trao đổi, nói chuyện, nhờ đó mẹ mới thoát khỏi khoảng thời gian mệt mỏi đáng sợ này.
2.3 Rối loạn tâm thần sau sinh mức độ nặng hay trầm cảm nặng
Rối loạn tâm thần sau sinh mức độ nặng được xác định là bệnh tâm thần nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của bà mẹ sau sinh. Bệnh này hoàn toàn có thể xảy ra trong 3 tháng đầu kể từ sinh xong.
Mẹ sau sinh nếu mắc bệnh này thường rơi vào tình trạng bị hoang tưởng, bị ảo giác, có thể nghe giọng nói ở đâu đó hoặc nhìn thấy những thứ mà thực ra nó không tồn tại. Mẹ thường mất ngủ triền miên, dễ bị kích động, dễ tức giận, và có những hành vi kỳ lạ.
Mẹ sau sinh mắc chứng rối loạn tâm thần nặng thường có xu hướng làm tổn thương bản thân hoặc em bé. Mẹ có những ý tưởng rất phi lý liên quan đến em bé ví dụ như em bé bị ai đó bắt mất.
Trường hợp bị mắc chứng bệnh rối loạn tâm thần sau sinh ở mức độ nặng này, mẹ cần phải nhập viện điều trị và phải dùng thuốc, nhằm cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh, để tránh nguy cơ mẹ làm hại bản thân, em bé, hay những người xung quanh.
3. Tại sao xuất hiện chứng trầm cảm sau sinh
Thay đổi tâm trạng sau sinh là một diễn tiến tự nhiên do thay đổi của hormone. Khi phụ nữ mang thai, estrogen và progesterone tăng cao nhưng khi họ sinh con các hormone này lại giảm đột ngột. Sự thay đổi này dẫn đến tâm trạng của các mẹ bị thay đổi.
Mọi phụ nữ sau sinh đều cần đến khoảng 1 tuần hoặc lâu hơn để các hormone ( nội tiết tố ) trở lại mức bình thường. Tuy nhiên, cũng có những phụ nữ họ khó trở lại tình trạng bình thường do một số yếu tố chủ quan hoặc khách quan tác động. Sự tác động không chủ đích hoặc không mong muốn này có thể trở thành nguy cơ, khiến họ rơi vào tình trạng trầm cảm thực sự, thậm chí là rơi vào tình trạng rối loạn tâm thần nặng.
4. Nguy cơ mắc chứng trầm cảm hoặc trầm cảm trở nên nghiêm trọng ở phụ nữ sau sinh
Nhóm những người có nguy cơ mắc trầm cảm hoặc chứng trầm cảm phát triển trở nặng sau sinh có thể kể đến như:
- Phụ nữ có tiền sử mắc bệnh trầm cảm
- Phụ nữ trong gia đình có tiền sử mắc bệnh trầm cảm
- Căng thẳng nghiêm trọng từ khi mang thai
- Gặp các vấn đề về y tế khi mang thai và sinh con
- Gặp các biến cố khi mang thai và sinh con
- Thiếu sự hỗ trợ hoặc tình cảm từ người bạn đời hoặc gia đình
- Trải qua sự xung đột trong hôn nhân
- Phụ nữ có tiền sử mắc chứng rối loạn lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt
5. Triệu chứng cụ thể của trầm cảm sau sinh
Như đề cập ngay từ đầu bài viết, mẹ sau sinh , đa phần sẽ trải qua một khoảng thời gian nhất định với trạng thái tâm thần bị rối loạn dạng nhẹ. Đây là hiện tượng bình thường. Tâm trạng của các mẹ có thể trải qua là:
- Tâm trạng lâng lâng
- Sự lo lắng
- Cảm thấy bất ổn
- Buồn và cáu gắt
- Cảm thấy choáng ngợp
- Dễ xúc động
- Giảm hưng phấn
- Ăn không ngon miệng
- Khó ngủ hoặc mất ngủ
Tìm hiểu thêm: Muốn trẻ sơ sinh khỏe mạnh mỗi ngày, mẹ đừng quên 5 mẹo sau khi chăm trẻ
Nếu các triệu chứng trên kéo dài và ngày càng trở nên nghiêm trọng, khiến cho mẹ gặp rắc rối trong việc chăm sóc em bé, cũng như xử lý các việc khác thường ngày trở nên kém đi, thì có thể tình trạng trầm cảm đã bắt đầu. Triệu chứng trầm cảm cụ thể lúc này thường là:
- Cảm thấy khó gắn kết với em bé
- Khóc nhiều
- Thu mình lại, tách biệt với gia đình và bạn bè
- Chán ăn hơn bình thường hoặc ăn quá độ
- Mất ngủ triền miên, khó ngủ kéo dài hoặc ngủ quá nhiều
- Mệt mỏi quá mức, cảm thấy không còn chút năng lượng nào
- Giảm hứng thú rõ rệt với những thứ/ hoạt động/ điều mình yêu thích. Giảm ham muốn.
- Cực kỳ khó chịu, dễ tức giận
- Luôn lo lắng mình không thể là người mẹ tốt
- Cảm thấy chán nản tuyệt vọng
- Cảm thấy bản thân thật vô dụng
- Không thể tập trung, giảm khả năng phán đoán hay xử lý sự việc kém đi rất nhiều. Không suy nghĩ được rõ ràng các vấn đề.
- Bồn chồn, lo lắng cảm thấy nặng nề và dễ hoảng loạn.
- Có suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé.
- Có suy nghĩ đến cái chết hoặc tự tử
6. Điều trị trầm cảm sau sinh như thế nào
Tùy vào mức độ trầm cảm sau sinh cụ thể ở mỗi chị em, mà có cách điều trị cải thiện phù hợp. Trong đó, các phương pháp điều trị chứng trầm cảm sau sinh sẽ lần lượt được sử dụng bao gồm:
6.1 Tư vấn và trò chuyện
Đây là phương pháp trị liệu áp dụng chung cho chứng trầm cảm kể cả trầm cảm sau sinh. Việc nói chuyện hay trao đổi cụ thể và chi tiết về tâm trạng của mình với chuyên gia sức khỏe tâm thần luôn mang lại hiệu quả nhất định. Các chuyên gia có thể là chuyên viên tư vấn tâm lý, nhà tâm lý học, nhà trị liệu, thậm chí là bác sỹ tâm thần.
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần này sẽ giúp chị em:
- Nhận ra và thay đổi suy nghĩ, hành vi tiêu cực của bản thân.
- Hiểu ra cải thiện các mối quan hệ cá nhân nếu có vấn đề ở đó, có cách cải thiện phù hợp cho tình hình.
6.2 Sự hỗ trợ của gia đình và những người xung quanh
Các thành viên trong gia đình nhất là chồng, mẹ ruột, chị em gái,…là những đối tượng có thể hỗ trợ cho mẹ sau sinh rất tốt. Phương pháp trị liệu mang tính gia đình này coi vậy nhưng cực kỳ hiệu quả để cải thiện tâm trạng tồi tệ của mẹ sau sinh.
Việc khuyến khích, động viên, chăm sóc mẹ sau sinh chu đáo, cùng chung tay chăm sóc em bé là cách giúp bà mẹ sau sinh cảm thấy bớt áp lực hay làm cho họ cảm thấy giảm được gánh nặng chăm con, dần dần chứng lo nghĩ hay buồn bực cáu giận sau sinh cũng thuyên giảm.
6.3 Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm
Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm là biện pháp sau cùng hoặc được áp dụng chung cùng 2 cách điều trị trên cho các trường hợp trầm cảm nặng.
Thuốc chống trầm cảm có tác động đến não bộ giúp mẹ dần dần điều chỉnh được tâm trạng của mình. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng sau vài tuần sử dụng. Thuốc trầm cảm được cho là an toàn cho bà mẹ sau sinh và đang cho con bú. Tuy nhiên, nếu mẹ phải dùng đến thuốc này, tốt hơn hết cũng nên hiểu rõ về thuốc để yên tâm hơn khi dùng.
7. Phòng tránh trầm cảm sau sinh ra sao
Trầm cảm sau sinh dù có thể xảy ra với bất kỳ bà mẹ nào và ở bất kỳ mức độ nào, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh khi thực hiện những điều sau đây:
- Hạn chế tiếp xúc với khách đến thăm nhà trong những ngày đầu tiên khi bạn và em bé từ bệnh viện trở về nhà.
- Yêu cầu sự giúp đỡ từ chồng, mẹ ruột/ mẹ chồng, chị em gái, chị em chồng,….nếu như bạn cảm thấy mình đang quá tải trong việc chăm sóc em bé.
- Tranh thủ ngủ và nghỉ ngơi khi em bé ngủ.
- Đọc sách và tận hưởng một thú vui đơn giản nào đó. Dù rằng khi mới sinh việc tập trung vào một quyển sách thực sự không dễ dàng nhưng chị em có thể làm điều này dù chỉ là một chút để được thư giãn. Việc tận hưởng một thú vui nho nhỏ nào đó cũng vậy. Đừng cảm thấy tội lỗi hay quá bận rộn với em bé. Chị em hoàn toàn có thể xem một tập phim hài hước, nghe vài bản nhạc hay nhâm nhi một ít bánh để tâm trạng của mình được khá hơn.
- Không quá kỳ vọng sự hoàn hảo ở bản thân về việc chăm con mà hãy thật thực tế rằng, bà mẹ sau sinh cũng là một người phụ nữ bình thường không phải thần thánh, để có thể giải quyết hết mọi vấn đề một cách tuyệt hảo.
- Tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp để thể chất lẫn tinh thần được thư giãn
- Chấp nhận thực tế luôn có điều tốt và điều không tốt đi kèm. Việc sinh con và chăm em bé cũng vậy.
- Chú trọng chế độ ăn uống cân bằng, không dùng rượu, chất kích thích hay đồ ăn thức uống có chứa caffeine.
- Dành thời gian cho chồng, thúc đẩy mối quan hệ và liên kết với anh ấy.
- Đừng cố cô lập mình, hãy giao tiếp với các thành viên trong gia đình và bạn bè.
>>>>>Xem thêm: Top 3 máy hút sữa medela xuất xứ Thụy Sĩ chất lượng tốt nhất hiện nay
Đến đây, chị em có thể thấy rằng, trầm cảm sau sinh có thể là rất đáng sợ. Tuy nhiên, điều này không đáng sợ cho bằng việc chúng ta dễ dàng đầu hàng, để cho hội chứng này ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc con và hồi sinh của bản thân sau khi sinh nở. Hãy thật dũng cảm và quyết liệt vượt qua những ngày “rầu rĩ” sau sinh một cách nhanh chóng chị em nhé. Blogtretho.edu.vn tin rằng khi thực hiện được điều này, chắc chắn chứng trầm cảm sau sinh không thể đe dọa đến đến các mẹ được.
Nguồn tham khảo: Mayo Clinic, WebMD, Kids Health và NIMH
Cát Lâm tổng hợp và lược dịch