Tiêm phòng cho trẻ là một vấn đề quan trọng mà hầu hết các bậc phụ huynh đều quan tâm. Thông thường, trẻ em đều có lịch trình tiêm các loại vaccine cần thiết để được ngừa bệnh và bảo vệ sức khỏe. Vậy việc tiêm ngừa cho trẻ khi cùng gia đình đi du lịch nước ngoài thì sao, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Bạn đang đọc: Tiêm phòng cho trẻ và những căn bệnh thường gặp khi đi du lịch mà cha mẹ cần lưu ý
Thời gian đã gần cuối năm, chắc chắn nhiều gia đình đã nhen nhúm những kế hoạch cho kỳ nghỉ gia đình nhân dịp Noel hay Tết gần tới. Với nhiều gia đình, kế hoạch cho các kỳ nghỉ vài năm trở lại đây bắt đầu chuộng những chuyến du lịch xa nhà, kể cả ngắn, dài, trong nước lẫn nước ngoài. Liên quan đến vấn đề du lịch gia đình, chăm sóc sức khỏe trẻ em trước và trong chuyến đi là rất quan trọng dù là chuyến đi ngắn đi chăng nữa.
Thông qua bài viết “Việc tiêm phòng cho trẻ và những căn bệnh thường gặp khi đi du lịch mà cha mẹ cần lưu ý” được cập nhật từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, Blogtretho.edu.vn hy vọng phụ huynh có thêm thông tin bổ ích, cũng như có những bước chuẩn bị thật kỹ càng trước và trong các chuyến du lịch gia đình, để bảo đảm sức khỏe cho con em mình nhé.
Liên quan đến vấn đề tiêm phòng cho trẻ trước khi đi du lịch, câu hỏi đặt ra là “Có cần tiêm phòng cho trẻ khi đi du lịch nước ngoài hay không?” và câu trả lời là “Có”. Chúng ta rất nên cho trẻ tiêm các loại vaccine để phòng bệnh trước khi đi du lịch. Đồng thời tùy thuộc vào khu vực, đất nước bạn định đến mà có sự chuẩn bị thích hợp để đối phó với các nguy cơ về sức khỏe có thể gặp phải.
Theo thống kê, hàng năm có khoảng 2.4 triệu trẻ em Mỹ cùng gia đình đi du lịch nước ngoài và số lượng này đang có xu hướng tăng lên. Nhìn chung, trẻ em cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh như người lớn, nhưng hậu quả có thể nghiêm trọng hơn. Một số biểu hiện bệnh có thể khó nhận dạng đối với trẻ em đặc biệt đối với những bé chưa biết nói. Vì vậy nếu bạn dự định đưa trẻ đi du lịch nước ngoài, hãy tìm hiểu về những rủi ro có thể gặp phải để giúp các con được khỏe mạnh và an toàn trong suốt chuyến đi.
Contents
1. Chuẩn bị sức khỏe trước khi đi du lịch
Một cuộc hẹn với một trung tâm cung cấp dịch vụ y tế về du lịch trước chuyến đi (khoảng 4-6 tuần là tốt nhất) sẽ giúp cung cấp thuốc và các loại vaccine cần thiết để bảo vệ bạn và các con tại điểm đến dự kiến. Bác sỹ hoặc y tá của bạn cũng sẽ tư vấn cho bạn những cách khác để giúp giảm rủi ro nhiễm bệnh cũng như khả năng bị thương trong chuyến đi của bạn và gia đình.
2. Đối với việc tiêm vaccine
Nếu có thể, trẻ nên được tiêm ngừa đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng trước khi đi du lịch nước ngoài. Một số loại vaccine có thể được tiêm ngừa trước thời hạn, nghĩa là các mũi chích sẽ có khoảng cách thời gian ngắn hơn thông thường. Tuy nhiên, có một số loại vaccine không thể tiêm cho trẻ còn quá nhỏ, vì vậy việc kiểm tra với bác sỹ chuyên về các vấn đề y tế liên quan đến du lịch trước chuyến đi càng sớm càng tốt là rất quan trọng, vì họ có thể tham khảo ý kiến bác sỹ nhi khoa của con bạn để đưa ra các quyết định hợp lý.
3. Một số căn bệnh rất dễ bị mắc phải khi đi du lịch
3.1 Bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy là một trong số những căn bệnh rất phổ biến mà trẻ em thường mắc phải khi đi du lịch nước ngoài.
• Cách phòng ngừa
Đối với trẻ sơ sinh, cách phòng ngừa bệnh tốt nhất là cho trẻ bú sữa mẹ. Đối với trẻ lớn hơn cần phải tuân thủ các quy tắc cơ bản về sử dụng nước và thực phẩm:
– Chỉ ăn những món ăn được nấu và phục vụ nóng.
– Ăn những loại trái cây hoặc rau xanh mà bạn tự tay bóc hoặc rửa với nước sạch.
– Chỉ uống nước đóng chai hoặc nước đã được đun sôi hay xử lý, bao gồm cả nước để pha sữa công thức cho trẻ sơ sinh.
– Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng dung dịch khử trùng.
Với những chuyến đi ngắn, bạn nên chuẩn bị một số loại đồ ăn nhẹ để mang theo phòng khi trẻ đói hoặc đồ ăn không đảm bảo an toàn.
Tìm hiểu thêm: Phòng ngừa sốt xuất huyết cho trẻ trong mùa cao điểm thế nào mới hiệu quả?
• Cách điều trị
Bệnh tiêu chảy có thể trở nên nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ vì khả năng mất nước cao. Cách điều trị tốt nhất cho trẻ là bổ sung nhiều nước mà không cần dùng thuốc. Bạn hãy lưu ý:
– Những loại dung dịch muối bù nước qua đường uống có thể dùng để chống mất nước.
– Những loại thuốc không theo toa có chứa Bismut (Pepto-Bismol hay Kaopectate – một loại thuốc kháng acid để điều trị tiêu chảy và một số triệu chứng khó chịu của dạ dày) không nên dùng cho trẻ em, đồng thời các loại kháng sinh chỉ nên dùng cho các trường hợp bệnh nghiêm trọng.
– Một số loại thuốc phổ biến khác để điều trị tiêu chảy như Ioperamide (một loại thuốc dùng để làm giảm tần suất tiêu chảy) không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi.
Nếu con bạn có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng hoặc sốt hay đi đại tiện ra máu, bạn cần cho trẻ đến trung tâm y tế ngay.
3.2 Bệnh sốt rét và một số căn bệnh khác do côn trùng gây ra
Một số loại bệnh do muỗi gây ra như Zika, chikugunya, sốt rét (malaria), sốt xuất huyết (dengue) và sốt vàng da (yellow fever) đều có thể xuất hiện ở Châu Á, Châu Phi, Nam Mỹ và Châu Âu.
• Cách phòng ngừa
Hãy phòng ngừa muỗi và côn trùng đốt cho trẻ:
– Trẻ nên được mặc quần áo chống được muỗi và côn trùng đốt như quần dài và áo dài tay. Có thể xịt thêm Permethrin lên quần áo để tăng thêm sự bảo vệ cho trẻ.
– Không cho trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi mặc quần áo chống côn trùng.
– Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, dùng các loại mùng hoặc lưới phủ lên nôi, giỏ mang trẻ. Các loại mùng, lưới này nên có khung nhựa để phủ kín được nôi mà vẫn đảm bảo trẻ được thoáng khí.
– Không dùng các sản phẩm chống côn trùng có chứa dầu khuynh diệp (OLE) hoặc para-methal-diol (PMD) cho trẻ dưới 3 tuổi.
– Buổi tối, trẻ nên được ngủ trong phòng kín có điều hòa, hoặc giường có mùng, lưới che.
Bệnh sốt rét
Sốt rét là một trong những bệnh nguy hiểm nhất có thể đe dọa tính mạng mà trẻ em có thể gặp phải khi đi du lịch nước ngoài. Căn bệnh này thường gặp ở các nước đang phát triển nhiều hơn, vì vậy nếu gia đình bạn có ý định đi du lịch hoặc thăm viếng người thân ở khu vực này thì nên thận trọng hơn.
Để phòng ngừa bệnh sốt rét, bạn và các thành viên trong gia đình, đặc biệt là con trẻ nên được dùng thuốc. Nhà cung cấp dịch vụ y tế nơi bạn ở có thể tư vấn cho bạn loại thuốc tốt nhất dành cho con bạn. Một số loại thuốc có thể đắng và khó uống nhưng dược sỹ có thể nghiền thuốc và cho vào viên nang không mùi giúp dễ uống hơn. Vì nguy cơ quá liều, thuốc nên được bảo quản trong thùng, hộp chứa phù hợp và tránh xa tầm tay của trẻ. Thuốc sốt rét không có hiệu quả 100% , và những loại bệnh khác cũng có thể được truyền qua đường côn trùng cắn, vì vậy gia đình bạn đặc biệt là trẻ em nên tránh bị côn trùng cắn cho dù đã uống thuốc.
Bệnh dại
Bệnh dại thường lây truyền qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên da. Mặc dù khá hiếm gặp, nhưng bệnh dại có thể gây hậu quả nghiêm trọng nặng nhất là tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Căn bệnh này trẻ em thường dễ mắc phải hơn, do trẻ có xu hướng vuốt ve hay chơi với những con thú lạ. Bạn hãy nhắc nhở trẻ tránh xa tất cả các con vật, kể cả vật nuôi của người lạ, bên cạnh đó phải báo cho người lớn ngay lập tức nếu bị cắn. Bất kể vết cắn nào cũng nên được rửa với xà phòng và nước sạch, đồng thời phải được theo dõi về y tế càng sớm càng tốt.
4. Các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe và sự an toàn của trẻ
Không chỉ có tiêm phòng ngừa bệnh, vấn đề thức ăn, nơi ở, việc đi lại và những hoạt động trong một chuyến đi du lịch gia đình cũng là vấn đề quan trọng, mà cha mẹ cần lưu ý song song.
4.1 Về An toàn giao thông
Tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho trẻ em khi đi du lịch nước ngoài. Nhìn chung, trẻ em ngồi phía sau xe là an toàn nhất, tuy nhiên không nên ngồi phía sau xe bán tải.
>>>>>Xem thêm: Tâm lý trẻ 1 tuổi – mẹ hiểu bé để khuyến khích con phát triển tốt nhất về tương tác xã hội và cảm xúc
Khi sử dụng hoặc thuê phương tiện di chuyển tại nước ngoài bạn nên lưu ý:
– Phải chắc chắn xe có trang bị dây an toàn và các phụ kiện an toàn khác.
– Nên đặt trẻ trong các loại ghế an toàn phù hợp với độ tuổi khi di chuyển bằng ô tô.
– Nên mang theo ghế ngồi chuyên biệt trong ô tô cho trẻ vì có thể nơi bạn đến không có hoặc không đạt tiêu chuẩn an toàn.
4.2. Đuối nước và các tai nạn, chấn thương liên quan tới nước
Chết đuối là nguyên nhân cao thứ hai dẫn đến tử vong cho trẻ khi du lịch nước ngoài . Khi ở dưới nước trẻ em cần được mặc áo phao đồng thời được giám sát chặt chẽ. Bạn cũng không nên cho trẻ bơi ở những khu vực nước tự nhiên, không được clo hóa như ao, hồ vì một số loại ký sinh trùng (như sán máng và trùng xoắn) có thể lây nhiễm qua tiếp xúc với nước tự nhiên.
Bạn có thể thấy rằng nguy cơ và rủi ro cho một chuyến đi là rất nhiều. Vì vậy việc tìm hiểu điểm đến và có các biện pháp phòng ngừa như tiêm phòng cho trẻ bằng vaccine và dùng các loại thuốc là rất quan trọng. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc cơ sở y tế trước khi đi để có sự chuẩn bị chu đáo nhất và đảm bảo sự an toàn tối đa cho gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Theo CDC (Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ)
Lily Nguyễn lược dịch