Thực đơn cho bé 9 tháng biếng ăn với một số công thức đơn giản dễ thực hiện – có lẽ là điều mà các mẹ luôn tìm kiếm. Vì ở độ tuổi đã trải qua quá trình ăn dặm được một thời gian (ít nhất là 2-3 tháng ở thời điểm này), nhiều bé có thể đã từ chối món ăn bạn chuẩn bị. Để giúp bạn có thêm ý tưởng khi cho con ăn dặm, đặc biệt góp phần cải thiện đối với những bé biếng ăn, một số công thức dưới đây cùng một vài lưu ý hẳn sẽ rất hữu ích. Chúng ta cùng tham khảo nhé.
Bạn đang đọc: Thực đơn cho bé 9 tháng biếng ăn với 10 công thức hấp dẫn mẹ hãy áp dụng ngay
Contents
- 1 1. Tại sao bé 9 tháng biếng ăn?
- 2 2. Những thực phẩm bạn nên đưa vào thực đơn cho bé 9 tháng tuổi
- 3 3. Những món ăn bạn có thể đưa vào các bữa ăn của bé
- 4 4. 10 công thức món ăn dặm hấp dẫn bạn có thể đưa vào thực đơn cho trẻ 9 tháng tuổi biếng ăn
- 4.1 4.1. Bánh mì sandwich kẹp (thích hợp cho bữa sáng)
- 4.2 4.2. Chuối và hạt quinoa (diêm mạch) nghiền (thích hợp cho bữa sáng)
- 4.3 4.3. Việt quất, xoài, bơ nghiền (thích hợp cho bữa xế)
- 4.4 4.4. Cherry, bạc hà nghiền với sữa chua (thích hợp cho bữa xế)
- 4.5 4.5. Cá, cà rốt và tỏi tây nghiền (thích hợp cho bữa trưa hoặc tối)
- 4.6 4.6. Rau củ hấp với nước sốt dưa leo (thích hợp cho bữa trưa hoặc tối)
- 4.7 4.7. Cá nướng cầm tay (thích hợp cho bữa trưa hoặc tối)
- 4.8 4.8. Khoai lang nướng
- 4.9 4.9. Gà nướng và khoai tây nghiền (thích hợp cho bữa trưa hoặc tối)
- 4.10 4.10. Khoai tây nướng và sốt rau củ (thích hợp cho bữa trưa hoặc tối)
1. Tại sao bé 9 tháng biếng ăn?
Bé 9 tháng tuổi biếng ăn có thể do nhiều nguyên nhân như:
- Trẻ đang mọc răng : một số bé thường từ chối thức ăn khi đang mọc răng vì lợi bé có thể bị sưng, đau và việc ăn uống khiến bé thấy khó chịu.
- Trẻ đang ở trong một giai đoạn chuyển tiếp về cảm giác đối với thức ăn và việc ăn uống : có thể trẻ bị ấn tượng về một loại thực phẩm hay kết cấu thức ăn nào đó, thậm chí là ảnh hưởng tiêu cực từ thái độ cho ăn của bạn dẫn đến việc trẻ mất hứng thú trong việc ăn và thử những loại thực phẩm mới.
- Trẻ không còn thích thức ăn dặm dạng xay/ nghiền nhuyễn : một số bé có thể không còn muốn ăn các món ăn dặm được xay/ nghiền mà có xu hướng chuyển sang kết cấu cứng và thô hơn. Bạn đừng lo lắng về việc này mà hãy đáp ứng nhu cầu của trẻ. Bạn chỉ cần chú ý chế biến món ăn với kích thước và độ mềm phù hợp, cũng như giám sát quá trình ăn uống của con một cách chặt chẽ để đề phòng trường hợp trẻ bị hóc, nghẹn.
2. Những thực phẩm bạn nên đưa vào thực đơn cho bé 9 tháng tuổi
- Các loại trái cây có độ ngọt tự nhiên như : táo, lê, đào, xoài, đu đủ và chuối. Những loại trái cây này là những món ăn nhẹ hoặc tráng miệng tuyệt vời dành cho trẻ. Chúng có độ ngọt tự nhiên, vừa phải lại giàu vitamin vừa giúp bổ sung chất cho trẻ, vừa kích thích vị giác của con.
- Các loại ngũ cốc như yến mạch, diêm mạch, gạo, lúa mạch : là những loại giàu chất xơ và khoáng chất rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Bạn có thể dễ dàng chế biến chúng với nhiều nguyên liệu khác nhau.
- Bánh mì , đặc biệt bánh làm từ ngũ cốc nguyên cám.
- Các loại rau củ như : cà rốt, khoai lang, khoai tây, rau bina, bông cải xanh,…Chúng đều giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ, rất có lợi cho sức khỏe của trẻ cũng như giúp trẻ làm quen với mùi vị và kết cấu khác nhau.
- Đậu phụ : là loại thực phẩm giàu đạm và chất béo lành mạnh cũng như sắt và kẽm. Trẻ trong độ tuổi ăn dặm thường yêu thích mùi vị của đậu phụ vì chúng khá tự nhiên.
- Lòng đỏ trứng : cũng là một loại thực phẩm giàu đạm mà bạn nên đưa vào thực đơn ăn dặm của trẻ 9 tháng . Khi cho trẻ ăn, bạn hãy đảm bảo nấu chín hoàn toàn lòng đỏ trứng.
- Thịt nạc : mặc dù trẻ 9 tháng vẫn nhận nguồn đạm và sắt chủ yếu thông qua sữa mẹ hoặc sữa công thức, nhưng bạn vẫn nên bắt đầu cho trẻ làm quen với các dưỡng chất này từ nguồn thực phẩm khác, như thịt nạc. Các loại thịt đỏ, thịt nạc heo, ức gà và cá đều là lựa chọn tốt cho trẻ. Bạn nên băm/ xay nhuyễn thịt, và cắt nhỏ bỏ xương cá để chế biết cho trẻ ăn.
- Phô mai và sữa chua : trẻ 9 tháng tuổi chưa nên uống sữa bò tuy nhiên con đã có thể ăn phô mai và sữa chua – những thực phẩm rất giàu calcium. Bạn nên cho trẻ ăn phô mai mềm, tiệt trùng như phô mai tươi (còn gọi là sữa đông hay váng sữa) và sữa chua lên men tự nhiên (không dùng hương liệu).
- Bơ các loại hạt : trước đây, bác sỹ thường khuyên bạn không cho trẻ ăn các loại hạt vì nguy cơ trẻ bị dị ứng. Tuy nhiên hiện nay, lời khuyên đó đã thay đổi, bạn có thể đưa các loại hạt vào thực đơn ăn dặm của bé. Chúng rất giàu đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Chỉ cấn bạn lưu ý con có thích hợp hay không là có thể cho bé dùng.
- Các loại đậu : chứa nhiều đạm, sắt và khoáng chất. Bạn có thể xay nhuyễn chúng hoặc xay với các loại ngũ cốc khác.
3. Những món ăn bạn có thể đưa vào các bữa ăn của bé
Đối với các bữa ăn của bé, bạn có thể đưa vào các món ăn như sau:
Các món cho bữa sáng
- Bánh mì
- Phô mai
- Yến mạch
- Sữa chua
- Trái cây
- Lòng đỏ trứng
Các món cho bữa trưa
- Các món từ thịt
- Rau
- Súp
- Nui, mì
- Các loại đậu
- Cơm nấu mềm hoặc nát phù hợp độ tuổi của bé
Các món cho bữa tối
- Đậu phụ
- Rau
- Khoai tây, khoai lang
- Nui, mì ống
- Phô mai
Bữa xế
- Sữa chua
- Bơ đậu phộng
- Trái cây
4. 10 công thức món ăn dặm hấp dẫn bạn có thể đưa vào thực đơn cho trẻ 9 tháng tuổi biếng ăn
Dưới đây là công thức 10 món ăn dặm vừa hấp dẫn, vừa dễ thực hiện lại không quá cầu kỳ, nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng và kích thích ăn ngon, mà bạn có thể chuẩn bị cho em bé 9 tháng biếng ăn của mình:
4.1. Bánh mì sandwich kẹp (thích hợp cho bữa sáng)
Bạn có thể nghiền/ xay các loại trái cây mềm như bơ, xoài, chuối, đu đủ, hay dùng bơ đậu phộng, phô mai, thịt gà và phết lên bánh mì để trẻ cầm ăn.
Bạn chỉ cần 1 lát bánh mì và 1,2 muỗng canh nguyên liệu là trẻ đã có một hai chiếc sandwich mini hấp dẫn rồi đấy. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy sao trẻ 9 tháng biếng ăn lại có thể rất hào hứng với món ăn này đến thế.
4.2. Chuối và hạt quinoa (diêm mạch) nghiền (thích hợp cho bữa sáng)
Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị:
- ½ quả chuối
- Một nhúm bột quế
- 3 muỗng canh hạt diêm mạch nấu chín
- 1 muỗng canh sữa chua
Cách làm:
- Bạn cho chuối vào tô và dùng nĩa nghiền nhuyễn.
- Bạn cho các nguyên liệu còn lại và trộn đều.
4.3. Việt quất, xoài, bơ nghiền (thích hợp cho bữa xế)
Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị:
- ½ chén việt quất
- ¼ thịt trái xoài chín cắt nhỏ
- ¼ thịt trái bơ cắt nhỏ
Cách làm:
- Bạn cho 3 loại trái cây vào một chiếc tô và dùng mặt sau của chiếc nĩa nghiền nhỏ đến khi trái cây quyện với nhau.
- Nếu em bé của bạn thích mùi vị mạnh, bạn có thể cho thêm vào hỗn hợp trái cây một chút bột ớt xanh để tăng hương vị.
Lưu ý:
- Thành phẩm: khoảng 180ml hỗn hợp trái cây (6 ounce)
- Để tránh hỗn hợp bị xuống màu, bạn nên cho bé ăn ngay hoặc để ngăn đông tủ lạnh ngay sau khi chế biến. Hỗn hợp trái cây này có thể để được đến 2 tháng trong ngăn đông.
Tìm hiểu thêm: Bé tập ăn dặm ăn được các loại quả nào?
4.4. Cherry, bạc hà nghiền với sữa chua (thích hợp cho bữa xế)
Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị:
- 2 chén cherry (tươi hoặc đông lạnh) bỏ hột
- 3 muỗng canh nước
- ½ muỗng cà phê bạc hà cắt nhuyễn
- 1 chén sữa chua
Cách làm:
- Bạn cho cherry và nước vào một chiếc nồi nhỏ, nấu với lửa vừa khoảng 10 phút hoặc đến khi mềm rồi để nguội. Bạn lưu ý nên khuấy thường xuyên trong lúc nấu.
- Bạn cho cherry (chừa phần nước lại) và bạc hà vào máy xay và xay khoảng 1-2 phút hoặc cho đến khi hỗn hợp nhuyễn mịn. Bạn có thể cho thêm phần nước nấu cherry vào hỗn hợp trong khi xay nếu cần thiết.
- Bạn múc 2 muỗng canh hỗn hợp cherry mới xay và 2 muỗng canh sữa chua, trộn đều và cho bé ăn.
Lưu ý:
- Thành phẩm: 360ml hỗn hợp cherry xay
- Đối với sữa chua, bạn có thể dùng loại béo, ít béo, sữa chua Hy Lạp, sữa chua làm từ sữa dê, hay sữa chua làm từ sữa hạt đều được. Tuy nhiên bạn nên sử dụng sữa chua không đường là tốt nhất.
- Bạn có thể cất giữ hỗn hợp cherry (có hoặc không có thêm sữa chua) trong tủ lạnh (được 3-4 ngày), hoặc trong ngăn đông (được đến 4 tháng). Tuy nhiên tốt nhất bạn nên cho sữa chua vào hỗn hợp trái cây sau khi rã đông.
4.5. Cá, cà rốt và tỏi tây nghiền (thích hợp cho bữa trưa hoặc tối)
Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị:
- 170g cá (6 ounce)
- 3 củ cà rốt nhỏ bỏ vỏ, cắt nhỏ
- 1 nhánh tỏi tây (chỉ lấy phần trắng và xanh) cắt nhỏ
- ½ chén nước/ sữa mẹ hoặc sữa công thức
Cách làm:
- Bạn cho cà rốt, cá và tỏi tây vào hấp khoảng 15 phút cho chín mềm sau đó để nguội
- Bạn cho nguyên liệu đã hấp chín vào máy xay nhuyễn, cho thêm nước hoặc sữa đến khi hỗn hợp có độ đặc như ý.
Lưu ý:
Bạn cho trẻ ăn lượng phù hợp với nhu cầu của con, phần còn lại bạn có thể giữ trong tủ lạnh được khoảng 2-3 ngày. Nếu để trong ngăn đông thì món ăn có thể giữ được đến 2 tháng.
4.6. Rau củ hấp với nước sốt dưa leo (thích hợp cho bữa trưa hoặc tối)
Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị:
- 5 nhánh nhỏ súp lơ
- 5 nhánh nhỏ bông cải xanh
- Một miếng bí ngòi cắt khúc
- Nửa củ cà rốt gọt vỏ cắt khúc
- 125ml sữa chua
- 1 khúc dưa leo gọt vỏ cắt nhỏ
- 1 nhúm lá bạc hà cắt nhỏ
- 1 vài giọt dầu ô liu
Cách làm:
- Bạn hấp tất cả rau củ cho đến khi mềm vừa đủ để bé vẫn có thể bốc và cầm tay được. Bạn cho cà rốt và bông cải xanh vào nồi hấp trước, sau đó đến bí và súp lơ.
- Trong khi hấp rau củ bạn hãy chuẩn bị sốt chấm: bạn vắt bỏ nước từ dưa leo, sau đó cho dưa leo vào sữa chua, lá bạc hà cùng dầu ô liu và trộn đều lên.
Lưu ý:
Bạn có thể cho trẻ trải nghiệm mùi vị mới bằng cách cho vào sốt chấm dưa leo một tép tỏi băm nhỏ và một muỗng canh nước chanh. Các loại rau củ khác cũng thích hợp để hấp và chấm cùng sốt dưa leo như bắp bao tử, đậu tuyết hay đậu que.
4.7. Cá nướng cầm tay (thích hợp cho bữa trưa hoặc tối)
Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị:
- 1 muỗng canh dầu ô liu
- 1 quả trứng (đánh tan)
- 120g ruột bánh mì sandwich
- 1 quả chanh (cả vỏ và nước)
- 1 muỗng cà phê rau thơm hỗn hợp
- 1 nhúm tiêu (tùy chọn)
- 350g phi lê cá tuyết/ cá thu/ cá basa/ cá hồi
Cách làm:
- Bạn làm nóng lò nướng ở 200 độ C và phết một lớp dầu lên giấy nướng rồi lót vào khay nướng.
- Bạn cho ruột bánh mì vào một cái khay, trộn vỏ chanh cắt sợi vào, sau đó cho rau thơm và tiêu.
- Cắt cá thành từng miếng vừa tay bé, nhúng cá vào trứng sau đó lăn qua hỗn hợp ruột bánh mì và đặt vào khay nướng đã lót giấy nướng.
- Bạn nướng cá khoảng 20 phút hoặc cho đến khi chín vàng .
Lưu ý:
- Bạn có thể nướng một phần cá đủ cho bữa ăn của bé, phần còn lại cất vào ngăn đông tủ lạnh.
- Bạn nên chú ý kiểm tra miếng cá trước khi cho bé ăn để đảm bảo nó mềm cũng như không bị dính thành mảng cá lớn hay miếng ruột bánh mì lớn.
4.8. Khoai lang nướng
Món ngon dễ ăn này thích hợp cho bữa sáng, bữa xế hoặc dùng kèm một món khác trong bữa trưa hoặc tối của bé.
Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị:
- 4 củ khoai lang nhỏ cắt thành thanh vừa tay bé
- 3 muỗng canh dầu ô liu
- 1 muỗng cà phê hỗn hợp rau thơm
Cách làm:
- Bạn làm nóng lò nướng ở 200 độ C, phết một lớp dầu mỏng lên khay nướng hoặc lót giấy nướng lên khay.
- Bạn trộn dầu ô liu, rau thơm.
- Bạn cho khoai lang vào áo đều dầu, đặt một lớp vào khay nướng và nướng khoảng 40 phút.
Lưu ý:
- Bạn có thể nướng vừa khẩu phần ăn của bé, và phần khoai còn lại cất vào ngăn đông tủ lạnh.
- Khi dọn cho bé ăn, bạn hãy dọn kèm một ít cà chua bi cắt đôi và sốt cà chua (loại chứa ít đường và muối).
- Bột ớt là một nguyên liệu không bắt buộc. Nếu em bé của bạn chưa từng thử qua gia vị mạnh thì bạn có thể không dùng bột ớt.
4.9. Gà nướng và khoai tây nghiền (thích hợp cho bữa trưa hoặc tối)
Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị:
- 2 miếng thịt ức gà cắt hạt lựu
- 100g hành tây
- 100g bông cải xanh
- 60g bơ
- 60g bột mì
- 250ml nước dùng gà hay rau củ (không có muối)
- 50g đậu hà lan
- 1 muỗng canh dầu ô liu
- 2 củ khoai tây cắt thành thanh nhỏ
Cách làm:
- Bạn cho thịt gà, hành tây trộn với dầu ô liu vào nướng ở 200oC trong 20 phút.
- Bạn cho khoai tây vào nấu mềm và nghiền nhuyễn.
- Bạn đun chảy bơ, cho bột mì vào khuấy đến khi sánh mịn rồi cho nước dùng vào tiếp tục khuấy đều đến khi nước sánh lại, sau đó bạn cho bông cải xanh và đậu hà lan vào nấu thêm khoảng 2 phút.
- Bạn đổ phần nước sốt lên thịt gà, cho khoai tây nghiền lên trên, phết lên một íu dầu ô liu và nướng thêm khoảng 15 phút nữa.
Lưu ý:
Với lượng nguyên liệu trên, bạn có thể chế biến đủ một món chính cho bữa ăn cả gia đình.
4.10. Khoai tây nướng và sốt rau củ (thích hợp cho bữa trưa hoặc tối)
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 4 củ khoai tây vừa
- 1 quả bí ngòi
- 1 củ hành tây
- 1 nhánh tỏi
- 1 quả ớt chuông vàng
- 1 quả cà tím
- 400g cà chua, cắt nhỏ
- 1 muỗng canh dầu ô liu (hoặc lượng bạn cần)
- 250ml nước dùng rau củ (không muối)
- 1 muỗng cà phê lá oregano
- 1 muỗng canh rau thơm hỗn hợp
Cách làm:
- Bạn rửa sạch khoai tây, áo một lớp dầu mỏng và nướng khoảng 45 phút đến 1 tiếng hoặc đến khi chín.
- Bạn cắt các loại rau củ thành miếng nhỏ vừa ăn và xào với một chút dầu ô liu cho đến khi chín mềm, sau đó cho cà chua và nước dùng vào, đậy vung và tiếp tục nấu mềm.
- Khi khoai tây chín bạn lấy ra khỏi lò và cho bé dùng kèm với sốt rau củ.
>>>>>Xem thêm: Chăm sóc vợ sau sinh mổ rất quan trọng các ông bố hãy chú ý
Lưu ý:
- Khi dọn cho bé ăn, bạn hãy tách đôi củ khoai tây và rưới sốt rau củ vào giữa.
- Bạn có thể nướng thêm khoai tây cho cả gia đình cùng thưởng thức món ăn.
Thực đơn ăn dặm cho bé 9 tháng biếng ăn với một số công thức món ăn ở trên hy vọng sẽ giúp mẹ có thêm lựa chọn để “hấp dẫn” thực khách nhí của mình. Bạn hãy thử những món đơn giản, dễ chuẩn bị nhưng lạ miệng và nhiều màu sắc để bé thấy hứng thú hơn khi ăn. Bạn hãy cố gắng đừng đóng khung bé chỉ trong cháo, bột, thức ăn hỗn hợp xay hay thức ăn dặm chế biễn sẵn mà nên cho con được trải nghiệm những mùi vị đa dạng. Vì như vậy, con không những được làm quen với thực phẩm mà còn được tận hưởng niềm vui ăn uống, một điều rất quan trọng giúp con hình thành nên thói quen ăn uống lành mạnh sau này.
Theo Flo & Healthline
Lily Nguyễn lược dịch