Thai 18 tuần cũng như những giai đoạn khác trong thai kỳ sẽ có một số dấu ấn rất đặc trưng. Ở thời gian này, dù có thể bạn không nhìn thấy, song nơi thai nhi đang có những diễn tiến kỳ diệu trong sự phát triển của hệ thần kinh, cũng như hình thành vân tay – một dấu ấn khẳng định con là cá thể đặc biệt và duy nhất.
Bạn đang đọc: Thai 18 tuần và sự phát triển thần kỳ của hệ thần kinh
Để tìm hiểu rõ hơn thai nhi 18 tuần cùng quá trình phát triển của con, nhất là hệ thần kinh của bé, cũng như cơ thể mẹ bầu ra sao, mẹ cần lưu ý gì,…và những câu hỏi phổ biến khiến chúng ta băn khoăn hoặc rất tò mò khác, Blogtretho.edu.vn mời bạn tham khảo ngay chia sẻ sau đây nhé.
Contents
- 1 1. Thai nhi 18 tuần tuổi và những câu hỏi thường gặp
- 2 2. Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 18 và những đặc điểm nổi trội
- 3 3. Một số hình ảnh thai nhi 18 tuần
- 4 4. Mẹ bầu như thế nào khi sang tuần thai thứ 18
- 5 5. Lưu ý dành cho mẹ bầu khi ở thai 18 tuần
1. Thai nhi 18 tuần tuổi và những câu hỏi thường gặp
1.1. Thai 18 tuần là mấy tháng
Thai 18 tuần là bạn đang ở tháng thứ 5 của thai kỳ. Mặc dù hành trình phía trước hãy còn 4 tháng nữa, nhưng tháng thứ 5 với đa số các mẹ bầu đã dễ chịu và thoải mái hơn rất nhiều về các mặt.
1.2. Thai 18 tuần cân nặng bao nhiêu
Thai nhi 18 tuần to bằng cỡ quả dưa leo hay một củ khoai lang. Con nặng khoảng 240g và có chiều dài đo từ đầu đến mông khoảng 15cm. Cơ thể của thai nhi ở tuần 18 đã có vẻ cân đối hơn.
1.3. Thai 18 tuần biết làm gì
- Bé ngáp : Có lẽ đây sẽ là một trong những hành động thú vị nhất của bé trong thời gian này. Bé đã có thể làm chủ được các cơn ngáp của mình. Qua siêu âm, mẹ cũng có thể quan sát được cái ngáp đáng yêu của bé và một số chuyển động nhẹ nhàng khác.
- Bé đạp, đấm, đá : Nhiều mẹ đã có thể cảm nhận con đạp và chuyển động rõ ràng hơn từ tuần thai này. Từ tuần 18, con đã mạnh hơn, tiếp tục vận động cơ bắp và thực hành tất cả các động tác như đấm, đá, lăn, vặn mình,….
- Bé nấc, mút ngón tay và nuốt : Đây là các hoạt động khác mà con cũng tích cực thực hành vì hệ tiêu hóa của con đã phát triển hơn.
1.4. Thai 18 tuần đã máy chưa?
Con đã máy chưa ở tuần thứ 18 là điều hầu như mọi mẹ bầu đầu quan tâm. Như vừa đề cập, tuần 18 con đã mạnh hơn và tích cực hoạt động nên nhiều mẹ đã có thể cảm nhận những lần con chuyển động. Cũng có mẹ chỉ cảm thấy các chuyển động của con còn khá nhẹ.
1.5. Thai 18 tuần không thấy máy có sao không?
Chúng ta cần biết rằng, vì mỗi mẹ bầu và mỗi thai nhi đều rất khác nhau. Nên, có thể có một số mẹ chưa cảm thấy con chuyển động mạnh. Bạn có ở trong trường hợp này thì cũng không nên quá lo lắng. Nếu lần khám thai gần nhất của bạn là tốt và chính bạn cũng không cảm thấy có điều gì bất thường hay nghi ngờ, thì trong một vài tuần tiếp theo, bạn sẽ cảm nhận thấy chuyển động của bé một cách rõ ràng hơn. Trường hợp lo lắng hoặc nghi ngờ hoặc cảm thấy có bất thường, bạn nên đến gặp bác sỹ để kiểm tra cho yên tâm.
2. Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 18 và những đặc điểm nổi trội
Ở tuần 18, thai nhi có những điểm nhất rất đáng chú ý trong sự phát triển của mình như sau:
2.1. Dấu vân tay nhỏ xuất hiện
Đây là chi tiết khá thú vị, hình thành nên một điểm đặc trưng nhất của mỗi người. Bé của bạn có dấu vân tay và vân ở đôi chân nhỏ bé. Đặc điểm này cũng là yếu tố khẳng định sự duy nhất của con với thế giới.
2.2. Lớp bảo vệ thần kinh Myelin hình thành
Từ tuần 18, chất Myelin bảo vệ dây thần kinh của bé được hình thành. Lớp bảo vệ này sẽ vẫn tiếp tục phát triển mạnh cho đến khi con được 1 tuổi. Quá trình myelin hóa sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi con qua tuổi vị thành niên.
2.3. Hệ thần kinh phát triển nhanh chóng
Mặc dù điều này chúng ta không thể nhận thấy được qua siêu âm, nhưng thực tế diễn ra là như thế – hệ thần kinh của thai nhi 18 tuần tuổi đang rất phát triển. Sự hình thành của chất Myelin bao quanh dây thần kinh sẽ giúp làm tăng tốc truyền tải các thông điệp giữa các tế bào thần kinh đang hình thành những kết nối phức tạp hơn.
Não bé phát triển hơn để đóng góp cho sự phát triển hoàn thiện của các cơ quan như xúc giác, vị giác, khứu giác và thính giác. Đây là một phần kỳ diệu và rất tuyệt vời trong tiến trình phát triển của con ở tuần thứ 18 này.
2.4. Thính giác của bé tiếp tục phát triển
Sự phát triển thính giác của thai nhi tuần 18 sẽ giúp cho bé cảm nhận rõ ràng hơn về âm thanh phát ra từ trong cơ thể mẹ, lẫn các âm thanh khác tác động từ bên ngoài. Đôi tai của con đã có thể được nhìn thấy rõ nơi hai bên thái dương.
2.5. Giới tính bé được khẳng định rõ ràng hơn
Giới tính của con được khẳng định thêm rõ ràng nhờ ống dẫn trứng và tử cung ở vị trí của nó nếu là bé gái. Và, nếu bé của bạn là một bé trai, lúc này, qua siêu âm có thể quan sát được bộ phận sinh dục của con, khi bé nằm ở vị trí thuận lợi để trông thấy rõ. Tuần 18 trong thai kỳ cũng được xem là một thời điểm thích hợp để bố mẹ biết giới tính con là trai hay gái qua siêu âm.
2.6. Hệ tiêu hóa phát triển
Bé nuốt nước ối, nước ối sẽ đi qua dạ dày và ruột. Chất lỏng này sẽ kết hợp với các tế bào chết cũng như dịch tiết trong ruột tạo thành phân su. Phân su có màu đen như hắc ín vậy và bạn sẽ thấy chúng khi lần đầu tiên thay tã cho con lúc bé chào đời. Túi mật của con lúc này cũng bắt đầu đi vào hoạt động tích cực hơn.
3. Một số hình ảnh thai nhi 18 tuần
Mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy hết cả tiến trình phát triển tuyệt vời của thai nhi ở tuần 18 nhưng thông qua nhiều hình ảnh được thu thập, với một số hình ảnh siêu âm rất tiêu biểu được chọn lọc sau đây, bạn có thể phần nào hình dung thai nhi 18 tuần trong bụng mẹ đang như thế nào. Chúng ta cùng xem qua nhé.
Đây là khoảnh khắc ghi nhận qua hình ảnh siêu âm 4D lúc con đang đạp hăng hái và rất tích cực chuyển động trong bụng mẹ. Góc nhìn cho thấy rõ tai của bé thật dễ thương.
Một khoảng khắc khác khi nhận lại được con đang mút tay. Trông hình hài con khá rõ và có vẻ như việc mút tay đã rất quen thuộc, nhuần nhuyễn với con.
Con đã biết nghịch chính đôi tay của mình rồi đấy mẹ ơi! Trong này cũng có nhiều trò giúp con vui lắm đấy. Khám phá đôi bàn tay mình cũng khá thú vị mẹ ạ!
Ôi con lại ngáp này! Có lẽ con nên ngủ một chút mẹ nhỉ, để mẹ còn nghỉ ngơi nữa. Nãy giờ con nghịch quá rồi, chắc là mẹ cũng mệt rồi phải không mẹ!
Cũng có lúc con suy tư đấy mẹ! Mẹ trông con rất biểu cảm phải không nè! Con đang nghĩ về ngày con được gặp mẹ xinh đẹp của con đó.
Trông con biểu cảm làm sao! Ảnh Internet
Hẳn với 5 hình ảnh siêu âm trên, bạn cũng có thể hình dung em bé 18 tuần của mình thật dễ thương biết chừng nào phải không nhỉ. Vậy còn mẹ bầu ở tuần 18 ra sao, bụng mẹ đã to cỡ nào, mẹ có thể gặp những triệu chứng gì khi con đang lớn lên như thế,…chúng ta cùng tìm hiểu tiếp ngay sau đây nhé.
4. Mẹ bầu như thế nào khi sang tuần thai thứ 18
4.1. Bụng bầu của bạn trông như thế nào ở tuần 18
Như đề cập ở trên, thai nhi lúc này to bằng cỡ quả dưa leo hay củ khoai, còn tử cung của bạn có kích thước cỡ củ khoai lang to. Bạn sẽ có cảm giác mình đang mang thai khá rõ rệt nhờ sự lớn lên của bé, cũng như tiến trình tăng kích cỡ của tử cung. Tuy nhiên, mỗi phụ nữ đều không giống nhau về cỡ bụng khi ở tuần thai 18 này, cũng như ở các tuần thai khác. Vì thế, bạn cũng đừng lo lắng nếu như bạn của bạn hay chị đồng nghiệp có cỡ bụng lớn hơn khi thai 18 tuần nhưng bạn thì không.
Tìm hiểu thêm: Những loại thực phẩm tốt cho bà bầu trong 3 giai đoạn thai kỳ
Có thể rất nhiều phụ nữ đều mang nỗi lo rằng bụng bầu của mình quá lớn hay quá nhỏ so với các bà bầu khác cùng thời kỳ và bạn cũng mang một nỗi lo chung như thế. Bạn lưu ý rằng bụng bầu to hay nhỏ ở tuần 18 cũng không có gì là bất thường nếu như thai nhi phát triển bình thường. Trường hợp bạn quá băn khoăn về cỡ bụng của mình bất kể là to hay nhỏ, hãy trao đổi và nhận lời khuyên từ bác sỹ chuyên khoa để bản thân yên tâm hơn.
4.2. Những bất tiện mẹ bầu có thể gặp phải khi thai 18 tuần
4.2.1. Đau lưng
Do tử cung đang phát triển mạnh và làm trọng tâm của bạn bị thay đổi, phần lưng dưới của bạn thì bị kéo về trước, còn bụng bầu như bị đẩy ra vậy. Đồng thời, sự thay đổi của hormone thai kỳ có thể tác động khiến cho các dây chằng khu vực này bị giãn ra, cộng với tư thế của bạn sẽ có những thay đổi nhất định nữa. Các yếu tố này cộng lại làm cho tình trạng đau lưng của bạn trở nên rõ ràng hơn.
Để giảm tình trạng đau lưng ở tuần thai 18, khi ngồi bạn có thể nâng cao chân lên một chút để máu lưu thông dễ dàng hơn. Khi đứng, bạn có thể đặt một chân lên chiếc ghế thấp và hay thay đổi với chân còn lại để giảm áp lực cho lưng dưới, bạn sẽ cảm thấy đỡ đau hơn. Trường hợp cơn đau lưng của bạn rất khó chịu và không thuyên giảm, bạn hãy thông báo cho bác sỹ sản khoa của mình nhé.
4.2.2. Bàn chân bắt đầu to ra và hay gặp tình trạng chuột rút vào ban đêm
Bàn chân của bạn cũng bắt đầu to ra do sưng và giữ nước từ tam cá nguyệt thứ 2. Chúng ta thường gọi tình trạng này là phù chân. Tuy nhiên, mức độ phù thường nhẹ vừa và có thể kéo dài tiếp tục sau đó. Sự tác động của hormone relaxin cũng có thể làm cho dây chằng ở bàn chân bị lỏng ra nhưng không nghiêm trọng.
Nếu chân bạn bị to ra, bạn có thể làm giảm sưng chân bằng cách ngâm chân vào nước mát ít phút trước khi đi ngủ. Khi ngồi bạn hãy nâng chân cao lên một chút. Và, đừng ngại mua sắm một đôi giày rộng hơn để đi lại cho thoải mái.
Ở tuần thai thứ 18 trở đi, bạn cũng bắt đầu hay gặp những cơn chuột rút vào ban đêm. Để giảm tình trạng này, bạn hãy tắm nước ấm hoặc mát-xa trước khi đi ngủ.
4.2.3. Chứng ợ nóng
Ở tuần thai thứ 18, một miếng bánh mì nhỏ cũng có thể khiến ruột bạn như muốn bốc cháy. Đây chính là chứng ợ nóng phổ biến của thai kỳ. Chứng ợ nóng khi mang thai có thể xuất hiện suốt thai kỳ vì vậy bạn cũng đừng hoảng hốt nhé. Hãy bình tĩnh để có cách ứng phó phù hợp, nhờ đó, cảm giác khó chịu này giảm nhẹ và qua nhanh.
Để giảm chứng ợ nóng, các bầu được khuyên là nên ăn chậm, nhai kỹ, chia nhỏ các bữa ăn. Khi ăn các bầu nhớ ngồi thẳng. Và, khi nằm, bảo đảm là mình kê gối cao. Cuối cùng, với các thực đơn cho bà bầu, bạn hãy giảm bớt hoặc loại bỏ các thực phẩm cay nóng nữa nhé.
4.2.4. Nghẹt mũi và chảy máu cam
Đây là tình trạng các bầu rất thường gặp từ tam cá nguyệt thứ 2. Do hormone và lượng máu tăng trong thai kỳ sẽ khiến các màng nhầy trong đó có màng nhầy ở mũi sưng lên. Điều này có thể khiến bạn bị nghẹt mụi và thỉnh thoảng có thể bị chảy máu cam.
Nếu gặp các trường hợp trên, bạn hãy chú ý đến độ ẩm chung quanh mình. Có thể chuẩn bị một chiếc máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ, không gian có đủ độ ẩm sẽ giúp bạn đỡ nghẹt mũi hơn và hạn chế bớt được tình trạng chảy máu cam.
4.3. Thai 18 tuần mẹ nên ăn gì
4.3.1. Dùng thực phẩm giàu sắt
Sắt lúc này rất cần thiết cho cơ thể bạn lẫn em bé vì con đang lớn nhanh. Việc bổ sung sắt từ tuần 20 trở đi là điều cần phải làm với mọi bà bầu, song nếu ở tuần 18 lượng sắt của bạn thấp không đủ cung cấp cho cơ thể thì bạn cũng đã phải bổ sung rồi.
Ngoài lượng sắt chỉ định bởi bác sỹ sản khoa, bạn có thể bổ sung thêm các thực phẩm giàu sắt và dinh dưỡng tốt khác như thịt đỏ, các loại đậu, yến mạch nguyên hạt, lúa mạch, hạt bí ngô, trái cây sấy khô, rau bina, rong biển, mật mía,…
4.3.2. Chế độ ăn giàu axit béo omega-3
Omega-3 sẽ giúp hệ thống thần kinh của em bé phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, omega-3 cũng góp phần tăng cường hệ miễn dịch của bạn, giúp bạn chống trầm cảm nữa.
Các thực phẩm giàu omega-3 bạn có thể bổ sung vào thực đơn có thể kể đến như cá hồi, các loại cá béo, hạt lanh, bông cải xanh và hạt óc chó.
4.4. Mẹ bầu chăm sóc bản thân ra sao
- Chú ý nghỉ ngơi khoa học : Đây là lời khuyên không bao giờ thừa với tất cả các bầu dù đang ở bất cứ giai đoạn nào khi mang thai. Hãy dành thời gian thư giãn cho mình để có thêm năng lượng và sự thư thái. Bạn hãy ngủ trưa 30 phút mỗi ngày và cố gắng duy trì đều đặn. Thư giãn nghỉ ngơi có đóng góp không nhỏ cho sức khỏe thai kỳ nói chung.
- Nói không với stress : Stress là kẻ thù nói chung của tất cả chúng ta và càng là kẻ thù cần loại trừ triệt để đối với mẹ bầu. Hãy ghi nhớ rằng bạn chỉ có 9 tháng 10 ngày để giúp con phát triển thành một cá thể hoàn thiện và tốt toàn diện. Vì vậy, việc gạt bỏ mọi căng thẳng qua một bên là điều cần làm và không nên do dự.
- Ăn uống khoa học và không áp lực : Không bồi bổ quá mức hoặc có chế độ ăn uống quá khắt khe để không tạo áp lực cho bạn về mặt dinh dưỡng. Hãy bình tĩnh xem xét và lựa chọn các thực phẩm có lợi, cũng như tổ chức thực đơn dễ tiêu thụ, giúp bạn ăn ngon miệng hơn.
- Đối phó với lời khuyên quá tải : Khi sang tuần 18, bụng bạn bắt đầu lộ rõ rồi, cũng là lúc bạn nhận cả núi lời khuyên liên quan đến việc mang thai, hay chăm sóc em bé từ những người thân trong nhà như mẹ chồng, chị em chồng, các cô các dì, đến hàng xóm lẫn những người mới chỉ vừa gặp khi đi chợ hoặc siêu thị. Đây là điều khá bình thường vì hầu như tất cả mọi người ai cũng rất quan tâm đến các bà bầu. Họ cảm thấy cần thiết đưa ra cho bạn một lời khuyên nào đó được cho xác đáng.
Vế phía bạn, hãy bình tĩnh và chớ bực mình ngay cả khi cảm thấy thật phiền nhiễu. Câu “cám ơn, tôi sẽ ghi nhớ điều này.” là một câu đơn giản gọn ghẽ nhất bạn nên dùng để đối phó khi nhận lời khuyên. Bạn cũng không cần thiết phải giải thích với bất cứ ai trong số họ về suy nghĩ hay nhận định hoặc quyết định nào đó của bạn.
Mọi người đều có ý tốt dành cho bạn, bạn có thể không hào hứng nhưng thực tế, cũng có rất nhiều lời khuyên hữu ích và lý thú mà bạn có thể ghi nhận.
5. Lưu ý dành cho mẹ bầu khi ở thai 18 tuần
5.1. Bạn sẽ bị chóng mặt
Ở tuần thai 18 cũng như các tuần khác, progesterone sẽ làm tăng lưu lượng máu đến thai nhi, dẫn đến việc làm giảm huyết áp cũng như giảm lưu lượng máu đến não của bạn. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy chóng mặt. Để giảm và tránh tình trạng này, khi đổi tư thế từ ngồi sang nằm hay đứng hoặc ngược lại, bạn hãy chuyển tư thế từ từ.
5.2. Bạn sẽ gặp các cơn đau nhức
Khi bước sang tam cá nguyệt thứ 2, cơ thể bạn tiết ra hormone relaxin. Hormone này sẽ làm lỏng các dây chằng nhất là quanh khu vực vùng lưng, xương chậu và hông, khiến bạn đau nhức. Có thể điều này sẽ làm bạn phải than lên vì khốn khổ nhưng khi sinh, bạn lại phải thầm cám ơn relaxin, vì nhờ nó mà việc em bé ra ngoài sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Để giảm sự khó chịu hay những cơn đau này, bạn cũng hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn sẽ giúp bạn quên đi nhiệm vụ của relaxin.
5.3. Cẩn thận với các loại thực phẩm hay thuốc bổ bổ sung
Rất nhiều mẹ bầu tự quyết định dùng thêm thuốc bổ và các thực phẩm chức năng được cho là tốt cho thai kỳ, nhất là từ tháng thứ 5 trở đi vì cho rằng thai kỳ đã an toàn. Tuy nhiên, có một thực tế là, không phải tất cả các loại thực phẩm chức năng hay thuốc bổ đều phù hợp với thời gian mang thai , hoặc các bầu có thể sử dụng đúng liều lượng an toàn cho mình.
Chưa kể đến, có thể trong nhiều sản phẩm có thể chứa những chất hay thành phần không có lợi cho sức khỏe thai kỳ, kể cả khi thai đã sang tuần 18 tương đối ổn định. Hãy ghi nhớ rằng mọi loại thực phẩm chức năng hay thuốc bổ đồn thổi là tốt cho bà bầu, đều cần được cân nhắc kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến của bác sỹ chuyên khoa trước khi dùng.
5.5. Tránh vận động hay tập thể dục mạnh
Một số chị em phụ nữ khi sang tháng thứ 5 cảm thấy đã khỏe mạnh hơn thì thường tăng cường vận động, hoặc áp dụng các bài tập có cường độ mạnh, hay thử một số động tác không phù hợp. Tất cả các điều này – bầu đều cần phải thận trọng.
Dẫu cho rất khỏe mạnh thì việc lựa chọn sự vận động vừa phải, các bài tập thể dục phù hợp với tình trạng thai kỳ của mình là điều nên làm. Bạn không nên gắng sức vì như thế có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe thai kỳ.
5.6. Sẵn sàng đón nhận những cú đạp đầu tiên của bé
Mặc dù thai nhi đã hoạt động mạnh từ trước nhưng từ tuần 18 đến 22 mới bắt đầu là khoảng thời gian bạn có thể cảm nhận sự chuyển động hay những “cú đạp” của bé. Vì lúc này con đã lớn hơn rồi và con cũng đã khỏe hơn, vận động đủ mạnh để bạn có thể cảm thấy. Tuy nhiên, cảm nhận em bé đạp hay chuyển động ở mỗi mẹ đều khác nhau vì điều này không chỉ ở mẹ mà còn ở bé nữa. Do vậy, bạn cũng đừng lo lắng nếu như bạn không cảm thấy những cú đạp của con mạnh như lời đồn, hay như em bé của chị bạn hàng xóm. Mỗi em bé có một kỹ năng của riêng mình và khi con đủ mạnh đủ lớn, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được điều đó rõ ràng sớm hay muộn mà thôi.
5.7. Hãy đọc sách cho thai nhi nghe và nghe nhạc
Như bạn cũng thấy ở trên, chúng ta đã đề cập về việc, thính giác và đôi tai của thai nhi lúc này khá phát triển, việc tiếp nhận âm thanh của con vì thế cũng có nhiều tiến bộ. Vì vậy, bạn đừng bỏ qua hoạt động đọc sách cho con nghe vì điều này thực sự rất hữu ích cho bé.
Đọc sách hay bà bầu nghe nhạc trong thai kỳ nhất là từ tuần 18 trở đi có thể góp phần tạo nền tảng vững chắc, để bé tiếp tục phát triển hơn về thính giác, cảm xúc, nền tảng ngôn ngữ,….
>>>>>Xem thêm: Gối cho bà bầu và những thông tin hữu ích nhất định bạn nên biết
Đến đây, có thể bạn đã hình dung phần nào thai 18 tuần phát triển ra sao, con đang như thế nào cũng như tình trạng của mẹ bầu, để tiếp tục chăm sóc bản thân được tốt hơn. Bất cứ tuần thai nào cũng đều quan trọng và thai nhi đều có những bước phát triển đột phá nào đó, trong từng giai đoạn cụ thể của mình. Ở tuần 18 cũng vậy, thời gian này có hai điều vô cùng ấn tượng đó là sự phát triển cực nhanh của hệ thần kinh và hình thành dấu vân tay. Nếu bạn không thể nhớ hết những điểm đặc trưng, bạn chỉ cần ghi nhớ 2 điều trên để biết rằng, từ tuần 18, con đã chính thức trở thành một cá thể đặc biệt, độc đáo và duy nhất trên đời.
Nguồn tham khảo: The Bump, What to Expect, Pampers & Medical News Today
Cát Lâm tổng hợp