Teen và mạng xã hội hiện nay thường gắn bó với nhau như một đôi bạn thân mọi nơi mọi lúc. Các bậc phụ huynh vẫn lo sợ về việc các thiết bị công nghệ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ, nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến sự tác động của chúng đối với tuổi teen. Các chuyên gia lo sợ rằng, việc mạng xã hội và các tin nhắn văn bản ngày càng trở nên không thể thiếu với tuổi teen – đang thúc đẩy tình trạng lo âu và hạ thấp giá trị bản thân ở lứa tuổi này.
Bạn đang đọc: Teen và mạng xã hội hiện nay – “tình bạn” cần được các bậc cha mẹ để mắt nhiều hơn
Một số nghiên cứu và khảo sát cho thấy rằng, thường xuyên sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram…sẽ dễ khiến các trẻ ở độ tuổi thiếu niên cảm thấy chán nản, lo lắng, cô đơn và thụ động trong cuộc sống. Vậy thực tế, teen sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu quá “thân thiết” với mạng xã hội? Chúng ta hãy cùng xem sự phân tích của các chuyên gia nhé.
Contents
1. Sự gắn bó với mạng xã hội dẫn tới tình trạng “giao tiếp gián tiếp”
Trẻ tuổi teen là bậc thầy trong việc giữ mình luôn bận rộn sau giờ học ở trường cho đến lúc đi ngủ. Khi không làm bài tập về nhà, teen thời hiện đại thường có xu hướng dùng điện thoại hoặc máy tính lên mạng để bình luận, chia sẻ, nhắn tin, trò chuyện với bạn bè…về một vấn đề nóng hổi nào đó. Tất cả những việc này, trẻ không trực tiếp thực hiện đối với người khác mà thông qua những chiếc “screen – màn hình” vô cảm.
Bằng việc dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, sự giao tiếp thông thường trở thành gián tiếp thông qua các thiết bị công nghệ. Những cuộc trò chuyện “phi ngôn ngữ” trở nên phổ biến, nơi mà ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm của khuôn mặt, sự diễn cảm của lời nói, sự thể hiện cảm xúc…không có “đất” để thể hiện. Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ có thể mất dần kỹ năng giao tiếp xã hội, dễ sống thu mình trong thế giới ảo của bản thân.
2. Vậy tại sao teen lại thích sử dụng mạng xã hội để giao tiếp với người khác, và việc này gây hại như thế nào?
Vì khi không trực tiếp gặp gỡ mọi người, những rủi ro trong giao tiếp có thể được hạn chế. Nghe có vẻ an toàn nhưng thực ra nó không ổn chút nào. Vì học cách kết bạn và duy trì tình bạn là một phần tất yếu trong quá trình phát triển của teen. Quá trình này sẽ đòi hỏi một số rủi ro nhất định. Sự chân thành, biết lắng nghe và can đảm thể hiện suy nghĩ cũng như cảm xúc khi giải quyết các vấn đề nảy sinh đối với bạn bè là yếu tố quan trọng, để giúp tình bạn trở nên vui vẻ, thú vị và một chút phiêu lưu.
Tuy nhiên, khi làm bạn trên mạng xã hội, nhiều khía cạnh trên bị tước bỏ. Những cuộc chuyện trò qua mạng xã hội không diễn ra ngoài đời thực nên trẻ có nhiều thời gian hơn để hồi đáp một câu hỏi hay một vấn đề, do đó sẽ không thấy được sự tác động của lời nói lên người khác và ngược lại.
Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ sẽ trưởng thành với kỹ năng nói chuyện ngày càng mai một, trong khi đây sẽ là kỹ năng giao tiếp chính rất quan trọng giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ xã hội, công việc, lãng mạn sau này.
Bên cạnh nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, một khía cạnh tiêu cực khác của mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến tâm lý tuổi teen như dưới đây:
2.1 Cảm giác bị lừa đảo, mạo danh trên mạng
Bạn hy vọng có thể dạy bọn trẻ cách thể hiện sự bất đồng ý kiến, sự không đồng tình với bạn bè hay ai đó mà không làm tổn hại đến mối quan hệ. Nhưng những gì mạng xã hội dạy trẻ lại ngược lại, mọi thứ có thể bị hủy hoại một cách dễ dàng.
Khi nhắn tin trên mạng, teen có thể dùng những từ ngữ mà bạn không nghĩ rằng có thể nói với một người nào đó, đặc biệt là teen nữ, những người thường khó nói “không đồng ý” ở ngoài đời thực.
Teen nữ đặc biệt đối mặt với nhiều nguy cơ trên mạng vì trẻ có xu hướng hay so sánh mình với người khác và dần trở nên kém tự tin cũng như dễ tổn thương hơn. Sự bất an và không hài lòng về bản thân sẽ khiến trẻ muốn hạ thấp người khác để cảm thấy tốt hơn.
Một vấn đề nữa là các teen muốn mình là người vượt trội hoặc ít nhất phải “nhỉnh” hơn người khác (xinh đẹp hơn, sành điệu hơn, được nhiều người quan tâm hơn…). Do đó trẻ sẽ dành thời gian để dùng các công cụ hiện đại biến hình ảnh của mình trở nên lung linh, ngầu hơn trước khi tung lên mạng. Lượng “like”, “share” của người khác được teen xem là thước đo cho sự nhìn nhận của người khác đối với mình. Cứ như vậy, trẻ sẽ trượt dài trong cuộc sống ảo.
Tìm hiểu thêm: Trẻ khóc đêm – nỗi sợ hãi ban đêm không chỉ của con mà với cả cha mẹ
Thực ra, tâm lý của trẻ teen phần lớn đều muốn mình nổi bật và trội hơn người khác, nhưng với các phương tiện hiện đại và truyền thông xã hội, trẻ có nhiều cơ hội hơn và cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro và “bẫy” hơn. Việc luôn trông thấy hình ảnh hoàn hảo của người khác sẽ làm trẻ thấy áp lực. Bên cạnh đó, việc đưa hình ảnh hoàn hảo của bản thân cho người khác bình luận cũng áp lực không kém. Trẻ sẽ luôn lo lắng và tìm mọi cách để duy trì nó, điều đó thật mệt mỏi. Tất cả những hành động trên chỉ để thỏa mãn cái tôi của teen, và đôi khi sự chênh lệch giữa thế giới ảo và thực tế tạo cho trẻ cảm giác bị lừa, hoặc như đang bị mạo danh. Nỗ lực của teen để được chú ý theo thời gian lại trở thành bị phớt lờ. Tại sao lại như vậy?
2.2 Trên mạng xã hội trẻ luôn bị theo dõi và cũng bị phớt lờ
Khi sử dụng mạng xã hội, trẻ thường xuyên cập nhật trạng thái, chia sẻ nội dung trẻ đang xem và vô tình, cập nhật luôn vị trí của mình. Số lượng người cùng thực hiện thao tác này sẽ tạo thành mạng lưới và giúp các trẻ luôn được kết nối với nhau. Những cuộc trò chuyện có vẻ như không dừng lại, trẻ sẽ luôn phải cập nhật vì sợ sẽ bỏ lỡ điều gì đó thú vị hay nóng hổi. Quá trình này diễn ra liên tục sẽ khiến trẻ dễ cạn kiệt về mặt tình cảm cũng như sản sinh tâm trạng lo lắng.
Nhưng có một nghịch lý là dù được kết nối trong cả mạng lưới, nhưng trẻ vẫn sẽ thấy cô đơn. Vì mọi người đều có điện thoại và đều phản ứng khá nhanh chóng với một vấn đề nào đó, cũng như dễ dàng quan tâm đến một sự việc khác thức thời hơn. Khi trẻ chờ đợi phản ứng nào đó và bị bỏ qua, trẻ sẽ thấy mình bị phớt lờ. Đây là một cảm giác rất nguy hiểm đối với lứa tuổi đang thay đổi tâm sinh lý .
3. Vậy cha mẹ có thể và nên làm gì?
Các chuyên gia đều đồng ý rằng, muốn giảm rủi ro liên quan tới công nghệ và mạng xã hội đối với trẻ thì cha mẹ phải làm gương trước. Việc này không khó, bạn có thể thực hiện bằng cách:
- Không bàn luận về công việc trước mặt trẻ.
- Không kiểm tra email trước mặt con, hãy làm việc này khi trẻ chưa thức dậy, hoặc khi trẻ đã đi học.
- Thiết lập không gian “không công nghệ ” trong nhà và khoảng thời gian “không điện thoại” trong ngày – thời gian không ai trong gia đình kể cả bố mẹ, sử dụng điện thoại.
- Không dùng điện thoại trong xe khi đưa trẻ đến trường hoặc đón trẻ về nhà vì đây là khoảng thời gian thích hợp để trò chuyện với con.
Đối với mạng xã hội, cha mẹ có thể làm những việc sau:
- Kết bạn với con nhưng không kiểm soát hay theo dõi hoạt động của con. Mặc dù việc này rất khó, nhưng nó thể hiện sự tin tưởng và tôn trọng đối với trẻ.
- Không dùng tin nhắn khi cần nói chuyện quan trọng, trừ khi có lý do đặc biệt bạn cho rằng làm như vậy sẽ tốt hơn.
>>>>>Xem thêm: Kỹ năng sống cho học sinh – những điều cha mẹ cần biết
Trẻ cần biết rằng bạn sẵn sàng giúp đỡ khi trẻ gặp khó khăn, hoặc đơn giản là lắng nghe khi trẻ kể về những gì mình trải qua trong ngày…và khi thực hiện những việc trên, bạn cho trẻ thấy con sẽ nhận được tất cả sự ưu tiên quan tâm của bạn. Khi đó, con không cần thiết phải chạy đến những người bạn trên mạng xã hội để tìm thông tin, chia sẻ, hay xin lời khuyên về những điều quan trọng trong cuộc sống của mình.
Các cha mẹ thấy đấy, teen và mạng xã hội rất dễ trở nên thân thiết quá mức nếu các cha mẹ không làm bạn với con trước. Ở giai đoạn thay đổi tâm sinh lý, mọi thứ đều trở nên nhạy cảm, trẻ sẽ dễ dàng bị cuốn theo những xu hướng mới, những phong trào của đám đông. Vì vậy bạn cần luôn bên cạnh để giúp con phát triển một cách lành mạnh và vững vàng. Hãy làm sao để công nghệ mạng xã hội chỉ là phương tiện giúp con giải trí mà thôi, đừng để nó hủy hoại tính cách, giá trị, những mối quan hệ ngoài đời thực và tương lai tốt đẹp của con các cha mẹ nhé.
Theo Child Mind
Lily Nguyễn lược dịch