Tăng cân trong thai kỳ là tình trạng khá bình thường của mọi thai phụ. Dẫu vậy, việc tăng cân có chừng mực luôn là vấn đề cần được quan tâm sâu sát, vì điều này liên quan đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Bạn đang đọc: Tăng cân trong thai kỳ
Contents
1. Vấn đề tăng cân trong thai kỳ
Hầu hết các chị em đều tăng cân trong thai kỳ, ở một mức độ nào đó. Thông thường, số cân tăng dao động trong khoảng 11.5 đến 16 kg. Tuy nhiên đối với một số trường hợp thì việc tăng cân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như:
- Trọng lượng cơ thể bạn trước khi có thai. Nếu bạn bị thiếu cân, thì khi mang thai bạn sẽ cần tăng nhiều cân hơn mức thông thường và ngược lại nếu bạn dư cân thì nên tăng ít hơn.
- Nếu bạn mang đa thai
- Nếu bạn bị ốm nghén nhiều
Việc ăn uống đủ chất là rất quan trọng nhằm cung cấp cho thai nhi một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy vậy, bạn không cần phải ăn cho hai người theo quan niệm của một số người, mà chỉ cần đủ các loại chất cần thiết cho từng giai đoạn phát triển của thai nhi.
2. Tại sao tôi lại tăng cân khi mang thai
Khi có thai, không chỉ em bé lớn lên trong bụng bạn, mà một số cơ quan khác cũng tăng kích cỡ, như tử cung, nhau thai, bên cạnh đó lượng máu và chất lỏng trong cơ thể cũng tăng lên.
3. Có mức tăng cân chuẩn không
Đối với hầu hết phụ nữ, sự tăng cân có quan hệ mật thiết với chỉ số khối của cơ thể – BMI (Body mass index) trước khi mang thai. Công thức tính chỉ số này như sau:
- Cân nặng trước khi mang thai (kg) ÷ Bình phương chiều cao (m)
Ví dụ: bạn cân nặng 68 kg và cao 170 cm thì BMI của bạn là: 68÷1.7×1.7 = 23.5
- Chỉ số BMI từ 18.5 đến 24.9 được xem là cân nặng bình thường. Nếu bạn có chỉ số BMI trước khi mang thai nằm trong khoảng này, thì trong thai kỳ, bạn nên tăng từ 11.5 đến 16 kg, trong đó 1 – 1.5 kg trong tam cá nguyệt đầu tiên và 1.5 – 2kg trong mỗi tháng tiếp theo cho đến khi sinh.
- Nếu cân nặng của bạn dưới mức bình thường thì bạn nên tăng nhiều cân hơn và ngược lại.
4. Kiểm soát cân nặng khi mang thai
Bạn có thể tăng đúng số cân cần thiết khi mang thai bằng cách:
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng bằng cách tiêu thụ các loại trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, thịt nạc, cá và các chế phẩm sữa ít béo.
- Thực hiện các bài thể dục nhẹ nhàng dành cho thai kỳ.
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống nhiều béo và nhiều đường.
5. Bạn hãy đảm bảo sử dụng lượng thực phẩm an toàn trong thai kỳ
Có thể bạn sẽ thấy mình không cần tiêu thụ quá nhiều kcal trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, khi thai nhi lớn dần, lượng kilojoules (kj, 1 kcal = 4.8 kj) tiêu thụ thêm mỗi ngày vào khoảng 1,400 – 1,900 (khoảng 300 – 400 kcal) được xem là hợp lý. Lượng kilojoule thêm này tốt nhất nên được nạp vào cơ thể thông qua các loại thực phẩm lành mạnh.
Tìm hiểu thêm: Những điều thai nhi học được từ mẹ trong suốt 40 tuần
Bạn nên kiểm tra xem chế độ ăn của mình có đủ các loại chất cần thiết cho sức khỏe của bạn và sự phát triển của thai nhi hay không. Đặc biệt có một số chất rất quan trọng đối với giai đoạn đầu thai kỳ như a xít folic, sắt, can xi, iodine và protein.
Việc uống nước đầy đủ cũng rất quan trọng. Các thai phụ được khuyến cáo nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, đặc biệt đối với những chị em bị ốm nghén, vì tình trạng này rất dễ gây mất nước.
Ngoài ra bạn nên duy trì việc tập thể dục trừ khi có sự chỉ định khác của bác sỹ. Bạn nên tập các bài tập nhẹ nhàng và phù hợp với từng giai đoạn của thai kỳ. 30 phút bơi lội, đi bộ hoặc thể dục thai kỳ sẽ rất có lợi cho sức khỏe của bạn, tuy nhiên bạn không nên tập quá 20 phút liên tục mà nên nghỉ giải lao để tránh mất sức.
>>>>>Xem thêm: Những thể loại nhạc bà bầu tháng thứ 6 nên nghe
Việc tăng cân trong thai kỳ ở mức quá nhiều hay quá ít so với khuyến cáo, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho cả bạn và em bé. Trong đó, có một số biến chứng khá nguy hiểm đó là tiền sản giật, băng huyết, sinh non. Nếu bạn băn khoăn về việc tăng cân khi mang thai, tốt nhất hãy hỏi ý kiến bác sỹ và chuyên gia dinh dưỡng về vấn đề dinh dưỡng thai kỳ cụ thể hơn, để đảm bảo bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.
Theo Pregnancy, Birth and Baby
Lily Nguyễn lược dịch