Tâm lý trẻ khiếm thính phát triển khó khăn bởi khiếm khuyết khả năng về thính giác. Đi kèm khó khăn là sự hạn chế của trẻ trong việc mở rộng môi trường tương tác, thiết lập mối quan hệ với người khác, và thực hiện các hoạt động mang tính xã hội. Vậy làm thế nào để giúp trẻ hòa nhập vào cộng đồng một cách hiệu quả? Mời bạn cùng theo dõi chi tiết qua nội dung sau đây.
Bạn đang đọc: Tâm lý trẻ khiếm thính và cách can thiệp cho trẻ hòa nhập
Contents
1. Sự phát triển nhận thức trong tâm lý trẻ khiếm thính
1.1. Nhận thức cảm tính
Nhận thức cảm tính của trẻ bị hạn chế, do cơ quan phân tích thính giác bị tổn thương. Điều này dẫn đến khả năng tri giác âm thanh của trẻ bị giảm đi, đặc biệt là âm thanh ngôn ngữ. Khi cơ quan thính giác bị tổn thương, những kích thích của các sự vật, hiện tượng lên nó đều không mang lại cảm giác nghe, tri giác nghe. Trẻ không thể nhận ra được cường độ, cao độ cũng như tính chất của các âm thanh xung quanh mình.
Xuyên suốt quá trình phát triển tâm lý trẻ khiếm thính, trẻ khó nhận thức được toàn vẹn đặc điểm của sự vật, hiện tượng. Thêm vào đó, trẻ cũng bị hạn chế trong việc định hướng không gian sự vật bằng âm thanh. Điều này gây cản trở cho trẻ trong các hoạt động hàng ngày.
Một điểm tích cực trong tâm lý trẻ khiếm thính là trẻ có khả năng nhạy bén hơn, tinh tế hơn ở cảm giác nhìn. Trẻ có thể “nghe được bằng mắt”, cảm thụ được độ rung của âm thanh bằng xúc giác khi phát âm đưa tay đặt lên cổ. Nhờ cảm giác nhìn này, trẻ dễ dàng hơn trong việc giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.
1.2. Nhận thức lý tính
Trẻ khiếm thính thường bắt đầu quá trình nhận thức bằng tư duy trực quan hành động. Loại tư duy này giúp trẻ giải quyết nhiệm vụ bằng các hành động vận động cụ thể, trong những tình huống nhất định và có thể quan sát được. Ví dụ như bắt chước viết theo mẫu chữ có sẵn, làm phép toán bằng cách sử dụng đồ vật, que tính, các con số… Vì vậy, trong quá trình phát triển tâm lý trẻ khiếm thính, trẻ cần được nhìn thấy, sờ mó vật và có những hành động trực tiếp trên đồ vật, qua đó để hình thành và phát triển tư duy trực quan hành động.
Thị giác phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển nhận thức lý tính trong tâm lý trẻ khiếm thính diễn ra thuận lợi hơn. Trẻ có thể so sánh, phân biệt, khái quát hóa những hình ảnh khác nhau của sự vật, hiện tượng trong thời gian nhanh với độ chính xác cao. Trẻ cũng có thể dễ dàng làm đúng các bài toán, thông qua các vật thật hay vật thay thế tương ứng với các dữ kiện của bài toán. Tuy nhiên, tư duy trừu tượng ở trẻ gặp nhiều khó khăn do sự hạn chế phát triển ngôn ngữ trong tâm lý trẻ khiếm thính.
2. Sự phát triển hành vi trong tâm lý trẻ khiếm thính
Tìm hiểu thêm: Tâm lý trẻ dậy thì và cách vượt qua khủng hoảng để phát triển toàn diện
Hành vi cáu giận, nóng tính bất thường diễn ra thường xuyên trong quá trình phát triển tâm lý trẻ khiếm thính. Các mối quan hệ của trẻ với bạn bè cũng hạn chế, do khả năng giao tiếp ngôn ngữ kém. Sự mặc cảm, không hòa nhập ngày càng tăng, trẻ cảm thấy tự ti trong cuộc sống và dần xa lánh các hoạt động tập thể, không thích đi học ở trường vì đó là nơi dễ bị cô lập nhất.
Đồng thời, khả năng tiếp nhận thông tin trong quá trình phát triển tâm lý trẻ khiếm thính không toàn diện, vậy nên, trẻ khó có thể biết đầy đủ thông tin, và khó diễn đạt thông tin đến người khác. Điều này dẫn đến tình trạng trẻ thường có hành vi cáu giận, nóng tính bất thường. Hiện tượng này càng dễ bắt gặp ở những trẻ khiếm thính nào từng trải qua môi trường sống đầy sự bất công, phân biệt, chối bỏ, gây hấn.
Các cảm giác tiêu cực, tự ti, vô dụng cũng hình thành trong quá trình phát triển tâm lý trẻ khiếm thính. Nguyên nhân cũng do trẻ hạn chế trong khả năng giao tiếp với mọi người, trẻ tiếp nhận và phản hồi thông tin chậm hơn người khác, có thể bị hiểu nhầm hoặc không hiểu ý người khác. Tất cả những điều đó dễ làm trẻ chán nản và tự ti với mọi người.
3. Cách hỗ trợ sự phát triển của trẻ khiếm thính
>>>>>Xem thêm: Học trường mầm non giảng dạy song ngữ – nên hay không?
Trẻ và gia đình cần được các chuyên gia tư vấn kỹ lưỡng, để phục hồi các rối loạn trong tâm lý trẻ khiếm thính. Tuy nhiên, việc điều trị thường có nhiều bất lợi và chậm trễ, vì ba mẹ thường lảng tránh nhìn nhận vấn đề thực tế đang diễn ra ở con. Họ không tin con mình đang khó khăn trong việc hình thành và phát triển nhận thức, hành vi, không tin tưởng chương trình điều trị và giáo dục sẽ đem lại tiến bộ cho trẻ.
Vai trò của bác sĩ chuyên khoa, chuyên viên tâm lý và các nhà giáo dục là đánh giá và điều trị những khiếm khuyết này, bằng cách thay đổi chức năng thần kinh. Để làm được điều này, nhà chuyên môn cần gia tăng hoạt động trung ương của các giác quan và hệ vận động, đồng thời phát triển chức năng của các hệ thống xúc giác, tiếp nhận, tiền đình và hệ thống nhìn ở trẻ khiếm thính.
Sinh ra đã không được hoàn thiện về chức năng sinh học, quá trình phát triển tâm lý trẻ khiếm thính gặp nhiều khó khăn và bất ổn. Vậy nên, ba mẹ cần quan tâm và cần nhờ đến các chuyên gia giúp đỡ hỗ trợ, để con được phát triển tốt hơn, nhờ đó trẻ có thể tự chăm sóc bản thân khi không ai ở bên cạnh.
Minh Tâm tổng hợp