Tâm lý trẻ 1 tuổi như thế nào, liệu có gì phức tạp hay không. Con ở độ tuổi lên 1 liệu mẹ đã phải chú ý đến tiến trình thay đổi tâm lý của bé? Hoặc, việc hiểu tâm lý con ở giai đoạn này có cần thiết cho mẹ, trong quá trình chăm sóc hoặc cho chính trẻ hay không? Chúng ta cùng tìm hiểu các vấn đề này qua nội dung chia sẻ sau nhé.
Bạn đang đọc: Tâm lý trẻ 1 tuổi – mẹ hiểu bé để khuyến khích con phát triển tốt nhất về tương tác xã hội và cảm xúc
Contents
1. Tâm lý trẻ 1 tuổi qua hành vi của bé
Phần lớn các bé 1 tuổi có những điểm nhấn trong sự phát triển tâm lý và hành vi của mình như dưới đây:
- Bé rất tò mò, có nguồn năng lượng như vô tận để khám phá sự việc chung quanh. Tuy nhiên, trong quá trình khám phá của mình, bé sẽ thường xuyên “dò hỏi” thái độ của bạn, vừa để “xem xét” mình có được khám phá điều này điều kia hay không, vừa để được cảm thấy trấn an khi con chạm đến, khám phá những điều mà mình nhìn thấy.
- Bé trở nên “ồn ào” hơn, phản ứng nhiều hơn trước các sự việc. Chẳng hạn, khi con muốn một món đồ chơi nhưng không được đáp ứng, con sẽ lên tiếng đòi cho bằng được, thậm chí có thể la hét và khóc. Hay, khi bạn cho bé ăn, bé có thể lắc đầu từ chối và lè thức ăn ra ngay cả khi bạn chuẩn bị cho bé món con từng yêu thích trước đó. Đôi khi không hẳn con không muốn ăn, hay biếng ăn , mà có thể là con chỉ đơn giản thể hiện hành vi “từ chối” và “chống đối”.
- Bé có thể chơi cùng bạn các trò chơi thú vị như “chi chi chành chành”, “ú òa”, một số trò chơi tưởng tượng đơn giản. Một số bé còn có thể giải đố những câu đố đơn giản của bạn, vì bé có thể nhớ và sao chép các sự kiện. Chẳng hạn, bạn có thể giấu chiếc nón gần nơi bé ngồi và hỏi con, con sẽ loay hoay tìm ra sau ít phút. Hoặc, quả bóng để trong rổ cuối giường, con sẽ nhớ vị trí này, khi bạn hỏi, con có thể bò tới thẳng nơi chiếc rổ để lấy bóng cho bạn. Hay, con nhớ được vị trí cất đồ chơi yêu thích của mình, khi thích con có thể tự bò đến để chơi.
- Bé cũng thích chơi một mình. Bé 1 tuổi phần lớn đều thích khám phá các ngóc ngách, thích bò khắp nhà, tự vịn đứng thậm chí là đi vài bước một cách tự lập. Con cũng bắt đầu thích tự ăn và không muốn bị can thiệp.
- Bé có thể hiểu một số câu mệnh lệnh hay yêu cầu đơn giản của bạn nhưng con cũng bắt đầu thể hiện rõ sự “ương bướng”, “phản ứng” các câu mệnh lệnh yêu cầu đó. Chẳng hạn, con muốn trèo lên cầu thang, khi bạn nói “no, no” con có thể dừng lại nhìn bạn, song sau đó, con có thể tiếp tục bò lên, bất chấp bạn phản đối. Hay, bạn chỉ cho bé đầu kéo sắc nhọn là nguy hiểm, con sẽ biết sợ những vẫn đụng vào, dù là đụng nhẹ. Đây không chỉ là phản ứng, mà còn là một chút trải nghiệm mà con muốn trải qua, bởi, bản tính của các bé 1 tuổi như đề cập ngay từ đầu bài viết là các bé rất tò mò, thích khám phá.
2. Tương tác xã hội và cảm xúc của trẻ 1 tuổi
- Quan sát các trẻ 1 tuổi, mẹ sẽ thấy khá rõ việc con tỏ ra nhút nhát nhất là phản ứng rõ ràng về thái độ lo lắng khi gặp hay tiếp xúc với người lạ. Một người dì hay một người bác lâu ngày mới gặp khi tỏ ý muốn bồng bế bé, con sẽ tỏ thái độ từ chối và nhìn đăm đăm vì cảm thấy lạ lẫm.
- Khi mẹ hoặc bố hay bà mà trẻ rất theo hàng ngày, nếu rời đi, trẻ sẽ khóc và theo. Con rất thích những cái ôm và có thể thay đổi cảm xúc nhanh chóng. Chẳng hạn, bạn đang bế bé, nhưng khi thấy bố hay bà đi ngang qua, con có thể với theo họ, thay vì ở trong vòng tay bạn, kiểu như “có mới nới cũ” vậy. Đặc biệt hơn, con thể hiện thái độ “ghen tị” rất rõ ràng, nếu bạn ôm một bé khác, bé sẽ phản ứng quyết liệt, thậm chí là khóc lóc.
- Bé ở độ tuổi lên 1 bắt chước rất giỏi, chỉ cần khi nói chuyện, bạn chỉ cho trẻ một thao tác nào đó, bé sẽ bắt chước ngay và nhớ sau đó. Con có thể cầm điện thoại lên nghe như thật vậy, mỗi khi bạn đưa điện thoại và yêu cầu con hãy gọi cho bà đi, gọi cho bố đi,…
Tìm hiểu thêm: Trẻ sơ sinh mắt đổ nhiều ghèn, mẹ ơi đừng chủ quan kẻo hư mắt con!
- Các bé cũng bắt đầu “nói chuyện” nhiều hơn, thể hiện phản ứng của mình trước các sự việc tác động bằng âm thanh của mình. Chẳng hạn, khi bạn muốn con ăn hơn 1 thìa cháo, con có thể lắc đầu kèm theo âm thanh “ư ư” như thể con đã ăn đủ rồi hoặc con chán món này rồi vậy. Hoặc, bạn cũng dễ dàng nhận thấy, bé sẽ trò chuyện khi cùng ngồi bàn ăn với gia đình, vừa “ư ư a a” hoặc la to tiếng, vừa đập thìa hay đũa xuống bàn ăn chẳng hạn.
- Bé 1 tuổi cũng bắt đầu thích chơi cùng bạn ở xung quanh, mặc dù lúc này con chưa biết tương tác với bạn.
- Có thể nói rằng, tương tác xã hội của các bé 1 tuổi rất đáng chú ý với các điểm nhấn rất nổi trội là, con phản ứng khi gặp người lạ, tỏ ra lo lắng khi tiếp xúc với những ai con thấy lạ lẫm. Con sẽ trò chuyện bất kể lúc nào con thích và thể hiện bằng ngôn ngữ của bản thân.
3. Hiểu tâm lý con để khuyến khích bé phát triển tương tác xã hội và cảm xúc
Có thể nhiều người cho rằng, tâm lý của trẻ ở độ tuổi 1 tuổi không có điểm nào thực sự cần chú ý hay quan trọng lắm và tuổi này con không biết nhiều. Nhưng, nếu bạn quan sát bé, bạn sẽ phát hiện ra, mỗi ngày hay mỗi tuần, bé đều có những cái mới, tiến bộ mới, phát triển và thay đổi rất nhanh, thể hiện rõ ràng qua hành vi và cảm xúc của mình.
Như phần 1 & 2 đã đề cập, chúng ta cũng có thể thấy qua, có rất nhiều tiểu tiết trong sự thay đổi của bé, chứ không chỉ ở vài điểm nhấn phải không nhỉ. Cũng qua những đặc điểm của con, các chuyên gia khuyên rằng, bạn nên có những đáp ứng và hỗ trợ nhất định, để giúp trẻ phát triển tốt hơn về tương tác xã hội và cảm xúc – 2 đặc điểm nổi trội nhất, bắt đầu thay đổi, phát triển mạnh mẽ rõ ràng ở độ tuổi này. Như thế, cũng đồng nghĩa với việc bạn đang cùng bé tạo một nền tảng thật tốt cho giai đoạn phát triển sau của con.
Một số việc bạn có thể làm và lưu ý để giúp con ở thời gian này như:
- Thường xuyên đưa ra cho con các câu đố về sự vật hay sự việc, yêu cầu con tìm một số đồ vật đơn giản, dạy con một số bộ phận trên cơ thể, cũng như gọi tên các đồ vật đơn giản dễ nhớ để bé thực hành.
- Cung cấp cho con một số công cụ đơn giản để có thể chơi các trò chơi giả vờ.
- Giúp con làm quen với người thân chung quanh để con bớt lạ lẫm hay lo lắng, sợ hãi.
- Cho con chơi cùng các bạn cùng tầm tuổi để giúp con có thể tương tác tốt hơn.
- Nếu con đang vui vẻ chơi một mình, bạn hãy tôn trọng trẻ và đừng can thiệp.
- Cho con ra ngoài chơi, đến các công viên, đi xe bus, đi siêu thị,…đây cũng là cách hay để bạn khuyến khích sự tò mò khám phá của trẻ. Nhờ đó, con có thêm hiểu biết, nhận thức về thế giới xung quanh một cách sinh động, nhiều màu sắc hơn.
- Lưu ý cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là, mỗi đứa trẻ có tốc độ phát triển, mức độ, hành vi, thay đổi tâm lý không giống nhau. Con hoàn toàn có thể vượt trội so với bạn nhưng có thể cũng không bằng bạn cùng trang lứa, nhưng điều này không phản ánh quá trình phát triển, lớn lên hay quyết định những diễn tiến tâm lý của bé trong tương lai. Do đó, bạn đừng lo lắng và không tạo áp lực cho con cũng như chính bản thân. Điều bạn cần làm là hiểu con để có cách phù hợp nhất, giúp con phát triển tốt nhất trong giai đoạn của mình.
4. Những bất thường trong phát triển tâm lý trẻ 1 tuổi cần can thiệp
Có thể có một số dấu hiệu bất thường đáng chú ý liên quan đến phát triển tâm lý trẻ 1 tuổi, bạn cần phát hiện để tìm hiểu, xác định nguyên nhân và can thiệp nếu cần thiết, cụ thể như:
- Trẻ không tỏ bất kỳ lo lắng nào khi bạn rời đi, hoặc bạn đi đâu đó một lúc lâu mới quay trở lại với trẻ mà con không có bất cứ phản ứng nào.
- Ở bên người quen thuộc hay người lạ, con đều không có phản ứng hoặc phản ứng yếu ớt, không rõ rệt.
- Con không có khuynh hướng tham gia hay hòa vào đám đông những người xung quanh mình.
- Con không có biểu hiện muốn được ôm ấp, theo bạn hoặc theo bố hay theo bà là những người rất gần gũi thường xuyên chăm sóc ôm ấp mình.
Nếu nhận thấy những biểu hiện trên, bạn nên theo dõi kỹ hơn thêm một khoảng thời gian ngắn nữa hành vi, cảm xúc của bé và mang con đi bác sỹ nhi khoa để thăm khám kiểm tra, xem con thực sự có đang gặp những bất ổn nào không, nhằm có cách xử lý kịp thời. Điều này rất ý nghĩa và quan trọng, để không làm gián đoạn sự phát triển của con.
>>>>>Xem thêm: 10 câu chúc Tết cho trẻ em hay và rất dễ thuộc mẹ hãy dạy bé ngay
Tâm lý trẻ 1 tuổi thực chất có rất nhiều điều khiến chúng ta phải chú ý phải không bạn. Chỉ cần bạn quan sát con kỹ lưỡng, bạn sẽ phát hiện ra con có nhiều thay đổi rất thú vị. Và một khi hiểu tâm lý bé, bạn có thể giúp bé phát huy hết khả năng của mình ở giai đoạn này, nhất là về nhận thức, ngôn ngữ, cảm xúc và là tiền đề thật tốt cho giai đoạn phát triển sau của con.
Nguồn tham khảo: Kidspot, CDC & Child Mind
Cát Lâm tổng hợp