Đối với nhiều phụ nữ nói chung, phụ nữ Mỹ nói riêng, chứng són tiểu sau sinh – hay mất kiểm soát bàng quang – là một triệu chứng đơn giản. Đây được coi là điều tất yếu sẽ gặp nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi sinh con. Tuy nhiên đối với phụ nữ Pháp thì không như vậy.
Contents
- 1 Phụ nữ Pháp không bị chứng són tiểu sau sinh hay mất kiểm soát bàng quang – Phụ nữ Mỹ và bạn cũng nên như vậy!
- 2 1. Tại sao tỉ lệ bị són tiểu sau sinh hay mất kiểm soát bàng quang ở phụ nữ Pháp thấp?
- 3 2. Trải nghiệm sau sinh của phụ nữ Pháp: “La Rééducation Périnéale”
- 4 3. Trải nghiệm sau sinh của phụ nữ Mỹ: “Không phải thủ tục chuẩn”
- 5 4. Có phải Pháp là nước tiên tiến hơn hầu hết các nước khác?
- 6 5. Phụ nữ Mỹ có thể làm gì?
Phụ nữ Pháp không bị chứng són tiểu sau sinh hay mất kiểm soát bàng quang – Phụ nữ Mỹ và bạn cũng nên như vậy!
Các cơ và dây thần kinh quanh bàng quang và xương chậu bị yếu đi trong quá trình mang thai và sinh nở, gây khó khăn cho việc kiểm soát nước tiểu. Và hậu quả là nhiều phụ nữ bị són tiểu khi ho, hắt hơi hay tập các bài tập thể dục nặng, điều này sẽ gây khó chịu và phiền toái. Thế nhưng khi trao đổi với bác sỹ, họ không phải lúc nào cũng tích cực đưa ra lời khuyên hữu ích mà chỉ nói với bạn: “Đừng lo, điều đó là bình thường và cũng rất phổ biến, bạn sẽ học được cách sống chung với “lũ”.” Tuy nhiên đối với phụ nữ Pháp thì mọi chuyện lại không như vậy.
1. Tại sao tỉ lệ bị són tiểu sau sinh hay mất kiểm soát bàng quang ở phụ nữ Pháp thấp?
Khoảng 65% phụ nữ Mỹ đã trải qua tình trạng này sau sinh. Abby Bales, D.P.T, một bác sỹ chuyên về vật lý trị liệu sức khỏe phụ nữ ở New York cho biết “Con số có thể lên đến 75%, vì nhiều bác sỹ thường không công bố số liệu về nó”, mặt khác tỷ lệ này ở phụ nữ Pháp khá thấp: khoảng 30% sẽ gặp phải tình trạng mất kiểm soát ở độ tuổi 40 và khoảng 20% ở độ tuổi 30. Tại sao lại có sự khác biệt lớn như vậy? Vì phụ nữ Pháp đến những trung tâm phục hồi chức năng vùng kín sau khi sinh.
2. Trải nghiệm sau sinh của phụ nữ Pháp: “La Rééducation Périnéale”
Theo Cécile Cabirou, một nữ hộ sinh ở Paris thì Pháp bắt đầu đưa ra phương pháp vật lý trị liệu cho sàn chậu – “La Rééducation Périnéale” – cho tất cả các bà mẹ mới sinh vào năm 1985 sau khi nhiều bác sỹ và các nghiên cứu cho thấy, họ có nguy cơ tăng khả năng mất kiểm soát bàng quang sau sinh. Hiện nay, tại bệnh viện sản khoa hoặc trong những cuộc hẹn kiểm tra 6 tuần sau sinh, mọi phụ nữ được hướng dẫn đến gặp một nữ hộ sinh được đào tạo chuyên về vật lý trị liệu sàn chậu. Bảo hiểm y tế do chính phủ tài trợ sẽ chi trả 100% chi phí cho quá trình trị liệu bao gồm 20 buổi, 10 buổi để cải thiện chức năng sàn chậu và 10 buổi cho phần bụng.
Chị Cabirou cho biết: “Việc trị liệu ngay sau sinh giúp ngăn ngừa sự mất kiểm soát bàng quang về sau này. Sàn chậu cũng cần những bài tập thể chất giống như các cơ khác của cơ thể vậy. Ý tưởng này giúp phụ nữ lấy lại cảm giác ở khu vực này.”
Sau một cuộc đánh giá nội bộ về tình trạng của sàn chậu, các nữ hộ sinh sẽ hướng dẫn các bà mẹ những bài tập về sàn chậu. Một số nữ hộ sinh sẽ dùng ngón tay để kiểm tra mức độ co thắt thành âm đạo của các học viên. Một số khác sẽ dùng đầu dò âm đạo được nối với dây dẫn và màn hình sẽ thể hiện đường biểu đồ nếu cơ sàn chậu co lại. Có khoảng gần một chục cơ bắp ở khu vực này và các nữ hộ sinh sẽ giúp học viên cảm nhận được cảm giác khi tất cả chúng đều hoạt động.
Chị Cabirou chia sẻ: “Chúng tôi làm cho các bà mẹ cảm thấy và luyện tập co thắt các khu vực ở vùng sàn chậu. Để làm cho nó dễ hiểu hơn, chúng tôi dùng hình ảnh của những đợt sóng để minh họa, và chúng tôi hướng dẫn họ luyện tập các bó cơ khác nhau này”. Một buổi gặp kéo dài khoảng 30 phút, và mọi người đến 2 lần 1 tuần đến khi nào họ vẫn thấy cần sự giúp đỡ. Ở mỗi buổi hẹn, chúng tôi sẽ đánh giá mức độ tiến bộ của mỗi người và mọi người sẽ được giao những bài tập để thực hiện ở nhà.
Marie, một hướng dẫn viên ở Paris, được nhận hai liệu trình và cô tận dụng cả hai lần vật lý trị liệu sàn chậu sau sinh. Cô cho biết “Tôi nghĩ mình sẽ ổn sau liệu trình đầu tiên, vì tôi không sinh thường. Tuy nhiên ở buổi thử, tôi chỉ ghi được 0 điểm trong thang điểm 0-5 (0 là yếu nhất và 5 là mạnh nhất) và đã cực kỳ ngạc nhiên. Thật là phiền, bạn thực sự không muốn đến những buổi trị liệu vì bạn còn con nhỏ ở nhà, nhưng rồi vẫn phải đến và tới buổi tập thứ 10 tôi đã ghi được 5 điểm, nó thật sự hiệu quả.”
Liệu trình vật lý trị liệu sàn chậu sau sinh luôn mang lại hiệu quả nhất định cho phụ nữ sau sinh. Ảnh Internet
Mặc dù những buổi trị liệu như vậy là miễn phí và khá hiệu quả, chị Cabirou cho biết vẫn chỉ có khoảng 1/4 phụ nữ Pháp thực sự tận dụng những bài tập này. Chị nói: “Rất nhiều phụ nữ không tham gia vì họ mệt mỏi, họ có con nhỏ và họ phải đi làm. Một số người thì không đến vì họ không muốn bị xúc động ở đó sau sinh.”
“Và thực ra thì ở đó cũng không đủ người hướng dẫn. Tôi thường phải từ chối học viên mới vì tôi đã có quá đông học viên. Một số người đã phải bỏ tập vì không tìm được người hướng dẫn.
Dù sao thì 1/4 cũng vẫn là con số khá ấn tượng nếu so với phụ nữ Mỹ.
3. Trải nghiệm sau sinh của phụ nữ Mỹ: “Không phải thủ tục chuẩn”
Ở Mỹ, phục hồi chức năng không phải là một phần của chế độ sau sinh. Việc đánh giá và phục hồi chức năng cơ sàn chậu không phải là mục đích đào tạo hoặc thủ tục chuẩn của bác sỹ sản khoa.
Elizabeth Etkin-Kramer, M.D., một bác sỹ sản khoa ở Miami cho biết: “Một buổi khám vùng chậu không bao gồm khám cơ sàn chậu, mặc dù nó phụ thuộc vào bác sỹ phụ khoa của bạn.” Tại văn phòng của mình, bác sỹ Etkin-Kramer luôn hỏi sản phụ về chứng són tiểu vào buổi kiểm tra 6 tuần sau sinh. Nếu có vấn đề, cô sẽ kiểm tra. Và nếu cơ sàn chậu của sản phụ bị yếu, cô sẽ giới thiệu họ đến gặp chuyên gia vật lý trị liệu vùng chậu.
Nhưng đó không phải là một trường hợp điển hình. Trong số những phụ nữ mà chuyên gia vật lý trị liệu Bales đang điều trị, rất ít người cho biết bác sỹ của họ có hỏi về tình trạng rò rỉ nước tiểu. Thay vì vậy, tại buổi thăm khám 6 tuần sau sinh, bác sỹ tập trung vào các vấn đề y tế – họ có 15 phút để kiểm tra một danh sách dài gồm: tránh thai, cho con bú sữa mẹ và khám vùng chậu để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng, sót nhau và sẹo.
Tìm hiểu thêm: Cách giữ trẻ lâu khiến các mẹ không quá mệt mỏi
Bác sỹ Bales cũng cho biết thêm: “Cho dù triệu chứng són tiểu có xảy ra, thì chỉ 1 trong 6 bệnh nhân của cô nói rằng bác sỹ sản phụ khoa đề xuất tiến hành vật lý trị liệu cơ sàn chậu – còn hầu hết họ đều tìm thấy thông tin về điều trị trên mạng chứ không phải từ sự giới thiệu của bác sỹ.”
Nói cách khác thì đối với phụ nữ Mỹ, yêu cầu giúp đỡ phụ thuộc vào chính họ. Nhưng vấn đề là, trừ khi họ trải qua tình trạng mất kiểm soát nghiêm trọng – thường sẽ nặng hơn theo thời gian – nhiều người không biết là mình có vấn đề về cơ sàn chậu dù thực hiện thăm khám 6 tuần sau sinh. Theo bác sỹ Bales “Phụ nữ không biết họ sẽ bị đau khi quan hệ tình dục vì họ chưa quay lại chuyện đó. Họ có thể cũng không biết mình có những cơn co thắt ở sàn chậu vị họ chưa dùng lại tampon.”
Hơn nữa, nhiều phụ nữ bị chứng này thấy xấu hổ khi cho bác sỹ của họ biết. Bác sỹ Etkin-Kramer nói: “Phụ nữ thường không tự mình nói ra những khó chịu mà họ đang gặp phải.”
Một số khác thì nghĩ rằng việc bị són tiểu sau sinh là điều bình thường. Bác sỹ Bales cho biết: “Bệnh nhân thường cho tôi biết khi họ hỏi thì các bác sỹ nói triệu chứng này là bình thường, nó sẽ giảm dần hoặc bạn phải tập sống quen với nó. Một diễn viên hài đã đùa rằng thật hài hước khi cô đã bị són tiểu khi cười vì cô đã có 2 con. Họ đang đùa về tình trạng này, bình thường hóa nó. Tôi cho rằng, mặc dù nó khá phổ biến nhưng nó không bình thường.”
Bác sỹ Bales cũng nói cô thường gặp những trường hợp phụ nữ sinh con được 4-5 năm đến tìm sự giúp đỡ vì bác sỹ vật lý trị liệu khác mà họ gặp vì chứng đau khớp hay đau lưng, rồi hỏi cả về tình trạng mất kiểm soát bàng quang và bác sỹ đó đã giới thiệu họ đến với cô.
Bác sỹ Bales chia sẻ: “Tôi có một bệnh nhân sinh con thứ hai cách nay 4 năm. Cô ấy là một vận động viên điền kinh và đã bị tiểu không tự chủ cũng như đau hông khi chạy. Cô đã hỏi bác sỹ sản phụ khoa nhưng chỉ được khuyên là hãy dùng băng vệ sinh khi chạy hoặc là đừng chạy nữa. Những phụ nữ này đâu có ngốc, họ đặt đúng câu hỏi nhưng lại gặp những người không muốn dính líu đến và chỉ muốn giới thiệu họ qua một lĩnh vực khác.”
4. Có phải Pháp là nước tiên tiến hơn hầu hết các nước khác?
Cho dù nằm giữa các nước Châu Âu khác, Pháp vẫn là một ngoại lệ. Chị Cabirou nói ở Đức và Anh, phụ nữ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để phục hồi cơ bụng chứ không phải sàn chậu. Cũng không nước nào coi vật lý trị liệu sàn chậu là tất yếu hay nói về nó nhiều.
Cabirou tin rằng có nhiều lý do khiến Pháp đi đầu trong lĩnh vực này, và chúng có liên quan đến văn hóa. Theo cô: “Khi chúng tôi nói về vùng sàn chậu, nghĩa là có liên quan đến tình dục, một lĩnh vực bị cấm đối với văn hóa đạo Công giáo. Tuy nhiên, từ phong trào giải phóng phụ nữ ở Pháp vào năm 1968 mọi thứ đã thay đổi. Chúng tôi chăm sóc bản thân để không bị mất kiểm soát. Nó phù hợp với chủ nghĩa nữ quyền. Ngay cả trước khi có con thì đây cũng nên là một phần của việc giáo dục những phụ nữ trẻ. Ngay khi còn nhỏ, chúng ta nên giải thích cho các bé gái rằng đó là một cơ để co thắt, đó là một ý tưởng hay.”
Còn theo bác sỹ Etkin Kramer: “Đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ, bạn sẽ không nhận được sự giúp đỡ nếu không tự tiếp cận với nó, trong khi điều đó là tất yếu ở các quốc gia khác.”
Bác sỹ Bales cũng đồng tình với ý kiến này: “Chúng tôi phải xem việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ sau sinh là vấn đề y tế thiết yếu và đưa phụ nữ đi tập phục hồi chức năng ngay. Nếu không, mọi thứ sẽ giống như thời chế độ phụ hệ, khi mà sức khỏe của phụ nữ không phải là vấn đề ưu tiên.”
5. Phụ nữ Mỹ có thể làm gì?
Vậy thì phụ nữ Mỹ có thể làm gì nếu không nhận được sự trợ giúp của bác sỹ trong việc phục hồi chức năng cơ sàn chậu? Câu trả lời là bài tập Kegel (động tác co và thả lỏng cơ âm đạo và vùng sàn chậu) – và tập thường xuyên. Chị Cabirou đề xuất thực hiện động tác Kegel khoảng 40 lần một ngày – khi ở trên xe buýt hay khi đang nấu ăn…Luyện tập cơ sàn chậu là một bài tập lành mạnh giống như bạn đánh răng hàng ngày. Phụ nữ không nên bỏ qua một ngày mà không thực hiện nó.
Bạn không chắc mình thực hiện đúng động tác Kegel? Hãy ngồi lên ghế hoặc một quả bóng rồi cố gắng thít vùng cơ sàn chậu lên trên và vào trong, nếu bạn cảm thấy cơ sàn chậu của bạn nhấc lên nghĩa là bạn đang làm đúng. Bạn cũng có thể kiểm tra bằng cách ngưng tiểu giữa chừng. Nếu bạn không thể làm điều đó thì đã đến lúc phải đánh giá lại sức khỏe cơ sàn chậu của bạn.
Tuy nhiên, bác sỹ Bales lưu ý rằng vì rối loạn cơ sàn chậu có thể do hoạt động quá mức của vùng đáy chậu nên chỉ bài tập Kegel là không đủ, khi đó thì bạn sẽ cần đến một bác sỹ được đào tạo chuyên về vật lý trị liệu cơ sàn chậu. Việc phục hồi chức năng của khu vực này sẽ giúp ngăn ngừa chứng són tiểu, mất kiểm soát bàng quang sau này, đồng thời sẽ khiến quan hệ tình dục sau sinh trở nên tuyệt vời hơn.
>>>>>Xem thêm: 4 cách nấu cháo cho bé 8 tháng đơn giản nhưng ngon miệng và đầy đủ chất dinh dưỡng
Tin tốt là bảo hiểm sẽ chi trả phần phí vật lý trị liệu cho việc kiểm soát chứng són tiểu. Bác sỹ Bales cho biết phụ thuộc vào nơi ở của bạn, bạn có thể đến gặp chuyên gia vật lý trị liệu khoảng 10 buổi. Hầu hết các chuyên gia vật lý trị liệu muốn bạn đến gặp bác sỹ sản phụ khoa trước, để được đánh giá tình trạng sức khỏe (và cũng vì nếu được bác sỹ sản phụ khoa giới thiệu thì chi phí sẽ được bảo hiểm chi trả).
Hãy bắt đầu sớm thôi. Bác sỹ Bales nói: “Chứng són tiểu sau sinh, mất kiểm soát bàng quang sẽ ngày càng tệ đi, và không thể tự nó khá hơn được. Các dây thần kinh có thể tái tạo phần nào, nhưng hầu hết phải mất cả năm. Vì vậy nếu bạn muốn kích thích các dây thần kinh để chúng phục hồi sớm hơn cũng như cải tạo cơ bắp, thì bạn cần được trợ giúp càng sớm càng tốt.
Bạn thấy đấy, sau sinh, tình trạng són tiểu và mất kiểm soát có thể xảy ra hầu hết với chị em phụ nữ, ở các mức độ nhẹ hay nặng. Do đó, chị em hãy quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của mình nhé. Hãy nghiên cứu các bài tập kegel hữu ích và duy trì tập luyện để cơ sàn chậu mau phục hồi. Như thế, bạn sẽ tránh được chứng són tiểu hay mất kiểm soát bàng quang trong tương lai.
Theo Livestrong
Lily Nguyễn lược dịch