Sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các bậc làm cha, làm mẹ. Tất cả những thông tin thú vị về diễn biến trong quá trình phát triển của thai nhi sẽ cho mẹ biết bé yêu thay đổi ra sao theo từng giai đoạn của thai kỳ. Dưới đây là quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ theo từng tháng.
Bạn đang đọc: Sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ với những thay đổi diệu kỳ
Contents
- 1 1. Sự phát triển của thai nhi ở tháng đầu tiên
- 2 2. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 2
- 3 3. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 3
- 4 4. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 4
- 5 5. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 5
- 6 6. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 6
- 7 7. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 7
- 8 8. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 8
- 9 9. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 9
1. Sự phát triển của thai nhi ở tháng đầu tiên
Sau khi thụ tinh, phôi thai bắt đầu tiết ra một loại hormone làm cho lớp nội mạc tử cung không bị bong ra dẫn đến sự gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt. Sau 4 tuần lễ đầu, phôi thai hình thành có 3 lớp khác nhau sẽ phát triển thành các cơ quan nội tạng như phổi, dạ dày, gan (lớp bên trong), xương, cơ, thận, cơ quan sinh dục và tim (lớp giữa), hình thành cơ và các bộ phận khác như da, tóc, mắt và hệ thống thần kinh (lớp bên ngoài).
2. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 2
Lúc này kích thước của em bé đã được khoảng 2 cm to gấp 10.000 lần so với lúc vừa thụ tinh. Đầu của bé ngày càng phát triển to hơn so với các bộ phận khác của cơ thể và như cúi gập vào ngực bé.
Mí mắt và đôi tai của thai nhi đang được thành hình. Tay và chân của bé phát triển rõ ràng hơn nhưng vẫn được bao bọc bởi lớp màng. Các tế bào trong não bộ của bé bắt đầu tập trung hình thành và phát triển với tốc độ 100 tế bào mỗi phút.
3. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 3
Em bé đã được khoảng 5cm, nặng khoảng 14g và bắt đầu tự di chuyển. Mẹ bầu có thể cảm nhận được sự hiện diện diệu kỳ của con ở đầu tử cung.
Hầu hết các bộ phận chính của cơ thể như gan, thận, ruột, não sẽ phát triển hoàn chỉnh vào cuối tháng này. Bạn có thể nghe thấy nhịp tim của thai nhi bằng các dụng cụ đặc biệt. Các tế bào thần kinh trong não cũng đang tăng trưởng với một tốc độ đáng kinh ngạc.
4. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 4
Tháng thứ tư đánh dấu sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ bằng sự hình thành và hoạt động ổn định của hệ thống tiêu hóa. Mắt bé đã có thể chớp và em bé có thể nhăn mặt hoặc nheo mắt.
Thời điểm này bộ phận sinh dục hoàn thành giai đoạn phát triển nên bác sĩ có thể biết chính xác giới tính thai nhi. Tim cùng với các mạch máu đã hoàn toàn định hình. Các ngón tay và ngón chân của bé cũng xuất hiện vân. Tại thời điểm này, bé dài khoảng 15-20 cm và nặng khoảng 250g với sự phát triển hoàn chỉnh của nhau thai và dây rốn.
5. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 5
Đây là một giai đoạn tăng trưởng vượt bậc của thai nhi với sự phát triển mạnh mẽ về cơ bắp. Lúc này, tay chân bé cũng linh hoạt hơn rất nhiều, bé đã có thể mút ngón tay, ngáp, duỗi và làm các khuôn mặt khác nhau. Xương của bé cứng cáp hơn, tai của bé ngày càng thành hình rõ ràng hơn. Giai đoạn này, bé đã dài khoảng 25cm và nặng 400g.
Tìm hiểu thêm: Xử lý nhanh khi sản phụ đau đẻ tại nhà không kịp đến bệnh viện
6. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 6
Bé đã nặng hơn 700g dài khoảng 35 cm và bắt đầu tích mỡ dưới da nên làn da bé trở nên căng hơn. Sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ tháng thứ 6 được đánh dấu bằng sự phát triển của xương tai trong và đầu mút thần kinh não. Không chỉ nghe những âm thanh bên ngoài, con yêu giờ đây còn có thể phản ứng lại bằng cử động hoặc tăng nhịp tim.
7. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 7
Sự phát triển của não bộ trong giai đoạn này gần như hoàn chỉnh. Thai nhi cũng có những chuyển động rõ ràng và cũng đã có phản ứng với sự thay đổi ánh sáng trong tử cung của mẹ bằng cách mở mắt, chớp mắt.
Bé có thể cảm nhận được cảm xúc và giọng nói của người mẹ Vì vậy, mẹ nên thường xuyên nói chuyện với bé sẽ có thể khiến bé cảm thấy an tâm hơn. Trong tháng này, bé lớn nhanh như thổi, dài khoảng 40cm và nặng khoảng 1,1kg.
8. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 8
Hầu hết cơ quan của thai nhi trong tháng thứ 8 đã phát triển hoàn chỉnh tại thời điểm này. Sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ tháng thứ 8 đánh dấu sự trưởng thành của phổi và hệ thần kinh trung ương với hàng tỷ tế bào thần kinh đang được phát triển trong não bộ của bé.
9. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 9
Đến tháng thứ 9, bé đã phát triển toàn diện và bắt đầu quay đầu xuống xương chậu mẹ để chuẩn bị ra ngoài. Bé cưng đã tròn trịa hơn trước rất nhiều và trong trạng thái sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Thông thường, một em bé ở giai đoạn này sẽ nặng khoảng 3 – 3,5kg và dài 50cm. Các mẹ nên đi khám thai mỗi tuần cho bác sĩ kiểm tra tốc độ tăng trưởng, vị trí hiện tại của thai nhi, độ mở của tử cung…để đảm bảo cho quá trình “vượt cạn” sắp tới được diễn ra hoàn hảo nhé!
>>>>>Xem thêm: Hiểu đúng về việc đình chỉ thai
Theo dõi sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ sẽ giúp bố mẹ biết con yêu thay đổi như thế nào qua từng tháng trước khi chào đời và có những trải nghiệm thú vị khi nhìn thấy thiên thần nhỏ đang lớn lên từng ngày. Mẹ cũng nhớ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo cho sức khỏe của cả mẹ và con nhé!
Ánh Ngọc tổng hợp