Sự phát triển của bé 7 tháng tuổi có nhiều đổi thay thú vị. Bởi ngay lúc này, từ thói quen ăn uống cho đến giờ giấc sinh hoạt của bé sẽ khác biệt so với lúc bé 5 – 6 tháng tuổi. Bên cạnh đó, thời điểm bước sang tháng tuổi thứ 7 bé sẽ trở nên “khó bảo” hơn khi liên tục đòi bố mẹ hoặc không chịu ăn những món ăn dặm hay ngủ đúng giờ giấc mà tháng trước bố mẹ dày công luyện tập.
Bạn đang đọc: Sự phát triển của bé 7 tháng tuổi và những đổi thay ấn tượng
Contents
1. Sự phát triển của bé 7 tháng tuổi – dấu ấn của nhiều kỹ năng
So với thời điểm 6 tháng tuổi, khi bước sang tháng tuổi thứ 7 một số kỹ năng của bé đã hoàn thiện hơn rất nhiều. Ở thời điểm này, nếu bố mẹ để ý sẽ thấy bé làm nhiều điều đáng ngạc nhiên.
1.1. Bé 7 tháng tuổi hoàn thiện kỹ năng vận động
7 tháng tuổi là thời gian bé trở nên cứng cáp và tỏ ra thành thạo những kỹ năng vận động cơ bản. Những kỹ năng như lật, nghiêng, giữ thẳng cổ trong thời gian dài trở thành chuyện thường với bé. Bây giờ, với một số bé đã có thể ngồi một mình mà bố mẹ không cần giúp đỡ (tuy nhiên vẫn cần có người theo dõi để bảo đảm an toàn cho bé nhé), hoặc có một số bé sẽ bắt đầu trườn, bò, lết… rồi đấy.
Bên cạnh đó, một số bé 7 tháng tuổi sẽ tỏ ra cứng cáp hơn ở khả năng vịn để nâng người lên (mặc dù chưa thể đứng lâu), hoặc tỏ ra thích thú khi được bố mẹ nâng đỡ ở hai cánh tay để bé tự trụ trên hai chân mình. Vì thế, ở giai đoạn này nếu thấy bé có những kỹ năng này thì bố mẹ phải tỏ ra khuyến khích bé, có thể dành thêm thời gian cho bé tập đứng để giúp cơ chân bé khỏe lên mỗi ngày, hoặc một số bố mẹ mạnh dạn hơn có thể “tập đi” cho bé theo nhu cầu nhé.
Riêng ở kỹ năng hai bàn tay, bé 7 tháng tuổi tỏ ra thành thạo hơn hết. Nếu như ở cột mốc 6 tháng tuổi bé chỉ biết cầm nắm hoặc buông thả đồ vật thì bây giờ bé đã biết dùng 10 ngón tay rất linh hoạt. Khi bé phát hiện một vật gì đó xung quanh bé sẽ tức khắc nhặt lên một cách có chủ đích, và tỏ ra dễ dàng hơn trong việc nhặt nhạnh đồ vật. Do đó, khi bé bước sang tháng tuổi thứ 7 bố mẹ có thể sắm những đồ chơi như xếp hình nhiều màu, bộ lục lạc… để bé chơi đùa và hoàn thiện kỹ năng tay.
Và để phát triển hơn kỹ năng vận động, khi bé tròn 7 tháng tuổi, bố mẹ hãy tạo điều kiện cho bé được vận động ở những không gian rộng như sân, công viên (có trải thảm để tránh va chạm mạnh), hạn chế bắt bé ngồi xe đẩy hoặc để bé trong cũi chật hẹp.
1.2. Bé 7 tháng tuổi “sành sỏi” trong kỹ năng giao tiếp
Người ta bảo rằng với trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi thì có thể nhận biết được bố và mẹ, còn khi bước sang tháng tuổi thứ 7 thì bé “biết mọi thứ” và tỏ ra “sành sỏi” trong giao tiếp.
Tất nhiên, sự “sành sỏi” trong kỹ năng giao tiếp ở bé 7 tháng tuổi được thể hiện theo ngôn ngữ cơ thể riêng của bé. Thời điểm này, bố mẹ quan sát sẽ thấy bé bắt đầu phản ứng trước những thái độ buồn, vui của bố mẹ. Ví dụ, nếu mẹ tỏ ra “mặt lạnh”, “mắng” bé thì bé sẽ mếu máo ngay lập tức, hoặc đôi khi bé sẽ tỏ ra “sợ” mẹ, hoặc căng thẳng khi đòi bú mà mẹ không cho.
Bên cạnh đó, nhiều bé ở giai đoạn này lại tỏ ra “thiếu hợp tác” với những lời bố mẹ nói. Ví dụ đôi khi bé sẽ hét lên và biểu lộ cảm xúc cho người khác biết là bé không thích điều gì đó, hoặc “cự” mẹ khi được ru ngủ. Nếu có những biểu hiện này, bố mẹ đừng vội lớn tiếng với bé, thay vào đó hãy tỏ ra dịu dàng để bé hiểu sự yêu thương của bố mẹ dành cho mình.
Vì bé 7 tháng tuổi “hiểu mọi thứ” nên bố mẹ phải thường xuyên trò chuyện với bé nhé. Hãy quan sát những biểu cảm của bé để biết bé đang có nhu cầu gì. Mặt khác, nếu có thời gian bố mẹ hãy tạo những bất ngờ nho nhỏ cho bé ở thời gian này: mua đồ chơi mới, tập cho bé cùng hát và vỗ tay, thay đổi những câu chuyện kể mới…
1.3. Bé 7 tháng tuổi có kỹ năng học hỏi rất nhanh
7 tháng tuổi mặc dù còn rất nhỏ nhưng bé sẽ tỏ ra “trưởng thành” trong việc bắt chước những hành động mà bố mẹ dạy bé mỗi ngày như: vỗ tay, cười duyên, vẫy tay bye bye… Sở dĩ bé 7 tháng tuổi có sự phát triển vượt bậc này là do trí nhớ bé đang vận hành hoàn thiện hơn, bé bắt đầu ghi nhớ những điều thân quen ở thế giới xung quanh mình: từ đồ chơi cho đến những hành động của bố mẹ.
Tìm hiểu thêm: Bé 12 tháng tuổi và phương pháp dạy bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ
Điều thú vị hơn ở tháng tuổi thứ 7 chính là việc bé thích được gần gũi thường xuyên với mẹ. Mỗi ngày bé sẽ đòi được mẹ bồng nhiều hơn và tỏ ra không thích người lạ đến gần. Bé sẽ tỏ ra “tự tin” trò chuyện với những người thân khi nhận thấy khuôn mặt và giọng nói quen thuộc – đây chính là kỹ năng cảm nhận rất quan trọng trong sự phát triển của bé đấy.
Lời khuyên dành cho các bố mẹ để phát triển kỹ năng học hỏi cho bé 7 tháng tuổi chính là hãy dành thời gian chơi với bé bằng việc đọc sách, cho trẻ xem hình ảnh, chơi các trò chơi giấu đồ vật, ú òa…
2. Chăm sóc bé 7 tháng tuổi như thế nào để con phát triển toàn diện?
Chăm sóc con cái dù ở tuổi nào thì bố mẹ cũng phải “chịu thiệt”. Tuy nhiên, khi bé còn nhỏ thì bố mẹ càng mệt hơn do phải chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ. Thời điểm bé đạt 7 tháng tuổi được xem là giai đoạn “mệt nhất” bởi lúc này bé bắt đầu biết ốm cũng như biết “quấy” bố mẹ nhiều hơn trước đó.
- 7 tháng tuổi bắt đầu ốm nhiều hơn : Nếu như từ lúc chào đời cho tới 6 tháng tuổi bé sẽ có đề kháng từ sữa mẹ do đó ở giai đoạn này bố mẹ thấy bé hoàn toàn miễn dịch. Nhưng bước sang tháng thứ 7 bé bắt đầu ăn dặm, chơi nhiều đồ chơi, tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều và từ đây bé bắt đầu nhiễm nhiều bệnh thông thường như sốt, cảm cúm, viêm họng… Lúc này, lời khuyên dành cho bố mẹ là hãy sẵn sàng “để con được ốm” nhé và đặc biệt không được “lo quá” nên tự tiện mua đủ loại thuốc cho con uống. Hãy đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn, bên cạnh đó giữ không gian, đồ chơi, thân thể bé thật sạch để phòng bệnh.
- 7 tháng tuổi cần dinh dưỡng ra sao : 7 tháng tuổi bé vẫn bú sữa mẹ bên cạnh việc tập cho bé ăn dặm . Nếu như ở giai đoạn 6 tháng tuổi bố mẹ đang cho bé ăn nhuyễn thì bây giờ có thể chuyển qua cho bé ăn đặc để tăng cường khả năng nhai cho bé. Mặt khác, bố mẹ nên xây dựng thực đơn đa dạng hơn cho bé với nhiều loại thực phẩm như thịt nạc, cá, rau củ, trứng gà (lòng đỏ)… Thêm một lưu ý nho nhỏ nữa là thức ăn cho bé ở giai đoạn này vẫn chưa cần nêm gia vị.
- Đảm bảo an toàn cho bé 7 tháng tuổi : như đề cập ở trên, giai đoạn 7 tháng tuổi bé phát triển nhiều kỹ năng vận động mới như tập vịn, trườn, bò… Do đó để đảm bảo an toàn cho bé bố mẹ phải luôn trông chừng. Khu vực bé chơi tuyệt đối không có các vật sắc nhọn hoặc những đồ chơi quá nhỏ (bé tự bốc ăn và gây hóc rất nguy hiểm).
- Cho bé 7 tháng tuổi tham gia những hoạt động của gia đình : Thông thường từ tháng thứ 6 các bữa ăn của gia đình bé đã có thể tham gia với mục đích tạo nền nếp và hứng thú cho bé. Với riêng bé 7 tháng tuổi bên cạnh những bữa ăn thì các hoạt động khác cũng nên cho bé tập quen dần, ví dụ cả nhà cùng đi dạo, cả nhà đọc sách hoặc cùng ngồi trò chuyện sau bữa cơm chẳng hạn. Chính những hoạt động gia đình này sẽ giúp bé gắn kết và cảm thấy yên tâm hơn khi bố mẹ luôn bên cạnh bé đấy.
- Sắm đồ chơi mới cho bé 7 tháng tuổi : Khác với giai đoạn trước đó bé 7 tháng tuổi đã biết ghi nhớ và thích sự bất ngờ. Do đó, bố mẹ nên sắm đồ chơi mới cho bé nhé. Một số đồ chơi gợi ý cho bé 7 tháng tuổi là: xếp hình, thú nhồi bông, sách tranh ảnh các loại… giúp bé phát triển trí tuệ.
- Duy trì thói quen đọc sách cho bé 7 tháng tuổi : Nếu như trước đó bố mẹ đã bắt đầu đọc sách cho bé nghe thì hãy tiếp tục duy trì thói quen tốt này. Có thể ở tháng thứ 7 bé sẽ tỏ ra “bất hợp tác” khi không chịu nằm yên nghe đọc sách nhưng bố mẹ phải kiên trì, bởi chính việc được nghe những câu chuyện trong sách giúp bé phát triển trí tuệ cực tốt đấy. Còn với những bố mẹ chưa đọc sách cho bé thì thời điểm này cũng có thể bắt đầu. Nên nhớ, đọc sách cho con không bao giờ là sớm (hoặc muộn).
- Hãy “chia sẻ” con cái : Thời điểm bé 7 tháng tuổi là lúc mẹ phải đi làm trở lại rồi nên hãy học các “chia sẻ” bé với những người thân khác nhé. Thông thường, 7 tháng tuổi bé vẫn được ở nhà với ông bà, nên lời khuyên dành cho các mẹ là hãy nhẹ nhàng, khéo léo chỉ dẫn ông bà cách chăm sóc cháu, bởi đã có rất nhiều gia đình nảy sinh xung đột từ giai đoạn này. Mặt khác, bố mẹ hãy nhớ là trước lúc đi làm phải vào “dặn dò” bé, để bé quen dần với sự xa cách bố mẹ, hình thành nên tính tự lập ngay khi còn nhỏ.
>>>>>Xem thêm: Cháo lươn cho bé ăn dặm – cách nấu và lưu ý mẹ nên biết
- Bố mẹ dành nhiều thời gian hơn cho bản thân : Để con cái phát triển toàn diện nhiều bố mẹ thường dồn hết tâm sức cho con. Điều này là một lẽ tự nhiên, tuy vậy bố mẹ cũng cần phải tự chăm sóc mình. Thời điểm bé 7 tháng tuổi các mẹ đa phần đã phải đi làm trở lại, do đó cần có một thời khóa biểu hợp lý để cân bằng thời gian cho con và cho bản thân. Nên nhớ bố mẹ có khỏe thì mới chăm sóc con cái mình tốt được.
Sự phát triển của bé 7 tháng tuổi là một bước tiến mới cả về thể chất lẫn tinh thần. Để bé được khỏe mạnh ở giai đoạn này, trước hết bố mẹ phải là những người luôn có “tâm thế sẵn sàng” đón nhận những đổi thay đó. 7 tháng tuổi hãy chấp nhận để con được ốm, hãy làm quen những lần con quấy khóc và tỏ ra “hư”. Hãy xem tất cả những điều đó là cần thiết để bé trưởng thành mỗi ngày bố mẹ nhé.
Đức Lộc tổng hợp