Sự phát triển của bé 11 tháng tuổi nếu quan sát kỹ, chúng ta cũng sẽ thấy có những điểm nổi bật dễ nhận thấy. 11 tháng tuổi là thời điểm con đã đến rất gần với sinh nhật 1 tuổi của mình – độ tuổi đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của con. Vậy khi còn 1 tháng nữa là đến bước ngoặt đó, con có những tiến bộ gì đáng chú ý hay không, chúng ta hãy cùng xem nhé.
Bạn đang đọc: Sự phát triển của bé 11 tháng tuổi và điểm nhấn đáng chú ý
Contents
- 1 1. Bé 11 tháng tuổi có thể làm những gì
- 2 2. Trong sự phát triển của bé 11 tháng tuổi – phải chăng thời điểm này con đã trở nên độc lập hơn rồi không?
- 3 3. Làm thế nào để giúp bé thấy hứng thú với sách?
- 4 4. Tại sao bé lại phớt lờ khi bạn nói “không được”
- 5 5. Bạn có thể giúp con hiểu và sử dụng từ như thế nào?
- 6 6. Bạn lo lắng liệu trẻ có phát triển bình thường hay không
1. Bé 11 tháng tuổi có thể làm những gì
Ở tháng tuổi thứ 11, bé đã hiểu được những chỉ dẫn đơn giản, bao gồm mệnh lệnh “không”. Tuy hiểu nhưng không có nghĩa là bé sẽ làm theo lời bạn. Bạn hãy cố gắng chỉ nói “không” khi thật cần thiết như khi con làm việc gì đó nguy hiểm. Nếu không bạn sẽ thấy việc nói không trở thành thói quen và sẽ không còn tác dụng đối với bé nữa.
Ngoài ra, những quyển sách với màu sắc sặc sỡ, tươi sáng sẽ thu hút sự chú ý của bé. Vì vậy bạn có thể đưa con đến thư viện địa phương để thăm khu vực sách dành cho trẻ em. Ở đó, bạn và con có thể tìm được những quyển sách thú vị mới, bên cạnh những cuốn mà bạn và bé đã có ở nhà.
2. Trong sự phát triển của bé 11 tháng tuổi – phải chăng thời điểm này con đã trở nên độc lập hơn rồi không?
Đến thời điểm này, con chỉ còn 1 tháng nữa là đến sinh nhật 1 tuổi. Con không còn là một em bé sơ sinh bất lực không thể làm bất cứ điều gì mà không có bạn. Tuy con vẫn còn cần rất nhiều sự chăm sóc, cũng như sự giúp đỡ của bạn, nhưng sự phát triển của khả năng độc lập và tự tin đã trở nên rõ ràng hơn, vì lúc này con đang học cách để tự đứng, cúi, và ngồi xuống.
Bé cũng đã có thể bước đi nếu nắm tay bạn cũng như đưa chân hoặc tay cho bạn để bạn mặc đồ cho bé.
Thời điểm này, con cũng đã có thể tự cầm thìa ăn, tự cầm ly uống nước được. Bạn hãy chuẩn bị tinh thần “ngụp lặn” trong nước nhé, vì trẻ có thể ném ly của mình đi khi đã uống xong đấy.
3. Làm thế nào để giúp bé thấy hứng thú với sách?
Trong quá trình phát triển của trẻ nói chung, sự phát triển của bé 11 tháng tuổi nói riêng, sách và truyện kể có một vai trò khá quan trọng vì nó liên quan đến khả năng ngôn ngữ, phát triển vốn từ, phát triển cảm xúc và giao tiếp xã hội của con. Do đó, việc giúp bé hứng thú với sách ở thời điểm này cũng là một tiêu điểm mà bạn chớ bỏ qua.
Để giúp bé thấy hứng thú với sách hơn, bạn có thể cho con đến thư viện địa phương hoặc đến nhà sách và thăm khu vực sách thiếu nhi. Việc này vừa giúp bạn và con tìm được những quyển sách thú vị vừa giúp bạn gặp gỡ được những bậc phụ huynh khác để giao lưu và học hỏi kinh nghiệm chăm trẻ.
Khi bạn đọc sách cho con nghe , con đã có thể thích thú nhìn vào trang sách cũng như lật các trang, mặc dù không phải lúc nào con cũng lật từng trang một.
Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi bé sẽ yêu thích một cuốn sách nào đó và muốn bạn đọc đi đọc lại nó. Bởi, đây cũng là một điểm nhấn trong sự phát triển của bé 11 tháng.
Bé có thể đặc biệt thích những cuốn sách có thể tạo ra tiếng động, có thể tạo thành hình 3 chiều, có kết cấu khác nhau để chạm vào và có màu sắc tươi sáng, sặc sỡ.
Tìm hiểu thêm: Phụ nữ sau sinh và những câu hỏi thường gặp trong 6 tuần đầu tiên
4. Tại sao bé lại phớt lờ khi bạn nói “không được”
Trẻ 11 tháng đã có thể hiểu được những chỉ dẫn đơn giản của bạn và biết “không được” có nghĩa là gì nhưng sẽ vẫn chọn cách phớt lờ bạn. Đây cũng là một trong những điểm tiến bộ đáng ghi nhận của con ở thời điểm này.
Để giúp cho mệnh lệnh “không được” có thêm chút “uy lực” bạn hãy cố gắng sử dụng chúng khi thật cần thiết mà thôi, đặc biệt khi trẻ làm gì đó có khả năng gây nguy hiểm cho chính trẻ. Ví dụ khi trẻ kéo đuôi của chú mèo nuôi trong nhà, bạn hãy dừng tay trẻ, nhìn vào mắt con và nói “không được, con sẽ làm mèo đau đấy”, sau đó hướng dẫn trẻ vuốt ve mèo một cách nhẹ nhàng (nếu chú mèo nhà bạn chưa chạy mất).
Nếu trẻ làm một việc gì đó mà bạn không muốn trẻ làm, hãy phân tán sự chú ý của con thay vì nói không. Như vậy từ “không được” sẽ có sức mạnh hơn, khi bạn nói với trẻ trong những tình huống cần thiết.
Dù trẻ có thể không luôn nhớ những điều bạn nói, nhưng bạn vẫn nên thiết lập ranh giới, để hình thành thói quen cho trẻ.
Bạn nên biết rằng, càng ngày, sự ham thích khám phá thế giới xung quanh của trẻ sẽ càng mạnh mẽ hơn “nhiệm vụ” phải nghe lời bạn. Mặc dù có vẻ như trẻ không “vâng lời” nhưng thực ra nó chỉ là bản năng tự nhiên của trẻ, khi tò mò xem thế giới hoạt động như thế nào. Vì vậy, bạn hãy chủ động theo sát để đảm bảo an toàn cho trẻ nhé.
5. Bạn có thể giúp con hiểu và sử dụng từ như thế nào?
Giờ đây bạn đã có thể phân biệt được vài từ trong số những từ bập bẹ của trẻ, đặc biệt là những từ trẻ phát âm có mục đích. Bạn cũng khám phá ra, con còn có điểm tiến bộ rất đáng chú ý về từ ngữ nữa.
Bạn hãy kiên nhẫn khuyến khích bé tiếp tục trò chuyện và cho con thấy bạn đang lắng nghe bằng cách phản hồi lại những gì con nói hoặc bập bẹ. Kiểu tương tác này rất quan trọng trong việc dạy con về giao tiếp 2 chiều. Một số trò chơi như ú òa hay trò đập tay (pat-a-cake), hoặc đơn giản là vừa hát vừa vỗ tay theo nhịp,…sẽ giúp tăng cường trí nhớ và phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Ở độ tuổi 11 tháng, trẻ có thể bắt chước cả lời nói và hành động của bạn. Tiến bộ này cực kỳ dễ nhận thấy. Con có thể làm theo những chỉ dẫn đơn giản, đặc biệt nếu nó đi kèm với những cử chỉ. Chẳng hạn như “Nhặt cho mẹ quả bóng nào” hay “Con cầm muỗng lên nào”…Bạn hãy giúp con học bằng cách tách chỉ dẫn thành các bước dễ thực hiện, để con làm theo một cách dễ dàng hơn. Bạn đừng quá lo lắng nếu trẻ chưa hiểu được lời bạn, con sẽ đạt được trong vòng 1-2 tháng nữa mà thôi.
6. Bạn lo lắng liệu trẻ có phát triển bình thường hay không
Mỗi đứa trẻ là duy nhất và sẽ phát triển để chạm tới những cột mốc về thể chất của bé cũng như não bộ con theo tốc độ của riêng mình. Nếu trẻ chưa đạt được các cột mốc đó ngay thì cũng sẽ sớm thôi.
Đối với trường hợp trẻ sinh non , trẻ sẽ cần nhiều thời gian hơn để làm được những việc tương tự như những đứa trẻ đồng trang lứa. Đó là lý do tại sao trẻ sinh non thường được xác định 2 loại tuổi:
- Tuổi theo thời gian : được tính theo ngày sinh của trẻ
- Độ tuổi chính xác : được tính dựa vào ngày dự sinh của trẻ
Bạn nên đo lường sự phát triển của trẻ sinh non dựa vào độ tuổi chính xác của trẻ hơn là tuổi theo ngày sinh. Bác sỹ sẽ là người đưa ra sự đánh giá chính xác nhất về sự phát triển của con. Điều này sẽ giúp bạn yên tâm hơn.
>>>>>Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi mẹ nên biết
Bạn có thể thấy, sự phát triển của bé 11 tháng tuổi thực chất cũng có những điểm rất nổi trội mà chúng ta hoàn toàn dễ dàng nhận ra. Trong đó, bé 11 tháng tuổi đang phát triển rất nhanh về khả năng ngôn ngữ – một trong những điểm tiến bộ đáng lưu ý nhất của con trong thời gian này. Vì vậy, dựa vào đặc điểm nhấn nổi trội này, bạn hãy trò chuyện thật nhiều, đọc sách cũng như mô tả lại cụ thể những việc bạn làm hàng ngày với bé. Việc này sẽ giúp bé học được nhiều từ mới, cũng như giúp con phát triển khả năng giao tiếp tốt hơn. Đây chính là nền tảng để con học và rèn luyện những kỹ năng xã hội quan trọng, rất có lợi cho cuộc sống sau này của mình.
Theo Baby Centre
Lily Nguyễn lược dịch