Sốt mọc răng là tình trạng xảy ra với bất cứ đứa trẻ nào ở các mức độ khác nhau. Dù là hiện tượng bình thường nhưng mẹ nào cũng lo lắng. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, mẹ nên hiểu rõ hơn về vấn đề này, nắm rõ các dấu hiệu cơ bản để nhận biết và cần xử trí đúng cách.
Bạn đang đọc: Sốt mọc răng và cách xử trí của mẹ để đảm bảo sức khỏe cho trẻ
Contents
1. Nguyên nhân trẻ sốt mọc răng
Như đề cập từ đầu bài viết, sốt khi mọc răng là một trong những hiện tượng rất là phổ biến ở trẻ nhỏ trong độ tuổi mọc răng từ 6 tháng tuổi. Sốt là một phản ứng sinh lý của cơ thể khi có sự thay đổi trong người bé, cơ thể sẽ đáp ứng bằng những biểu hiện sốt. Một trong những lý do quan trọng nhất khi trẻ sốt mọc răng là trung tâm điều hòa thân nhiệt và não bộ của bé chưa hoàn chỉnh vì vậy nên có biểu hiện sốt. Biểu hiện của sốt thường là sốt nhẹ khoảng dưới 38°C.
2. Dấu hiệu sốt mọc răng
Khi trẻ em mọc răng cũng thường kéo theo có nhiều thay đổi về tâm sinh lý và cũng kèm theo các biểu hiện toàn thân như bị sốt, đi ngoài, lười ăn, hay quấy, bị sụt cân khiến cho gia đình lo lắng do đó nếu không hiểu đúng cách cũng như xử lý phù hợp thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Thông thường trẻ bị sốt do mọc răng sẽ có dấu hiệu sốt nhẹ dưới 38°C và sẽ tự khỏi sau 2 đến 3 ngày sau đó.
Ngoài ra bố mẹ cần quan sát các triệu chứng kèm theo khi trẻ mọc răng như:
- Ở trẻ có dấu hiệu chảy nước dãi thường xuyên.
- Trẻ hay quấy, khóc, bứt rứt, khó chịu, biếng ăn , khó ngủ.
- Nướu sưng lên và có dấu hiệu đỏ xung quanh.
- Thời gian này trẻ rất thích ngậm tay và cắn đồ chơi.
Nếu trường hợp trẻ sốt cao hơn 38°C, không có dấu hiệu tự khỏi sau 2 đến 3 ngày hoặc tình trạng viêm nướu ở trẻ cần phải đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để khám và tìm ra nguyên nhân sau đó sẽ có cách điều trị phù hợp.
3. Cách điều trị khi trẻ sốt mọc răng
Khi bé sốt nhẹ mẹ chỉ cần áp dụng những cách hạ sốt khác nhau để giảm nhiệt cho bé.
Tìm hiểu thêm: Bổ sung vitamin D3 cho trẻ sơ sinh đúng cách
Trong các cách hạ sốt thông thường, mẹ có thể hạ sốt cho bé bằng nước ấm, để con mặc đồ thoáng mát và không gian chung quanh con cũng cần thoáng mát. Bên cạnh đó, mẹ cho trẻ uống nhiều sữa, nhiều nước nhằm cân bằng thân nhiệt cho bé và tránh tình trạng mất nước ở trẻ.
Mẹ chú ý vấn đề vệ sinh răng miệng, đặc biệt cần làm sạch những nơi răng đang mọc tránh tình trạng viêm nướu, sưng chân răng. Vệ sinh bằng cách là dùng gạc mỏng thấm nước muối loãng rơ nhẹ nhàng làm sạch răng miệng cho trẻ hoặc với bé lớn hơn có thể cho bé súc miệng bằng nước muối loãng.
Nếu tình trạng trẻ sốt cao mẹ có thể cho bé uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sỹ. Trường hợp trẻ sốt kéo dài, còn kèm theo các hiện tượng như quấy khóc, không ăn, không uống, sụt cân, đi ngoài nhiều lúc này mẹ cần đưa trẻ đến với bác sĩ chuyên khoa.
4. Chăm sóc khi con sốt mọc răng
Có những trẻ sốt mọc răng từ khi 4 tháng tuổi, do đó mẹ cần quan sát con kỹ lưỡng để phát hiện các dấu hiệu liên quan đến sốt mọc răng để chăm sóc con đúng cách. Khi con sốt mọc răng, mẹ cần chăm sóc trẻ cẩn thận nhằm tránh tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm nướu ở trẻ. Trong thời gian trẻ mọc răng trẻ rất thích mút tay, ngậm hoặc cắn đồ chơi. Do đó, mẹ luôn vệ sinh tay con sạch sẽ, lau rửa nướu mỗi ngày, đồ chơi cho bé mẹ cũng cần vệ sinh thật sạch để đảm bảo an toàn cho con.
5. Dinh dưỡng
Khi trẻ sốt mọc răng vấn đề ăn uống khó khăn, với các bé bắt đầu ăn dặm, mẹ cần chú ý cho trẻ ăn thức ăn loãng, không quá nóng, quá lạnh, thức ăn nên ở dạng lỏng, mềm dễ tiêu hóa. Nên cho trẻ bú thường xuyên để bổ sung chất dinh dưỡng và tăng cường lượng nước cho trẻ. Thường xuyên cho trẻ uống nước ép các loại trái cây nếu con đã ở độ tuổi có thể uống được nước trái cây. Ngoài ra, mẹ cần tăng cường bổ sung canxi, kẽm theo chỉ định của bác sỹ vì điều này rất tốt cho việc mọc răng của trẻ.
>>>>>Xem thêm: Nhiệt độ cơ thể trẻ em – những điều bố mẹ nên biết
Sốt mọc răng dù là một hiện tượng bình thường ở trẻ, tuy nhiên trong thời gian này mẹ cần quan tâm, chăm sóc trẻ thật kỹ lưỡng. Chăm sóc xử trí đúng cách khi trẻ sốt mọc răng không chỉ đảm bảo sức khỏe cho trẻ một cách chung chung mà còn đảm bảo cả về cân nặng, sức khỏe răng miệng của trẻ nữa. Hy vọng những chia sẻ cơ bản ở trên sẽ giúp bé và mẹ cùng trải qua khoảng thời gian con mọc răng không có nhiều thử thách, khó chịu hay những ảnh hưởng không đáng có đến sức khỏe của trẻ.
Nữ Phạm tổng hợp