Ốm nghén nhiều có sao không có lẽ là một trong những thắc mắc khá phổ biến của chị em. Mặc dù triệu chứng và mức độ ốm nghén ở mỗi người là khác nhau, nhưng không ít phụ nữ cho rằng mình bị ốm nghén quá nhiều. Có lẽ vì cảm giác mệt mỏi và áp lực khi mang thai, cộng thêm những cữ ốm nghén, khiến mẹ bầu có suy nghĩ này. Vậy chúng ta hãy cùng xem khi nào là ốm nghén nhiều và bị tình trạng này thì có sao không nhé.
Bạn đang đọc: Ốm nghén nhiều có sao không, có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Contents
1. Như thế nào được xem là ốm nghén nhiều
Ốm nghén là tình trạng vô cùng phổ biến ở phụ nữ mang thai. Nó là phản ứng khi nồng độ hormone thai kỳ tăng cao vào những tuần đầu của thai kỳ.
Ốm nghén thường xảy ra khi bạn thức dậy vào buổi sáng (hoặc đôi khi chính nó đánh thức bạn dậy). Chính vì vậy nó được gọi là cơn khó chịu ban sáng – morning sickness. Tuy nhiên trên thực tế, bạn có thể bị một cơn nghén vào bất kì thời điểm nào trong ngày.
Đối với hầu hết phụ nữ, 12 tuần đầu mới mang thai là thời gian tồi tệ nhất của chứng ốm nghén . Sau đó, bạn sẽ dần cảm thấy tốt hơn. Vào khoảng tuần thứ 16 – 20 bạn có thể thấy các triệu chứng ốm nghén hoàn toàn biến mất.
Tuy vậy, vẫn có những trường hợp mẹ bầu bị ốm nghén kéo dài cho đến tận khi sinh con, thậm chí sau đó. Hoặc có những mẹ bị nôn ói, mệt mỏi – triệu chứng phổ biến nhất của ốm nghén – nghiêm trọng. Hậu quả là mẹ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống, công việc một cách tiêu cực.
Đây được xem là những trường hợp bị ốm nghén nhiều và có thể cần đến sự can thiệp y tế.
2. Ốm nghén nhiều có sao không
Ốm nghén nhiều có sao không là một thắc mắc chính đáng mà mẹ bầu rất cần đáp án.
2.1. Ốm nghén nhiều và nghiêm trọng, bạn cần can thiệp y tế
Như đã nói ở trên, những trường hợp mẹ bị ốm nghén nhiều, nghiêm trọng và kéo dài sẽ cần đến sự can thiệp y tế. Điều này nhằm để đảm bảo sức khỏe của mẹ cũng như sức khỏe thai kỳ . Vì khi bị nôn ói quá nhiều và nghiêm trọng, bạn có thể bị sụt cân, mệt mỏi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe bản thân và thai nhi. Lúc này bạn cần đến cơ sở y tế để được chăm sóc. Đặc biệt khi bạn có các biểu hiện:
- Nước tiểu sậm màu
- Đi tiểu ít
- Choáng váng
- Sụt cân
- Chất nôn có lẫn máu
- Nhiệt độ cơ thể cao
- Hạ huyết áp
2.2. Ốm nghén nhiều nhưng không nặng
Bạn hãy lưu ý một số điều sau, khi bị ốm nghén nhiều nhưng không phải quá nặng:
- Bạn thấy khó chịu vì nôn nhiều lần trong ngày hoặc không muốn ăn uống gì dù không bị bệnh. Điều này có thể do bạn bị mất nước.
Để có thể thấy dễ chịu hơn bạn hãy thử:
- Chia nhỏ bữa ăn và ăn thành nhiều lần trong ngày. Ví dụ bạn có thể ăn 6 bữa thay vì 3 bữa lớn mỗi ngày.
- Nghỉ ngơi nhiều. Vì khi mệt mỏi, cơn nghén của bạn sẽ tệ hơn rất nhiều.
- Tránh các thực phẩm quá ngọt hoặc nhiều dầu mỡ. Ví dụ như bánh kẹo, chocolate, thịt đỏ.
- Ăn thức ăn lạt giàu carbohydrate. Các loại thực phẩm như bánh mì, cơm trắng, khoai tây hay mì ống có thể dễ ăn hơn khi bạn đang buồn nôn .
- Tránh các loại thực phẩm, mùi có thể khiến bạn buồn nôn.
- Ăn nhẹ trước khi bạn rời khỏi giường. Các loại thực phẩm như bánh mì khô hay bánh quy lạt hoặc bánh quy dinh dưỡng cho bà bầu có thể giúp ích cho bạn.
- Thử các loại thức ăn, đồ uống có chứa gừng.
- Dùng băng đeo bấm huyệt. Đây là loại băng đeo đàn hồi có bán phổ biến ở các nhà thuốc. Nó có nút nhựa để ấn vào cổ tay giúp làm dịu cơn buồn nôn.
Tìm hiểu thêm: Đau lưng có phải là dấu hiệu mang thai hay không?
3. Bạn nên làm gì nếu bị ốm nghén tại chỗ làm
Ngoài thắc mắc ốm nghén nhiều có sao không, thì tình trạng ốm nghén tại chỗ làm cũng khiến chị em khá bối rối.
Việc bị mệt mỏi hay thường xuyên nôn ói tại nơi làm việc có thể là một thử thách cho bạn. Đặc biệt khi bạn chưa sẵn sàng thông báo về việc mang thai của mình. Đồng thời cũng vì tình trạng này có thể phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của bạn.
3.1. Bạn có thể quyết định thông báo cho cấp trên về tình trạng của mình
Nếu bạn thấy mệt mỏi và không thoải mái thì việc báo cho cấp trên mình đang mang thai là ý tưởng hay lúc này. Tuy nhiên, bạn không bắt buộc phải làm như vậy. Việc lựa chọn thời điểm thuộc về quyền quyết định của bạn. Hãy làm việc này khi bạn thấy phù hợp nhất.
Bạn lưu ý không nên quá lo lắng về việc mọi người biết việc mình mang thai. Sự lo lắng không cần thiết có thể ảnh hưởng đến tâm trạng tích cực của bạn cũng như truyền nó cho thai nhi. Lúc này chăm sóc sức khỏe bản thân và thai kỳ với bạn quan trọng hơn nhiều lần.
3.2. Đề xuất thay đổi vị trí ngồi làm việc
Nếu bạn quyết định thông báo về tình trạng của mình, đây cũng là cơ hội để bạn đề xuất một số thay đổi trong công việc nếu thấy cần thiết. Việc này sẽ giúp bạn trải qua khoảng thời gian còn lại của thai kỳ một cách dễ chịu hơn. Ví dụ, bạn có thể đề nghị được làm việc ở khu vực gần nhà vệ sinh. Vì nhu cầu đi vệ sinh của bạn sẽ tăng lên nhiều khi càng về gần cuối thai kỳ. Hoặc khu vực xa căn tin hay nhà bếp để tránh bị mùi thức ăn làm khó chịu.
>>>>>Xem thêm: Máu báo thai ra nhiều hay ít, phân biệt như thế nào với máu kinh nguyệt?
Ốm nghén nhiều có sao không là thắc mắc thể hiện nỗi lo lắng của mọi phụ nữ khi mang thai. Đây là điều rất tự nhiên vì lúc này bạn không chỉ lo cho mình bạn, mà còn cả sinh linh bé bỏng trong bụng. Bạn hãy lưu ý rằng, ốm nghén là hiện tượng vô cùng bình thường của những phụ nữ mang thai. Chừng nào nó không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, khả năng làm việc của bạn thì nó thường sẽ không gây hại gì cho cả bạn và em bé. Nếu có, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và can thiệp nếu cần thiết. Điều quan trọng là bạn hãy chú ý ăn uống lành mạnh, vận động điều độ, khám thai định kỳ , làm đúng theo các hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Như vậy là bạn đã đang thực hiện những điều tốt nhất cũng như hạn chế rủi ro cho thai kỳ của mình.
Theo Tommy’s
Lily Nguyễn lược dịch