Lưu ý khi thụ tinh trong ống nghiệm là vấn đề các cặp đôi đang theo đuổi phương pháp này rất nên tìm hiểu và lưu tâm. Vì bản thân quá trình thụ tinh trong ống nghiệm khá nhiều gian nan, nên bạn càng cần nỗ lực, để chuẩn bị sức khỏe cũng như tâm lý, nhằm đạt được kết quả tốt nhất cho quá trình này. Đồng thời tạo nền tảng để bảo vệ và duy trì kết quả, mà bạn đã đạt được. Dưới đây là một số lưu ý cụ thể bạn hãy tham khảo nhé.
Bạn đang đọc: Những lưu ý khi thụ tinh trong ống nghiệm cần nắm rõ để vợ chồng bạn đạt được kết quả tích cực
Contents
- 1 1. Bạn nên hiểu về quy trình IVF như thế nào
- 2 2. Nên ăn uống như thế nào trong chu kỳ IVF?
- 3 3. Luyện tập thể thao như thế nào trong chu kỳ IVF
- 4 4. Những loại sản phẩm và hóa chất nào bạn cần tránh
- 5 5. Các loại thuốc có thể gây trở ngại cho thuốc điều trị sinh sản
- 6 6. Những loại chất nên bổ sung cho quá trình IVF
- 7 7. Bạn nên ngủ bao nhiêu lâu
- 8 8. Vấn đề tình dục trong chu kỳ IVF
- 9 9. Bạn có thể uống rượu trong chu kỳ IVF không?
- 10 10. Bạn có thể làm gì đối với các triệu chứng của quá trình thực hiện IVF
- 10.1 10.1 Chảy máu hoặc ra máu nhẹ
- 10.2 10.2 Các vấn đề về đường huyết và tiêu hóa
- 10.3 10.3 Tình trạng đầy hơi
- 10.4 10.4 Cảm giác buồn nôn
- 10.5 10.5 Tình trạng đau và nhức đầu
- 10.6 10.6 Tình trạng kiệt sức và mệt mỏi
- 10.7 10.7 Cảm giác căng thẳng và lo lắng
- 10.8 10.8 Cảm thấy nóng thường xuyên
- 10.9 11. Một số ý tưởng bạn có thể áp dụng để tự chăm sóc bản thân
- 11 12. Những việc chồng bạn nên làm trong chu kỳ IVF
1. Bạn nên hiểu về quy trình IVF như thế nào
Theo các chuyên gia ước tính, cứ 8 phụ nữ thì có một người gặp vấn đề về việc thụ thai, đây là tỷ lệ khá cao. Nếu bạn và chồng đã thử tất cả các phương án có thể để mang thai mà chưa thành công, thì thụ tinh trong ống nghiệm (IVF-in vitro fertilization) thường sẽ là lựa chọn tiếp theo của bạn.
IVF là quá trình mà trứng và tinh trùng được đưa ra khỏi cơ thể của hai bạn để được thụ tinh, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, phát triển thành phôi thai. Sau đó một phôi khỏe mạnh sẽ được đưa trở lại vào tử cung của bạn để bắt đầu một thai kỳ. Những phôi khác (nếu có) có thể được đông lạnh để sử dụng cho những chu kỳ IVF sau nếu cần thiết.
Khi chuẩn bị thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm IVF, bạn có thể trải qua nhiều cung bậc cảm xúc từ lo lắng, sợ hãi đến hồi hộp và phấn khích. Điều đó là bình thường vì bạn sắp phải đối mặt với một quy trình đòi hỏi thời gian, sức khỏe và tâm lý ổn định.
Bạn có thể hiểu quy trình IVF khái quát như sau:
- Giai đoạn chuẩn bị (2-4 tuần trước khi thực hiện IVF): bạn sẽ được hướng dẫn để chuẩn bị sức khỏe tối ưu cho quá trình IVF. Bác sỹ cũng có thể điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt của bạn để phù hợp với sự bắt đầu của chu kỳ IVF, hormone và rụng trứng của bạn
- Giai đoạn 1 (1 ngày): ngày 1 chu kỳ IVF của bạn là ngày đầu tiên trong kỳ kinh nguyệt gần nhất với việc điều trị theo lịch trình. Sự bắt đầu này là khởi đầu tốt cho cuộc hành trình của bạn
- Giai đoạn 2 (3-12 ngày): bạn sẽ được tiêm thuốc kích trứng để kích thích buồng trứng sản xuất nhiều trứng
- Giai đoạn 3 (36 giờ): bạn sẽ được tiêm hormone hCG để kích thích rụng trứng. Sau đúng 36 giờ tiêm, bạn sẽ trải qua quy trình lấy trứng
- Giai đoạn 4 (1 ngày): chồng bạn (hoặc người hiến, tặng tinh trùng) sẽ cung cấp tinh trùng trong khi bạn đang được lấy trứng để trứng được thụ tinh trong vòng vài giờ sau đó. Khoảng thời gian trứng và tinh trùng được thụ tinh cũng là lúc bạn được tiêm progesterone để chuẩn bị tử cung cho việc cấy phôi
- Giai đoạn 5 (5 ngày): chưa đầy 1 tuần sau khi thụ tinh trứng, phôi khỏe mạnh sẽ được cấy vào tử cung của bạn bằng thủ thuật không xâm lấn
- Giai đoạn 6 (9 – 12 ngày): bạn sẽ được kiểm tra hormone thai kỳ để xem việc cấy phôi có thành công hay chưa
Sau khi phôi đã được cấy vào tử cung của bạn một cách an toàn, bạn sẽ bắt đầu một thai kỳ bình thường. Tuy nhiên, cũng có những lưu ý về ăn uống và lối sống như dưới đây bạn nên thực hiện.
2. Nên ăn uống như thế nào trong chu kỳ IVF?
Trong chu kỳ IVF bạn nên tuân thủ chế độ ăn lành mạnh và cân bằng. Bạn đừng thực hiện bất kỳ sự thay đổi lớn hoặc quan trọng nào ví dụ như loại bỏ thực phẩm chứa gluten nếu trước đó bạn vẫn dùng chúng.
Tiến sỹ Aimee Eyvazzadeh – một bác sỹ về nội tiết sinh sản khuyên dùng chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải cho bệnh nhân của mình. Lượng thực phẩm đa dạng của chế độ ăn này có thể cung cấp dinh dưỡng một cách tích cực mà cơ thể bạn cần.
Nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải có thể cải thiện tỷ lệ thành công của IVF ở những phụ nữ không béo phì dưới 35 tuổi. Mặc dù phạm vi của nghiên cứu này còn hạn chế, nhưng việc ăn uống lành mạnh để chuẩn bị cơ thể cho quá trình IVF cũng không gây hại gì cả.
Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh trùng, nên chồng bạn cũng nên áp dụng chế độ ăn này cùng bạn. Cụ thể hai bạn hãy:
- Ăn nhiều trái cây và rau quả tươi
- Ăn thịt nạc từ cá và gai cầm
- Ăn ngũ cốc nguyên hạt như quinoa, farro, mì ống ngũ cốc…
- Ăn các loại đậu như đậu xanh, đậu lăng…
- Dùng các sản phẩm sữa ít béo
- Dùng chất béo lành mạnh như bơ, dầu ô liu, các loại hạt
- Tránh dùng thịt đỏ, đường, ngũ cốc tinh chế, và các thực phẩm chế biến sẵn khác
- Cắt giảm muối, thay vào đó dùng các loại gia vị và rau thơm để tăng mùi vị cho thực phẩm.
3. Luyện tập thể thao như thế nào trong chu kỳ IVF
Ngoài chế độ ăn uống, bạn cũng nên duy trì tập luyện một cách phù hợp. Nhiều phụ nữ lo sợ việc tập thể dục có thể ảnh hưởng không tốt tới thai kỳ của họ, nhưng tiến sỹ Eyvazzadeh khuyên bạn nên tiếp tục làm những gì bạn vẫn làm, đặc biệt nếu bạn đang có một chế độ tập luyện phù hợp.
Tuy nhiên đối với chạy bộ thì tiến sỹ Eyvazzadeh đề nghị nên giảm chặng đường xuống dưới 15 dặm 1 tuần. Vì chạy bộ là hình thức có thể gây rối loạn sinh sản nhất so với những hình thức khác. Vì nó tác động xấu đến việc làm dày lớp niêm mạc tử cung , cũng như khiến máu chuyển từ tử cung sang các cơ quan và cơ bắp khác trong khi hệ thống sinh sản đang cần nhất.
Nếu bạn là người đam mê chạy bộ, hãy thay thế bằng các hoạt động khác như:
- Chạy bộ nhẹ
- Đi bộ đường dài
- Đi bộ nhanh
- Dùng máy đi bộ
4. Những loại sản phẩm và hóa chất nào bạn cần tránh
Bạn nên cân nhắc việc tránh một số đồ gia dụng được làm bằng các loại vật liệu có thể gây rối loạn nội tiết. Những loại này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của bạn kể cả trước khi bạn mang thai.
Những loại hóa chất bạn cần tránh và nơi chứa chúng phổ biến gồm
- Formaldehyd: có trong sơn móng tay
- Parabens, triclosan và benzophenone: có trong mỹ phẩm, kem dưỡng ẩm, xà bông tắm
- BPA và các gốc phenol khác: có trong vật liệu đóng gói thực phẩm
- Chất chống cháy brôm: có trong đồ nội thất, quần áo, thiết bị điện tử, thảm yoga
- Hợp chất perfluorination: vật liệu chống vết bẩn, dụng cụ nấu ăn không dính
- Dioxin: có trong thịt, chế phẩm từ sữa, đất sét mỹ nghệ
- Phthalates: có trong nhựa, mỹ phẩm có mùi thơm, vỏ thuốc
5. Các loại thuốc có thể gây trở ngại cho thuốc điều trị sinh sản
Khi bạn chuẩn bị bắt đầu chu kỳ IVF, hãy liệt kê tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng với bác sỹ điều trị sinh sản của bạn, kể cả loại thuốc lành tính nhất, bao gồm:
- 1 viên thuốc dị ứng hàng ngày
- Acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil)
- Bất kỳ loại thuốc bổ sung không kê đơn nào
Vì những loại thuốc này có khả năng:
- Can thiệp vào hiệu quả của thuốc điều trị sinh sản
- Gây ra hiệu quả tiêu cực với sự điều hòa hormone
- Làm giảm hiệu quả điều trị tổng thể
Các loại thuốc liệt kê dưới đây sẽ được quan tâm một cách cụ thể hơn, bác sỹ có thể kê toa thay thế trong chu kỳ của bạn hoặc ngay cả trong thai kỳ:
- Thuốc chống viêm không chứa steroid theo toa và không theo toa như aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin, Midol) và naproxen (Aleve)
- Thuốc trị trầm cảm, lo âu và các tình trạng tâm thần khác
- Steroid, như những loại điều trị hen suyễn hoặc lupus
- Thuốc chống động kinh
- Thuốc liên quan đến tuyến giáp
- Sản phẩm chăm sóc hoặc điều trị da, đặc biệt là những loại có chưa estrogen hay progesterone
- Thuốc hóa trị
6. Những loại chất nên bổ sung cho quá trình IVF
Cũng như khi chuẩn bị mang thai tự nhiên, bạn hãy tiến hành bổ sung vitamin trước khi thực hiện IVF ít nhất 30 ngày, có thể là vài tháng. Các loại viên uống bổ sung tiền mang thai thường chứa đủ hàm lượng các chất quan trọng cho thai kỳ như bổ sung axít folic trước khi mang thai , vitamin D, sắt, canxi.
Bạn cần lưu ý về việc trao đổi với bác sỹ điều trị trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.
7. Bạn nên ngủ bao nhiêu lâu
Giấc ngủ và khả năng sinh sản có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Ngủ đủ giấc có thể hỗ trợ chu kỳ IVF của bạn.
Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy tỷ lệ mang thai của những người ngủ 7-8 giờ mỗi đêm cao hơn hẳn những người ngủ trong thời gian ngắn hơn hoặc dài hơn.
Tiến sỹ Eyvazzadeh lưu ý rằng melatonin một loại hormone điều chỉnh cả sinh sản và giấc ngủ đạt cực đại trong khoảng 9 giờ tối và nửa đêm. Vì vậy 10-11 giờ tối là thời gian ngủ lý tưởng mà bạn nên thực hiện.
Bạn có thể áp dụng một số cách sau để biến giấc ngủ lành mạnh thành thói quen của bạn:
- Làm mát phòng ngủ của bạn đến khoảng 60-67oF (khoảng 15-19oC) (theo khuyến nghị của Tổ chức Giấc ngủ quốc gia)
- Tắm nước ấm trước khi ngủ
- Dùng tinh dầu hoa oải hương trong phòng ngủ hoặc khi tắm
- Tránh chất caffeine 4-6 giờ trước khi ngủ
- Ngừng ăn 2-3 giờ trước khi ngủ
- Nghe nhạc nhẹ, chậm (như nhạc giao hưởng) để thư giãn
- Hạn chế tiếp xúc với màn hình gồm cả tivi, điện thoại, máy tính trước khi ngủ ít nhất 30 phút
- Thực hiện các động tác duỗi người nhẹ nhàng trước khi ngủ
Tìm hiểu thêm: Quan hệ ngày rụng trứng để sinh quý tử với phương pháp cực đơn giản
8. Vấn đề tình dục trong chu kỳ IVF
Trong khoảng 3-4 ngày trước khi lấy tinh trùng, chồng bạn nên tránh xuất tinh để đảm bảo lượng tinh trùng về cả số lượng và chất lượng cho việc thu thập khi cần thiết.
Điều này không có nghĩa là bạn phải hoàn toàn kiêng quan hệ tình dục. Bạn vẫn có thể thể hiện tình cảm qua sự âu yếm vuốt ve để tăng sự gắn kết giữa hai người, chỉ cần tránh xuất tinh.
Đặc biệt, tiến sỹ Eyvazzadeh khuyến cáo nam giới không nên thâm nhập sâu vì có thể gây kích thích cổ tử cung, không có lợi cho thụ tinh trong ống nghiệm IVF.
9. Bạn có thể uống rượu trong chu kỳ IVF không?
Bạn có thể uống đồ uống có cồn để giảm tải gánh nặng cảm xúc về việc tiến hành IVF, nhưng cần có chừng mực. Vì vài lần uống trong tuần có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả của chu kỳ IVF. Ngoài ra, bạn cần lưu ý rằng đồ uống có cồn có thể cản trở hiệu quả của các loại thuốc điều trị sinh sản. Vì vậy bạn nên cân nhắc kỹ càng về lợi và hại của việc “giải stress” này.
Tất nhiên, một khi bạn đã hoàn thành việc chuyển phôi thì bạn nên kiêng bất kỳ loại rượu nào.
10. Bạn có thể làm gì đối với các triệu chứng của quá trình thực hiện IVF
Bạn không thể đoán trước triệu chứng của một chu kỳ IVF vì có thể có vô số triệu chứng về thể lý.
Chúng có thể gồm:
10.1 Chảy máu hoặc ra máu nhẹ
- Chảy máu nhẹ sau khi lấy trứng là bình thường. Tuy nhiên nếu bạn bị chảy máu nhiều hoặc nghiêm trọng thì cần đến gặp bác sỹ ngay.
- Bạn cũng được khuyến cáo không dùng tampon.
- Hoặc bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau nếu cần thiết
10.2 Các vấn đề về đường huyết và tiêu hóa
Bạn có thể dùng một số loại thuốc không theo đơn để khắc phục các vấn đề về tiêu hóa như:
- Gas-X
- Chất làm mềm phân
- Tums
- Pepto-Bismol
- Lưu ý : Trước khi dùng thuốc không kê đơn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ để được xác nhận liều lượng phù hợp
10.3 Tình trạng đầy hơi
Bạn có thể uống nhiều chất lỏng để giảm tình trạng đầy hơi. Nếu bạn quá ngán việc uống nước, có thể dùng các loại nước khác như:
- Nước dừa
- Đồ uống hoặc chất điện giải ít đường
- LiquidIV
10.4 Cảm giác buồn nôn
Nếu các biện pháp tự nhiên không có tác dụng, bạn có thể thử một số loại thuốc chống buồn nôn như:
- Pepto-Bismol
- Emetrol
- Dramamine
- Lưu ý : Trước khi dùng thuốc không kê đơn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ để được xác nhận liều lượng phù hợp.
10.5 Tình trạng đau và nhức đầu
Bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau như:
- Acetaminophen (Tylenol)
- Ibuprofen (Motrin)
- Miếng dán
- Lưu ý : Trước khi dùng thuốc không kê đơn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ để được xác nhận liều lượng phù hợp.
10.6 Tình trạng kiệt sức và mệt mỏi
Để giải quyết tình trạng kiệt sức và mệt mỏi bạn nên:
- Ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm
- Ngủ trưa 35-40 phút một ngày
- Hãy bình tĩnh và đừng quá gò ép bản thân
10.7 Cảm giác căng thẳng và lo lắng
Để đối mặt với tình trạng này bạn có thể:
- Thực hiện động tác hít thở chậm
- Ngồi thiền
- Tập Yoga
- Tiếp tục chế độ tập luyện của bạn (lưu ý về việc chạy bộ như đã đề cập ở trên)
- Hãy bám sát những thói quen và lịch trình mà bạn thấy thoải mái
- Ngủ nhiều
- Tắm nước ấm
- Gặp một nhà trị liệu
- Quan hệ tình dục để giải phóng hormone giúp bạn thấy dễ chịu hơn
10.8 Cảm thấy nóng thường xuyên
Khi bạn thường xuyên thấy nóng, hãy áp dụng những cách sau:
- Mặc quần áo với chất liệu nhẹ, thoáng khí
- Ở trong không gian có máy điều hòa
- Gắn thêm quạt ở đầu giường hoặc bàn làm việc của bạn
- Bổ sung nước thường xuyên
- Tránh hút thuốc, ăn thực phẩm cay và caffeine
- Thực hiện các bài tập thở sâu
- Thực hiện các bài tập với cường độ thấp như bơi lội, đi bộ hay yoga.
11. Một số ý tưởng bạn có thể áp dụng để tự chăm sóc bản thân
Chuẩn bị và vượt qua IVF có thể sẽ là trải nghiệm và thử thách lớn nhất trong cuộc đời bạn. Bạn có thể đối mặt với IVF một cách dễ dàng hơn, nếu bạn không để nó kiểm soát trước, trong và sau khi thực hiện quy trình. Để làm được điều này, bạn hãy lập một danh sách ưu tiên những điều cần làm để chăm sóc bản thân tốt hơn. Những việc đó gồm:
- Uống nhiều nước
- Ngủ nhiều và ngủ trưa
- Dự trữ những món đồ ăn nhẹ yêu thích
- Giao lưu với bạn bè
- Đi hẹn hò với chồng
- Tập Yoga hoặc những bài tập nhẹ nhàng khác
- Tắm nước ấm
- Đi massage
- Sửa móng tay, chân
- Đọc một quyển sách
- Đi nghỉ một ngày
- Đi xem phim
- Tự mua hoa
- Viết nhật ký
- Đi cắt tóc
- Hãy trang điểm
- Lên lịch chụp ảnh để lưu lại khoảng thời gian này
12. Những việc chồng bạn nên làm trong chu kỳ IVF
Chồng bạn có thể không phải chịu gánh nặng như bạn khi thực hiện IVF, tuy nhiên anh ấy là mắt xích quan trọng không thể thiếu của quy trình này. Vì vậy, chồng bạn cũng nên nỗ lực cùng bạn trong việc áp dụng chế độ ăn uống, tập thể dục và thực hiện lối sống lành mạnh.
Anh ấy cũng được khuyên thực hiện những việc sau:
- Không hút thuốc
- Ngủ đủ giấc. Vì việc không ngủ đủ ít nhất 7-8 giờ mỗi đêm có thể ảnh hưởng đến nồng độ testosterone và chất lượng tinh trùng
- Mặc đồ lót thoáng mát hoặc có thể không mặc
- Ăn uống lành mạnh và tập thể dục điều độ
- Hãy ủng hộ bạn đời của mình: Bạn nên thể hiện tình yêu, sự quan tâm và luôn bên cạnh để hỗ trợ người phụ nữ của mình để giúp cô ấy vượt qua những khó khăn cả về tinh thần lẫn thể lý. Như vậy, hai bạn sẽ thấy gắn bó hơn và quá trình IVF cũng có thể trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn
>>>>>Xem thêm: Những nguyên nhân khiến phụ nữ liên tiếp sẩy thai, vô sinh
Bạn có thể thấy những lưu ý khi thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm khá nhiều thứ. Mà những điều này này chắc chắn bạn có thể làm được và thậm chí là làm rất tốt. Hãy cũng nhau nỗ lực để quá trình thụ tinh trong ống nghiệm có thể mang lại cho bạn kết quả viên mãn nhất nhé.
Theo Health Line
Lily Nguyễn lược dịch