Mang thai ngoài tử cung thử que có biết không có lẽ là câu hỏi mà rất nhiều chị em phụ nữ băn khoăn khi chuẩn bị mang thai hay nghi ngờ mình có thai. Vì, thai ngoài tử cung là tình trạng rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới tính mạng của mẹ nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem liệu que thử có giúp nhận biết tình trạng này không nhé.
Bạn đang đọc: Mang thai ngoài tử cung thử que có biết không?
Contents
- 1 1. Mang thai ngoài tử cung là gì
- 2 2. Triệu chứng của thai ngoài tử cung
- 3 3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mang thai ngoài tử cung
- 4 4. Que thử thai có thể giúp nhận biết bạn mang thai ngoài tử cung không
- 5 5. Que thử không thể giúp xác định thai ngoài tử cung, vậy tình trạng này được chẩn đoán như thế nào
- 6 6. Tình trạng thai ngoài tử cung được điều trị như thế nào
- 7 7. Sau khi thai kỳ ngoài tử cung chấm dứt bạn nên làm gì
1. Mang thai ngoài tử cung là gì
Một thai kỳ bình thường là khi trứng thụ tinh di chuyển qua ống dẫn trứng đến tử cung để làm tổ và bắt đầu phát triển tại đây. Tuy nhiên, đối với tình trạng mang thai ngoài tử cung, trứng thụ tinh không đến tử cung mà lại gắn vào một bộ phận khác, phổ biến nhất là ống dẫn trứng (nên mang thai ngoài tử cung đôi khi còn được gọi là thai vòi tử cung), chiếm khoảng 95%. Trong một số trường hợp ít gặp hơn, trứng có thể làm tổ tại buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung hoặc sẹo mổ trước đó.
Không có cách nào duy trì được một thai kỳ mà trứng làm tổ ở sai vị trí. Nếu không can thiệp để chấm dứt thai kỳ, trứng phát triển sẽ gây vỡ ống dẫn trứng hoặc vị trí mà nó làm tổ gây chảy máu nghiêm trọng, có khả năng dẫn đến tử vong.
2. Triệu chứng của thai ngoài tử cung
Trong những tuần đầu, tình trạng mang thai ngoài tử cung cũng có các triệu chứng như một thai kỳ bình thường như chậm kinh, mệt mỏi, buồn nôn và đau ngực.
Theo thời gian, khi trứng thụ tinh càng phát triển, thì các triệu chứng của mang thai ngoài tử cung mới thể hiện rõ. Chúng bao gồm:
- Đau vùng chậu hoặc đau bụng, cơn đau có thể bắt đầu ở một bên sau đó lan ra toàn vùng bụng và tăng lên khi bạn di chuyển hay kéo căng người
- Chảy máu âm đạo bất thường
Nếu bạn nghi ngờ mình có thai và có những biểu hiện trên thì nên đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám.
Trong một số trường hợp thai bị vỡ, những triệu chứng sau có thể xuất hiện:
- Đau đột ngột hoặc dữ dội ở vùng bụng hoặc vai
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
Đây là tình trạng cấp cứu cần can thiệp và xử lý ngay vì nó có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung xảy ra thường do ống dẫn trứng bị tổn thương. Trứng thụ tinh lúc này không thể vượt qua đoạn ống bị hư hại nên sẽ làm tổ và phát triển trong ống dẫn trứng.
Những nguyên nhân làm tăng nguy cơ ống dẫn trứng bị tổn thương dẫn đến thai ngoài tử cung có thể gồm:
- Hút thuốc
- Bệnh viêm vùng chậu (là kết quả của một tình trạng nhiễm trùng như bệnh chlamydia hoặc lậu)
- Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung có thể gây ra mô sẹo trong hoặc xung quanh ống dẫn trứng
- Sự tiếp xúc với hóa chất DES trước khi bạn sinh ra
Một số phương pháp điều trị y tế cũng có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung như:
- Phẫu thuật trên ống dẫn trứng hoặc trong vùng chậu
- Phương pháp điều trị sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm
Tìm hiểu thêm: 3 mối nguy hại từ việc sinh con muộn
4. Que thử thai có thể giúp nhận biết bạn mang thai ngoài tử cung không
Mặc dù thử thai bằng que thử là một phương pháp rất phổ biến với độ chính xác cao và thường được sử dụng tại nhà khi chị em nghi ngờ mình có thai. Tuy nhiên dụng cụ này không thể giúp bạn nhận biết được tình trạng thai ngoài tử cung. Vì que thử thai hoạt động trên nguyên tắc phát hiện hormone thai kỳ hCG. Dù thai kỳ bình thường hay bất thường thì chỉ cần có hormone hCG với nồng độ thích hợp, que thử thai sẽ cho kết quả dương tính hoặc hai vạch.
Vì vậy, khi bạn sử dụng que thử thai và kết quả thu được là dương tính hoặc hai vạch, bạn nên đến cơ sở y tế để thực hiện thêm các phương pháp kiểm tra khác như siêu âm để chắc chắn em bé của bạn phát triển ở vị trí bình thường.
5. Que thử không thể giúp xác định thai ngoài tử cung, vậy tình trạng này được chẩn đoán như thế nào
Một xét nghiệm nước tiểu sẽ cho biết bạn có thai hay không. Và để xác định thai phát triển trong hay ngoài tử cung, bác sỹ có thể chỉ định bạn thực hiện các phương pháp sau:
- Kiểm tra vùng chậu : Kiểm tra để xác định kích thước tử cung và tình trạng vùng bụng của bạn.
- Xét nghiệm máu : Làm xét nghiệm này để kiểm tra nồng độ hormone thai kỳ hCG và sẽ lặp lại sau hai ngày. Trong thời kỳ đầu mang thai, lượng hormone hCG sẽ tăng gấp đôi mỗi hai ngày. Nếu nồng độ hCG giảm, có thể có vấn đề đã xảy ra, ví dụ như tình trạng thai ngoài tử cung
- Siêu âm : Siêu âm sẽ cho thấy hình ảnh tử cung của bạn và bác sỹ sẽ xác định được trong đó có túi thai hay không.
6. Tình trạng thai ngoài tử cung được điều trị như thế nào
Vì thai ngoài tử cung không thể tự di chuyển hay được di chuyển vào tử cung, nên bắt buộc phải can thiệp để loại bỏ thai đang phát triển sớm nhất có thể, nhằm tránh các biến chứng có thể xảy ra, trong đó trường hợp nặng nhất là tử vong.
Các biện pháp điều trị phổ biến gồm:
- Điều trị bằng thuốc : được áp dụng trong giai đoạn sớm, trước khi ống dẫn trứng bị hư hại. Trong hầu hết các trường hợp, một hoặc hai mũi tiêm một loại thuốc tên là methotrexate sẽ giúp kết thúc thai kỳ. Tuy nhiên bạn có thể phải chịu một số tác dụng phụ như buồn nôn, mệt mỏi, tiêu chảy, rụng tóc.
- Điều trị bằng phẫu thuật : được chỉ định khi bạn đã trải qua vài tuần thai hoặc nếu điều trị bằng thuốc không có tác dụng hoặc có các vấn đề khác phát sinh trong quá trình điều trị bằng thuốc. Phẫu thuật có thể được thực hiện nội soi hoặc mở ổ bụng trong trường hợp khẩn cấp.
Bác sỹ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Đối với những trường hợp thai ngoài tử cung có dấu hiệu tự thoái triển, bạn sẽ được theo dõi và can thiệp thêm nếu cần thiết.
7. Sau khi thai kỳ ngoài tử cung chấm dứt bạn nên làm gì
Khi bạn có tiền sử mang thai ngoài tử cung, thì khả năng tình trạng này lặp lại vào thai kỳ sau là khá cao. Do vậy, bạn cần lưu ý những việc sau:
- Bạn hãy nghỉ ngơi và thư giãn cũng như nhờ đến sự hỗ trợ của những người xung quanh, đặc biệt là người thân của bạn. Việc này sẽ giúp bạn ổn định tinh thần sau mất mát cũng như tránh nguy cơ bị rối loạn tâm lý, đặc biệt là tình trạng trầm cảm.
- Bạn nên sử dụng biện pháp tránh thai tối thiểu 3 tháng sau khi thai kỳ ngoài tử cung chấm dứt, đặc biệt là nếu bạn được điều trị bằng thuốc. Vì methotrexate được ghi nhận là có tiềm năng gây quái thai. Ngoài ra việc có thai lại quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung ở lần mang thai tiếp theo của bạn.
- Bạn hãy đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị tình trạng viêm nhiễm phụ khoa nếu có. Vì đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến mang thai ngoài tử cung.
- Nếu bạn nghi ngờ mình mang thai sau một lần có thai ngoài tử cung, hãy đi khám thai càng sớm càng tốt và thông báo cho bác sỹ về việc bạn đã từng mang thai ngoài tử cung . Việc này sẽ giúp bác sỹ nắm được thông tin và sử dụng các biện pháp hoặc các xét nghiệm cần thiết.
>>>>>Xem thêm: Thực phẩm giúp tăng khả năng thụ thai cho vợ chồng hiếm muộn
Mang thai ngoài tử cung thử que có biết không hy vọng đã được giải đáp qua những thông tin đề cập ở trên. Bạn cũng nên lưu ý đến những điều liên quan đến tình trạng thai ngoài tử cung để nhận biết và đi thăm khám kịp thời, nhằm hạn chế rủi ro có thể mắc phải do mang thai ngoài tử cung nhé.
Theo UofMHealth
Lily Nguyễn lược dịch