Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh là điều các bậc cha mẹ rất nên tìm hiểu và nắm rõ. Vì quá trình chăm sóc một em bé bao gồm rất nhiều thứ liên quan. Tuy các bé không đến nỗi quá mong manh, nhưng việc chú ý đến những vấn đề về sức khỏe của con sẽ giúp cho con được vui vẻ, dễ chịu và phát triển tốt hơn. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những điều lưu ý này là gì nhé.
Bạn đang đọc: Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh dành cho những cặp đôi lần đầu làm cha mẹ
Contents
- 1 1. Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh khi bạn vẫn còn ở bệnh viện
- 2 2. Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh về vấn đề bé bú mẹ
- 3 3. Về vấn đề bú sữa công thức
- 4 4. Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh từ đầu đến chân
- 4.1 4.1. Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh – Khu vực mặt của bé
- 4.2 4.2. Vùng mắt của bé
- 4.3 4.3. Vùng da đầu của bé
- 4.4 4.4. Mũi của bé
- 4.5 4.5. Móng tay, chân của bé
- 4.6 4.6. Da của bé
- 4.7 4.7. Khu vực mặc tã của bé
- 4.8 4.8. Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh – Khu vực rốn của bé
- 4.9 4.9. Nếu bé được cắt bao quy đầu
- 4.10 4.10. Chân của bé
- 4.11 4.11. Bàn chân của bé
- 5 5. Về vấn đề giấc ngủ
- 6 6. Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh trong 3 nhiệm vụ đặc biệt “đáng sợ”
- 7 7. Những trường hợp đặc biệt ba mẹ không nên bỏ qua
1. Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh khi bạn vẫn còn ở bệnh viện
Dù ở bệnh viện bạn sẽ luôn nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ các bác sĩ, y tá hay nhân viên hộ sinh, nhưng không phải vì vậy mà bạn chủ quan.
Dưới đây là một số điều lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh cần thiết:
- Hãy bắt đầu cho bé bú mẹ sớm nhất có thể. Thậm chí nếu em bé chưa thể bú trực tiếp, bạn hãy vắt sữa cho bé bú càng sớm càng tốt. Vì lượng sữa non đầu tiên chứa rất nhiều dinh dưỡng và kháng thể có lợi cho bé.
- Hãy đừng vội mời khách đến thăm. Dù rằng người thân và bạn bè sẽ rất muốn đến thăm để chia sẻ niềm vui với hai bạn, nhưng hãy đừng mời họ quá sớm. Hai bạn nên dành thời gian riêng với bé để xây dựng mối gắn kết với con. Bạn hãy nhìn vào mắt bé và trò chuyện với con. Bé đã quen với giọng nói của bạn từ trong bụng nên nó sẽ giúp con thấy dễ chịu hơn.
- Hãy mặc đồ cho bé đúng cách. Một bộ đồ dễ thương thường sẽ khiến các bà mẹ không thể cưỡng lại để mặc cho con. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng trẻ sơ sinh chưa thể tự điều chỉnh thân nhiệt của mình cho đến khi được khoảng 6 tháng tuổi. Vì vậy, hãy mặc quần áo cho bé một cách cẩn thận. Bé nên được mặc cùng lượng quần áo giống như bạn, dù trong nhà hay ngoài trời. Đừng bao bọc bé quá mức, vì việc đổ mồ hôi sẽ làm con bị lạnh. Mặc vài lớp quần áo cho con là một lựa chọn hợp lý lúc này.
2. Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh về vấn đề bé bú mẹ
Cho bé bú mẹ được xem là bản năng tự nhiên của cả mẹ và bé, tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng với mọi bà mẹ. Dưới đây là một số lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh về vấn đề bú mẹ:
- Bạn đừng chậm trễ trong việc cho bé bú mẹ. Việc này sẽ thuận lợi hơn nếu bạn thực hiện trong vòng 1 giờ sau sinh. Bạn đừng ngại yêu cầu sự giúp đỡ từ bác sĩ hay các y tá tại bệnh viện.
- Cho bé bú theo nhu cầu. Trong 6 tuần đầu tiên, bạn hãy cho bé bú bất cứ khi nào con muốn. Việc thiết lập một lịch trình cho con bú quá sớm có thể phản tác dụng vì sẽ ảnh hưởng đến nguồn sữa của bạn. Bạn đừng lo lắng về việc không đủ sữa, vì bạn càng cho bé bú nhiều, thì cơ thể sẽ sản xuất lượng sữa tương ứng.
- Học để cho bé bú đúng cách . Trẻ sơ sinh cần ngậm đúng khớp bú để bú được dễ dàng, đủ lượng sữa theo nhu cầu cũng như tránh việc bị nuốt phải quá nhiều không khí, hoặc đầu vú của bạn bị tổn thương gây đau đớn. Trước khi cho bé bú, bạn hãy bế con sao cho bé nằm nghiêng áp bụng vào bụng của bạn, bạn hãy chạm đầu vú vào miệng để khuyến khích bé mở miệng lớn ngậm hết đầu vú và phần lớn quầng vú.
- Chuẩn bị một chiếc “tổ” khi bạn cho bé bú. Mặc dù không bắt buộc nhưng một chiếc ghế kê chân hay ghế bập bênh êm ái sẽ rất hữu ích cho bạn khi cho bé bú. Dù bạn cho con bú ở đâu, hãy chuẩn bị nhiều gối (để hỗ trợ lưng và giúp đặt trẻ đúng tư thể), nước, đồ ăn nhẹ, một cuốn sách hay và điều khiển tivi.
- Hãy cung cấp nguồn nguyên liệu cho “nhà máy sản xuất sữa” của bạn. Bạn hãy uống ít nhất 8 ly chất lỏng mỗi ngày. Tùy thuộc vào độ tuổi, sự trao đổi chất và mức độ hoạt động của bạn mà bạn cần khoảng 2200 đến 2400 calories mỗi ngày. Tin tốt đó là các bà mẹ đang cho con bú có xu hướng giảm từ 0,5 – 2 kg mỗi tháng ngay cả khi có bổ sung thêm calories.
3. Về vấn đề bú sữa công thức
Không phải bà mẹ nào cũng có thể cho con bú mẹ ngay sau khi sinh, và sữa công thức là lựa chọn thay thế trong những trường hợp như vậy.
Các loại sữa công thức thương mại phần lớn là giống nhau (chỉ khác thương hiệu) vì chúng đã được điều chỉnh theo quy định để đảm bảo an toàn và chứa các chất dinh dưỡng quan trọng nhất cho trẻ sơ sinh. Lựa chọn của bạn về dạng sữa bột, nước hay sữa cô đặc chủ yếu xoay quanh các vấn đề về chi phí và sự tiện lợi. Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ nhi khoa để được tư vấn loại phù hợp.
Trên thực tế, sự lo sợ về khả năng dị ứng khiến một số cha mẹ không muốn cho bé dùng sữa công thức, nhưng chỉ 3 – 4 % trẻ sơ sinh bị dị ứng sữa thực sự.
Điều đáng ngạc nhiên là sữa công thức từ đậu nành có thể không phải là lựa chọn tốt dành cho trẻ bị dị ứng sữa vì chúng cũng có thể không dung nạp đậu nành. Sữa công thức ít gây dị ứng có khả năng phù hợp hơn trong trường hợp này vì chúng được sản xuất trên cơ sở phá vỡ các protein trong sữa giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn.
Dưới đây là một số lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh về vấn đề bú sữa công thức giúp việc này trở nên dễ dàng hơn với bạn và bé:
- Hâm nóng sữa công thức bằng cách ngâm trong nước ấm hoặc bình hâm sữa. Bạn hãy tránh làm nóng sữa của bé bằng lò vi sóng vì việc này có thể tạo ra các điểm nóng không đồng đều, dế khiến bé bị bỏng khi bú.
- Sử dụng sữa công thức để ở nhiệt độ phòng trong vòng 2 – 4 giờ, sau đó bạn nên bỏ đi.
- Sử dụng sữa công thức bảo quản trong tủ lạnh trong vòng 48 giờ.
- Không nên đông lạnh sữa công thức vì sữa sẽ bị mất dinh dưỡng.
- Đừng tận dụng phần sữa thừa còn lại trong bình của bé vì nước miếng của con có thể đã làm sữa bị nhiễm khuẩn.
4. Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh từ đầu đến chân
Một số lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh từ đầu đến chân có thể giúp bé luôn được sạch sẽ và thoải mái:
4.1. Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh – Khu vực mặt của bé
Tật khó chịu khi nhìn thấy trẻ sơ sinh với khuông mặt ửng đỏ và lấm tấm, nhưng đây là tình trạng phổ biến và vô hại. Bạn hãy rửa mặt cho bé hàng ngày với xà phòng dịu nhẹ dành cho trẻ sơ sinh.
4.2. Vùng mắt của bé
Mắt bé có thể bị đổ ghèn và tình trạng này có thể kéo dài đến vài tháng. Bạn hãy dùng bông cotton thấm nước ấm và lau mắt cho con một cách nhẹ nhàng. Bạn lưu ý sử dụng miếng bông mới cho mỗi mắt của con.
4.3. Vùng da đầu của bé
Nhiều trẻ sơ sinh phát triển tình trạng da đầu có vảy gọi là cứt trâu, nó thường biến mất trong vài tháng đầu. Bạn hãy gội đầu cho trẻ (bằng dầu gội dành riêng cho trẻ sơ sinh) thật nhẹ nhàng và không quá ba lần một tuần. Bạn cũng có thể dùng bàn chải lông mềm hoặc bàn chải đánh răng để chải sạch vảy trên đầu bé.
4.4. Mũi của bé
Mũi của trẻ sơ sinh khá hẹp và thường chứa nhiều chất nhầy. Bạn có thể dùng dụng cụ hút mũi dành riêng cho trẻ sơ sinh. Bạn lưu ý nên nhỏ nước muối sinh lý cho con trước để làm lỏng chất nhầy.
4.5. Móng tay, chân của bé
Móng tay, chân của trẻ sơ sinh khá mềm nhưng chúng vẫn có thể làm xước da của con. Bạn hãy dùng bấm móng tay hoặc kéo mũi cùn để cắt móng tay, chân cho bé sau khi tắm (móng sẽ mềm hơn), hoặc khi con ngủ (các ngón tay sẽ thả lỏng).
4.6. Da của bé
Một số trẻ sơ sinh phát triển các mảng đỏ, ngứa trên da gọi là chàm da hoặc viêm da dị ứng – một tình trạng da di truyền. Bạn hãy hạn chế thời gian tắm cho con xuống 10 phút, cũng như sử dụng xà phòng dịu nhẹ không mùi thơm và tắm bằng nước ấm. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để chọn cho con loại kem bôi da phù hợp. Đối với quần áo, bạn hãy cho con mặc chất liệu cotton để da con được thông thoáng.
4.7. Khu vực mặc tã của bé
Sự ẩm ướt cộng với làn da nhạy cảm sẽ khiến khu vực này của bé dễ bị hăm, mẩn ngứa. Bạn hãy thường xuyên thay tã cho bé, đặc biệt ngay sau mỗi lần bé đi tè hoặc ị. Tốt nhất bạn dùng nước ấm, sạch để rửa khu vực mặc tã cho bé và để khô tự nhiên. Bạn hãy tránh sử dụng khăn ướt, vì chúng có thể kích thích làn da nhạy cảm của con. Một số loại kem chống hăm dành riêng cho trẻ sơ sinh có thể sẽ giúp ích trong trường hợp này. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để lựa chọn loại phù hợp cho con.
4.8. Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh – Khu vực rốn của bé
Bạn hãy giữ cho khu vực rốn của bé được khô ráo, rốn của bé sẽ khô và tự rụng đi sau vài ngày hoặc vài tuần. Bạn hãy tránh để tã phủ lên vùng này, cũng như hãy áp dụng cách tắm khô đến khi rốn con tự rụng.
4.9. Nếu bé được cắt bao quy đầu
Phần đầu dương vật sẽ sưng tấy, đóng vảy và có thể có dịch tiết màu vàng. Bạn hãy vệ sinh cho bé bằng nước ấm, cũng như dùng thuốc mỡ để bảo vệ vết thương và ngăn nó bị dính vào tã.
4.10. Chân của bé
Chân của trẻ sơ sinh thường bị vòng ra ngoài, với bàn chân hướng vào trong. Đây là hiện tượng bình thường do ảnh hưởng của không gian sống chật hẹp khi bé còn trong bụng mẹ. Bạn đừng quá lo lắng về tình trạng này, vì chân của con sẽ thẳng ra trong khoảng từ 6 đến 18 tháng.
4.11. Bàn chân của bé
Các ngón chân của trẻ sơ sinh trông có vẻ như chồng lên nhau và móng chân thì mọc ngược, nhưng thực tế không phải vậy. Vẻ ngoài này là hoàn toàn bình thường, nên bạn đừng lo lắng.
Tìm hiểu thêm: Tắm trà cho trẻ sơ sinh – nên hay không nên?
5. Về vấn đề giấc ngủ
Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh về vấn đề giấc ngủ cũng là điều vô cùng quan trọng đối với các bậc cha mẹ mới.
Việc ngủ gần mẹ giúp trẻ sơ sinh điều chỉnh nhịp tim, hệ miễn dịch và mức độ căng thẳng, khiến cho việc bú mẹ trở nên dễ dàng hơn. Nó cũng giữ cho em bé ở giai đoạn ngủ nông để bé có thể thực hành việc thức và ngủ trở lại. Điều này sẽ rất có ích cho bé trong trường hợp có bất kỳ vấn đề nào, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ xảy ra.
Em bé được ngủ gần mẹ cũng giúp giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden Infant Death Syndrome – SIDS). Bạn có thể đặt nôi ngủ của bé trong phòng mình hoặc sử dụng dạng nôi gắn liền với giường ngủ của bạn. Em bé nên ngủ gần nhưng không nên ngủ chung với bạn vì nguy cơ ngạt thở sẽ cao hơn.
5.1. Giấc ngủ ngày và đêm
Bạn hãy để đèn sáng khi bé ngủ vào ban ngày cũng như giữ cho bé thật “bận rộn” bằng cách chơi với con. Vào ban đêm, bạn hãy giữ không gian ngủ của con thật yên tĩnh, giảm ánh sáng kể cả khi bạn cho bé bú.
5.2. Các hoạt động trước khi ngủ
Bạn hãy duy trì các hoạt động trước khi ngủ một cách nhất quán. Mỗi gia đình có thể có các thói quen khác nhau, nhưng thực hiện các hoạt động giống nhau theo cùng thứ tự mỗi ngày sẽ giúp bé biết trước được điều gì đến tiếp theo. Bạn nên thực hiện ba hoặc bốn hoạt động thư giãn trong tổng thời gian 20 – 30 phút trước khi ngủ. Chúng có thể bao gồm: mát xa, tắm, hát ru, cầu nguyện, vỗ về, bú sữa và đọc sách.
5.3. Vỗ về cho bé ngủ
Nếu bạn đang thực hiện điều này và bé ngủ cả đêm, đừng quá lo lắng. Sau khoảng 4 tháng, nếu bé thức dậy, bạn vẫn có thể vỗ về để giúp bé buồn ngủ trở lại, nhưng ngừng lại ở giai đoạn cuối để bé tự đưa mình vào giấc ngủ. Việc này sẽ tạo cho con thói quen ngủ tốt sau này.
5.4. Giấc ngủ trưa của bé
Bạn hãy để ý để biết lịch trình ngủ của con sau khoảng 3 tháng. Bạn không cần phải cứng nhắc, nhưng một số cấu trúc thời gian sẽ giúp ích cho cả cha mẹ và em bé. Đến 9 tháng tuổi, hầu hết trẻ sẽ tự nhiên chuyển sang ngủ ngày vào khoảng 9 giờ sáng và 2 giờ chiều. Tuy nhiên, bạn đừng cố ép thời gian biểu cho bé vì sự thuận tiện của mình.
5.5. Hãy để bé khóc một chút
Các chuyên gia khuyên rằng, khi trẻ được khoảng 5 tháng tuổi, bạn có thể thử để trẻ khóc một chút vào ban đêm (điều này không có nghĩa là để bé khóc hàng giờ). Bạn hãy bắt đầu với 5 phút, nếu thấy quá khó, hãy đón bé sau 3 phút. Nghe có vẻ tàn nhẫn khi không bế ngay một em bé sơ sinh đang khóc, tuy nhiên, dạy trẻ cách tự bình tĩnh về lâu dài sẽ tốt hơn cho con.
6. Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh trong 3 nhiệm vụ đặc biệt “đáng sợ”
Có ba nhiệm vụ đặc biệt “đáng sợ” về lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh mà bạn cần nắm được:
6.1. “Giải mã” phân của bé
Khi mới sinh, em bé sẽ thải ra một chất đặc có màu đen hoặc xanh gọi là phân su. Trong vòng vài ngày, bé bú sữa mẹ sẽ bắt đầu đi tiêu từ 6 – 8 lần mỗi ngày. Phân của bé bú mẹ thường mềm, có màu xanh vàng và đôi khi chứa nhiều hạt lợn cợn. Đối với bé bú sữa công thức, con đi ngoài ít hơn, chỉ khoảng 1 – 2 lần mỗi ngày. Phân của bé bú sữa công thức cũng đặc hơn và có màu vàng sạm. Trừ khi em bé của bạn bị tiêu chảy, các biến thể đa dạng về màu sắc, độ đặc và tần suất là bình thường.
6.2. Đối mặt với cơn khóc của bé
Khi bé khóc, trước tiên bạn hãy loại trừ các nguyên nhân có thể xảy ra. Bạn hãy kiểm tra xem tã của bé có bị bẩn không, con có bị quá nóng hay lạnh không, tã hoặc quần áo của con có quá chật khiến con khó chịu không. Sau đó bạn có thể áp dụng một số cách sau để làm dịu bé:
- Cho bé bú, hoặc cho con ngậm ngón tay bạn hay núm vú giả. Tuy nhiên, nếu bạn đang cho bé bú mẹ thì hãy khoan cho con tiếp xúc với núm vú giả ít nhất cho đến khi con đã quen với việc bú mẹ, thường là khi con được 4 – 6 tuần tuổi.
- Tạo môi trường giống như trong bụng mẹ bằng cách quấn người bé bằng một chiếc khăn, sau đó bế con ở phía bên trái hoặc phía bụng, đồng thời đung đưa con nhẹ nhàng và tạo âm thanh giống như khi bạn dùng ngón tay đặt lên môi để yêu cầu ai đó giữ yên lặng.
- Bế bé đi lại, đung đưa bé nhẹ nhàng hoặc đặt bé vào ghế dành cho trẻ sơ sinh, vì trẻ thích sự chuyển động.
- Trên tất cả, bạn hãy giữ bình tĩnh, vì nếu bạn căng thẳng, em bé cũng sẽ bị ảnh hưởng từ trạng thái của bạn. Bạn hãy nhớ rằng, khóc là “công việc” hàng ngày của trẻ sơ sinh, và nó sẽ trôi qua.
6.3. Cơn sốt của bé
Sốt ở trẻ sơ sinh có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các bé dưới 2 tháng tuổi. Bạn hãy liên hệ với bác sĩ nếu nhiệt độ đo được ở hậu môn là 38oC – 39oC khi bé đã được 2 tháng tuổi hoặc hơn. Bạn cũng hãy theo dõi các dấu hiệu khác như: bé quấy khóc, bỏ ăn hay bú kém.
Nhiệt độ sốt của bé dưới 38 độ không phải là dấu hiệu có hại, nên nếu bé không thể hiện triệu chứng khó chịu hay bất thường nào, việc cố gắng giảm sốt là điều không cần thiết. Khi bé sốt trên 38 độ, việc cho bé dùng Tylenol dành cho trẻ sơ sinh có thể giúp con thấy dễ chịu và giúp con ăn được, ngủ được hơn. Tuy nhiên, dùng thuốc hạ sốt có thể khiến việc chẩn đoán bệnh của bé trở nên khó khăn hơn. Bạn nên đưa con đến bác sĩ nếu con sốt kéo dài hơn 2 ngày. Con có thể bị một dạng nhiễm trùng nào đó.
7. Những trường hợp đặc biệt ba mẹ không nên bỏ qua
Có một số lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh mà bạn không nên bỏ qua, và cần báo ngay cho bác sĩ, đó là:
- Bé dưới 2 tháng tuổi sốt 38oC, hoặc bé trên 2 tháng tuổi sốt trên 38oC.
- Bé bỏ bú.
- Bé đi ngoài phân lỏng hoặc lẫn dịch nhầy.
- Bé ngủ mê mệt hoặc không phản ứng.
- Bé khó chịu quá mức và khóc lâu hơn bình thường một cách vô cớ.
- Bé bị phát ban đỏ hoặc sưng tấy ở bất kì vị trí nào trên cơ thể.
- Bé bị nổi mẩn đỏ hoặc sưng tấy ở gốc dây rốn.
- Bé thể hiện sự căng thẳng, khó chịu khi đi ngoài.
- Bé bị chướng bụng hoặc nôn mửa (khác với nôn trớ).
>>>>>Xem thêm: Máy hút sữa loại nào tốt và những lưu ý khi chọn mua máy hút sữa
Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh bao gồm rất nhiều điểm mà các bậc cha mẹ cần ghi nhớ. Đây là việc không phải dễ dàng nhưng qua quá trình chăm sóc bé, chắc chắn bạn sẽ hình thành phản xạ nhanh nhạy trước các vấn đề bất thường về sức khỏe của con. Bên cạnh đó, bản năng làm cha mẹ cũng sẽ phần nào mách bảo cho bạn khi nào cần “hành động”. Dù cần ghi nhớ rất nhiều thứ, nhưng bạn hãy cố gắng đừng căng thẳng hay lo lắng thái quá, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán và quyết định của bạn về các vấn đề liên quan đến con.
Theo Parents
Lily Nguyễn lược dịch