Làm gì khi trẻ biếng ăn là một vấn đề mà có lẽ hầu hết các bậc cha mẹ đều từng phải vất vả tìm đáp án, mà không phải lúc nào cũng tìm được. Vì mỗi đứa trẻ đều đặc biệt và khác nhau, nên kinh nghiệm về việc cho con ăn từ phụ huynh này chưa chắc đã có tác dụng đối với trẻ khác. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số điểm chung của trẻ biếng ăn và những cách phổ biến bạn có thể thử để cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ nhé.
Bạn đang đọc: Làm gì khi trẻ biếng ăn – 3 cách hay và lưu ý để mẹ giúp con cải thiện thành công
Contents
1. Biểu hiện chung của trẻ biếng ăn
Trong quá trình chăm sóc trẻ, bạn sẽ thấy có những khoảng thời gian thói quen và sở thích ăn uống của trẻ thay đổi mà bạn không thể giải thích được lý do tại sao. Có thể hôm nay trẻ rất thích một món ăn nhưng hôm sau lại từ chối chính món ăn đó. Hoặc có thể chỉ đòi ăn một món trong cả tuần liên tục rồi lại đột ngột không muốn nó nữa. Hay có một vài ngày trẻ hầu như không ăn gì nhưng sau đó lại ăn liên tục cả ngày…
Là người trực tiếp chăm sóc và chuẩn bị bữa ăn cho trẻ, chắc hẳn bạn sẽ thấy sự thay đổi trên của trẻ là không bình thường, đặc biệt khi trẻ không ăn gì hoặc trở nên biếng ăn. Tuy nhiên bạn đừng quá lo lắng vì theo các chuyên gia, ngay từ khi bắt đầu tập đi trẻ đã có xu hướng muốn chứng tỏ sự độc lập của mình. Và việc từ chối thức ăn là một cách mà trẻ dùng để thể hiện sự kiểm soát của bản thân. Nó thường sẽ không kéo dài vì cơ thể trẻ em có “cơ chế” cân bằng rất tuyệt vời. Chúng sẽ không bao giờ để bản thân bị thiếu hụt năng lượng cho những hoạt động vui chơi bất tận của mình (trừ một số trường hợp trẻ biếng ăn do bệnh lý). Điều quan trọng là bạn cần nắm bắt được trạng thái và tâm lý của trẻ để có “chiến lược” đối phó một cách phù hợp.
Bạn có thể nhận biết những phản ứng thường gặp của trẻ biếng ăn (tạm thời) như:
- Trẻ từ chối thức ăn vì màu sắc hoặc kết cấu của chúng.
- Trẻ chọn một loại thực phẩm mới và chỉ ăn chúng mà thôi.
- Trẻ cương quyết không chịu thử món ăn mới.
- Trẻ không còn hứng thú với một món ăn mà trẻ đã từng rất yêu thích.
- Trẻ chỉ muốn tự ăn (đối với trẻ mới biết đi).
Khi gặp những tình huống trên, bạn nên xử lý như thế nào?
2. Làm gì khi trẻ biếng ăn và 3 cách hay giúp mẹ cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ
Bạn không thể ép trẻ ăn, tuy nhiên, bạn có thể cung cấp những món ăn giàu dinh dưỡng, cũng như giúp trẻ tạo dựng thói quen ăn uống lành mạnh và xây dựng thời khóa biểu ăn uống một cách phù hợp để cải thiện tình hình.
2.1. Tạo dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ
Để giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, bạn có thể thực hiện những việc sau:
- Cung cấp cho trẻ lượng thức ăn phù hợp : bạn hãy cho trẻ thêm 1 muỗng canh đồ ăn tương ứng với mỗi một năm tuổi của trẻ. Ví dụ: nếu trẻ 3 tuổi, hãy cho trẻ 3 muỗng canh mỗi loại thức ăn. Một khẩu phần ăn nhỏ sẽ tạo cho trẻ cơ hội muốn ăn thêm.
- Hãy kiên nhẫn : khi giới thiệu một loại thực phẩm mới với trẻ, bạn hãy thật kiên nhẫn vì trẻ có thể thử nhiều lần mới chấp nhận chúng.
- Hãy cho trẻ tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa ăn : có thể là chọn nguyên liệu ở siêu thị, dọn bàn ăn hay giúp bạn dọn dẹp. Những việc này sẽ khiến trẻ thích thú và muốn ăn hơn.
- Hãy chuẩn bị những đĩa ăn thật ngộ nghĩnh : bạn có thể dùng khuôn cắt bánh quy để cắt và tạo hình món ăn, sắp xếp thức ăn thật sáng tạo hay đề nghị trẻ đặt tên cho những món ăn mà trẻ yêu thích.
- Hãy cho trẻ nhiều lựa chọn : thay vì chuẩn bị món rau cho trẻ bạn hãy cho bé 2 chọn lựa: “con muốn ăn bông cải xanh hay súp lơ vào bữa tối”
- Hãy xen lẫn thực phẩm mới vào cũ : bạn hãy dọn kèm một loại thực phẩm mới cùng với món ăn mà trẻ yêu thích. Như vậy việc thử loại mới sẽ trở nên dễ dàng hơn.
- Hãy cho trẻ chấm đồ ăn vào một món nước sốt mà trẻ thích : nếu được ăn kèm với một món nước sốt mà trẻ thích, con sẽ hào hứng ăn hơn đặc biệt là rau và trái cây. Bạn có thể tự làm hoặc mua một số loại nước sốt có lợi cho sức khỏe như yogurt, nước sốt trộn salad ít béo,…và cho trẻ dùng.
- Hãy làm gương tốt : nếu trẻ thấy bạn ăn uống lành mạnh và đa dạng, trẻ cũng sẽ muốn bắt chước bạn.
- Hãy lập một danh sách những loại thực phẩm và món ăn yêu thích của trẻ : việc này sẽ giúp bạn đảm bảo cung cấp cho trẻ những bữa ăn cân bằng và giàu dinh dưỡng.
Tìm hiểu thêm: Miếng dán hạ sốt – có nên dùng thường xuyên cho bé hay không?
2.2. Thiết lập khung giờ ăn
Về khung giờ của bữa ăn, bạn hãy thực hiện những việc sau:
- Hãy thông báo cho trẻ về giờ ăn : khoảng 10-15 phút trước bữa ăn, bạn hãy cho trẻ biết đã sắp đến giờ ăn. Đôi khi trẻ quá mải chơi, mệt mỏi hay hào hứng với những hoạt động vui chơi mà không muốn ăn. Việc thông báo trước cho trẻ sẽ giúp trẻ có thời gian để chuyển đổi trạng thái từ chơi sang ăn.
- Hãy thiết lập thói quen cho trẻ : trẻ thường thích sự trật tự nên việc bạn thiết lập giờ ăn và chỗ ngồi cố định cho mỗi bữa ăn sẽ khiến trẻ hào hứng hơn.
- Hãy duy trì bữa ăn gia đình : trong bữa ăn, bạn không nên để trẻ vừa ăn vừa chơi hay coi điện thoại vì chúng sẽ làm trẻ mất tập trung và không ăn uống nghiêm túc được. Bạn hãy giải thích cho trẻ hiểu việc mọi người cùng ăn với nhau tuyệt vời như thế nào. Ngoài ra, bạn hãy yêu cầu trẻ ở lại bàn ăn cho đến khi mọi người đều ăn xong.
- Hãy làm cho không khí bữa ăn thật vui vẻ : nếu bữa ăn có không khí vui vẻ, trẻ sẽ trông đợi và hào hứng hơn khi đến bữa. Bạn nên hạn chế cãi vã tại bàn ăn.
- Hãy đừng mong đợi quá nhiều về việc ăn uống của trẻ : bạn đừng kỳ vọng quá vào trẻ. Ví dụ: bạn đừng trông đợi một đứa trẻ 3 tuổi sử dụng thành thạo các dụng cụ ăn uống. Đối với nhiều trẻ, ăn bằng thìa dễ dàng hơn nhiều so với nĩa.
2.3. Chuẩn bị đồ ăn vặt cho trẻ
Mỗi ngày trẻ nên ăn 3 bữa chinh và 2 bữa phụ. Bạn hãy chuẩn bị những món ăn vặt lành mạnh cho trẻ.
Món ăn vặt có lợi cho sức khỏe của trẻ gồm:
- Yogurt
- Phomai ít béo
- Táo cắt lát hoặc dâu cắt đôi
- Thịt nạc gà cắt lát
- Bánh quy (làm từ bột ngũ cốc nguyên hạt) với bơ đậu phộng.
Khi chuẩn bị đồ ăn vặt cho trẻ, bạn hãy lưu ý:
- Chỉ cho bé ăn vặt nếu cách giờ ăn chính vài tiếng.
- Nếu đã gần giờ ăn bữa chính, bạn không nên cho trẻ ăn vặt. Nếu trẻ thấy đói, con sẽ muốn ăn và ăn ngon miệng hơn.
- Nếu trẻ không ăn tại bữa chính, hãy cung cấp đồ ăn nhẹ vài tiếng sau đó. Nếu trẻ không ăn đồ ăn nhẹ, hãy cho trẻ ăn bù vào bữa chính tiếp theo. Trẻ thường sẽ ăn bù vào bữa thứ hai.
Nếu thực hiện những điểm lưu ý trên bạn sẽ đảm bảo thực đơn ăn uống của trẻ luôn đa dạng và giàu đinh dưỡng.
3. Lưu ý dành cho bạn khi giúp con cải thiện tình trạng biếng ăn
Dù có thể bạn rất bực bội và sốt ruột khi trẻ biếng ăn, nhưng bạn cần luôn nhớ những điều sau:
- Đừng nên bắt trẻ ăn hết đồ ăn trong đĩa nếu bé không muốn : một khi trẻ không còn đói nữa, thì chúng nên được phép ngừng ăn. Việc ép trẻ ăn khi bé không đói sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ chế báo no tự nhiên của con. Việc cho phép trẻ ngừng ăn sẽ giúp trẻ biết lắng nghe cơ thể mình và phát triển thói quen lựa chọn đồ ăn và ăn uống lành mạnh.
- Đừng thỏa hiệp hay hối lộ trẻ bằng đồ ăn : việc dọa nạt, phạt hay thưởng để trẻ ăn cũng không phải là việc bạn nên làm vì chúng có thể gây hậu quả khó lường sau này. Bạn nên tránh thỏa hiệp với trẻ, ví dụ: “nếu con ăn thêm 3 miếng nữa, mẹ sẽ cho con ăn món tráng miệng con thíc”. Thỏa hiệp trong bữa ăn sẽ dạy trẻ cách thỏa hiệp để đòi những phần thưởng khác. Ngoài ra, khi bạn dùng món tráng miệng để treo thưởng cho trẻ, bạn vô tình nâng cao giá trị của nó trong tâm trí trẻ. Việc này có thể dẫn đến thói quen ăn uống không lành mạnh sau này.
Nếu bạn thấy lo lắng về việc trẻ biếng ăn, đừng thể hiện cho trẻ thấy. Vì có thể trẻ đang muốn thu hút sự chú ý của bạn, và phản ứng của bạn sẽ cho trẻ thấy chúng đã thành công. Việc này có thể lặp đi lặp lại khiến bạn mệt mỏi thêm.
Thay vì biểu hiện trước mặt trẻ, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sỹ bằng những câu hỏi sau để thấy yên tâm hơn:
- Trẻ nhà tôi nên ăn bao nhiêu một ngày?
- Có loại thực phẩm cần thiết nào tôi tôi nên cho trẻ ăn hàng ngày không?
- Tôi có nên lo lắng khi trẻ ăn ít nhiều ngày liền?
- Tôi có nên cho trẻ uống thức uống dinh dưỡng để bổ sung chất không?
- Khi nào thì trẻ đỡ hoặc hết biếng ăn?
Tùy thuộc vào độ tuổi và thể trạng của trẻ mà bác sỹ sẽ đưa là lời khuyên hoặc chỉ định phù hợp.
>>>>>Xem thêm: Trẻ sơ sinh mắt đổ nhiều ghèn, mẹ ơi đừng chủ quan kẻo hư mắt con!
Làm gì khi trẻ biếng ăn có thể là câu hỏi khiến bạn phải đầu tư nhiều thứ để tìm câu trả lời. Tuy nhiên phần lớn trường hợp chỉ là biếng ăn tạm thời, do nguyên nhân chủ quan từ chính trẻ mà thôi. Vì vậy, thay vì lo lắng thái quá, bạn hãy cố gắng quan sát trẻ và giúp con xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh. Việc này không những có lợi cho sức khỏe hiện tại và sau này của bé, mà còn góp phần quan trọng trong việc tạo dựng lối sống khoa học cho con sau này.
Theo Family Doctor
Lily Nguyễn lược dịch