Khủng hoảng tuổi lên 2 ở trẻ có lẽ là tình trạng các cha mẹ thường phải “đối mặt”, vì đây là một phần trong quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên bạn có thể không biết nguyên nhân hay tên gọi chính xác của nó do biểu hiện ở mỗi trẻ là khác nhau. Bạn có thể thấy con dễ dàng nổi cáu hay khóc ăn vạ vì một chuyện rất nhỏ nhặt. Vậy làm thế nào để cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách “hòa bình” nhất, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Bạn đang đọc: Khủng hoảng tuổi lên 2 và 8 cách hay giúp cha mẹ xử lý vấn đề này ở trẻ
Contents
- 1 1. Hãy phớt lờ trẻ – một trong những cách hay mẹ có thể áp dụng để xử lý vấn đề khủng hoảng tuổi lên 2 ở trẻ
- 2 2. Hãy tạm rời khỏi trẻ
- 3 3. Hãy cho trẻ thứ con muốn theo cách của bạn
- 4 4. Hãy phân tán sự tập trung của trẻ
- 5 5. Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ và suy nghĩ giống như cách trẻ nghĩ
- 6 6. Hãy giúp trẻ khám phá
- 7 7. Hãy đặt ra giới hạn – cách giúp con kiểm soát bản thân ở thời điểm khủng hoảng tuổi lên 2 bùng phát
- 8 8. Hãy phạt trẻ bằng “timeout – thời gian suy ngẫm” nếu cần thiết
1. Hãy phớt lờ trẻ – một trong những cách hay mẹ có thể áp dụng để xử lý vấn đề khủng hoảng tuổi lên 2 ở trẻ
Việc phớt lờ trẻ nghe có vẻ khắt khe tuy nhiên đây là một trong những chìa khóa để đối phó với cơn cáu gắt của trẻ. Một khi một đứa trẻ 2 tuổi đột nhiên “nổi cơn” giận dữ thì cảm xúc của chúng sẽ kiểm soát tất cả. Việc bạn cố gắng nói chuyện hay dỗ dành trẻ thường không có tác dụng tại thời điểm đó. Vì vậy tốt nhất bạn nên đảm bảo rằng trẻ an toàn – bằng cách loại bỏ các đồ vật có thể làm con bị đau vì khi tức giận con có thể quăng ném đồ đạc – và đợi đến khi cơn giận của con chấm dứt. Lúc này bạn hãy ôm trẻ và tiếp tục mọi việc thường ngày.
Thông thường cơn giận dữ trẻ 2 tuổi không phải là chủ ý, trừ khi trẻ thấy rằng việc này có thể thu hút sự chú ý của bạn. Vì vậy, bạn cần để trẻ biết một cách nghiêm túc là, bạn phớt lờ cơn giận của trẻ vì hành động đó không phải là cách để giúp trẻ làm bạn để ý. Hãy nói với con một cách nhẹ nhàng rằng, con phải dùng từ ngữ để báo cho bạn biết nếu con muốn thứ gì đó.
Bạn cũng nên lưu ý rằng, trẻ ở độ tuổi lên 2 này có thể chưa đủ vốn từ vựng để giao tiếp với bạn, do vậy bạn hãy khuyến khích con thể hiện bằng cách khác. Bạn có thể dạy con dùng cử chỉ khi muốn nói những từ như: con muốn, đau, nhiều hơn, uống nước mà mệt… nếu con chưa nói được hay nói chưa rõ ràng. Việc này sẽ giúp trẻ không bị quá khích, đồng thời xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa bạn và con.
2. Hãy tạm rời khỏi trẻ
Việc hiểu được giới hạn của bản thân là một phần của việc rèn luyện trẻ. Nếu bạn cảm thấy mình sắp trở nên giận dữ, hãy tạm rời khỏi trẻ và hít thở thật sâu để lấy lại bình tĩnh. Trong lúc đó, bạn hãy nhờ người khác để mắt đến trẻ.
Bạn hãy nhớ rằng với trẻ 2 tuổi , việc trẻ “nổi cơn” không phải vì con hư hay muốn làm bạn buồn, mà vì trẻ thấy bực bội với chính mình nhưng không thể diễn tả cảm xúc của bản thân như người lớn. Một khi bạn đã trấn tĩnh thì bạn có thể xử lý tình huống một cách nhẹ nhàng và hiệu quả hơn nhiều.
3. Hãy cho trẻ thứ con muốn theo cách của bạn
Khi thấy trẻ cố gắng làm điều gì đó mà không được ví dụ như mở một chai nước trái cây, bạn nghĩ rằng trẻ sẽ làm bể hoặc đổ chai và dễ dàng la mắng trẻ, bắt con phải đặt lại chai nước xuống bàn.
Thay vì hành động như vậy, bạn hãy nhẹ nhàng lấy chai nước trái cây khỏi tay trẻ và trấn an trẻ rằng bạn sẽ mở chai và rót nước ra ly cho con.
Bạn có thể áp dụng “kỹ thuật” xử lý này vào những tình huống khác như khi trẻ cố gắng với lấy món đồ gì đó trên tủ, hay khi trẻ vứt đồ chơi bừa bộn khi khó chịu vì không lấy được thứ mình muốn.
Việc bạn dùng quy tắc của mình để giúp trẻ sẽ cho con thấy rằng, trẻ có thể nhờ bạn giúp đỡ khi gặp khó khăn thay vì tự mình thực hiện và gây rắc rối. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn trẻ có được đồ vật nào đó, hãy nhẹ nhàng giải thích tại sao bạn lại phải cất món đồ đó đi, đồng thời hãy đề xuất một món khác thay thế. Quy tắc của bạn như thế khi áp dụng thành công, sẽ mang lại những hiệu quả rất bất ngờ trong giáo dục về việc, con sẽ biết nhờ người khác giúp khi con cảm thấy bản thân mình không tự giải quyết được điều gì đó. Và điều này, cũng giúp ích cho con rất nhiều ở những giai đoạn tiếp theo.
4. Hãy phân tán sự tập trung của trẻ
Xu hướng của các bậc cha mẹ là sẽ lập tức bế trẻ ra khỏi khu vực hoặc đồ vật có thể gây nguy hiểm cho con. Tuy nhiên hành động này rất dễ châm ngòi cho sự bùng nổ cơn giận của trẻ, vì bạn đang tách con ra khỏi thứ mà con muốn. Vì vậy, nếu trẻ đang định làm gì hãy đừng đột ngột ngăn cản trẻ. Vì tất cả trẻ em 2 tuổi đều đang ở đà khám phá để phát triển, trẻ cần phải học được những gì mình không được làm, và không phải cơn giận nào của trẻ cũng “phòng tránh” được.
Để hạn chế nguy hiểm đối với trẻ, bạn hãy phân tán sự tập trung của trẻ về nơi trẻ định đến hay đồ vật trẻ định lấy bằng cách, gọi tên trẻ để thu hút sự chú ý của con, sau đó hãy gọi con đến chỗ bạn và cho con thấy một món đồ chơi hay đồ vật gì đó khác không gây nguy hiểm mà con thích.
Tìm hiểu thêm: Tâm lý trẻ mới lớn có nhiều đặc điểm ba mẹ cần lưu ý
5. Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ và suy nghĩ giống như cách trẻ nghĩ
Trên thực tế bạn có thể dễ dàng bực mình vì những trò nghịch của trẻ. Hôm nay chúng vẽ đầy lên tường, hôm qua thì lăn lộn trên đất bẩn sau nhà và bạn phải dọn dẹp tất cả mớ hỗn độn mà trẻ bày ra.
Tuy nhiên, bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của trẻ. Ở độ tuổi lên 2, con thấy những hoạt động đó thật là vui, thú vị và làm như vậy là bình thường. Trẻ đang học hỏi và khám phá những gì xung quanh mình và chưa ý thức được rằng, mình làm vậy là gây bừa bộn và người lớn phải “chịu hậu quả”.
Để “xử lý” vấn đề này, bạn đừng cố ngăn cản hay tách trẻ ra khỏi hoạt động mà trẻ đang rất hứng thú thực hiện. Thay vào đó, hãy đợi vài phút, trẻ sẽ nhanh chóng thay đổi mục tiêu của mình sang hoạt động khác. Hoặc bạn có thể cùng tham gia với trẻ và hướng dẫn con. Ví dụ bạn hãy tô màu trên giấy và rủ trẻ làm theo…
6. Hãy giúp trẻ khám phá
Trẻ 2 tuổi của bạn cũng giống như mọi đứa trẻ 2 tuổi khác – đều rất thích khám phá thế giới.
Một phần của hành trình khám phá đó là chạm vào mọi thứ trên mặt đất mà trẻ thấy. Trong khi bạn lại có xu hướng ngăn cản trẻ làm điều đó vì lo sợ nhiều thứ: sợ con bị thương, sợ con lấm bẩn, sợ con gặp nguy hiểm…
Tuy nhiên, để giúp con phát triển , thay vì ngăn trẻ, bạn hãy giúp con tìm ra những gì an toàn và không an toàn để chạm vào. Bạn hãy thử hướng dẫn con “không chạm vào” những thứ nguy hiểm, “chạm nhẹ” đối với khuôn mặt và động vật và “chạm vào” đối với những đồ vật an toàn. Hãy cùng trẻ sử dụng những từ ngữ vui như “chạm nóng”, “chạm lạnh”, “chạm lỗi”…để “chế ngự” những ngón tay nhỏ bé của trẻ.
7. Hãy đặt ra giới hạn – cách giúp con kiểm soát bản thân ở thời điểm khủng hoảng tuổi lên 2 bùng phát
Câu mệnh lệnh “Bởi vì ba/ mẹ nói thế” hay “Bởi vì ba/ mẹ nói không” không phải là cách hiệu quả để đưa trẻ vào kỷ luật. Thay vào đó bạn hãy đặt ra giới hạn và giải thích cho trẻ hiểu.
Vi dụ khi trẻ kéo đuôi con mèo, hãy gỡ tay trẻ ra và giải thích rằng làm như vậy sẽ khiến mèo bị đau, đồng thời hướng dẫn trẻ cách vuốt ve mèo một cách nhẹ nhàng. Bạn cũng nên tạo ra các giới hạn đối với những đồ vật nguy hiểm bằng cách giữ chúng ngoài tầm tay của trẻ, ví dụ để dao, kéo, những đồ dùng sắc nhọn trong ngăn tủ bếp có khóa…
Khi bạn áp dụng những điều này với trẻ, trẻ có thể sẽ thấy khó chịu vì không được làm những gì mình muốn. Tuy nhiên bằng việc thiết lập giới hạn, bạn sẽ giúp trẻ học được cách kiểm soát bản thân.
8. Hãy phạt trẻ bằng “timeout – thời gian suy ngẫm” nếu cần thiết
Nếu trẻ vẫn tiếp tục các hành vi bướng bỉnh của mình dù bạn đã thực hiện các biện pháp cần thiết, bạn hãy áp dụng “timeout”: chọn một vị trí trống và buồn tẻ như một chiếc ghế trong góc nhà hay hành lang. Sau đó cho trẻ ngồi hoặc đứng vào vị trí đó trong một khoảng thời gian để trẻ bình tĩnh lại. Thời lượng của mỗi lần “timeout” nên tương ứng với độ tuổi của trẻ, ví dụ trẻ 2 tuổi là 2 phút, trẻ 3 tuổi là 3 phút…
Nếu trong thời gian “timeout”, trẻ rời khỏi vị trí, hãy đưa trẻ trở lại đó. Bạn cũng không nên phản ứng lại với bất kì lời nói hay hành động nào của trẻ cho đến khi “”timeout” kết thúc. Khi trẻ đã bình tĩnh trở lại, bạn hãy giải thích cho trẻ hiểu tại sao bạn lại phạt trẻ, cũng như tại sao hành động của trẻ là sai.
>>>>>Xem thêm: Bài thuốc trị ho cho trẻ theo dân gian từ thực phẩm dễ tìm trong bếp khiến mẹ bất ngờ
Bạn không bao giờ nên đánh hoặc sử dụng các phương pháp bạo lực để kỷ luật trẻ vì việc này sẽ làm tổn thương trẻ, cũng như củng cố cho các hành vi tiêu cực sau này của con.
Việc đối phó với khủng hoảng tuổi lên 2 của trẻ đòi hỏi bạn phải dung hòa giữa nghiêm khắc và cảm thông. Bạn hãy luôn nhắc mình rằng đây là một phần bình thường trong quá trình phát triển của trẻ và nó sẽ sớm kết thúc. Hãy cố gắng bình tĩnh và đối xử một cách bao dung với trẻ. Khi bạn kiên nhẫn áp dụng các phương pháp trên, thì ngoài việc giúp giải quyết con cáu giận của trẻ ở hiện tại, chúng còn có thể ngăn chặn những cơn giận dữ của con trong tương lai.
Theo Health Line
Lily Nguyễn lược dịch