Khủng hoảng tuổi lên 2 là vấn đề không xa lạ với các gia đình có trẻ độ tuổi này. Thực tế có nhiều cha mẹ biết, thừa nhận và cùng con đi qua những tháng ngày khủng hoảng một cách “êm đẹp”. Song, cũng không ít phụ huynh gần như kiệt sức hoặc cảm thấy ám ảnh, sợ hãi những lúc trẻ quấy khóc ăn vạ. Để giúp “giảm nhẹ” được điều này, Blogtretho.edu.vn mời phụ huynh cùng tham khảo các cách có thể giúp chế ngự và hạn chế sự khủng hoảng của trẻ như dưới đây.
Bạn đang đọc: Khủng hoảng tuổi lên 2 và 11 cách giúp mẹ cùng bé vượt qua một cách “êm đẹp”
Contents
- 1 1. 8 cách chế ngự những cơn khủng hoảng tuổi lên 2 của bé
- 1.1 1.1. Xoa dịu bé
- 1.2 1.2. Hạn chế phủ định trong cuộc trò chuyện cùng con
- 1.3 1.3. Không ra lệnh cho con trong lúc nóng giận
- 1.4 1.4. Để con tự giải quyết vấn đề của mình
- 1.5 1.5. Đáp ứng trong giới hạn cho phép với những yêu cầu của con
- 1.6 1.6. Khủng hoảng tuổi lên 2 sẽ giảm khi mẹ khen chê đúng lúc
- 1.7 1.7. Không để kẻ đấm người xoa
- 1.8 1.8. Sử dụng hình phạt một cách hợp lý
- 2 2. 3 cách hạn chế những cơn “ăn vạ” của bé
1. 8 cách chế ngự những cơn khủng hoảng tuổi lên 2 của bé
Khi bé bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2, các bậc cha mẹ có thể bị sốc. Bỗng nhiên con mình thay đổi tâm tính một cách 180 độ như thế liệu có phải là vấn đề sức khỏe không? Nhưng không, đây là một phần trong quá trình học hỏi và lớn lên của bé.
Chính vì thế, đây cũng là thời điểm vàng để bé hình thành những thói quen tốt đẹp. Các bậc phụ huynh nên có cách hành xử thật thích hợp trong giai đoạn này. Thứ nhất có thể giúp bé bớt khó chịu, thứ hai là dạy cho con những điều tốt đẹp và đúng đắn.
Gọi là chế ngự cơn khủng hoảng của trẻ song thực chất không hẳn nghiêm trọng như vậy. Những cách giải quyết hợp lý của chúng ta có thể nhanh chóng giúp trẻ bình tĩnh, hay nói cách khác, cách xử lý phù hợp của cha mẹ sẽ làm ngắn lại thời gian mà trẻ quấy khóc hay ăn vạ. Và 8 cách sau đây sẽ giúp cha mẹ làm được điều đó.
1.1. Xoa dịu bé
Lúc bé bỗng nhiên nổi giận vô cớ, mẹ không nên giận theo. Điều này có thể khiến bé trở nên căng thẳng và quậy phá hơn. Thay vào đó, mẹ có thể thủ thỉ xoa dịu nhẹ nhàng và hỏi bé nguyên nhân. Với nhiều bé, hành động này có tác dụng rất thần kỳ. Bé sẽ dần tập trung vào những lời mẹ nói mà quên mất mình nổi nóng vì chuyện gì. Và như thế thì cơn quấy phá cũng sẽ qua đi dần.
1.2. Hạn chế phủ định trong cuộc trò chuyện cùng con
Đây là lúc trẻ nhạy cảm với việc bị phủ nhận. Thế nên, mẹ không nên phủ nhận cũng không nên nổi nóng với bé. Khi bé nổi cơn giận dữ, đầu tiên, mẹ nên để bé một mình và ngồi gần quan sát. Mẹ cứ giữ bình tĩnh và vui vẻ hết mức có thể coi như chưa có chuyện gì xảy ra. Lúc này, bé cũng sẽ học theo cách làm của mẹ. Nếu lo lắng vì tiếng khóc của con thì mẹ sẽ bị bé lừa. Bé vốn không khóc vì đau hay đói mà đôi khi đơn giản chỉ vì muốn khóc ăn vạ mà thôi.
1.3. Không ra lệnh cho con trong lúc nóng giận
Với những bé đang có tư tưởng chống đối, bạn càng ra lệnh, bé sẽ càng làm ngược lại. Và điều này lại khiến mọi việc trở nên rắc rối hơn. Vì thế khi trẻ giận dữ vô cớ, hãy im lặng một lúc quan sát rồi hãy xử lý tiếp. Khi trẻ đã bắt đầu nguôi ngoai, mẹ tìm cách nói chuyện bình thường với bé như chưa có chuyện gì xảy ra. Mẹ cứ lặp lại hành động này vài lần, bé sẽ dần hiểu ăn vạ sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Và từ đó dần bớt ăn vạ hơn.
1.4. Để con tự giải quyết vấn đề của mình
Lúc không vừa ý với một chuyện gì đó dù là rất nhỏ, bé sẽ khóc và mè nheo mẹ. Điều đó đôi khi không phải do mẹ mà tự thân bé đang có một đòi hỏi gì đó. Nếu không biết chuyện gì đang xảy ra thì mẹ có thể để bé tự giải quyết. Bé sẽ tự xem xét xung quanh và tìm thứ mình muốn. Đó có thể là món đồ chơi khác, bộ quần áo khác bé đang muốn lúc đó. Nếu làm được điều này, bé sẽ học được cách tự lắng nghe bản thân mình nhiều hơn.
1.5. Đáp ứng trong giới hạn cho phép với những yêu cầu của con
Nếu không biết bé quấy khóc và quậy phá vì chuyện gì thì có thể hỏi ngược lại bé. “Con cần thứ gì?”, “Con muốn mẹ làm gì?” hoặc những câu hỏi tương tự. Nếu điều bé đưa ra không có gì quá sức thì có thể đáp ứng cho bé. Nhưng điều này nên hạn chế đến mức tối đa vì dễ sinh ra thói đòi hỏi, đua đòi ở bé từ sớm.
Trong trường hợp trẻ ra những yêu cầu vô lý, mẹ không nên cố gắng dỗ dành làm gì. Đầu tiên cứ tạm im lặng một thời gian khoảng vài phút. Sau đó, mẹ có thể đánh lạc hướng của bế bằng những món đồ chơi hay hoạt động khác. Điều này sẽ dạy cho bé biết rằng việc ăn vạ là không có tác dụng như ý muốn. Từ đó, bé sẽ dần ít ăn vạ và quậy phá hơn.
1.6. Khủng hoảng tuổi lên 2 sẽ giảm khi mẹ khen chê đúng lúc
Giai đoạn khủng hoảng trong tâm lý trẻ 2 tuổi là giai đoạn con đang tìm hiểu về chính mình và thế giới xung quanh. Thế nên nếu can thiệp đúng cách, mẹ có thể dạy con những thói quen tốt. Ở giai đoạn nhạy cảm này, bé thường trở nên khó chịu. Vì thế, việc chê trách sẽ khiến bé thêm nổi nóng, phản tác dụng. Lúc này, một lời khen khi hoàn thành tốt việc gì đó đúng lúc là cần thiết hơn cả. Một lời khen kèm với phần thưởng nho nhỏ sẽ giúp bé có thái độ tích cực hơn.
Tìm hiểu thêm: Bệnh lác mắt ở trẻ em và các dấu hiệu cha mẹ cần biết
1.7. Không để kẻ đấm người xoa
Đôi khi bé quấy khóc, nhiều cha mẹ sẽ dùng cách kẻ đấm người xoa để dỗ con. Tâm lý chung của bé là sợ bị bỏ rơi và tìm người bênh vực mình. Thế nên khi một người đứng về phía mình, bé sẽ tạm ngưng ăn vạ. Điều này có hiệu quả nhất thời nhưng không phải là phương pháp đúng đắn.
Mỗi lúc bé ăn vạ hay quấy khóc mà kẻ đấm người xoa thì vô tình khiến trẻ có cảm giác chia rẽ trong gia đình. Giai đoạn này bé sẽ tiếp thu và học theo một cách vô thức hành động này. Đây chắc chắn là thói quen không tốt mà chắc chắn chúng ta không hề mong muốn.
Thêm vào đó, kẻ đấm người xoa trong những lúc căng thẳng đôi khi còn gây ra tác dụng ngược, vì những điều ta muốn dạy trẻ vô tình ở trong trạng thái “nhùng nhằng” không rõ ràng.
1.8. Sử dụng hình phạt một cách hợp lý
Chẳng bố mẹ nào muốn áp dụng hình phạt khi con còn quá nhỏ. Thế nhưng trong những trường hợp bắt buộc, hình phạt là điều cần thiết. Khi bé có những xử sự không đúng nhiều lần, mẹ buộc phải dùng hình phạt để ngăn con không hình thành thói quen xấu. Nhưng mẹ cần lưu ý là, không phải lúc nào cũng dùng hình phạt để dọa trẻ. Vì điều này có thể dẫn đến việc bé không còn sợ hình phạt nữa và mẹ không còn cách khắc chế bé sau này.
2. 3 cách hạn chế những cơn “ăn vạ” của bé
Khủng hoảng tuổi lên 2 là một hiện tượng buộc phải có trong quá trình trưởng thành của bé. Tuy vậy, không có nghĩa là chúng ta không có cách giảm bớt những triệu chứng quấy khóc và quậy phá của trẻ. Hay nói cách khác, chúng ta có thể hạn chế điều này và giảm nhẹ chúng bằng cách “phòng bệnh” trước khi những cơn khủng hoảng nổ ra.
Nếu nhận thấy những hành vi không bình thường của bé nhen nhóm ở giai đoạn này, mẹ nên có những chiến lược phòng từ xa để “dễ bề” xử lý hơn, một khi con bước vào thời điểm khủng hoảng lên mức đỉnh điểm.
2.1. Sắp xếp thời gian biểu hợp lý để hạn chế những cơn ăn vạ của bé
Mẹ có biết rằng, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bé quấy khóc là do bé khó chịu, đói hoặc mệt không? Có thể vì một lý do nào đó, mẹ làm trễ mất thời gian biểu của bé. Ví dụ, mẹ có thể làm trễ bữa hoặc trễ giấc ngủ khiến con khó chịu, luôn bám lấy mẹ. Lúc này, nếu nổi nóng và bực bội, mẹ và bé sẽ càng căng thẳng hơn. Thế nên hãy bình tĩnh giải quyết từng nhu cầu một cho bé.
Sau đó, mẹ cần xem lại thời gian biểu xem như thế đã hợp lý chưa. Nếu cần thiết có thể sửa lại để phù hợp hơn với bé nhà mình. Một khi đáp ứng đúng và đủ những nhu cầu cần thiết, bé cũng sẽ bớt “ăn vạ” dù trong quá trình khủng hoảng.
2.2. Để bé tự làm những gì mình muốn, mẹ không nên can thiệp nhiều nữa
Lúc lên 2 tuổi, bé sẽ nhận thức rõ ràng hơn về mọi thứ xung quanh và muốn được tự khám phá. Lúc này, nếu bé muốn tự ăn, mẹ hãy để bé tự ăn. Nếu bé muốn đi lại tự do, mẹ hãy cho bé tự do đi lại và trông chừng từ xa hay để ý xung quanh để bảo đảm an toàn cho con. Hãy cho bé làm những gì mình muốn trong giới hạn mà mẹ có thể bảo vệ được.
2 tuổi – cũng đã đến lúc mẹ không cần phải can thiệp vào mọi việc của bé. Không nên tiếp tục bó buộc hay ấp ủ bé quá kỹ nữa. Nếu thấy bé muốn tự làm thì đừng lo lắng mà cứ cho bé thử sức. Như vậy vừa giúp bé quên đi cảm giác khó chịu, vừa học hỏi được nhiều điều qua việc tự khám phá. Để con tự do trong phạm vi có thể và an toàn, cũng chính là cách giúp con phát triển.
2.3. Mẹ cần xây dựng mối quan hệ gắn kết với bé
Nguyên nhân khiến bé quấy khóc nhiều hơn trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 chính là không được thấu hiểu. Lúc này, nếu không biết bé cần gì, mẹ rất dễ “lạc quẻ” với bé. Từ đó, bé có thể dễ sinh ăn vạ và quấy khóc mà mẹ thì không biết đáp ứng như thế nào. Vậy làm sao giải quyết vấn đề rắc rối này?
Điều duy nhất có thể khắc phục vấn đề như thế chính là mẹ phải hòa nhập vào thế giới của bé. Bố mẹ nên chơi cùng con khi có thể. Mẹ có thể cho bé cùng làm việc nhà hoặc để bé cùng mẹ đọc sách, xem phim. Nếu là những việc lần đầu biết đến, bé sẽ càng hứng thú hơn khi chơi cùng bố mẹ. Qua những hoạt động chung, mẹ có thể thấu hiểu bé nhiều hơn và từ đó biết được nhu cầu của bé, điều bé muốn dễ dàng hơn. Khi đó, mẹ và bé sẽ chẳng còn tương khắc, mẹ cũng dễ đồng cảm hơn với con lúc khủng hoảng.
>>>>>Xem thêm: Sốt phát ban ở trẻ những dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa hiệu quả
Như bạn thấy ở trên, khủng hoảng tuổi lên 2 là vấn đề bình thường có thể gặp ở mọi đứa trẻ. Điều này đôi khi chẳng thể tránh khỏi. Chính vì thế, cha mẹ nên học cách thích nghi với điều này. Chúng ta cũng cần hiểu rõ ràng, rằng hiện tượng này hoàn toàn không phải bệnh lý. Chỉ là trong giai đoạn lên 2, con có những đột phá trong sự phát triển bản thân và cha mẹ cần kiên nhẫn hơn với bé mà thôi. 2 tuổi là giai đoạn cả cha mẹ và con đều phải “chạm trán” với rất nhiều khó chịu mệt mỏi. Song, nếu biết cách xử lý phù hợp, tận dụng thời cơ kết hợp, thì đây cũng chính là cơ hội tuyệt vời để phụ huynh dạy bé những thói quen tốt, giáo dục trẻ vào dần nề nếp cho suốt quãng thời gian sau này của con.
Trang Trần tổng hợp